Đi Chậm Lại…

Phan

Từ bé tôi đã hay bị bạn bè càm ràm, “mày đi nhanh dữ vậy, chờ tao với, chờ tụi tao với…” Nhưng chỉ được một lát chậm chân chờ bạn bè, rồi một lát nữa tôi lại đi trước cả đám còn la cà ở phía sau… Có lẽ nhận xét đầu đời là qua được bậc tiểu học ở trường làng như cái chớp mắt vì chưa suy nghĩ nhiều, suốt ngày rong chơi nhiều hơn học nên mới đó đã bỏ lại sau lưng tiếng trống da trâu, những buổi sáng thứ hai đầu tuần phải xếp hàng theo lớp để chào cờ toàn trường; như mới hôm qua mình đứng ở hàng lớp năm hồi xưa tức lớp một bây giờ, không ngờ hôm đứng chào cờ lần cuối ở hàng lớp nhất tức lớp năm bây giờ lại đến nhanh vậy! Về thành đi lớp đệ thất tức lớp sáu bây giờ. Tuổi mười hai chưa lớn nhưng cũng không còn vô tư nhiều nên cũng có khi lắng nghe ý kiến bạn bè thì hầu như đứa nào cũng bảo số tôi cực vì quan niệm thế hệ tôi còn trong cái cũi tục ngữ ca dao nhiều. Hàm ý bạn bè nói, trâu chậm uống nước đục, tôi nhanh chân nên uống được nước trong nhưng vất vả cả đời, chắc số tôi vậy…

Đi qua tuổi túm năm tụm ba tới trường với cái ná cao su giấu trong bụng, trái banh ny-lon có thể đá bất cứ lề đường nào,… đi qua lịch sử bi thương vào lứa tuổi lang thang thành phố với những hàng me cũng thường phải chậm chân lại để sóng bước với người đi bên cạnh. Một hôm cùng nhau vào quán trưa, người ấy ngồi ngắm đế giày tôi một lát rồi nói, “anh đi nhanh, học nhanh, làm việc gì cũng nhanh, tính toán nhanh, quyết định nhanh, nhưng khó hiểu là sao đế giày anh lại mòn đều đến khó tin…”
Tôi biết thêm về mình một điều là đế giày mòn đều chứ không mòn vạt gót như giày bạn bè, nhưng đến nay vẫn không hiểu người ấy nói ra làm chi cho tôi thắc mắc tới bây giờ? Có gì khó hiểu về việc đế giày tôi mòn đều, không lẽ một người đi nhanh, học nhanh, làm việc gì cũng nhanh, tính toán nhanh, quyết định nhanh… thì đế giày không thể mòn đều; thậm chí phải vạt gót hơn người thường nữa mới đúng, mới hợp lý hay sao? Vậy điều hợp lý nhất là không nên bỏ lại người đi nhanh, học nhanh, làm việc gì cũng nhanh, tính toán nhanh, quyết định nhanh mà không vạt gót giày này mới phải chứ! Sao bỏ tôi lại quê nhà một mình còn nhanh hơn hết tất cả những cái nhanh của tôi cộng lại?

Nhưng khi tất cả chỉ còn là kỷ niệm, những hoài niệm đầy cảm xúc theo thời gian qua nhanh cũng tan loãng giận hờn, trách khứ thì nửa đời người cũng đã qua nhanh như vẫy tay chào nhau trên phố. Mấy người bạn già bây giờ hay nói câu,
Quả thật đời người như ngọn đồi, khi đi lên tới đỉnh là nửa đời người đã thuộc về quá khứ, nửa đời sau đi xuống lại thuộc về tương lai. Vậy đâu là đúng, đâu là sai? Hay không có hoàn toàn đúng mà cũng không có hoàn toàn sai sau nửa đời lắng đọng. Tôi lật đế giày mình xem lại, thì ra nó đã vạt góc ngoài hơn góc trong một chút, giở sách khoa học ra tìm hiểu, lại biết thêm một điều về mình… là đã già. Những khớp xương bàn chân, cổ chân, đầu gối không còn rắn chắc như khi trẻ nên đế giày làm bằng chứng cho sự lỏng lẻo của tuổi tác. Tôi tâm sự với tên bạn nhỏ hiếm hoi còn lại từ trường làng năm xưa, tôi nói với hắn, “vậy là mày già từ nhỏ, tao bây giờ mới già.” Hắn vẫn bướng bỉnh cãi như nửa thế kỷ trước, “tại cha sanh mẹ đẻ tao chân chữ bát thì tao đi giày chỉ mòn một bên…”

Nhớ ngày xưa trốn học, chui lỗ chó vô thảo cầm viên lại gặp hôm mưa như trút nước, hai thằng chôn chân ở đền Hùng chẳng biết làm gì nên ngồi cãi nhau cả buổi về chuyện giày mòn. Tôi chụp cho nó cái mũ là người không đàng hoàng, thiếu đứng đắn nên đi giày chỉ mòn một bên. Nó phản pháo cũng cay nghiệt không vừa, “rủ rê trốn học là người đàng hoàng, đứng đắn hay sao? Là một kẻ bần tiện, người hạ đẳng nên dò giẫm từng bước đi cho lâu hư giày…”

Không ngờ duyên nợ bạn bè lại kéo lê hai đứa tới căn gác trọ ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật khi lên đại học. Nó lại nhận ra tôi có một điều “bần tiện” khác là người “bần tiện” đến bước đi cũng tiếc tiếng động, làm nó hú hồn hoài khi ở nhà một mình, tôi về tới sau lưng ghế nó ngồi học bài nó cũng không hay… Trong khi bạn tôi không có gì thay đổi ngoài tính ưa càm ràm từ nhỏ. Đúng hơn là từ hôm tôi mừng sinh nhật nó đã tới đỉnh đồi “hôm nay sinh nhật nửa đời/ năm mươi năm ấy lòng chơi vơi buồn/ cớ chi phải rõ ngọn nguồn/ nâng ly ta cạn nỗi buồn chơi vơi…” Đúng là nó đã bỏ thói càm ràm nên thích bốn câu thơ đầu đường xó chợ, giá ngày xưa thì nó đã nói như thế. Tôi cảm nhận được sự trầm tĩnh lộ diện qua cư xử của người bạn già trong cuộc sống có rất nhiều điều đúng sai không phân định được vì vốn dĩ cuộc sống không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Tôi học được ở bạn không cố gắng cãi tới cùng như tính tôi nữa làm gì vì không có kẻ thắng người thua mà cả hai cùng thất bại, chỉ khác nhau ở mức độ thảm hại mà thôi. Sự trầm tĩnh là căn bản khi cuộc đời đã bắt đầu xuống dốc đời. Đừng để tai phải nghe quá nhiều, không để miệng phải nói không ngớt. Không thích thì không nghe, không muốn thì không nói. Tôi nhận ra im lặng là tử tế cho quỹ thời gian còn lại. Trong im lặng tôi lại dò giẫm ra sức khoẻ khá hơn khi xa lánh những cuộc vui, tâm thái cũng bình thản hơn từ bình an không ai cho ngoài mình chọn lựa. Nhớ câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mà hồi nhỏ không hiểu, “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ người khôn người đến chốn lao xao…” Làm sao một cậu bé hiểu được khi nghe tiếng trống múa lân mà lại bảo chạy ra đồng một mình, ngồi xem con cò bay lả bay la. Nhưng đi qua dốc lên của cuộc đời thì dốc xuống càng cô tịch càng an thái.

Có thể cuộc sống thiếu sung túc, hoàn cảnh không thuận lợi, sức khoẻ không như ý… chỉ cần nội tâm bình an là bình an. Không tranh thắng, không sợ thua vì nhìn lại thắng thua đã ở bên kia đồi khi hiểu thấu câu thơ lúc trẻ chỉ thích khí phách ngang tàng, “đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng…”

image.png

Nếu đã hiểu được lẽ vô thường thì buông bỏ không còn khó khăn như khi còn trẻ, độ lượng dễ dàng hơn nên nói lời xin lỗi, cảm ơn khi cần thiết cũng không phải đắn đo nhiều. Sự chọn lựa nào cũng có cái giá của nó nên trả giá hay trắng tay cũng đều đã là quá khứ không trở lại. Có lẽ không nên hối hận với những gì đã qua khi cuộc sống là những liên tiếp đấu tranh cùng nghịch cảnh thì thắng bại thường tình. Nghĩ thoáng, xem nhẹ để hoàn thiện phần xuống đồi tương đối hơn phần lên đồi về mặt tâm thân đã bị bỏ bê theo cám giỗ phía bên kia đồi. Khi suy nghĩ không còn giúp ích thì đừng suy nghĩ nữa. Cứ thẳng thắn khen củ khoai luộc ngon mà không sợ ai chê cười bản chất quê mùa quanh năm khoai sắn; cũng không cần chê hát dở sắm tuồng hay để phật lòng ai rồi lại sinh chuyện…

Sống thực với mình. Nới tay cho mình một chút. Trên đời chưa có ông bác sĩ nào không chết nên nghe lời bác sĩ cũng chừa lại cho mình một phần trăm để thích ăn món gì đó thì cứ ăn cho ngon miệng. Dĩ nhiên là không ăn mỗi ngày món bác sĩ khuyên không nên ăn vì có bệnh trong người. Thích đi cứ đi, đi cho hết đường đi là chỗ đến. Thích gặp cứ gặp vì người cuối cùng là mình. Thích cho cứ cho vì cho đi là lời chúc phúc bản thân trong thiên hạ chỉ biết chúc phúc người khác…
Cuối cùng là đời người giống như ngọn đồi, khi đi lên hết đồi là đi xuống. Ngộ đời là lúc đi lên thì cả khi đi xuống cũng là tương lai. Nhưng khi giấu chân trên đỉnh đồi bước về phía đi xuống thì phía đi lên đã là quá khứ. Ngô đời là khi đi dốc lên đồi thay vì chậm thì người ta lại thường đi nhanh, đến khi phải xuống dốc đồi thay vì đi nhanh vì trớn thì người ta lại cố đi chậm lại, đi chậm lại vì qũy thời gian ngày càng khánh tận nên dè xẻn…
Hy vọng người bạn từ nhỏ tới bạc đầu không chê trách khi đọc những dòng viết tháng sáu từ nơi xa xôi mà thật gần như quê ở trong lòng, bạn ở trong lòng người có lòng.


Phan

Related posts