Từ nghiên cứu đến chuyện ngoài đời – Tamar Lê

Cách đây cũng cả mấy chục năm, tôi bay từ Tasmania lên Canberra dự hội nghị Congress of Applied Linguistics ở Australian National University. Tôi rất thích những đề tài nghiên cứu được trình bày ở hội nghị này, từ lý thuyết đến áp dụng trong giáo dục, tâm lý và xã hội. Vì đây là một hội nghị lớn, nhiều nghiên cứu viên trình bày nghiên cứu của mình, nên mình tha hồ chọn cái đề tài mà mình thích nghe. Tôi đi ngang một phòng chật ních cả người, nên cũng tò mò vô xem cho biết.

Đó là bài trình bày bởi Giáo sư McCausland về hiện tượng ‘gossiping’ (chuyện trò đồn đãi) trong ngữ học xã hội (sociolinguistics). Bây giờ tôi mới hiểu sao mà lắm người đam mê gossiping thế. Ngay cả trong hội nghị có tính cách khoa học, mà ‘gossiping’ cũng có chỗ đứng.

Giáo sư McCausland phân tích rằng ‘gossiping’ có những yếu tố chính: tò mò, đề tài, cấu trúc, đối tượng (targeted person), người tham dự (participants), và thể cách chia sẻ (close intimate sharing). Khi bài trình bày chấm dứt, có nhiều câu hỏi đặt ra để chất vấn tác giả, thí dụ như:

– Lý do tâm lý của gossiping?

– Có sự khác biệt giữa đàn bà và đàn ông trong gossiping? Ai ‘giỏi’ hơn ai?

– Gossiping ngoài đời và tai hại của nó?

Hồi tôi vô uống café ở Saigon Centre, gần những bàn ngồi cạnh bạn bè vừa uống café vừa gossiping: “ Trời ơi, bà vợ mới ra cửa là anh chàng ta có bồ đến thăm . . . rồi thì…” , hoặc là “Bà đánh bạc liên miên, thua tiền thì đi tìm bạn mượn tiền, không biết xấu hổ..” Tôi không chấp nhận gossiping, nhưng tai tôi thì có vẻ thích lắm.

Anh bạn Viễn Trình chia sẻ: “Đề tài xã hội này có vẻ thú vị đây! Nhớ mang máng đọc đâu đó câu “nếu gossip là thức ăn thì ai cũng bị mập hết.” Theo tui thì gossip có từ khi con người có ngôn ngữ và nhu cầu thông tin, một nhu cầu cực kì quan trọng trong quá trình phát triển xã hội. Thời còn nhỏ tui hay đứng nghe lén các bà trong xóm ngồi bắt chí cho nhau và “trao đổi thông tin” từ đầu đến cuối xóm… rồi về kể lại cho mấy bà chị tui nghe… có tin bà chị thích thú hỏi lui hỏi tới… có tin bà chỉ phán “ba láp”… Thôi, xin đừng ở đây, đề tài này nhạy cảm quá… tui có cảm giác như mình cũng đang tám…”

Trong thời đại điện tử, hình như ‘gossiping’ được phồn thịnh hơn, nhất là trong thời kỳ bị lockdown, người ta cần ‘giải tỏa’ tâm trạng mình nhiều hơn qua online gossiping? Không ngờ đề tài về gossiping tại hội nghị cũng đã trải qua mấy chục năm rồi, tưởng đã ra đi theo thời gian, nhưng không phải vậy đâu, vì còn nhiều người vẫn còn đam mê gossiping để quên đi ngày tháng.

Viết đến đây tôi liên tưởng câu nói của Francois Sagan: “Nàng ngồi trước gương chải tóc để giết thời gian, rồi bỗng nhiên nhận thức rằng thời gian đang giết mình.”

Related posts