“Tùy theo trò chơi ngôn ngữ”- Tama Lê

Triết gia và nhà toán học Wittgenstein thường được nhắc đến với câu nói “The limit of my words is the limit of my world.” (Giới hạn về ngôn từ của tôi là giới hạn về thế giới của tôi).

Lúc mới bước vào ngưỡng cửa của thế giới học giả, điều mong muốn của sinh viên là thấu hiểu được những ý niệm chuyên môn trong những lãnh vực khác nhau. Nếu không biết rõ những ý niệm đó và sự liên hệ của chúng với nhau, thì dễ đưa đến hiểu nhầm trong đường hướng nghiên cứu.

Những thuật ngữ (terminology) thường thấy trong những bài thảo luận thường được tác giả giải thích ý nghĩa mà tác giả chọn, có thể xây trên một lý thuyết, hoàn cảnh, hay cách dùng riêng biệt của một học giả nổi tiếng trong ngành nào đó. Thí dụ những từ chuyên môn như intertextuality (liên văn bản), genre (thể loại văn), postmodernism (triết lý hậu hiện đại), hay những ý tưởng thường dùng như ‘nhân cách’, ‘chính trị’, ‘lãng mạn’, ‘văn hóa hiếp dâm’ v.v….

Vì vậy, khi một số học giả đưa ra một đề tài thảo luận về ‘văn hóa hiếp dâm’ chẳng hạn (sẻ được viết thêm ở post kế tiếp), họ cần phải nêu rõ họ chỉ muốn chú trọng vào định nghĩa nào hay khía cạnh liên hệ nào của ý niệm. Kết quả nguy hiểm nhất là chính họ cổ võ hiếp dâm, dù cố ý hay vô tình; kết quả khác ảnh hưởng đến thảo luận là tránh đi sự lạc đề vì một thuật ngữ có nhiều định nghĩa hay cách dùng khác nhau tùy theo lập trường của mỗi chuyên gia.

Trong những luận án, hay bài viết về nghiên cứu, nhất là trong xã hội học, nghiên cứu viên trong phần đầu phải giải thích rõ ràng sự chọn lựa của mình về thuật ngữ. Thí dụ như đề tài về ‘cải tiến văn thảo luận của học sinh lớp 12’, nghiên cứu viên phải nêu rõ ‘văn thảo luận’ chấp nhận trong bài nghiên cứu này là gì? Có phải văn thảo luận này theo định nghĩa hay lý thuyết của trường phái genre như Jim Martin hay Ruqaiya Hasan, hay thuộc trường phái khác; tại sao phải chọn nó?

Trong cuộc thảo luận giữa Michel Foucault và Noam Chomsky, họ trao đổi những khác biệt trong ý niệm và quan điểm liên quan đến sự thảo luận như ‘quyền’, ‘grammar’ (văn phạm), creativity (sự sáng tạo) để khỏi bị đi lạc đường, và nhất là tạo cơ hội để mình được nghe quan điểm của đối phương mình. Thí dụ: “Dạ thưa giáo sư, ý niệm của riêng tôi về sự sáng tạo (creativity), khác với ý niệm sáng tạo trong những thảo luận mình thường thấy, sự khác nhau là….. “

Tương tự như vậy, nếu nghiên cứu về văn chương lãng mạn, văn chương Internet, hay ‘nhạc ngoại quốc’, mình không thể đòi hỏi người khác phải ‘cúi đầu chấp thuận’. Đây cũng là lý do mà nghiên cứu sinh phải giải thích rõ khuôn khổ khái niệm (conceptual framework) mà mình dùng như là nền tảng của chương trình nghiên cứu.

Một nhầm lẫn thường xẩy ra là tác giả hay coi đề tài mình muốn nghiên cứu như là sự ‘hiển nhiên’ (take for granted) và không cần nêu rõ định nghĩa hay quan điểm của mình vì nó quá phổ thông, hay tệ hơn nữa là chê bai quan điểm của người khác như lạc hậu hay sai lầm mà không có tài liệu hỗ trợ. Trong việc nghiên cứu hay thảo luận, không phải “chỉ có 1 con én của mình mới tạo được mùa xuân.”

Gần đây có người phê bình mục Tản Mạn Văn Chương (TMVC) trong báo Việt Luận on-line, cứ xem mình như cái nôi của kiến thức vũ trụ mà ai cũng phải theo. TMVC phải như thế này, như thế kia, ‘phải như chiếc giày thủy tinh bẩn thỉu của bà tui’, v.v… Postmodernism xem đó là suy nghĩ ‘quờ quạng’, hay tệ hơn nữa là kỳ thị và độc quyền.  Chắc triết gia Ludwig Wittgenstein đang lắc đầu mỉm cười, nghĩ thầm: “Actually everything depends on the word game.” (Thật ra, mọi việc tùy theo trò chơi ngôn ngữ.)

Related posts