Nhật Bản sẽ bảo vệ tàu chiến Úc theo luật an ninh mới
Thụy My
Các tàu Hải quân Úc sẽ được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bảo đảm an ninh nếu yêu cầu, theo một thỏa thuận ngày 09/06/2021 liên quan đến luật an ninh quốc gia mới do chính quyền tiền nhiệm thông qua. Như vậy Úc là quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ được hưởng quyền này.
Theo báo Nhật Asahi, thỏa thuận đã đạt được sau cuộc họp qua video giữa lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao hai nước. Phía Nhật Bản là ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi, và đồng nhiệm phía Úc là Marise Payne và Peter Dutton.
Đạo luật an ninh quốc gia, vốn gây tranh cãi, có hiệu lực từ năm 2016 cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bảo vệ các tàu Hải quân Mỹ. Từ khi bắt đầu được đưa ra Quốc Hội thảo luận, Úc đã được coi là ứng viên tương lai được bảo vệ, nếu có nhu cầu.
Nhật Bản và Úc đã siết chặt hợp tác trong những năm gần đây, một phần nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Quyết định mới đây cho thấy hai nước đã gần như là đồng minh. Một khi nhận được yêu cầu bảo vệ từ Úc, Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ quyết định mà không nhất thiết phải báo cáo chi tiết với Quốc Hội Nhật Bản. Trong cuộc họp hôm qua, đôi bên cũng đồng ý gia tăng các cuộc thảo luận nhằm tạo điều kiện viếng thăm lẫn nhau trong các cuộc tập trận chung.
Thông cáo chung Nhật-Úc lần đầu tiên nêu ra Trung Quốc là quốc gia đáng quan ngại do các hành động trên Biển Đông. Thông cáo nói rằng Nhật Bản và Úc « phản đối các yêu sách và hoạt động trên biển của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) », đồng thời nhấn mạnh « tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ».
Theo luật an ninh sửa đổi, việc bảo vệ các chiến hạm và phi cơ Mỹ chủ yếu được tiến hành trong các cuộc tập trận chung, và trong năm 2020 đã có đến 25 cuộc – con số cao nhất từ trước đến nay.
Vac-xin ngừa Covid-19: Nghị Viện Châu Âu thảo luận về đình chỉ bảo hộ sáng chế
Thùy Dương
Chủ đề đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vac-xin ngừa Covid-19 lại được đưa ra thảo luận ở Nghị Viện Châu Âu. Hôm qua 09/06/2021, các nghị sĩ châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu về việc có nên yêu cầu Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) từ bỏ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi hay không.
Trả lời đài RFI, nghị sĩ châu Âu Manon Aubry thuộc nhóm cánh tả châu Âu thống nhất, nhận định với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, phải mất 27 năm nữa thì toàn nhân loại mới được tiêm ngừa và 70% số liều vac-xin nằm trong tay các nước giàu có. Chính quyền của tổng thống Mỹ Biden đã ủng hộ kiến nghị của hai nước Ấn Độ và Nam Phi, nhưng trong nội bộ Liên Âu vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng. Ủy Ban Châu Âu cũng như nhiều nước thành viên Liên Hiệp đều phản đối việc đình chỉ bảo hộ sáng chế.
Nghị sĩ Pháp Véronique Trillet-Lenoir thuộc nhóm Renew cho rằng đình chỉ bảo hộ sáng chế không phải là giải pháp duy nhất và tốt nhất, bởi sẽ rất khó hình dung công nghệ tân tiến RNA thông tin có thể nhanh chóng được triển khai ở châu Phi. Thay vào đó, nên đặt ra các ưu tiên khác, đặc biệt là việc cho tặng vac-xin, xuất khẩu và tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp.
Phái đoàn Pháp của nhóm nghị sĩ cánh hữu Đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP) cũng bỏ phiếu chống. Nghị viên François Xavier Bellamy giải thích việc đình chỉ bảo hộ sáng chế vac-xin ngừa Covid-19 sẽ thúc đẩy các công ty ngưng đầu tư vào nghiên cứu y tế hoặc giữ kín thông tin về các khám phá mới.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen vẫn giữ nguyên lập trường phản đối đình chỉ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các kiến thức, công nghệ để sản xuất vac-xin và khẳng định không thể đạt được điều đó đơn giản chỉ bằng cách dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.
Mỹ: Ngũ Giác Đài phải “biến lời nói thành hành động” để đối phó với Trung Quốc
Thùy Dương
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua 09/06/2021 yêu cầu Lầu Năm Góc thực hiện các ưu tiên đã đề ra để đối phó với Trung Quốc.
Theo nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, các hoạt động của Lầu Năm Góc vẫn chưa cho thấy sự gia tăng nỗ lực để đối phó với sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, đối thủ chiến lược số một của Washington.
Chiến lược quốc phòng Mỹ công bố hồi năm 2018 đã xác định Trung Quốc là một trong những mối đe dọa chính của Hoa Kỳ và Washington cần chống lại. Nhưng theo kết luận của một nhóm công tác đặc biệt do tổng thống Joe Biden thành lập hồi tháng 02/2021 nhằm đối phó mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh, trong vòng 3 năm qua, Lầu Năm Góc đã không có nhiều hoạt động để thực hiện chiến lược quốc phòng nói trên.
Một quan chức cấp cao của bộ Quốc Phòng Mỹ xin ẩn danh cho báo chí biết là nhóm công tác đã nhận thấy có một « khoảng cách giữa lời nói và việc làm » trong các vấn đề liên quan đến « các nguồn lực và quyết định » để đối phó với Trung Quốc. Quan chức này nhấn mạnh chiến lược quốc phòng năm 2018 có tầm quan trọng sống còn với nước Mỹ, nhưng giờ đây vấn đề là phải bảo đảm rằng bộ Quốc Phòng đáp ứng mối ưu tiên đề ra về Trung Quốc.
Theo AFP, để đạt mục tiêu nói trên, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đã quyết định đích thân giám sát việc triển khai thực hiện các khuyến cáo của nhóm công tác đặc biệt của tổng thống Biden. Bộ trưởng Lloyd Austin cũng tuyên bố những nỗ lực mới nhằm thay đổi hướng đi của Lầu Năm Góc, vốn dĩ bị coi là một « cỗ máy quan liêu khổng lồ » và « cho phép bộ Quốc Phòng Mỹ hồi sinh mạng lưới đồng minh và các quan hệ đối tác của Washington, tăng cường khả năng răn đe, đẩy mạnh sự phát triển các khái niệm tác chiến mới, các khả năng mới trỗi dậy và sự triển khai mới về các lực lượng » của Hoa Kỳ.
Biden hủy các biện pháp cấm TikTok và WeChat
Thụy My
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 09/06/2021 thông báo hủy các sắc lệnh của người tiền nhiệm Donald Trump cấm TikTok và WeChat cùng với 8 ứng dụng khác của Trung Quốc. Thay vào đó là một sắc lệnh mới, yêu cầu mở điều tra về các nguy cơ thực sự từ các ứng dụng internet của nước ngoài.
AFP trích thông cáo của Nhà Trắng cho biết sắc lệnh mới nhắm vào tất cả « những phần mềm ứng dụng kết nối có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ và người dân Mỹ ». Kể cả các ứng dụng được « sở hữu, kiểm soát, quản lý bởi những người ủng hộ các hoạt động quân sự hay gián điệp của một nước khác, hoặc liên can đến hoạt động gây hại trên mạng, thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm ». Khái niệm dữ liệu nhạy cảm gồm cả các thông tin giúp nhận diện được cá nhân và thông tin di truyền.
Các cơ quan hữu quan gồm bộ Thương Mại, Ngoại Giao, Quốc Phòng, Nội Vụ, cơ quan tình báo có bốn tháng để báo cáo chi tiết và đưa ra những khuyến nghị cho chính phủ.
TikTok và WeChat không trả lời hãng tin Pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc tại vị đã khẳng định các ứng dụng Trung Quốc này là một mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia. Ông cáo buộc WeChat – ứng dụng không thể thiếu trong cuộc sống người dân Hoa lục từ liên lạc thông tin đến thanh toán, đặt chỗ – và TikTok rất được giới trẻ ưa chuộng, thu thập các dữ liệu mật và chuyển cho Bắc Kinh.
Ngoài ra, TikTok hiện nay vẫn là mục tiêu điều tra của CFIUS, cơ quan trực thuộc bộ Tài Chính phụ trách xem xét các đầu tư nước ngoài có tiềm ẩn nguy cơ cho an ninh quốc gia hay không.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác giải quyết bất đồng
Về phía Trung Quốc hôm nay 10/06/2021 nói rằng bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Gina Raimondo. Theo Reuters, đôi bên thỏa thuận sẽ xúc tiến thương mại một cách lành mạnh, và hợp tác để giải quyết các bất đồng, duy trì các kênh liên lạc.
Vào đầu tháng, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) cũng trao đổi với bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen và trước đó đã nói chuyện « thẳng thắn » với đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai.
Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội tham nhũng
Thùy Dương
Bà Aung San Suu Kyi, nguyên lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện bị quân đội làm đảo chính, lật đổ hồi đầu tháng Hai, vừa bị tập đoàn quân sự cáo buộc thêm tội tham nhũng.
Hôm nay, 10/06/2021, tờ báo chính thức của Miến Điện, The Global New Light of Myanmar, loan tin, bà Aung San Suu Kyi bị buộc tội nhận trái phép « 600.000 đô la và 11 kg vàng » từ Phyo Min Thein, khi đó là bộ trưởng phụ trách vùng Rangoon. Bà còn bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cho quỹ từ thiện Daw Khin Kyi, do chính bà làm chủ tịch, thuê đất với những điều kiện có lợi.
Theo tờ báo, bà Aung San Suu Kyi bị buộc tội theo điều 55 luật chống tham nhũng và có thể bị kết án nhiều năm tù.
Tuy nhiên, ông Khin Maung Zaw, một trong những luật sư của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, nói với AFP là những lời buộc tội trên là « vô căn cứ » và chỉ nhằm làm hoen ố hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi và khiến bà không thể tham gia chính trường trở lại.
Chuyên gia Richard Horsey của trung tâm phân tích International Crisis Group nhắc lại các chế độ quân sự Miến Điện luôn muốn « chụp mũ » tham nhũng cho các đối thủ.
Quân đội Miến Điện đã tiến hành đảo chính ngày 01/02/2021, và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Cho tới nay, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, giải Nobel Hòa Bình năm 1991, vẫn bị quản thúc tại gia và phải đối mặt với các thủ tục tố tụng với nhiều tội danh như sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm, kích động gây rối trật tự công cộng, vi phạm một đạo luật về bí mật Nhà nước….
Theo dự kiến, phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo chính quyền dân sự vì tội nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm, không tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19 và vi phạm luật viễn thông sẽ khởi động vào ngày 14/06. Phiên tòa xử bà về tội « nổi loạn » cùng cựu tổng thống Win Myint sẽ mở ra ngày 15/06.
Nga: Các tổ chức của nhà đối lập Navalny bị xếp vào loại “cực đoan”
Thụy My
Tư pháp Nga hôm 09/06/2021 tuyên bố các tổ chức của Alexei Navalny là « cực đoan », mở đường cho việc đàn áp phong trào chống tham nhũng của ông. Nhà đối lập đang bị giam giữ lập tức cho biết « sẽ không lùi bước ».
Vào lúc sắp đến cuộc bầu cử Quốc Hội, tòa án Moscow ra lệnh giải tán các tổ chức của Alexei Navalny, đặc biệt là Quỹ chống tham nhũng (FBK), nổi tiếng với các cuộc điều tra gây chấn động về cuộc sống xa hoa và nạn tham ô của quan chức. Các văn phòng khu vực phụ trách việc tổ chức các cuộc biểu tình và chiến dịch tranh cử cũng cùng chung số phận. Các tổ chức này bị cho là « cực đoan », phổ biến các thông tin gây thù hận.
Phán quyết được đưa ra trong phiên tòa kéo dài 12 giờ. Các luật sư tố cáo « một phiên xử kín với một số tài liệu bị xếp loại mật », và tuyên bố sẽ kháng cáo. Họ cho biết: “Tất cả các yêu cầu của bên biện hộ đều bị bác bỏ, không có bằng chứng buộc tội xác đáng nào được đưa ra ». Trong khi đó, Viện Kiểm sát hoan nghênh một quyết định « hợp pháp và hợp lý”.
Kết quả không gây ngạc nhiên vì mạng lưới văn phòng khu vực của ông Navalny từ cuối tháng Tư đã bị cơ quan giám sát tài chính xếp vào danh sách các tổ chức « cực đoan ». Nhiều văn phòng đã phải tự giải thể để tránh cho các nhân viên khỏi bị khởi tố. Tư pháp hôm qua ra lệnh giải tán các tổ chức còn lại.
Đây là sự kiện mới nhất sau nhiều tháng đàn áp đối lập, với việc kết án hai năm rưỡi tù và tống giam khuôn mặt hàng đầu Alexei Navalny, 45 tuổi. Ngoài ra chính quyền cũng tấn công báo chí độc lập và các tiếng nói phản biện khác. Chẳng hạn Andrei Pivovarov, bị bắt vì hợp tác với tổ chức Open Russia của nhà tài phiệt lưu vong Mikhail Khodorkovski, hay Dimitri Goudkov, một ứng cử viên độc lập nay đã trốn sang Ukraina.
Tài khoản Instagram của Alexei Navalny tối qua kêu gọi tiếp tục ủng hộ phong trào, và bỏ phiếu cho các ứng cử viên được ê-kíp ông giới thiệu trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Chín. Bài viết khẳng định sẽ xoay sở và thích ứng nhưng không lùi bước, « đó là đất nước chúng ta, và chúng ta không có tổ quốc nào khác ».
Hoa Kỳ lên án quyết định “đặc biệt đáng quan ngại” của tư pháp Nga, trong khi Anh tố cáo một phán quyết « ác độc ».
Phát ngôn viên Ned Price của bộ Ngoại Giao Mỹ nói rằng : « Quyết định này khiến các nhân viên, tình nguyện viên và hàng ngàn người ủng hộ trên khắp nước Nga bị đe dọa khởi tố và tống giam vì đã thực hiện các quyền căn bản của con người được Hiến Pháp Nga bảo đảm », đồng thời kêu gọi trả tự do lập tức và vô điều kiện cho Alexei Navalny.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố: “Đây lại là một cuộc tấn công độc ác vào những người đứng lên chống lại nạn tham nhũng, đấu tranh cho một xã hội cởi mở, cố tình mưu toan đặt ra ngoài vòng pháp luật những nhà đối lập thực sự ở Nga”.