Du Miên
Dù phía Trung Quốc quả quyết virus Corona Vũ Hán đã lây truyền tự nhiên từ dơi hay tê tê sang người, một nghiên cứu của Oxford đã chứng minh, 2 nghi phạm này lại có bằng chứng ngoại phạm.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy, khu chợ tươi ở Vũ Hán không hề có bán dơi hay tê tê, khi đại dịch virus Corona Vũ Hán khởi phát ở thành phố thuộc miền trung Trung Quốc này.
Các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố, chủng virus corona gây ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) có nguồn gốc bên ngoài quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng nó đến từ một phòng thí nghiệm cấp cao nhất ở Vũ Hán, nơi phát hiện các ca nhiễm bệnh đầu tiên, hoặc từ một khu chợ hải sản gần phòng thí nghiệm này.
Hồi tháng Ba, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này đã không tìm ra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán. Ngoài ra, báo cáo mà WHO đưa ra trong đó khẳng định chủng virus này “rất có thể” có vật chủ là động vật, đã không phân tích đầy đủ các giả thuyết khác về nguồn gốc của virus.
Theo Đại học Oxford, dơi và tê tê là 2 nghi phạm chính trong thuyết virus này phát triển từ tự nhiên, thì lại đều có bằng chứng ngoại phạm.
Trường đại học này cho biết, Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã (WILDCRU) của họ đã tình cờ làm việc với các đồng nghiệp ở Trung Quốc để thu thập các dữ liệu thu giữ được từ khắp các khu chợ tươi của Vũ Hán từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2019 để nghiên cứu một loại virus khác.
Trong một tuyên bố, giám đốc WILDCRU là Giáo sư David Macdonald cho biết, nghiên cứu này đã đưa nhóm nghiên cứu của Oxford “đến đúng nơi vào đúng thời điểm để ghi lại những động vật hoang dã được bán ở những khu chợ ngay trước khi đại dịch bùng phát”.
Nghiên cứu được tạp chí Nature công bố hôm 8/6 cho thấy, nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford đã ghi nhận 47.381 cá thể thuộc 38 loài được bán làm vật nuôi hoặc để làm thức ăn cho con người tại các khu chợ này, bao gồm lửng, chó gấu trúc, nhím, công và bò sát, nhưng không có dơi hoặc tê tê.
Giáo sư Macdonald giải thích: “Thực ra dơi hiếm khi được tiêu thụ ở miền trung Trung Quốc, trong khi các bức ảnh về các khu chợ [có bán dơi] thường là ở Indonesia. Buôn bán tê tê vẫn là một vấn đề trọng yếu ở các thành phố và nút giao dịch khác của Trung Quốc, nhưng không phải ở Vũ Hán”.
Gần đây, các câu hỏi xoay quanh nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán ngày càng gia tăng, với một số nhà khoa học trước đây từng bác bỏ lý thuyết virus rò rỉ từ trong phòng thí nghiệm, hiện đã rút lại các tuyên bố của mình.
Tổng thống Dân chủ của Hoa Kỳ là ông Joe Biden vào ngày 26/5 cho biết, ông muốn Cộng đồng Tình báo Mỹ đưa ra một báo cáo về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán trong 90 ngày.
Phủ Thủ tướng Anh tại Downing Street cũng đã tuyên bố, WHO cần phải “khám phá tất cả các giả thuyết có thể xảy ra”, mặc dù một cựu giám đốc tình báo cho biết tổ chức này là “một thất bại” trong ước tính của ông.
Tháng trước, 18 nhà nghiên cứu quốc tế đã ký một lá thư thúc đẩy một “cuộc điều tra thích hợp” về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán.
Nhà dịch tễ học Hoa Kỳ Ralph Baric là một trong những người đã ký vào lá thư này.
Ông Baric và Tiến sĩ Shi Zhengli – một nhà virus học cấp cao tại Viện Virus học Vũ Hán có biệt danh là “Bat Lady” vì những nghiên cứu của cô ấy về chủng virus corona ở loại dơi – đều là tác giả của một bài báo xuất bản năm 2015 về virus corona của dơi. Ông Baric cũng là một trong những nhà khoa học đã phân loại virus Corona Vũ Hán và đặt tên khoa học cho nó là “SARS-CoV-2”.