Kiếp học trò – Tamar Lê

Học trò ở Việt Nam thường trải qua rất nhiều thử thách, có lẽ vì vậy mà khi ra nước ngoài học thì một số không thấy trắc trở cho lắm. Có nhiều bạn khi qua Úc hay Mỹ, dù Anh văn còn non nớt, nhưng chỉ vài năm sau là gặt hái rất nhiều kết quả tốt đẹp.

Tôi nhớ hồi mình học xong tiểu học, phải thi vào đệ thất để vào trường trung học công lập. Thi chỉ vỏn vẹn hai bài toán đố, khó ơi là khó. Không thi văn, không thi kiến thức khoa học và xã hội, dù có năng khiếu âm nhạc, hội họa, hay thể thao, cũng không tính.

Ở trung học bài thi còn lắc léo nữa, có lần trong môn thi luận văn, học trò đọc câu hỏi để viết mà trào nước mắt: “Bình luận xem cô Loan trong tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh có phải là người lý tưởng của đàn bà Việt Nam không?” Mới là con nít lớn lên, vẫn còn trong trạng thái ‘nửa người, nửa vượn, nửa đười ươi’, làm sao mà có khái niệm lý tưởng về đàn bà.

Hồi học triết, khi đi thi triết học mà thấy tâm hồn tan nát, nát tan. Tôi cố học thuộc lòng tên của các triết gia và sách của họ từ thời Hy Lạp cho đến thời nay. Có triết gia tên dài lòng thòng mà cũng phải nhớ. Đến lúc mở đề thi ra xem, thì bổ ngửa, không kịp ngáp. Dù chó có ngáp cũng không bắt được con ruồi nào. Đề tài thi là giải thích câu nói sau đây: “Nếu không có Ông Trời, thì ta là Ông Trời.” Hình như kết quả bài thi triết này, nhiều ‘Ông Trời’ bị rớt rất thê thảm.

Đến bây giờ tôi cũng không biết thầy giáo mình muốn gì khi ra đề thi này, có thể nói về ‘triết lý định mệnh, nhân quả, triết lý postmodernism, hay triết gia Friedrich Nietzsche?’ Nếu câu hỏi thi về ‘tình yêu’ trong triết học, chắc tôi không bị rớt môn này đâu… hehehe

Related posts