Hỗn loạn ‘biển’ người tại Sài Gòn chen nhau tiêm vắc-xin; 667 ca nhiễm COVID-19 kỷ lục trong 24 giờ

Hiểu Minh

Số người đến tham gia tiêm vaccine COVID-19 rất đông, xếp thành hàng dài (Ảnh tổng hợp/K14).

Sài Gòn ghi nhận 667 ca nhiễm COVID-19 kỷ lục trong 24 giờ

VnExpress – Từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, Sài Gòn ghi nhận 667 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 637 ca ở khu cách ly hoặc đã được phong tỏa.

Chiều 25/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống COVID-19 tại Sài Gòn, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết thông tin trên.

667 trường hợp này, gồm: 99 ca trong khu phong tỏa, trong đó xét nghiệm lần một (87 người), xét nghiệm lần hai (9 người), xét nghiệm lần ba (một người) và hai trường hợp đang xác minh thông tin.

538 trường hợp trong khu cách ly, trong đó xét nghiệm lần một (275 người), xét nghiệm lần hai (260 người), xét nghiệm lần ba (3 người).

14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện, gồm khám tại các bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (1), quận 12 (1), Lê Văn Thịnh (1), Đại học Y dược (2), Nguyễn Tri Phương (2), Thống Nhất (2), Quốc Ánh (1), Bình Tân (1), Ung bướu (1), Trung tâm Y tế Thủ Đức (1), Vạn Hạnh (1).

Một trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp, là hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh, phát hiện qua xét nghiệm tầm soát. Một trường hợp phát hiện khi thực hiện mở rộng xét nghiệm. Hai trường hợp giám sát sau cách ly tập trung. Hai trường hợp nhập cảnh. 10 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Hiện, 31 bệnh nhân tình trạng nặng. Trong đó, 12 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ba bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 7 bệnh nhân tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bốn bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Củ Chi và 5 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương.

Theo ông Bỉnh, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng Delta gây lây lan mạnh.

“Sự xuất hiện liên tiếp, hàng loạt ca lây nhiễm ở TP.HCM từ cuối kỳ nghỉ lễ đến nay cho thấy dịch đã lây ít nhất 4 đến 5 thế hệ”, ông Bỉnh nói.

Hôm nay là ngày thứ 30 TP.HCM bùng phát COVID-19. Đây là đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố, với 2.343 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố từ ngày 27/4 đến trưa 25/6, và số ca nghi nhiễm nêu trên.

Một tuần nay, số ca nhiễm theo ngày của Sài Gòn liên tục vượt 100. Trong đó, nhiều ca Covid-19 chưa rõ nguồn lây, phát hiện qua khám sàng lọc bệnh viện.

Hỗn loạn ‘biển’ người chen nhau chờ tiêm vắc-xin tại Sài Gòn

Kenh14 – Sáng 25/6, hàng ngàn người xếp hàng dài trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11, Sài Gòn để chờ tiêm vắc xin Covid-19.

Rất đông người dân là viên chức, công nhân vệ sinh, lực lượng dân quân đến từ rất sớm nhưng chưa được vào trong khu vực tiêm nên xếp hàng dài phía trước nhà thi đấu chờ đợi.

Số người đến tham gia tiêm vaccine COVID-19 rất đông, xếp thành hàng dài (ảnh ghép từ K14).

Do số lượng người xếp hàng quá đông nên cơ quan chức năng phải liên tục phát loa thông báo, yêu cầu người dân giữ khoảng cách an toàn và thực hiện quy tắc 5K.

Từ 8h sáng 25/6, hàng nghìn người đã có mặt tại Nhà thi đấu Phú Thọ để tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bên ngoài cửa ra vào, nhiều người thậm chí ngồi bệt dưới đất vì đợi 2,3 tiếng vẫn chưa được vào tiêm. Anh Phạm Đức Chinh (Quận 9, TP.HCM) cho biết: “Tôi đến xếp hàng từ rất sớm nhưng đến hiện tại vẫn chưa nhận được bất kì thông báo hay hướng dẫn gì về việc tiêm vắc-xin. Cứ ngồi đây đợi như thế này vừa không đảm bảo giãn cách vừa rất mất thời gian”.

Người dân chen chân để di chuyển vào bên trong. Dù tất cả đều đeo khẩu trang, song không đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 10 của thành phố.

Một vài người sau khi quá “nản” đã quyết định ra về. Anh Nguyễn Thanh Tịnh (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Sau khi biết thông tin hôm qua có rất đông người đến đây tiêm vaccine, tôi và đồng nghiệp đã quyết định đi từ 6h30 để xếp hàng sớm, về sớm. Song khi đến đây, sau 3 tiếng ngồi chờ dưới thời tiết nắng nóng thì tôi nhận được thông báo hiện đang quá đông, yêu cầu người dân 13h30 chiều nay quay lại. Nhiều người vẫn cố ở lại xếp hàng, nhưng tôi quyết định về vì ngồi đây lâu, mệt, huyết áp hạ thì cũng không tiêm được”.

 Bên trong nhà thi đấu, tất cả các khu vực như khu vực tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm, khu vực chờ,… đều chật kín người. Hơn 200 nhân viên y tế làm việc liên tay, không ngừng nghỉ để đáp ứng kịp nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Phía trên khán đài, các lực lượng chức năng liên tục yêu cầu người dân ngồi đúng vị trí, giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn. Tất cả các khu vực đều đông đúc.

Sở Y tế Sài Gòn thừa nhận việc tổ chức tiêm vắc-xin còn ‘chuệch choạc’

tTuoitre – Sáng 25/6, rất đông người đã có mặt tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) để chờ tiêm vắc-xin COVID-19.

Tại khu vực khai báo y tế, số lượng lớn người chờ chích vắc xin xếp hàng chen chúc nhau, không bảo đảm khoảng cách quy định. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi ngồi bệt xuống. Dư luận cho rằng, việc nhiều người tập trung tiêm vắc-xin không bảo đảm giãn cách có thể dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh mất kiểm soát. 

Trao đổi với báo chí trưa cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế Sài Gòn Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận việc tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 tại TP.HCM vấp phải sự “chuệch choạc” những ngày đầu nhưng đã nâng nhanh công suất trong ngày 24/6.

Ông Bỉnh giải thích tiến độ tiêm vaccine những ngày đầu còn chậm do ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng y bác sĩ ở các bệnh viện lớn để khám sàng lọc và trực cấp cứu sau tiêm.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở Y tế nhận định việc vừa xét nghiệm, truy vết, vừa tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 là thử thách năng lực y tế của TP.HCM.

Kết quả tiêm vaccine những ngày qua ghi nhận hơn 70 trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm, trong đó 20 người phản ứng độ 1, 26 người độ 2, 15 người độ 3 và 2 người độ 4 (độ cao nhất).

Đến ngày 24/6, năng suất đã tăng lên 172.000 người. Số người được tiêm vaccine đã đạt hơn 438.000 người.

Ngày 25 và 26/6, với việc Bộ Y tế chi viện 200 bác sĩ cho thành phố, ông Bỉnh khẳng định việc tiêm 800.000 liều vaccine sẽ hoàn thành trong tuần này.

Truy vết từ tiệc thôi nôi, hơn 200 ca COVID-19 chưa xác định nguồn lây nhiễm

Thanhnien – Trên 200 ca mắc COVID-19 lây nhiễm từ nhóm người dự buổi tiệc thôi nôi ở khu phố Khánh Hội (P.Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương) khiến ít nhất 2 công ty phải ngừng hoạt động, đến nay vẫn chưa xác định nguồn lây nhiễm.

Sáng 25/6, lãnh đạo TX.Tân Uyên cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang khẩn trương phối hợp với ngành y tế để điều tra dịch tễ, phân tích mẫu xét nghiệm nhằm tìm ra nguồn lây của ổ dịch tại P.Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương.

Tính đến thời điểm này, các chùm dịch lớn được phát hiện tại Bình Dương đều có liên quan đến bữa tiệc thôi nôi ở P.Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Cụ thể, ngày 12 và 13/6, Bình Dương phát hiện 2 ca Covid-19 sống ở KP.Khánh Hội (P.Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) là BN 10584 (là chồng, bán quán trà sữa “Cô chủ nhỏ 3”) và BN 10585 (là vợ, nhân viên Phòng khám đa khoa Châu Thành, P.Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Ngày 15/6, CDC Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh, làm việc tại Công ty gốm sứ Hiền Hoà Anh (P.Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên). Qua khai thác dịch tễ xác định, từ ngày 4/6, bệnh nhân này đã có biểu hiện ho, sốt. Đến ngày 8/6, bệnh nhân về nhà vợ ở P.Tân Phước Khánh tổ chức tiệc thôi nôi cho con.

Tại buổi tiệc này, có các BN là công nhân Công ty House Wares, công nhân chi nhánh Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương, 1 người ở P.Chánh Mỹ (TP. Thủ Dầu Một, phát hiện dương tính ngày 18.6 trong khu cách ly) và vợ chồng bán quán trà sữa “Cô chủ nhỏ 3”.

Thống kê sơ bộ đến sáng 25/6, Bình Dương có tổng 247 ca dương tính với Covid-19, trong đó: Liên quan Công ty gốm sứ Hiền Hoà Anh 22 ca, liên quan Công ty House Wares 98 ca, chuỗi từ 1 BN của công nhân chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương lây lan tổng 19 ca, và ổ dịch P.Tân Phước Khánh (liên quan đến vợ chồng bán quán trà sữa) 117 ca. Cơ quan y tế tiếp tục truy vết F1, F2 và truy tìm nguồn lây nhiễm.

Hàng rong, bán vé số, bốc vác bị tác động do COVID-19 được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày

Tuoitre – Sáng 25/6, TP.HCM đã thông qua nghị quyết về một số chế độ, chính sách đặc thù, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.

Theo đó, người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội; người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn TP không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng, sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng).

Người được hỗ trợ là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; làm công việc thuộc các lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động.

Thương nhân chợ truyền thống tại chợ hạng 1 được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng; chợ hạng 2 là 210.000 đồng/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng, từ tháng 7-2021.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh phải dừng hoạt động tại khu vực thực hiện chỉ thị số 16 được hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng/hộ.

Người bị cách ly y tế là đối tượng tại điểm b, khoản 5, điều 1 nghị quyết số 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số đặc thù trong phòng, chống dịch được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày. Người tham gia công tác phòng, chống dịch là đối tượng quy định tại khoản 5, điều 2 nghị quyết số 16/NQ-CP và các lực lượng trực tiếp khác được hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.

Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đáp ứng điều kiện về thời gian chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

Tổng mức hỗ trợ cho các đối tượng là 886 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Related posts