‘E-CHỬI MƯỚN’ qua Lý Thuyết CDA – Tamar Lê

Trong tháng qua trên mạng xã hội sống động với biến cố xẩy ra liên hệ đến livestream của các thương gia và nghệ sĩ Việt Nam, chú ý nhất là hiện tượng ‘Phương Hằng và nghệ sĩ Việt Nam’ với sóng gió trên mạng.

Điều mà tôi và bạn bè nhận thấy đây không phải chỉ là ‘la lối đụng chạm lẻ tẻ’ trong đời sống hằng ngày mà là một ‘hiện tượng’ tràn lan trên mạng xã hội và có thể giải thích được qua lối nhìn của  Hiện Tượng Học (phenomenology), và nhất là phương pháp phân tích của CDA (Critical Discourse Analysis, phân tích nghiên cứu diễn ngôn). 

Thật ra hiện tượng chửi mướn xẩy ra rất lâu đời ở Việt Nam. Có lần tôi về làng thăm bà Dì, khi đến cổng làng, tôi thấy người ta xúm trước nhà Dì để xem một bà ăn nói hồ đồ chửi tục tĩu trước nhà. Dì tôi tràn nước mắt chia sẻ: “Dì không biết bà này từ đâu đến, không quen biết và không phải ở trong làng mình…  vậy mà chửi Dì hết ngày này qua ngày khác.”

Trong thời đại điện tử, hiện tượng chửi mướn thay đổi rất nhiều, xứng đáng được CDA lưu ý để phân tích, như là ‘E-CHỬI MƯỚN’. Có hai phương diện CDA nhìn về đề tài nghiên cứu này: lý thuyết và phương pháp. Về lý thuyết, CDA chú trọng đến quyền lực (empowerment), tước quyền (disempowerment), và xung đột tương khắc trong xã hội.

Sứ mạng của CDA là phân tích hiện tượng xã hội hiện đại có khuynh hướng gây nên bất công, xáo trộn trong cộng đồng, và nhất là lạm dụng ý nghĩa tự do ngôn luận để chà đạp người khác. [1]

Xin lỗi nếu bài này có dùng vài từ chuyên môn mà bạn không quen.

‘E-CHỬI MƯỚN’ đàm luận (discourse) trong bài này gồm có những yếu tố chính sau đây:

1- Tác nhân (nhân vật, đảng phái, hay một tập thể): có 3 tác nhân chính:

a- Nạn nhân bị chửi: thường bị nêu tên hoặc ‘ám chỉ’ và nạn nhân không có quen biết hay hận thù gì với người chửi mướn.

b- Người chửi mướn: thường có kinh nghiệm chửi, thường được cộng đồng gọi là ‘Thánh Chửi’, họ có quan hệ công khai hay dấu diếm với người thuê chửi.

c- Đầu não chỉ huy hay người thuê chửi: thường không ra mặt nhưng âm thầm cung cấp tin tức về nạn nhân, chi tiền hay có quan hệ tình cảm với người chửi mướn. “It takes two to Tango.”

2- Chiến thuật (discourse strategy): Bôi nhọ qua ‘chiến thuật người rơm’ (strawman logical strategy), ‘chụp mũ’, ‘đào mồ cá nhân’, v.v… Dùng messenger/share post gởi bài xuyên tạc cho ngàn người đọc. Người chửi mướn thường dùng rất nhiều tên giả, nicknames, để thu hút bạn bè theo mình tham dự cuộc chửi. Họ thường là cùng một người chửi nhưng làm như là ‘những người khác’ đồng ý với mình, kiểu tự đặt vấn đề rồi tự trả lời.

3- Ngôn ngữ và thể loại (genre) chửi: tục tĩu, ‘thằng nọ con kia’, xuyên tạc hạ cấp  tên tuổi của người bị chửi như Thu Lẩu, Gà Già, Kate Béo, v.v…  dựng chuyện bôi nhọ dựa theo một vài tin tức xuyên tạc để xây lên huyền thoại tự mãn (narrative re-construction).

4- Phương tiện: mạng xã hội, live-stream, YouTube, fake e-News, E-Forum, messenger, sharing.

Những phân tích của CDA kiểm tra diễn ngôn – ‘câu chuyện’ xã hội đóng vai trò trong cuộc điều tra – nhưng cũng hỏi tại sao một người cụ thể lại liên quan đến câu chuyện cụ thể đó [2].Trong bài này tôi vắn tắt chia sẻ cách áp dụng CDA để phân tích một hiện tượng mới ‘E-CHỬI MƯỚN’ trong xã hội. Hy vọng mình được hiểu thêm về đề tài này, nhất là trong xã hội Việt Nam ở thời đại điện tử (digital age).

Gần đây, một anh bạn cho tôi biết thêm là ở Việt Nam không những có ‘chửi mướn’, mà còn có ‘khóc mướn’, ‘yêu mướn’ cho các bà đại gia muốn lái phi công trẻ, v.v. Theo tôi nghĩ, CDA không những có giá trị để dùng trong những nghiên cứu trong môi trường đại học như ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý học, giáo dục và phương pháp nghiên cứu (research methodology) [3], [4], [5] . Cái hay của CDA là áp dụng được trong thực tế xã hội [6], giúp cho độc giả biết thêm về hiện tượng ‘e-mướn’  trong cộng đồng Việt Nam ở trong nước cũng như hải ngoại.

——-

Tài Liệu Nguồn (References)

[1]. Lê, Thao; Lê, Quynh and Short, Megan (2009). Critical Discourse Analysis: An Interdisciplinary Perspective. New York: Nova Science Publishers.

[2]. Williamson, Kirsty and Johanson, Graeme (2018). Research Methods: Information, Systems, and Contexts. United Kingdom: Chandos Publishing.

[3]. Lê, Thao; Lê, Quynh (2010). Information technology: A Critical Discourse Perspective, In D. Pullen, C. Gitsaki and M. Baguley (eds): Technoliteracy, Discourse and Social Practice. IGI Global, New York.

[4]. Lê, Thao; Lê, Quynh (2012). Technologies for Enhancing Pedagogy, Engagement and Empowerment in Education. IGI Global, New York.

[̀5]. Lê, Thao; Lê, Quynh (2012), Conducting Research in a Changing and Challenging World.  New York: Nova Science Publishers.

[̀̉6]. Lê, Thao. & Short, Megan, ‘(2006) Critical Discourse Analysis: Theory into Research:  Proceedings of The International Conference on Critical Discourse Analysis.

Related posts