Đôi bạn trầm lặng – Tamar Lê

Đôi bạn trầm lặng

Trầm lặng là một đức tính quý của người Việt Nam mình. Trầm lặng ở đây không có nghĩa là ‘không có chi để nói’ hoặc là sự thụ động. Sự trầm lặng của người Việt mình, rất khả kính và đáng yêu, là biểu tượng của đà sinh lực trong nội tâm cũng như ngoài xã hội.

Vào năm 1980, Tasmania bắt đầu tiếp nhận người Việt tỵ nạn từ các nước Đông Nam Á. Khác với các tiểu bang khác của Úc, Tasmania có ít dân số và rất ít người gốc Á Châu. Lúc đó, tôi mong muốn được gặp những gia đình tỵ nạn Việt Nam đến định cư ở Tasmania. May sao tôi có được cơ hội quý giá này. 

Tôi lái xe từ Launceston xuống Hobart, cách nhau khoảng 200 km, vào một ngày cuối thu thì phải. Khi đến Hobart thì trời đã bắt đầu tối. Như là một sự diệu kỳ, sự ảm đạm của đầu mùa đông tan biến mất ngoài trời cũng như trong lòng tôi khi đôi vợ chồng trẻ, Tân và Oanh, tươi cười thân mật đón tôi vào nhà. Nói là ‘nhà’ nhưng thật ra đây là một căn flat nhỏ mà có đến hai gia đình tạm trú. Tân và Oanh không chịu cho tôi ra về cho đến khi ăn xong với hai bạn một bữa cơm đạm bạc nhưng đầy tình người. Chúng tôi ngồi ăn trên sàn nhà với mấy tờ báo cũ lót ra làm ‘bàn ăn’.

Đối với tôi, Tân và Oanh là ‘unsung heroes’ (anh hùng thầm lặng) tượng trưng cho người Việt mình. Hai bạn làm việc rất cần cù để kiếm sống trong giai đoạn chuyển tiếp gay go trong đời mình trên xứ người. Sau đó, đôi bạn này là chủ vài cái caravans bán đồ ăn Việt ở khu phố Salamanca Market muôn màu muôn sắc, nhất là vào cuối tuần. Từ đó ‘Vietnamese Kitchen’ là một icon (nét son) của khu phố cổ, phồn thịnh, và đầy văn hóa Salamanca, và gia đình Tân Oanh được thành công hơn, con cái đã học xong đại học và đang đóng góp nhiều cho đời.

Nhiều người ở Hobart thương mến Tân Oanh qua sự khiêm nhường, thân thiện và đầy tình người, chứ không phải vì hai bạn này là ‘đại gia’ Việt mới của Tasmania, hoặc là ngôi nhà của họ bây giờ không còn là một căn flat nhỏ ở North Hobart nữa mà là một ‘dinh thự’ trên một vùng đồi cao lãng mạn ở khu Sandy Bay sang trọng nhìn ra Tasman Bridge của Tasmania (cũng là láng giềng của anh Thông, cựu Giáo Sư Khoa Trưởng phân khoa kỹ sư của University of Tasmania).

Cánh đây khoảng ba năm, Tân Oanh sắp xếp dọn qua Melbourne để sống gần con cái sau khi về hưu. Tôi mừng quá khi được gặp lại đôi bạn hiền của những ngày xưa thân ái ở Tasmania. Cứ mỗi lần gặp Tân và Oanh, tôi và QH lại được sống lại những kỷ niệm êm đềm của ngày tháng trên mảnh đất thần tiên Tasmania.

Nhưng cuộc đời không còn giữ lại cho người cơn gió mát mùa hạ và làn sóng nhẹ nhàng êm đềm trên mặt nước hồ thu. Năm nay, khi Melbourne man mác buồn vào thu, cũng là lúc Oanh chia tay với đời, ra đi trong sự thương nhớ của gia đình và bạn bè, và để lại Melbourne dòng sông vắng lạnh với những cơn mưa đầy nước mắt.

Related posts