Vaccine không phải là ‘viên đạn bạc’ chống covid-19

GS Nguyễn Văn Tuấn

Đó là nhận định của một viên chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) [1], và tôi đồng ý. Mục đích chính của các vaccine hiện nay là phòng ngừa người bị nhiễm bị bệnh nặng, chớ không phải ngăn ngừa lây nhiễm. Phương tiện ngăn ngừa lây nhiễm hữu hiệu nhứt là hạn chế tụ tập.

Hiệu quả của vaccine

Việt Nam hiện nay đang có chủ trương mua vaccine từ nhiều nguồn, kể cả từ Tàu. Câu hỏi đặt ra là các vaccine này có hiệu quả ra sao, và có thể so sánh để có một cái nhìn tổng quan? Cách thức để đánh giá hiệu quả (efficacy) của vaccine là qua các nghiên cứu RCT, so sánh xác suất bị nhiễm ở người được tiêm và người không được tiêm. Trong thực tế thì các vaccine được lưu hành hiện nay đều đã qua thử nghiệm RCT, và tôi có thể tóm tắt hiệu quả của các vaccine đó như sau:• Pfizer/BioNtech vaccine: 95% [2]• Sinovac (Tàu): 50% [3]• Johnson & Johnson: 72% [4]• Moderna (Mĩ): 94% [5]• Oxford/AstraZeneca (AZ): 70% [6]• Novavax: 86% với biến thể B.1.1.7 và 55% với B.1.351 [7].
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy vaccine của Tàu có hiệu quả thấp nhứt so với các vaccine phương Tây.
Có lẽ các bạn hỏi ‘còn vaccine Nga thì sao?’. Xin thưa là số liệu của vaccine Nga công bố trên Lancet được đánh giá là không đáng tin cậy vì có khá nhiều điều bất thường và khó giải thích và kém minh bạch. Vì thế, trong y giới phương Tây, vaccine của Nga ít khi được đề cập đến.

Độ hữu hiệu của vaccine

Ở trên là tôi mô tả về hiệu quả = efficacy, còn mức độ hữu hiệu = effectiveness thì sao? Các bạn ngoài ngành y có thể không phân biệt hai khái niệm hiệu quả và hữu hiệu.
Hiệu quả là thước đo tác dụng của vaccine trong các nghiên cứu có kiểm soát (như RCT chẳng hạn), tức là trong môi trường mà bệnh nhân được chọn lọc cẩn thận và theo dõi tốt. Còn hữu hiệu là thước đo về tác dụng của vaccine sau khi đã được triển khai trong cộng đồng, nơi mà nhà nghiên cứu không kiểm soát được và cũng khó theo dõi các cá nhân dùng vaccine. Tóm lại, hiệu quả là trong thử nghiệm, hữu hiệu là trong triển khai. Đối với người làm chính sách, chỉ số hữu hiệu quan trọng hơn chỉ số hiệu quả.Hiện nay, chúng ta rất thiếu những dữ liệu về hữu hiệu của vaccine trong cộng đồng, bởi vì chỉ có một số ít quốc gia triển khai vaccine trong cộng đồng. Các nước triển khai vaccine khá sớm là Anh và Do Thái. Do đó, dữ liệu sơ khởi ở 2 nước này có thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng quát về sự hữu hiệu của vaccine.
Anh: theo một phân tích công bố vào tháng 4 thì trong số 365.000 hộ gia đình, một số được tiêm vaccine và một số chưa tiêm, thì vaccine Pfizer hoặc AZ giảm xác suất lây nhiễm khoảng 40 – 60% (trung bình 50%) [8]. Con số này có nghĩa là nếu một người bị nhiễm sau khi được tiêm vaccine, xác suất mà người đó sẽ lây cho người khác là ~50% thấp hơn người không được tiêm vaccine.
Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: nếu một người bị nhiễm và được tiêm vaccine thì xác suất mà người đó bị nhiễm lần nữa là bao nhiêu? Thuật ngữ dịch tễ học gọi những ca này (tái nhiễm) là ‘breakthrough infection’ hay ‘nhiễm đột phá.’
Do Thái: một phân tích khác ở Do Thái phát hiện gần 5000 nhiễm đột phá ở những người đã được tiêm vaccine Pfizer [9].
Như có thể thấy qua các phân tích về sự hữu hiệu, vaccine không có tác dụng ngăn ngừa 100% các ca lây nhiễm. Độ hữu hiệu thấp hơn nhiều hiệu quả lúc thử nghiệm.
Tiêm vaccine cũng không có nghĩa là sẽ không bị lây nhiễm, và như nghiên cứu ở Do Thái cho thấy có gần 5000 người bị nhiễm đột phá là điều đáng quan tâm.
Hai kết quả trên tái xác định rằng vaccine tuy rất quan trọng, nhưng nó không phải là viên đạn bạc để chống virus Vũ Hán.
Kinh nghiệm ở Úc cho thấy chống dịch hữu hiệu nhứt vẫn phải dựa vào các phương cách y tế công cộng.
Các phương cách này bao gồm đóng cửa biên giới, giới hạn giao thông công cộng (xe điện, bus), lockdown toàn quốc, hạn chế tụ tập dưới 50 người, v.v.
Trong tất cả các phương cách này, khoa học chỉ ra rằng giới hạn tụ tập và hạn chế đi lại ở những vùng có ổ dịch là hữu hiệu nhứt. ‘Giới hạn’ ở đây có nghĩa là trong một thời gian nhứt định. Ví dụ như khi ổ dịch ở Manly xảy ra, các giới chức y tế chỉ hạn chế đi lại khu vực đó khoảng 1 tuần, chớ không phải lâu dài. Dĩ nhiên, khi vaccine được triển khai cho chừng 70% dân số thì các biện pháp y tế công cộng sẽ giảm đến mức tối thiểu.
____[1] https://www.who.int/…/covid-19-vaccines-offer-hope-but…[2] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa2034577[3] https://www.nature.com/articles/d41586-021-00094-z[4] https://www.nytimes.com/…/johnson-johnson-covid-vaccine…[5] https://www.cdc.gov/…/different-vaccines/Moderna.html[6] https://tuanvnguyen.medium.com/vaccine-efficacy-beyond…[7] https://ir.novavax.com/…/novavax-confirms-high-levels…[8] https://khub.net/…/35bf4bb1-6ade-d3eb-a39e-9c9b25a8122a…[9] https://www.nature.com/articles/s41591-021-01316-7

Related posts