Thu Hằng
Vào đầu tháng 06/2021, lần đầu tiên quả vải thiều Việt Nam được đưa vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu theo đường chính ngạch, bắt đầu là Cộng Hòa Séc, sau đó là Pháp, Bỉ, Hà Lan. Việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) là một điều kiện thuận lợi cho quả vải thiều Việt Nam chinh phục Cộng đồng 27 quốc gia nổi tiếng khắt khe về tiêu chí an toàn thực phẩm.
Quá trình xuất khẩu chính ngạch vải thiều sang thị trường châu Âu được cục Xúc Tiến Thương Mại phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức. Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) được giới thiệu đến người tiêu dùng châu Âu trong một số sự kiện ẩm thực do các nhà phân phối và Thương Vụ Việt Nam thực hiện, như tại Pháp là Lễ hội ẩm thực 2021 với chủ đề « Chợ ẩm thực – khung cảnh đương đại » tại quảng trường Monge, quận 5 Paris, ngày 19/06 hay chương trình « Vietnam fresh golden lychees – Taste it, love it » tại Hà Lan.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh đến nỗ lực của chính quyền địa phương các vùng trồng vải do mùa thu hoạch 2021 rơi vào thời điểm Việt Nam phải đối phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nghiêm trọng hơn. Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 22/06, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, cho biết về những nỗ lực của địa phương trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua :
« Năm 2021 chuẩn bị vào vụ vải thì huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nói riêng, cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Và để chuẩn bị giúp bà con thu hoạch và tiêu thụ vải, ngay trong tháng 5, huyện đã chủ động xây dựng Kế hoạch xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt năm nay, tỉnh Hải Dương được sự hỗ trợ của bộ Công Thương, bộ Nông Nghiệp và PTNT, đã tổ chức một chuỗi các sự kiện nhằm kết nối, xúc tiến thương mại, như tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp tiêu thụ hàng nông sản, hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ vải thiều năm 2021 đã kết nối với trên 20 điểm cầu của các nước trên thế giới, đưa vải thiều Thanh Hà, Hải Dương tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (Sendo.vn, Voso.vn, Lazada.vn, Alibaba).
Từ những hoạt động này, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước đã biết và đến thu mua vải thiều Thanh Hà, Hải Dương, tạo sự lan tỏa tốt giúp cho việc tiêu thụ vải thiều năm 2021 của chúng tôi cơ bản rất thuận lợi”.
Đường đường thâm nhập thị trường EU khó tính
Lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên được công ty cổ phần Pacific Foods chính thức xuất sang thị trường Liên Hiệp Châu Âu, thông qua Cộng Hòa Séc, vào chiều 07/06 « sau ba năm tìm hiểu và đàm phán các thủ tục, điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu », theo phát biểu của tổng giám đốc Chung Trí Phong. Tiếp theo, gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà được nhập vào Pháp qua cảng hàng không Charles de Gaulle ngày 13/06 và thêm gần một tấn « hạ cánh » xuống sân bay Schipol (Hà Lan) hôm 17/06.
Tất cả các lô vải thiều chính ngạch vào châu Âu đều được dán tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do cục Xúc Tiến Thương Mại, bộ Công Thương xây dựng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp tạo được niềm tin cho người tiêu dùng châu Âu về an toàn thực phẩm, theo đánh giá của chị Quỳnh Phương, chủ công ty ACEM (Paris) sở hữu trang bán hàng điện tử Chợ Việt-Pháp, khi trả lời RFI Tiếng Việt :
« Nhờ có tem truy xuất, người tiêu dùng bây giờ lập tức có thể tiếp cận được với thông tin về nhà sản xuất, cũng như quy trình chế biến, hay chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu. Toàn bộ quá trình này, bao gồm quá trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch hay đóng gói, đều được hiển thị nhờ có tem truy xuất được bộ Thương Mại Việt Nam cấp. Vải Thanh Hà, khi tới Pháp, luôn luôn giữ được chất lượng, thơm ngon nhất đến tay người tiêu dùng ».
Để đạt được chất lượng sản phẩm như vậy là cả một quá trình dài, theo giải thích của bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương :
« Vải thiều Thanh Hà có những đặc trưng khác biệt so với những quả vải thiều được trồng ở nơi khác. Để đến được với những thị trường khó tính, chúng tôi phải quy hoạch các vùng trồng tập trung, hướng dẫn quy trình chăm sóc cho người dân, cử cán bộ theo dõi giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng thị trường. Ví dụ cụ thể là đối với các thị trường như Nhật Bản thì có những bộ tiêu chí riêng. Đối với thị trường EU thì cũng có những bộ tiêu chí được bộ Nông Nghiệp đưa ra.
Tỉnh và huyện đã đầu tư kinh phí hỗ trợ cho người dân mua thuốc bảo vệ thực vật, thuê tư vấn để hướng dẫn và giám sát các vùng trồng từ lúc vải ra hoa đến lúc thu hoạch, thuê đơn vị lấy mẫu để thử nghiệm xem có đạt tiêu chuẩn quy định theo yêu cầu đối với từng thị trường không…
Và đặc biệt, vấn đề bảo đảm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng để đáp ứng được các thị trường, thông qua đánh giá, qua kết quả giám định, test thử. Do có sự chuẩn bị chu đáo, tham gia của chính quyền địa phương, năm 2021, tất cả những vùng trồng vải thiều xuất khẩu của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến bây giờ, vụ vải thiều Thanh Hà đã thu hoạch xong, do tiêu thụ tốt nên vụ vải năm nay đã rút ngắn thời gian thu hoạch khoảng gần chục ngày so với những năm trước ».
Giá cao, đối tượng khách hàng còn hạn chế
Tại một số thị trường châu Âu, vải thiều có tem truy xuất nguồn gốc được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 15 đến 20 euro/kg, thậm chí tại một số siêu thị trong hệ thống Carrefour ở Bruxelles (Bỉ) là 25 euro/kg. Dù được đánh giá về chất lượng nhưng đây vẫn là mức giá cao, gấp 3 lần so với quả vải nhập từ Madagascar hay Nam Phi được bán rộng rãi vào dịp lễ cuối năm ở châu Âu. Chị Quỳnh Phương, chủ trang bán hàng trực tuyến Chợ Việt-Pháp, nhận xét :
« Với giá thành sản phẩm như này, thực ra cũng không hề thấp so với các loại hoa quả khác. Nhưng đặc trưng của vải của Việt Nam là vụ mùa rất ngắn và được vận chuyển bằng đường hàng không nên giá vải hiện tại, tôi thấy hoàn toàn phù hợp với thị trường bên châu Âu.
Với tư cách là một nhà phân phối bán lẻ, vải của Việt Nam, về mặt chất lượng là rất tốt nhưng về mẫu mã bao bì thì nên cải tiến một chút. Hiện tại, bao bì còn hơi sơ sài, nên là hy vọng trong tương lai, chúng ta có thể chú trọng được bao bì một chút để nâng giá trị của quả vải lên so với thị trường ở bên châu Âu ».
Chỉ trong khoảng 3-4 ngày, cửa hàng của chị Quỳnh Phương bán được 500 kg vải thiều Thanh Hà do công ty Rồng Đỏ – Red Dragon xuất khẩu. Đây là con số không hề nhỏ nhưng chủ yếu bán cho cộng đồng người Việt tại Pháp. Tuy nhiên, chị Quỳnh Phương tin vào tiềm năng tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường châu Âu :
« Trong tương lai, tôi nghĩ là quả vải Việt Nam sẽ có tiềm năng lớn để vào các siêu thị tại Pháp bởi vì với chất lượng như này, quả vải Việt Nam sẽ được đón nhận rất nhiệt tình. Và khi đã vào các siêu thị tại Pháp thì những người dân Pháp có thể tìm kiếm quả vải một cách dễ dàng hơn tại tất cả các siêu thị ở trong vùng, như vậy sẽ thuận lợi cho họ rất nhiều. Còn hiện tại mới chỉ phục vụ trong cộng đồng của người Việt tại Pháp nên còn hơi nhỏ, nên mong muốn là quả vải Việt Nam sẽ được vào các siêu thị của Pháp sớm nhất có thể để tất cả người dân tại Pháp nếm thử quả vải rất ngon của Việt Nam ».
Phía người tiêu dùng tại Pháp, hiện chủ yếu là người Việt, đưa ra một số ý kiến về độ ngọt của vải thiều nhập khẩu. Về điểm này, bà Hoàng Thị Thúy Hà giải thích là do vải thiều Thanh Hà có hai đợt thu hoạch, thực tế độ ngọt của « vải thiều sớm » không ngọt sắc bằng « vải chính vụ ». Tuy nhiên, thị trường châu Âu lại thích độ ngọt thanh, hơi nhạt, do đó vải xuất sang khu vực này được thu hoạch khi chín ở khoảng 90% để thuận tiện cho việc bảo quản và vận chuyển đến các thị trường.
Đa dạng thị trường để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc
Vào tháng 04/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước, Trung Quốc đã thắt chặt biên giới để chống dịch khiến hàng nghìn xe chở nông phẩm ùn tắc ở các cửa khẩu Việt-Trung. Nhiều chiến dịch « giải cứu nông phẩm » được người dân Việt Nam phát động và hưởng ứng.
Quả vải không phải là trường hợp ngoại lệ vì hơn một nửa sản lượng vải thiều vẫn được xuất sang thị trường Trung Quốc. Một ví dụ cụ thể được nêu trên trang mạng Báo Lào Cai ngày 29/05 là « đến thời điểm này (cuối tháng 05/2021), đã có trên 6,5 nghìn tấn vải thiều của các vùng trồng được thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, kim ngạch đạt hơn 3,6 triệu đô la, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2019 ».
Từ năm 2015, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa thị trường, nhắm đến nhiều thị trường « khó tính » Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Singapore… Nếu như vải thiều đã được bán khá rộng rãi trong hệ thống siêu thị Nhật Bản hay Singapore, thì châu Âu vẫn còn là miền đất cần chinh phục dù đây là thị trường xuất khẩu thứ 4 của rau, quả Việt Nam, và vải thiều Việt Nam có lợi thế là trái vụ với quả vải Madagascar hay Nam Phi.
Phía Cục Xúc tiến Thương mại và Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Âu cho biết tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các đầu mối nhập khẩu mới, tuyển lựa và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu vào Liên Hiệp Châu Âu. Trước mắt, thị trường châu Âu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong sản lượng năm 2021 vào khoảng 40.000 tấn của riêng vựa vải Thanh Hà (trong đó vải sớm là 25.000 tấn và vải chính vụ là 15.000 tấn) và chưa thể giúp các hộ trồng vải tăng thêm thu nhập. Bà Hoàng Thị Thúy Hà nhận xét :
« Đánh giá một cách tổng quan về thị trường khối EU, tôi nghĩ là sản lượng vải thiều Thanh Hà vào thị trường này cũng còn khiêm tốn, khối lượng chưa được nhiều, cho nên cũng chưa thể đánh giá thu nhập từ việc sản xuất vải thiều của bà con qua việc tiêu thụ vào thị trường EU. Tại vì sao ? Bởi vì các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường đó thường mới chỉ mang tính « khiêm tốn », số lượng thu mua cũng chưa được nhiều.
Chúng tôi xác định rằng vào những thị trường này mới chỉ mang tính thăm dò để làm cơ sở mở rộng vùng trồng. Và đặc biệt, từ những phản hồi tích cực từ phía khách hàng về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm vải thiều Thanh Hà, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tốt quy trình sản xuất để tạo ra những quả vải thiều chất lượng nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng được thị trường này ».
Tuy nhiên, mở rộng vùng trồng để đáp ứng những tiêu chí về nông phẩm của châu Âu thì cần có thời gian để áp dụng bộ tiêu chí riêng. Cho nên, nếu Việt Nam muốn duy trì chiến lược xuất khẩu thường xuyên sang Liên Hiệp Châu Âu nơi vải thiều nhận được những « phản hồi tích cực » và để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thì cần định hướng xuất khẩu số lượng lớn và cũng nên điều chỉnh giá cả để cạnh tranh hơn.