ký ức bỗng về như thác đổ – Viễn Trình

Tôi có năm ông chú ruột đi lính, hai ông chết ba ông sống. Hai ông chết tôi chưa bao giờ gặp mặt.

Ba tôi kể rằng một chú chết vì một đồng đội trong lúc nghỉ dưỡng quân lấy súng ra lau chùi chỉa mũi súng xuống đất bóp cò không biết còn một viên đạn đã lên nòng, đạn gặp đá bay ngược lên trúng chú tôi đang nằm nghỉ giường bên cạnh, chết! Chú đi để lại một đứa con trai, ba tôi sau đó nhận về nuôi cho ăn học khi thím tôi tái giá. Cậu con trai này sau đó lớn lên đi lính Biệt Động Quân, năm 75 mới trên 20 tuổi mang lon thiếu uý.

Chú thứ hai đi lính từ Huế “bị” điều động vào Cần Thơ làm thông dịch viên cho Mỹ cuối thập niên 60. Một ngày nghỉ chú tôi lái xe Honda đi đâu đó bị xe nhà binh của Mỹ cán chết! Ba tôi từ Huế một mình lặn lội vào Cần Thơ xin đem xác về quê nhà chôn cất nhưng không thực hiện được vì thời thế lúc đó nhiễu nhương và cực kỳ khó khăn thế là ba tôi làm đám tang cho chú, chôn cất gần một ngôi chùa vùng ngoại ô thành phố Cần Thơ.

Sau 75 khi tôi đủ trí khôn ba tôi kể cho tôi nghe rất nhiều về chiến tranh tương tàn và chuyện hai ông chú đi lính bị chết oan uổng! Thời đó tôi nghe để nghe chứ không có suy nghĩ cảm xúc gì. Khoảng năm 79 lúc đang học lớp 10, một hôm đi học về ba tôi bảo tôi chuẩn bị tuần tới nghỉ hè là theo ông vô Cần Thơ để… bốc mộ chú tôi đem ra Huế! Tôi nghe vậy “mừng” lắm, mừng là vì được đi xa vô tận Sài Gòn, Cần Thơ vùng đất văn minh đầy bí ẩn như trong truyện của nhà văn Duyên Anh chứ không quan tâm mấy đến chuyện bốc mộ! Rồi cái ngày “vui” đó cũng đến… Sau gần hai ngày “bôn ba” bằng xe lửa, xe đò, xe xích lô, xe chân… rồi cũng đến được Cần Thơ… mọi thứ, mọi cảnh vật trước mắt tôi đều vô cùng lạ lẫm… cũng may là ba tôi là một nhà giáo đi đến đâu là ông giải thích cặn kẽ cho tôi đến đó…

Đến Cần Thơ ba tôi chọn bao một bác xích lô đã lớn tuổi làm “tài xế” ba nói rằng chọn bác xích lô lớn tuổi chắc chắn sẽ rành đường nhiều hơn… sau gần nửa ngày bác đạp xích lô mới tìm được ngôi chùa gần nơi chôn cất chú tôi! Tôi nhớ là cái chùa rất nhỏ nằm xen giữ khu dân cư đung đúc bên cạnh khu nghĩa trang thấp trũng cỏ mọc um tùm xen với những hàng cây chuối xanh tươi… Ba tôi vào chùa xin thầy trụ trì giúp việc làm lễ rồi nhờ “bác tài xế” tìm người bốc mộ… Ba tôi tìm ra mộ chú tôi không khó mấy tuy đã trên mười năm trời “vật đổi sao dời”…

Lần đầu tiên thấy cảnh bốc mộ tôi sợ lắm. Mộ chú tôi vì nằm trong khu đất thấp, xác lại được bọc trong một cái bông sô nên tôi nhớ rõ là khi đào tới thì nước ngập hơn nửa mộ, thợ bốc mộ phải lội xuống lôi bông sô đầy nước còn nguyên vẹn lên lấy dao cắt cho nước tháo ra… Chú tôi đây! lần đầu tiên gặp chú chú chỉ là những đốt xương trắng xoá, lúc này tôi mới biết xúc động và hầu như không còn sợ nữa. Sau khi cúng vái xong, người ta dùng rượu rửa từng khúc xương, gói cẩn thận bằng giấy báo cho vào một túi xách tay ba tôi đã chuẩn bị sẵn… nhiệm vụ của tôi còn lại trong chuyến đi “lịch sử” đó là ôm cái túi xương cốt của chú tôi bên mình trong suốt chặng đường về lại Huế! Mới đầu tôi sợ lắm, sợ bị cướp giật một phần mà sợ ma nhiều hơn. Ba tôi trấn an tôi nói “Chú của con đó chắc chắn chú không làm con sợ đâu.”

Cũng xin kể thêm là sau khi cải táng chú tôi xong, một chị trong làng đến nhà gặp ba tôi dẫn theo một thằng con trai khoảng 10 tuổi bảo là con trai của chú tôi! Hỏi tuổi thì trùng hợp với thời chú tôi mới lớn, hỏi tên thì mẹ nó bảo tên Lợ (lợ tiếng Huế có nghĩa là lỡ, lầm lỡ) ý là hai người yêu nhau lỡ đẻ ra đứa con trước khi thành hôn! Ba tôi thấy thằng bé giống chú tôi thật nên nhận về nuôi dưỡng làm khai sinh cho đi học. Ba tôi nói mất hai được lại hai ông trời cũng công bằng lắm!

Bây giờ đã hơn 40 năm lần đầu tiên viết lại những dòng này “ký ức bỗng về như thác đổ” không khỏi những ngậm ngùi trên khoé mắt. Nếu chiến tranh kéo dài thì có lẽ mình cũng “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” rồi. Chuyện thế hệ cha anh hy sinh ngoài chiến trường thì nghe nhiều đọc nhiều nhưng chuyện “hy sinh” vì tai nạn “lãng xẹt” như hai ông chú tôi thì ít. Thôi âu đó cũng là cái số phận vậy.

Hôm nay xin kính cẩn thắp một nén hương để bày tỏ lòng kính trọng hai chú nói riêng và các chiến sĩ cùng chiến tuyến với hai chú đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương.

Viễn Trình

22.6.2021

Related posts