Tin thế giới sáng thứ Bảy

Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi COC không được làm phương hại đến các bên thứ ba

Thanh Hà

image.png
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore, ngày 15/11/2018 AP – Dean Lewins

Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC cần tránh làm phương hại đến « quyền lợi chính đáng của các bên thứ ba ». Thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ, đặc trách về phương Đông, bà Riva Ganguly Das, tuyên bố như trên nhân Hội Nghị Cấp Cao Đông Á qua cầu truyền hình hôm 24/06/2021.

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, phát biểu trong khuôn khổ Hội Nghị Cấp Cao Đông Á – EAS SOM, thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ khẳng định : Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình đàm phán giữa các thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc phải hoàn toàn tuân thủ luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS và không được gây thiệt hại đến quyền lợi của các bên thứ ba.

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực về chủ quyền Biển Đông càng lúc càng gia tăng. Vẫn theo New Delhi, COC cần bảo đảm các quyền tự do lưu thông hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định trong vùng biển này.

Nhìn rộng ra hơn, thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết, New Delhi đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do, rộng mở » đến hợp tác với khối Đông Nam Á qua các chương trình như là Triển Vọng ASEAN-Ấn Độ -Thái Bình Dương (AOIP) hay Sáng Kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPOI).

Cuộc họp EAS-SOM trực tuyến vừa qua được đặt dưới sự chủ tọa của Brunei, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, với sự tham gia của 10 thành viên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ.

Hội nghị EAS-SOM được tổ chức lần đầu năm 2005, giúp các bên thảo luận về những lĩnh vực từ địa chính trị đến chiến lược và kinh tế. Năm 2021 này, ngoài chủ đề Biển Đông, các bên đã đưa vấn đề Miến Điện, tình hình bán đảo Triều Tiên, nỗ lực chống Covid-19 vào chương trình nghị sự.

Thượng đỉnh Mỹ – Afghanistan trước nguy cơ quân Taliban quay trở lại nắm quyền

Thanh Hà

image.png
Từ trái sang phải: Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell trước khi họp tại Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 24 tháng 6 năm 2021 tại Washington. Getty Images via AFP – DREW ANGERER

Chiều ngày 25/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đồng nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani tại Nhà Trắng. Cuộc tiếp xúc lần này diễn ra trong bối cảnh hơn 50 % lính Mỹ đã rời khỏi Afghanistan, quân Taliban lợi dụng tình thế, tăng cường hiện diện tại quốc gia Nam Á này.

Tương lai Afghanistan một khi không còn sự hiện diện của liên quân quốc tế là hồ sơ chính trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa tổng thống Joe Biden với đồng nhiệm Ashraf Ghani, cùng trưởng đoàn đàm phán giữa chính quyền Kabul với Taliban là ông Abdullah Abdullah.

Nhà Trắng chủ trương phối hợp chặt chẽ với chính quyền Kabul để bảo đảm rằng « Afghanistan không rơi trở lại vào tay các nhóm khủng bố », một « mối đe dọa đối với Hoa Kỳ ». Tuy nhiên theo giới phân tích, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là quân Hồi giáo cực đoan Taliban có thể chiếm đóng thủ đô Kabul một khi liên quân quốc tế hoàn toàn rời khỏi Afghanistan. Mối lo thứ hai là an ninh của các nhà ngoại giao phương Tây tại quốc gia nam Á này, cũng như số phận của hàng ngàn người Afghanistan từng cộng tác với liên quân quốc tế.

Tháng 4/2021, tổng thống Biden đơn phương quyết định đưa khoảng 2.500 lính Mỹ trở về nước sau 20 năm can thiệp quân sự tại Afghanistan.

Thượng đỉnh Biden- Ghani diễn ra trong lúc Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Afghanistan, quân Taliban khẳng định kiểm soát 80 trong tổng số 420 quận huyện trên toàn quốc. Trong tuần, lực lượng Hồi giáo cực đoàn này cho biết đã chiếm được nhiều đồn lính ở khu vực biên giới phía bắc sát với Tadjikistan. Đây được xem là một cửa ngõ quan trọng mở ra Trung Á.

Về mặt chính trị, tổng thống Ghani đang bị cô lập hơn bao giờ hết. Ông hy vọng thuyết phục được phe nổi dậy buông súng, tham gia thành phần chính phủ lâm thời, mở đường cho một cuộc bầu cử. Trước mắt đề xuất của tổng thống Ashraf Ghani bị một phần các chính khách Afghanistan phản đối. Riêng phe Taliban không tỏ thiện chí muốn đàm phán với chính quyền Kabul.

Nguồn gốc Covid-19 : Virus SRAS-Cov-2 có thể đã xuất hiện từ tháng 10/2019

Thùy Dương

image.png
Mô hình virus SARS-CoV-2, trên bàn thủ hiến bang Lower Saxony Stephan Weil khi ông ông đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz ở Braunschweig, miền bắc nước Đức, vào ngày 8 tháng 5 năm 2020. AFP – JENS SCHLUETER

Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 25/06/2021, có thể virus gây đại dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan ở Trung Quốc từ tháng 10/2019, hai tháng trước khi ca bệnh đầu tiên chính thức được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán miền trung nước này.

Trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học PLOS Pathogens, các nhà khoa học của đại học Anh Quốc Kent nhận định virus gây đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc trong khoảng đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2019. Thời điểm mà các tác giả đánh giá là có nhiều khả năng nhất để virus xuất hiện lần đầu là ngày 17/11/2019 và rất có thể đến tháng 01/2020 virus đã lây lan ra toàn thế giới.

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên chính thức được xác định tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019 có liên quan đến khu chợ hải sản ở Vũ Hán, thế nhưng một số ca đầu tiên lại không hề có liên quan gì đến khu chợ này, điều đó có nghĩa là virus SRAS-Cov-2 đã lây truyền từ trước đó.

Theo một bài báo được công bố trong tuần này, dữ liệu về giải mã gien mà nhà nghiên cứu Jesse Bloom, thuộc trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư Fred Hutchinson Research Center tại Seattle, Mỹ, lấy lại được phần nào từ các dữ liệu đã bị xóa liên quan đến những ca Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc, cho thấy bộ gien của các mẫu lấy từ chợ hải sản Vũ Hán về tổng thể không « đại diện » cho SRAS-Cov-2 và đó chỉ là một biến thể của virus đã xuất hiện từ trước đó và lây truyền sang nhiều vùng khác của Trung Quốc.

Mỹ xóa dữ liệu về mẫu gen theo đề nghị của Trung Quốc ?

Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) đã khẳng định với Reuters là các mẫu gien được sử dụng trong nghiên cứu nói trên từng được gửi tới kho lưu trữ  Sequence Read Archive (SRA) của Mỹ hồi tháng 03/2020, nhưng sau đó đã bị xóa theo đề nghị của các nhà điều tra Trung Quốc. Phía Trung Quốc giải thích là các mẫu đó sẽ được cập nhật và cất giữ trong một cơ sở lưu trữ khác.

Các nhà phân tích cho rằng việc xóa dữ liệu là bằng chứng bổ sung về việc Trung Quốc đang cố gắng che giấu nguồn gốc Covid-19.

Reuters nhắc lại một nghiên cứu do Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới phối hợp công bố hồi cuối tháng 03/2021 cũng công nhận có thể đã có những ca bệnh do SRAS-Cov-2 gây ra từ trước khi dịch Covid-19 bùng lên ở Vũ Hán.


AFP đoạt giải báo chí châu Á về việc đưa tin những khoảnh khắc đầu tiên về Covid-19 tại Vũ Hán

Thùy Dương

image.png
Nhà nhiếp ảnh người Chilê Hector Retamal tại Vũ Hán, Trung Quốc. AFP – HECTOR RETAMAL

Hãng tin Pháp AFP hôm 24/06/2021 đoạt giải trong cuộc thi danh giá nhất châu Á dành cho báo chí về hoạt động đưa tin về những khoảnh khắc đầu tiên đại dịch Covid-19, bùng lên ở trung tâm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 01/2020.

AFP hôm 25/06 cho biết nhiếp ảnh gia người Chilê Hector Retamal, văn phòng Thượng Hải, đã giành giải xuất sắc nhất về nhiếp ảnh của Hiệp hội các nhà xuất bản báo chí ở châu Á (SOPA). Nhiếp ảnh gia người Venezuela, Leo Ramirez, văn phòng Bắc Kinh, đã giành giải nhì ở hạng mục “Phóng sự video xuất sắc”.

Cùng với phóng viên người Pháp Sébastien Ricci, hai nhiếp ảnh gia nói trên đã đến Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 23/01/2020, đúng ngày thành phố miền trung Trung Quốc bị phong tỏa và khép kín hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Trong 8 ngày, họ là nhóm nhà báo của cơ quan truyền thông quốc tế duy nhất có thể đưa tin về tình hình đại dịch ở thành phố 11 triệu dân, với rất nhiều bức ảnh và video gây ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa.

Covid-19: Việt Nam đề ra mục tiêu sản xuất vac-xin trước tháng 6/2022

Thanh Hà

image.png
Hộp thuốc vac-xin Sputnik V của Nga. Ảnh chụp tại trung tâm tiêm chủng trong một khu thương mại ở Matxcơva, Nga, ngày 17/06/2021. REUTERS – SHAMIL ZHUMATOV

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, khi tới thăm Viện Vệ Sinh và Dịch Tễ và VaBioTech, một công ty sản xuất vac-xin, sinh phẩm và vật tư y tế chiều 24/06/2021, thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố Việt Nam phải có vac-xin chống Covid-19 sản xuất trong nước trước tháng 6/2022.

Thủ tướng Việt Nam quan niệm đây là mục tiêu « có thể mau chóng đạt được » do Việt Nam có truyền thống về nghiên cứu và sản xuất vac-xin. Thông báo này của thủ tướng VC  Phạm Minh Chính được đưa ra vào lúc Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngừa virus corona ở quy mô toàn quốc. Chính phủ dự trù tiêm chủng cho từ 300.000 đến 500.000 người mỗi ngày.

Vẫn theo Bloomberg, bộ Y Tế đang hỗ trợ các công ty dược phẩm quốc gia để đàm phán với Nga về việc chuyển giao công nghệ, xây dựng xưởng bào chế, gia công toàn phần để Việt Nam có thể sản xuất vac-xin Sputnik V của Nga.

Còn theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam, thủ tướng VC Phạm Minh Chính đã có điện đàm với tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus vào chiều qua, và có lời đề nghị định chế đa quốc gia này giúp đỡ. Hà Nội mong chóng nhận được các lô thuốc tiêm chủng trong khuôn khổ chương trình Covax. Việt Nam cũng mong muốn Tổ Chức Y Tế Thế Giới hỗ trợ để chóng trở thành một trong những địa điểm sản xuất vac-xin trong khu vực Tây Thái Bình Dương và hoan nghênh sáng kiến của tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới đề nghị gửi chuyên gia đến Việt Nam với mục đích này.

Về tình hình dịch tễ, thông tin của bộ Y Tế cho biết đến 12 giờ trưa nay, Việt Nam ghi nhận thêm 112 bệnh nhân dương tính với virus corona, trong đó có 50 trường hợp được phát hiện tại Thành Phố Saigon

Related posts