Tin Việt Nam sáng thứ Bảy: Bệnh nhân COVID-19 thứ 50 tử vong; Miền Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt

Hiểu Minh

Thêm 92 người dương tính COVID-19

VnExpress – Tính đến tối thứ Sáu Bộ Y tế ghi nhận có 93 ca dương tính, gồm 87 ca trong nước và 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Trong ngày 4/6, Việt Nam ghi nhận thêm 224 ca mắc mới, gồm 219 ca trong nước chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM. Trong đó có 212 ca mắc mới phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.

Số lượng ca mắc cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay 5.175 ca. Có 13 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay đã thực hiện 1.543.672 mẫu cho 3.118.542 lượt người.

92 ca mắc mới được ghi nhận từ số 8196-8287, trong đó 87 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 62, Bắc Ninh 10, TP.HCM 15.

Bắc Giang; Ca 8196-8215, 8219, 8222-8225, 8227-8228, 8232, 8235, 8237-8241, 8257-8262, 8264-8266, 8269-8287 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp.

TP.HCM; Ca 8242-8256 gồm 13 ca liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, một ca là F1 của 4514, một ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 3/6 dương tính với nCoV.

Bắc Ninh; Ca 8226, 8229-8231, 8233-8234, 8236, 8263, 8267-8268 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh gồm 2 ca là F1 của 5156, 4 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, một ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, một ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Vân Trung. Kết quả xét nghiệm ngày 2-3/6 dương tính với nCoV.

5 ca nhập cảnh còn lại được cách ly ngay sau khi xuống máy bay.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 50 tử vong

VnExpress – Chiều 4/6 Bộ Y tế công bố “bệnh nhân 3780” tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết trên nền ung thư phổi di căn não, mắc Covid-19.

Theo Tiểu ban điều trị, bệnh nhân nam 67 tuổi, địa chỉ tại Giao Thủy, Nam Định. Bệnh nhân có tiền sử ung thư phổi giai đoạn IV di căn não từ 3 năm trước, đã phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải, xạ phẫu tổn thương não, điều trị hóa chất và xạ trị nhiều đợt tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 13/5 bệnh nhân được làm xét nghiệm nCoV và cho kết quả dương tính.

Ngày 14/5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 với chẩn đoán ban đầu: Covid-19 trên bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV di căn não. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp tăng dần, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm nấm huyết, đi vào sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng.

Bệnh nhân tử vong ngày 3/6 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết trên bệnh nhân ung thư phổi di căn não, mắc Covid-19. Đây là ca tử vong thứ 15 của đợt dịch này và thứ 50 kể từ đầu dịch.

Miền Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt

Dân Trí – Vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt kéo dài khoảng 7 ngày, miền Bắc và khu vực Trung Bộ được dự báo sẽ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt trong thời gian tới.

Tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hôm nay 4/6, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong các ngày từ 28/5 – 3/6, các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt trên diện rộng. Nhiệt độ nắng nóng trong ngày được ghi nhận từ 37 – 40 độ C.

Trong đó, một số nơi có nhiệt độ nắng nóng cao hơn như Lạc Sơn (Hòa Bình) trên 40,5 độ C; tại Chí Linh (Hải Dương) là 41 độ C. Hà Nội có nắng nóng 40,5 độ C; tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nắng nóng 41,9 độ C.

Ông Thái đánh giá đây là một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2021.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết thêm, trong thời gian tới, các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ còn xuất hiện 2 – 3 đợt nắng nóng gay gắt. Cụ thể, nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ sẽ tập trung vào tháng 6 – 7, Trung Bộ từ tháng 6 – 8. Cường độ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như năm 2020, nhưng khả năng nhiều khu vực sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất là 41 – 42 độ C.

Sài Gòn đề xuất cách ly F3 tại nhà

Zing – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay chùm ca bệnh đã 4-5 chu kỳ, có trường hợp truy vết thì phát hiện F3. Do đó, HCDC đang cân nhắc việc xét nghiệm và cách ly F3 tại nhà.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại Sài Gòn chiều 4/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, vừa phát hiện ca bệnh mới tại Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, 2 ca bệnh tại Bệnh viện FV. Các trường hợp có triệu chứng được phát hiện ở khâu khám sàng lọc.

Như vậy, gần đây, thành phố đã ghi nhận ca nhiễm tại 4 bệnh viện là Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Tân Phú, Bệnh viện FV, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn. Riêng Bệnh viện Tân Phú và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn có nhân viên mắc Covid-19 nên phong tỏa toàn bệnh viện.

Ngoài ra, chùm ca bệnh quán bánh canh quận 3 phát hiện thêm 2 ca dương tính. Hai bệnh nhân này ở trong khu cách ly từ trước nên không có nguy cơ lây lan.

Ngành y tế đang tiến hành xét nghiệm rộng, kiểm tra toàn bộ khu phố có ca bệnh. Ví dụ, Gò Vấp đã xét nghiệm 4 phường. Các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung và được kiểm tra liên tục vào ngày 1, 5, 10; F2 được cách ly tại nhà.

“Hiện nay, do chùm ca bệnh đã 4-5 chu kỳ, có trường hợp ta truy vết thì phát hiện F3. Chính vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) đang hướng tới ngoài xét nghiệm F2 thì F3 cũng được xét nghiệm và cách ly tại nhà”, ông Bỉnh cho hay.

Bộ Y tế tiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và 2 triệu mẫu test

Tuoitre – Sáng 4/6, tại Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã tiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao, phục vụ cho 2 triệu mẫu test của Tập đoàn Vingroup trao tặng với tổng giá trị hơn 460 tỉ đồng (tương đương 20 triệu USD).

Số máy xét nghiệm trên là kết quả cuộc đàm phán giữa Vingroup với Công ty Breathonix (Singapore) – nhà sản xuất máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới – để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8-2021.

Được biết, đến nay Vingroup đã tài trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, với tổng trị giá hơn 2.287 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, phương pháp xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở có ưu điểm đặc biệt nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải lấy dịch tỵ hầu và họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần, được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở. Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường.

Máy xét nghiệm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện COVID-19, cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút, với độ chính xác hơn 90%. Thiết bị xét nghiệm này đã được Cơ quan Khoa học y tế của Singapore (HSA) cấp phép.

Bắt giam nguyên phó chủ tịch tỉnh Phú Yên liên quan đấu giá sỉ 262 lô đất

NLD – Sáng 4/6, Công an Phú Yên cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên.

Ông Hiến bị bắt tạm giam 3 tháng để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí khi ký các quyết định trái pháp luật, trong việc đấu giá sỉ 262 lô đất ở Khu đô thị Nam Tuy Hòa (Phú Yên).

Khi giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Chí Hiến đã cho phép giảm hơn 8 tỉ đồng tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất của 262 lô đất tại khu đô thị, trái quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Triệu chứng COVID-19 xuất hiện khi nào sau tiếp xúc nguồn lây?

VnExpress – Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết sau khi tiếp xúc nguồn lây, những ngày đầu bệnh nhân Covid-19 thường không có triệu chứng.

Triệu chứng bắt đầu thấy rõ ở khoảng ngày thứ 5 đến ngày thứ 12 sau khi tiếp xúc với nCoV, rồi giảm dần. Từ khoảng ngày 15 đến ngày 21 sau tiếp xúc, rất ít có triệu chứng, theo bác sĩ Hà.

Các triệu chứng điển hình bắt đầu xuất hiện như ho khan và sốt nhẹ từ 38,1 độ C đến 39°C. Ở hầu hết bệnh nhân, bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và các triệu chứng sẽ khỏi trong khoảng một tuần. Nếu các triệu chứng càng kéo dài, nguy cơ tiến triển bệnh nặng càng cao hơn, đòi hỏi bệnh nhân phải nhập viện, hồi sức tích cực và thở máy xâm lấn.

Tiến triển bệnh Covid-19 thường khó dự đoán được, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền đi kèm. Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ hoàn toàn không có triệu chứng đến nhanh chóng chuyển nặng.

Những nghiên cứu sơ bộ trên thế giới hiện nay cho thấy tỷ lệ Covid-19 không triệu chứng chiếm khoảng 20-40% trong tổng số người nhiễm bệnh. Một số nghiên cứu khác cho rằng có thể một nửa số người nhiễm là người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Thuật ngữ y học gọi đây là người lành mang trùng đối với bệnh tả và người mang ký sinh trùng lạnh đối với bệnh sốt rét…

Trên thực tế, giới chức y tế vẫn chưa hiểu rõ về mức độ lây nhiễm của người mắc bệnh nếu họ không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Đợt dịch Covid-19 hồi tháng 2 tại Việt Nam, phân tích 240 bệnh nhân Covid-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhận thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng.

Các chuyên gia khuyến cáo, cách duy nhất phòng bệnh là phải cách ly tất cả người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19, khử khuẩn những nơi người bệnh đi qua. Người dân cần đeo khẩu trang, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên với xà phòng và sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; tránh dùng chung các vật dụng cá nhân; làm sạch các bề mặt tiếp xúc có nguy cơ nhiễm nCoV cao hàng ngày…

Các nhóm khách hàng được giảm tiền điện, giá điện trong 7 tháng liên tiếp

Vietnamnet – Bộ Công Thương cho biết: Từ cuối tháng 4/2021, dịch bệnh Covid-19 đợt 4 đã bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước. Sau khi báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương đang làm việc với các đơn vị liên quan để thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng, kể từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 cho các đối tượng sau: 

– Giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, theo quy định tại Luật Du lịch, từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh, xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

– Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở là nơi cách ly, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân Covid-19 không thu phí.

– Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sau thời gian hỗ trợ giảm giá điện này, các đơn vị bán lẻ điện sẽ tiếp tục áp dụng giá bán điện theo quy định của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt này khoảng 1.200 đến 1.300 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch Covid-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt.

Đợt 1 thực hiện từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020, đã hỗ trợ giảm tiền điện cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng. Đợt 2 thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2020, đã hỗ trợ giảm tiền điện cho khoảng 25,4 triệu khách hàng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của hai đợt trong năm 2020 khoảng gần 12.300 tỷ đồng.

Related posts