Hồi xưa, khi nghe ai hát bài ‘Hai vì sao lạc’, tôi cứ nheo mày không hiểu tại sao lại ‘lòng buồn như thời gian’; tôi đơn giản nghĩ rằng nếu không có thời gian thì thế giới và cuộc đời sẽ không còn huyền nhiệm. Thật vậy, nên tôi yêu thời gian như thi sĩ say sưa với thu vàng, như nhạc sĩ ngồi đếm ngày tháng rồi tự hỏi ‘Bây giờ tháng mấy?’ vì đang lang thang tìm mùa xuân trên đời.
Tuần này, trong sự cô đơn của lockdown, và ngay cả mùa xuân cũng mang theo bước chân tàn tạ, QH và tôi lang thang vào Facebook của bạn bè để tìm giây phút thảnh thơi an bình… và tôi mỉm cười thú vị khi nghe Đông Châu nói về hai chữ ‘thời gian’ trong đời người con gái qua lời bài nhạc ‘Còn tuổi nào cho em’ của Trịnh Công Sơn (TCS).
Trong bài này, thời gian là những biến chuyển: Từ ‘bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này’, rồi đến
‘mây xuống vây quanh giọt sầu’ và ‘bàn tay che dấu lệ nhoà.’
Đông Châu chia sẻ khi chuyện trò với chúng tôi vừa rồi: “Đây là một trong những bài hát mà em thích nhất, dùng rất nhiều hình ảnh ẩn dụ để nói về 3 giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ…
Từ lúc còn trẻ đầy mộng mơ ‘ngồi hát mây bay ngang trời’, đến khi trải qua đau đớn để thời gian hằn vết ‘chân chim qua trời’, cho đến khi tuyệt vọng ‘ngồi khóc tình đã nghìn thu’… càng hát càng xao xuyến bâng khuâng với bước thời gian trong đời người con gái.”
Điều mà QH và tôi cảm nhận là khi lắng nghe giọng hát trầm buồn và nhìn thể cách trình diễn với tình cảm đậm sâu của Đông Châu, theo từng lời ca nốt nhạc, dễ đưa đến câu hỏi “phải chăng nhạc sĩ TCS viết bài ‘còn tuổi nào cho em’ với đối tượng là người ca sĩ khả ái Đông Châu này, dù bài này ra đời lâu lắm rồi, vào năm 1965 thì phải.
TCS viết nhiều bài nói về thân phận con người, không phải bằng những lời trách móc buồn bực. Nhạc của TCS diễn tả linh động và chân thật, về cái ‘tự nhiên’ và ‘hư vô’ trong cuộc đời.
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này. (TCS)
Mời bạn thưởng thức giọng ca của Đông Châu trong bài ‘Còn tuổi nào cho em’ của TCS.