RFA
Tại lượt đấu vòng loại World Cup 2022 vào rạng sáng ngày 8/6/2021, Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã giành chiến thắng với tỉ số 4-0 trước Indonesia. Ngay sau đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng toàn thể Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam, Ban huấn luyện và cá nhân Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo.
Trong thư chúc mừng của ông Phạm Minh Chính được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải cùng ngày, điều làm dư luận chú ý là ông Chính cho rằng kết quả trận đấu Việt Nam – Indonesia 4-0 là ‘hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc’ (!?).
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 9/6, nhận định:
“Tôi nghĩ đây là sự sẩy miệng rất đáng tiếc của ông Thủ tướng, mà thật sự đối với các lãnh đạo Việt Nam thì họ hay sẩy miệng như thế lắm. Nhiều khi họ ăn nói không suy nghĩ gì cả, tức là cậu thư ký hay quân sư nào đấy đầu óc nó ngắn cũn… nó vẽ ra cái gì đấy thì họ tưởng đấy là hay, thế là họ nói. Tôi nghĩ đấy là một căn bệnh mà rất nhiều lãnh đạo Việt Nam mắc phải. Theo tôi đó là một kỹ năng rất cần thiết của một nhà chính trị, chắc là họ phải học kỹ hơn một chút, để cho người khác dạy cho kỹ năng làm chính trị gia…”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chuyện này có nguồn gốc sâu xa của nó mà người ta gọi là ‘sự kiêu ngạo cộng sản’. Tính kiêu ngạo này đã ăn sâu vào gen cộng sản của họ rồi, cho nên việc họ sẩy miệng như thế đã trở thành một căn bệnh.
Tôi cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng không tránh khỏi búa rìu dư luận bởi vì chẳng lẽ ông ký thư đó mà không đọc à? Hay ông đọc mà vẫn ký và cho đó là bình thường? Trên FB tôi cũng đặt câu hỏi công khai: “Nay mai đội nhà có trận thua phải xách vali về thì bản sắc dân tộc không còn đậm đà nữa hay sao?
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Còn Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TPHCM, khi trao đổi với RFA tối 9/6 thì cho rằng:
“Mấy ông chính trị gia Việt Nam thường thường sử dụng một loạt thư ký để viết. Những thư ký ấy họ có thể giỏi giang về mặt gì không rõ, nhưng có rất nhiều sự cố của các vị lãnh đạo khác nhau, không chỉ ông Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, ông Phúc cũng vài lần như vậy rồi. Đầu tiên là các ổng phải biết dùng người, những thư ký đó không biết viết, họ thiếu cái nhạy cảm bình thường. Thành ra họ nói những gì to tát thì người dân không thể biết đâu là đúng sai… dân đâu có tư liệu để kiểm tra. Nhưng những câu nói bình thường như vậy thì người dân với trình độ văn hóa bình thường cũng biết đó là nói nhảm.”
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, Việt Nam chiến thắng trong một trận đấu quan trọng như vậy thì nên vui mừng, và cũng nên có những lời động viên. Nhưng người lãnh đạo phải biết nói những gì cần nói và đáng nói, chứ không phải vì mục đích động viên mà nói quá lên thì người ta cười.
Nhà báo Mai Bá Kiếm – Nguyên Quyền trưởng ban Kinh tế của Báo Phụ Nữ, trong bài viết mới đây của ông đăng tải trên trang FB cá nhân về việc này có tên ‘Kinh nghiệm viết diễn văn cho thủ trưởng!’ cho rằng, lá thư dài 336 chữ của ông Chính gửi đội tuyển bóng đá là ngắn nhưng không gọn! Nhà báo Mai Bá Kiếm đồng ý cho RFA trích dẫn như sau:
“Lá thư gồm năm đoạn tiết (paragraph), bố cục tốt vì cứ hết một mạch văn là xuống hàng. Tuy vậy, chỉ có đoạn tiết năm là một câu đơn 12 chữ (Chúc toàn thể Đội tuyển mạnh khỏe, thành công và chiến thắng), bốn đoạn tiết còn lại gồm sáu câu phức hợp dài lê thê. May là Thủ tướng gửi thư cho Đội tuyển, chứ nếu đọc Thủ tướng có thể hụt hơi!”
Nhà báo Mai Bá Kiếm còn dẫn chứng vào năm 1990, khi TPHCM tổ chức sơ kết Phong trào Xóa đói giảm nghèo tại Nhà hát lớn, ông Lâm Văn Lá – Chủ tịch Hội Nông dân Tập thể đọc báo cáo với các câu phức hợp lê thê xen lẫn số liệu dày đặc. Gần cuối bài, ông líu lưỡi nói “TPHCM quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt phong trào “xóa đ… giảm ngòi”. Cả nhà hát cười khiến ông Lâm Văn Lá cứ “xóa ….” mấy lượt mới định thần mà “hoàn nguyên” cụm từ “xóa đói…”!
Trở lại lá thư khen đội tuyển của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Nhà báo Mai Bá Kiếm cho rằng người chấp bút màu mè chi mà nói đội tuyển ‘được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc’? Ông viết dí dỏm: “Cái vụ ‘đậm đà’ này dễ nói lộn thành ‘bản sắc dân… nhậu’ lắm nha!”
Tôi nghĩ đây là sự sẩy miệng rất đáng tiếc của ông Thủ tướng, mà thật sự đối với các lãnh đạo Việt Nam thì họ hay sẩy miệng như thế lắm. Nhiều khi họ ăn nói không suy nghĩ gì cả, tức là cậu thư ký hay quân sư nào đấy đầu óc nó ngắn củn… nó vẽ ra cái gì đấy thì họ tưởng đấy là hay, thế là họ nói.
-TS. Nguyễn Quang A
Trong khi đó, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói với RFA hôm 6/9 rằng câu nói của ông Chính trong thư có phần lộng ngôn:
“Trong thư khen của Thủ tướng thì tôi thấy có câu thiếu suy nghĩ và có phần lộng ngôn, huênh hoang. Trên mạng, nhà báo Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lưu có viết trên FB, theo mình hiểu là thanh minh cho Thủ tướng… vì thư đó là do thư ký viết. Tôi thì cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng không tránh khỏi búa rìu dư luận bởi vì chẳng lẽ ông ký thư đó mà không đọc à? Hay ông đọc mà vẫn ký và cho đó là bình thường? Trên FB tôi cũng đặt câu hỏi công khai: “Nay mai đội nhà có trận thua phải xách vali về thì bản sắc dân tộc không còn đậm đà nữa hay sao?”
Nhà báo Lưu Trọng Văn vào ngày 8/6 trên trang FB cá nhân của mình có viết: “Các lãnh đạo của Việt Nam đôi khi chọn các thư ký, trợ lý cho mình là những người am hiểu thủ tục hành chính, hiểu biết kinh tế và chính trị Mác-Lê mà thiếu chiều sâu văn hoá và thực tiễn nhân văn xã hội. Các thư ký, trợ lý này thường viết thay cho lãnh đạo thỉnh thoảng ‘bỏ bom’ cho lãnh đạo những câu khó đỡ. Có vị lãnh đạo khi nói có thể hiện tầm tư duy rất sáng, nhưng đôi lúc để các thư ký viết văn bản mà không lọc lại kỹ thì lập tức có… vấn đề.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, đá banh thắng thua là chuyện bình thường, mà ‘hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc’ thì ông Tạo thấy nó không ăn nhập vào đâu, buồn cười và lố bịch… Ông nói tiếp:
“Không chỉ mình tôi đâu, trên mạng người ta cũng đem ra làm trò cười. Tôi nghĩ đây là bài học mà các vị quan chức Nhà nước, tai to mặt lớn, chính khách… phải hết sức thận trọng lời ăn tiếng nói. Trước đây từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng đã nhiều lân như thế. Đặc biệt là khi ông phát biểu liên quan Dự án Mekong đã nói mấy lần ‘cờ lờ mờ vờ…”làm mọi người không hiểu ổng nói gì? Mãi mới hiểu là Campuchia, Lào, Miến Điện và Việt Nam.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng đây là bài học mà các vị lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam cần phải chú ý, để tránh xảy ra những trường hợp tương tự sau này.