EURO 2020 : Khi chính trị lấn sân của bóng đá

Anh Vũ

image.png
Người hâm mộ Bắc Macedonia trước trận đấu ở bảng C giữa Ukraina và Bắc Macedonia, tại Bucharest, Rumani, ngày 17/06/2021. Pool via REUTERS – MARKO DJURICA

Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2020 đang diễn ra sôi động trước hàng triệu khán giả, người hâm mộ trên khắp thế giới. Phía sau các cuộc so tài thuần túy thể thao, người ta lại thấy ở trên sân cỏ bóng đá châu Âu xuất hiện bóng dáng của những trận đấu địa chính trị.

Hôm 17/06/2021, trên sân vận động ở Kiev diễn ra trận đấu vòng bảng giữa Ukraina với Bắc Macedonia, hai đội bóng thu hút sự chú ý của giới quan sát địa chính trị nhiều hơn giới chuyên môn bóng đá, bởi đại diện bóng đá của hai quốc gia châu Âu này có những động thái có thể khơi lại những hiềm khích chính trị với các quốc gia láng giềng là Nga và Hy Lạp trong kỳ EURO 2020.

Ngay từ đầu giải đấu, Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu đã phải vào cuộc phân giải những tranh cãi xung quanh bộ đồng phục thi đấu của đội tuyển Ukraina. Trên bộ áo thi đấu của đội tuyển người ta thấy hình bản đồ lãnh thổ Ukraina bao gồm cả phần bán đảo Crimée đã bị Nga sáp nhập năm 2014 cũng như miền Đông với Donetsk và Lougansk ly khai do phe thân Nga kiểm soát cùng những dòng khẩu hiệu được cho là có màu sắc chính trị dân tộc chủ nghĩa.

Ngay lập tức Nga đã phản đối chính thức lên UEFA, coi đây là hành động chính trị hóa thể thao của người Ukraina, yêu cầu định chế quản lý bóng đá châu Âu buộc tuyển Ukraina thay đổi bộ áo thi đấu. UEFA đã phải yêu cầu đội tuyển Ukrana gỡ bỏ khẩu hiệu có vấn đề nhưng vẫn giữ nguyên hình bản đồ vì đó là bản đồ vẫn được Liên Hiệp Quốc công nhận. Trong khi đó, trường hợp của Macedonia lại liên quan đến láng giềng Hy Lạp, không được dự vòng chung kết EURO. Nhưng Athens vẫn khiếu nại việc các cầu thủ Macedonia mang áo thi đấu thiếu chữ « Bắc » trước tên Macedonia, có hàm ý làm lẫn lộn với vùng Macedonia thuộc Hy Lạp, được thừa nhận theo một thỏa thuận năm 2018. Nhưng Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu không chấp nhận khiếu nại của Hy Lạp.

Một sự ngẫu nhiên trong chia bảng, hai đội Nga và Ukraina có khả năng gặp nhau tại tứ kết. Nhà nghiên cứu chính trị Pascal Boniface nhấn mạnh trên La Croix, « nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là trận đấu chính trị thực sự ».

Từ hàng chục năm nay, hai quốc gia trong Liên Xô cũ vẫn có những thâm thù về bản sắc văn hóa, chính trị, nhiều lần xung đột đã trực bùng lên. Không thể phủ nhận Ukraina đã cố gắng nhân giải đấu bóng đá nhất châu lục này để khơi dậy tinh thần dân tộc và nỗi ấm ức bị nước lớn chèn ép.

Một cặp đấu khác, diễn ra vào ngày mai 18/06 cũng thu hút sự chú ý bởi ít nhiều mang màu sắc chính trị thể thao. Đó là trận tuyển Anh gặp Scotland được giới quan sát đặt vào bối cảnh của Brexit. Scotland đã từng bỏ phiếu chống Brexit, giờ đây đang ngày càng tỏ rõ ý đồ đòi độc lập để được trở lại với Liên Âu. Trận so tài trên sân Wembley, Luân Đôn, hứa hẹn sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt về chuyên môn. Một chiến thắng trước Anh sẽ mang tính biểu tượng cao cho người dân nhất là giới lãnh đạo xứ Scotland thuộc Liên Hiệp Vương Quốc Anh. Còn nước Anh thì luôn muốn khẳng định uy thế sức mạnh của mình trong mọi cuộc so tài thể thao với các quốc gia trong Liên Hiệp Anh, mà trong quan hệ vẫn thường trực những xích mích của lịch sử để lại.

Bóng đá là môn thể thao quảng đại nhất thế giới, có sức ảnh hưởng mạnh đến tinh thần dân chúng. Các nhà chính trị đều hiểu được tác động mạnh mẽ của môn thể thao vua này đến hình ảnh cũng như đến chính trị của một đất nước như thế nào. Giải bóng đá lớn nhất châu Âu năm nay diễn ra giữa dịch Covid-19, nhiều chính phủ đã muốn tận dụng EURO để tán dương chính chống dịch hay tiêm chủng. Trước giải, khi mà nước Anh vẫn còn chìm trong khủng hoảng y tế, thủ tướng Boris Johnson từng tỏ ra năng nổ đề nghị đón toàn bộ các trận đấu nếu các nước khác không thể tổ chức vì đại dịch. Ông Johnson chỉ muốn tỏ cho thấy cuộc chiến chống dịch của nước Anh đang rất hiệu quả. Còn Hungary, nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới tính trên dân số, chính quyền Viktor Orban cho mở cửa sân vận động đón 100% khán giả. Hungary là nước duy nhất trong 12 quốc gia tổ chức EURO không hạn chế lượng khán giả vào sân. Mục đích vẫn chủ yếu là quảng bá cho chính sách y tế, phòng dịch của chính phủ Hungary, tạo niềm tin trong dân.

Nhìn lại lịch sử của EURO, giải đấu được người Pháp Henri Delaunay khởi xướng, là nhằm hướng tới ý tưởng cao đẹp là bằng bóng đá kết nối các dân tộc Châu Âu lại với nhau. Thế nhưng ngay kỳ EURO đầu tiên năm 1960, theo lệnh của tướng Franco, Tây Ban Nha đã bỏ giải đấu giữa chừng khi đội tuyển phải đến Matxcơva gặp đội Liên Xô ở tứ kết. Nhà độc tài Franco đã cấm tất cả các vận động viên thể thao Tây Ban Nha thi đấu với đối thủ Liên Xô, với lý do Liên Xô phải chịu trách nhiệm trong chiến tranh Tây Ban Nha.

Related posts