Vũ Dương
Thuật ngữ “nằm ngửa” gần đây đã trở thành một từ thông dụng ở Trung Quốc Đại lục. Về điều này, học giả Hồng Kông Triệu Thiện Hiên đã chỉ ra rằng Hồng Kông và Nhật Bản cũng từng có loại văn hóa tương tự như vậy, bởi đây cùng là hiện tượng xã hội gây ra bởi xung đột giữa thế hệ trẻ sau chiến tranh và thế hệ trẻ sống trong thời đại mới. Tuy nhiên, nó cũng có chỗ khác biệt với Chủ nghĩa Nằm ngửa của Trung Quốc hiện nay.
Chủ nghĩa Nằm ngửa là gì? Theo giải thích trên mạng, lớp trẻ Trung Quốc nhìn nhận rằng thay vì không ngừng nỗ lực theo đúng sự kỳ vọng của xã hội, chi bằng hãy “nằm ngửa”, “cuộn mình vào trong” mà đối kháng với xã hội. Chủ nghĩa nằm ngửa bao gồm “không mua nhà, không mua xe, không kết hôn , không sinh con, không tiêu dùng “, “duy trì một tiêu chuẩn sống tối thiểu, từ chối trở thành một cỗ máy sinh lợi hoặc nô lệ mặc cho người ta bóc lột”.
Học giả Hồng Kông Triệu Thiện Hiên dẫn lời học giả Nhật Bản Kenichi Ohmae nói rằng, Nhật Bản khoảng hơn chục năm trước đã bước vào một “xã hội ham muốn thấp”, ủng hộ chủ nghĩa tối giản và lấy sự đơn giản làm mục tiêu của cuộc sống. Cách đây vài năm, ở Hồng Kông cũng xuất hiện văn hóa “giới trẻ theo trường phái Phật”, tức là những người trẻ sống một cuộc sống không ham muốn không truy cầu, không đấu đá không tranh giành, vui vẻ với cuộc sống thanh đạm.
Ông Triệu nhận định rằng các nguồn lực của xã hội Hồng Kông và Nhật Bản chủ yếu được kiểm soát bởi thế hệ trẻ bùng nổ sau chiến tranh. “Trong thời kỳ chiến tranh xã hội không có gì cả, vậy nên những đứa trẻ sau giai đoạn chiến tranh, sau khi chúng lớn lên đến tầm độ tuổi ngoài 20 đã có thể làm đến cấp quản lý”. Những năm 1960-1970, những người trẻ ở độ tuổi 20 đã có thể nắm giữ quyền lực trong xã hội, khi về già họ vẫn không có ý định nghỉ hưu, vậy nên dù đã ngoài 70 tuổi họ vẫn đảm nhiệm chức vị ở tầng quản lý, thế nên rất khó cho những người thuộc thế hệ sau leo lên đến vị trí này.
Ông tiếp tục rằng thế hệ trẻ sau năm 1970 – 1980 ở Hồng Kông nếu làm việc chăm chỉ, họ vẫn có cơ hội đảm đương các vị trí, ít nhất họ có thể trở thành quản lý ở tầng trung hoặc tầng thượng của xã hội. Họ có thể sở hữu nhà cửa, xe cộ và kết hôn. Nhưng với thế hệ sau năm 1990-2000 trở đi, điều này càng về sau càng trở nên khó khăn hơn.
Những người sau năm 1950-1960 không có ý định nghỉ hưu, họ có thể làm việc đến 80 tuổi. Ông Lý Gia Thành cũng phải đến 90 tuổi mới chịu nghỉ hưu. Những người sau năm 1970-1980 nếu làm việc chăm chỉ trong hơn mười mấy, hai mươi năm thì cũng chỉ có thể ở vào giai tầng bậc trung, còn những người sinh sau năm 1990-2000 trở đi chỉ có thể quanh quẩn ở tầng dưới cùng. Thế nên, giới trẻ không thấy được hy vọng, liền sinh ra lối tư duy của nhà Phật, không muốn vất vả vào việc kiếm tiền, cũng không muốn kiếm tiền, có tiền thì cứ thoải mái chi tiêu, có tiền thì cứ đi du lịch, tận hưởng cuộc sống, vui sống cho hiện tại.
Theo ông Triệu, đây là văn hóa xã hội gây ra bởi mâu thuẫn thế hệ trẻ sau chiến tranh và thế hệ trẻ của thời đại mới. Tuy nhiên, Chủ nghĩa Nằm ngửa của Trung Quốc lại không giống như vậy. Đất nước Trung Quốc sau khi trải qua Cách mạng Văn hóa và các loại phong trào khác nhau, phải đến khi cải cách mở cửa mới xuất hiện tình trạng phân bổ tài sản không đồng đều. Ông nói rằng nét đặc sắc lớn nhất của Trung Quốc chính là tài sản của nó chủ yếu nằm trong tay thế hệ hồng nhị đại, hồng nhị tam và Thái tử đảng. Nếu ai đó trong gia đình là thế hệ hồng nhị đại, hồng nhị tam, “thế thì họ tự nhiên sẽ nắm giữ nhiều tài sản hơn nữa”.
Chủ nghĩa Nằm ngửa còn nảy sinh một khái niệm khác gọi là “cuộn mình vào trong”, tiếng Anh gọi là involution. Ông Triệu giải thích rằng vào những năm 1990, Trường California của Mỹ đã đưa ra một lý thuyết để giải thích lịch sử kinh tế của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, tức là có tăng trưởng nhưng không phát triển. Ví dụ, các công ty Trung Quốc thực thi mô hình 996 (tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, làm việc 6 ngày 1 tuần), nhân viên mỗi ngày đều phải tăng ca, tiền lương tuy có tăng, “nhưng nhân viên không có sự phát triển, cá nhân không có sự đột phá”, và tất cả thời gian đều dành cả vào công việc, không có cải thiện về cuộc sống, tinh thần và suy nghĩ. Nói một cách tương đối, người dân ở xã hội Âu-Mỹ thường sống một cuộc sống rất thoải mái, họ nhấn mạnh sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ông Triệu chỉ ra rằng nếu người Trung Quốc chỉ biết làm việc và kiếm tiền một cách mù quáng, cuối cùng họ sẽ phí hoài cả một đời người, trở thành nô lệ cho chủ nghĩa vật chất. Trung Quốc trên danh nghĩa là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, về lý luận không nên tồn tại tình huống phân bổ tài sản không đồng đều, nhưng trên thực tế, người dân bình thường dù có cố gắng đến đâu cũng không thể leo lên tầng thượng của xã hội, họ không thấy được hy vọng, cũng không tìm được vị trí của mình trong cái xã hội này, vì vậy, “Nằm ngửa chính là sự công bằng”, không làm gì cả, thực hiện một loại phong trào bất hợp tác, chống lại thời đại theo dạng thức tiêu cực.
Ông Triệu chia sẻ thêm, bản thân ông từng giảng dạy tại Đại học Thâm Quyến. Ông chỉ ra rằng mức lương trung bình ở Thâm Quyến vào năm 2020 là 5.199 Nhân dân tệ (khoảng 6.304 đô-la Hồng Kông) và số liệu thống kê mới nhất về thu nhập trung bình của Hồng Kông vào năm 2021 là 19.000 đô-la Hồng Kông. Mặc dù mức lương trung bình ở Thâm Quyến là 5.199 Nhân dân tệ, nhưng người lao động phải chi trả thêm nhiều khoản khác nữa, như phí an sinh xã hội, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, quỹ hỗ trợ nhà ở và bảo hiểm thất nghiệp,v.v., cuối cùng thì số tiền đến tay cũng chỉ khoảng 4.081 Nhân dân tệ.
Ông cho rằng mức thu nhập thấp mang tính rộng khắp này đã phản ánh một vấn đề, đó là dù người dân bình thường có cố gắng đến đâu thì cũng rất khó giàu lên được, chứ đừng nói đến việc mua nhà, cộng thêm chi phí sinh hoạt ở Thâm Quyến không rẻ, còn nhiều phương diện khác phải lo, ví dụ nư chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đều cần đến tiền, thê nên những người trẻ tuổi chỉ có cách chọn cho mình lối sống “nằm ngửa”.
Theo ông Triệu, với nhiều người nằm trong số những người có thu nhập ở tầng chóp sẽ bước ra và nói rằng: Người dân Trung Quốc đang sống rất tốt. Ông nói rằng mặc dù thu nhập từ việc giảng dạy tại Đại học Thâm Quyến không thể so với Hồng Kông, nhưng ở Trung Quốc nó cũng được coi là ở mức khá. Ông cho biết, “Khi đó, mức lương hàng năm của tôi là hơn 400.000 Nhân dân tệ. Sau khi nộp đủ các loại thuế, tôi vẫn còn lại khoảng 30.000 Nhân dân tệ mỗi tháng”, cộng thêm một số khoản trợ cấp, khoản chi cho việc mua máy tính và tài liệu giảng dạy có thể được phía nhà trường chi trả. Tuy nhiên, mức lương của hầu hết người dân sống ở Thâm Quyến đều chưa đạt đến mức này.
Dân số Hồng Kông đã có mức tăng trưởng âm trong những năm gần đây. Với việc bổ sung Đạo luật An ninh Quốc gia, làn sóng di cư cũng đang gia tăng. Người ta ước tính rằng trong hai, ba năm tới sẽ có hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông rời bỏ mảnh đất này. Ông Triệu dự đoán rằng đến lúc đó chính quyền Hồng Kông sẽ cho phép một lượng lớn cư dân từ Khu vực Vịnh Lớn (Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao) đến định cư tại Hồng Kông.
Ông Triệu nói rằng mức lương ở Hồng Kông khá cao, dù một người bình thường có làm bảo vệ trong tòa nhà hoặc trong các nhà hàng, anh ta cũng có thể dễ dàng kiếm được 15.000-16.000 đô-la Hồng Kông mỗi tháng. Với hai vợ chồng nếu chi tiêu dè sẻn thì việc tiết kiệm được 12.000 đô-la Hồng Kông mỗi tháng sẽ không thành vấn đề, ngoài việc duy trì cuộc sống của bản thân, họ còn có thể hỗ trợ người thân ở Trung Quốc Đại lục. Đây là lý do tại sao Chính phủ Hồng Kông vẫn rất tự tin khi lượng lớn người dân lựa chọn rời bỏ mảnh đất này.