Hội đàm Nga-Trung: Putin làm ‘mất mặt’ Tập Cận Bình

Mạn Vũ

“Năm nay là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, tôi lấy ‘danh nghĩa cá nhân’ để chúc mừng ông”. Đây là câu nói của Putin khiến ông Tập mất mặt… 

Ngày 28/6, Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc hội đàm video trực tuyến với Tổng thống Nga Putin. Trong cuộc hội đàm, Tập Cận Bình và Putin đã gia hạn ‘Hiệp ước Láng giềng tốt đẹp và hợp tác hữu nghị Trung – Nga’ thêm 5 năm. 

Về bản chất, hiệp ước này không phải là ‘láng giềng hữu hảo’. Mà ĐCSTQ phải dùng cách bán lượng lớn quốc thổ* làm điều kiện để giao dịch với Nga. Cái giá này quả là không rẻ. Tập Cận Bình dùng quân bài mặc cả lớn như vậy liệu có đạt được những gì ông ấy muốn không? 

(* Hiệp ước ‘Láng giềng tốt đẹp và hợp tác hữu nghị Trung – Nga’ là hiệp ước chiến lược có thời hạn 20 năm, được ký kết lần đầu vào ngày 16/7/2001 bởi Giang Trạch Dân và Putin. Ngày 28/6, Tập Cận Bình gia hạn thêm 5 năm. Điều này tương đương với ông Tập thừa nhận một lần nữa tính hợp pháp của vùng đất của Trung Quốc rộng 1.5 triệu km2 (khoảng 5 lần diện tích Việt Nam, 44 lần diện tích Đài Loan) giao cấp cho Nga. Vùng đất này bao gồm Vladivostok và phần đất Trung Quốc bị Nga chiếm đoạt trong lịch sử)

Putin làm ‘mất mặt’ Tập Cận Bình

Trong cuộc hội đàm, Tập Cận Bình gọi Putin là “người bạn cũ” một cách rất trìu mến để cố tình thu hẹp khoảng cách. Còn Putin rất bình tĩnh đáp lại, gọi ông Tập là “người bạn cũ” đồng thời nói một cách lịch sự: “Năm nay là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, tôi lấy ‘danh nghĩa cá nhân’ để chúc mừng ông”. 

Chỉ một câu rất ngắn như vậy nhưng lượng thông tin trong đó là khá lớn. Tại sao như vậy? Học giả Đường Tĩnh Viễn trong Viễn khán khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 1/7 nhận định như sau: 

“Chúng ta biết rằng điều Tập Cận Bình đang mong muốn lúc này là điện/công hàm chúc mừng từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia có ‘sức nặng’ như Nga. Điều này khiến Tập Cận Bình có cảm giác như ‘vạn quốc đến thiên triều’ để chúc mừng và mong muốn ông Tập lãnh đạo trật tự quốc tế. 

Hiển nhiên vị ‘bằng hữu’ có vị trí địa chiến lược quan trọng mà ông Tập coi trọng nhất chính là Nga. Nhưng ‘người bạn cũ’ này đã làm ông ‘mất mặt’. 

Trong lời của Putin “tôi lấy ‘danh nghĩa cá nhân’ để chúc mừng ông” có ý là, mặc dù tôi gọi ông là ‘người bạn cũ’, nhưng đây chỉ là thân phận cá nhân, tôi lấy phân phận cá nhân chứ không lấy tư cách Tổng thống đại diện cho nước Nga để chúc mừng ông. 

Mọi người biết rằng, sức nặng của 2 loại thân phận này cách nhau một trời một vực. Tập Cận Bình lúc ấy không hiểu nhưng vẫn nói một cách vui vẻ rằng “lời chúc và sự ủng hộ này đến từ vị láng giềng tốt, một người bạn thật tốt”. 

Ông Tập không hiểu nhưng Ban Tuyên giáo Trung ương hiểu điều Putin nói. Sau đó, Tân Hoa Xã đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Xã hội quốc tế nhiệt liệt chúc mừng 100 năm thành lập ĐCSTQ”. Để duy trì thể diện, bài báo đã liệt kê điện chúc mừng một số lãnh đạo quốc gia, nhân sĩ thân ĐCSTQ như Tổng bí thư đảng cải cách Yemen, Liên minh yêu nước của người Kurd ở Iraq v.v. tất cả đều được sắp xếp theo thứ tự nhưng… không thấy thư của Putin hay Nga. 

Cho nên trong trường hợp này, Putin đã làm mất mặt Tập Cận Bình. Thông điệp được gửi đi rất rõ ràng: Chúng ta cần giữ khoảng cách. Đây là lý do tại sao tôi nói đoạn lời của Putin chứa đựng lượng thông tin khá lớn”. 

Nga – Trung: không cùng chiến tuyến

Đường tiên sinh nói thêm: “Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga giữa Biden và Putin, Tập Cận Bình đã quan sát rất kỹ, đồng thời ông muốn định hình lại quan hệ Trung – Nga. Tập Cận Bình rất coi trọng điều này, vậy nên ông thà mang tiếng nhơ ‘bán nước’ của Giang Trạch Dân cũng không muốn cho Nga và phương tây hợp tác cùng nhau. Cũng chính là nói đứng tại lập trường của Tập Cận Bình, ông ấy muốn dùng quân bài mặc cả này để Putin coi trọng quan hệ Trung – Nga hơn là Mỹ – Nga. 

Nhưng thái độ của Putin lại hoàn toàn tương phản. Ông ấy muốn giữ khoảng cách với ĐCSTQ. Mặc dù động thái của Putin không quá lộ liễu nhưng đủ để thấy ông sẽ không chọn Trung hay Mỹ, mà là bước lên sự cân bằng đó rồi thu lợi từ hai bên. Điều này cách quá xa so với kỳ vọng của Tập Cận Bình. 

Tập Cận Bình muốn Putin đạt đến cấp bậc của ‘người bạn cũ’ (lão bằng hữu). Ở cấp độ này chỉ thêm một bước nữa là ‘bạn đồng minh’ (minh hữu). Còn đứng ở cấp độ quốc gia, ‘người bạn cũ’ nên giúp tôi trong các vấn đề lớn, nói cách khác, bạn phải lựa chọn bên một bên chứ không thể đứng ngoài ‘toạ sơn quan hổ đấu’. 

Nhưng thái độ của Putin biểu thị rằng, ông ấy chỉ muốn giữ mối quan hệ làm ăn với Tập Cận Bình. Nói cách khác, ý của Putin là ‘tôi có thể lựa chọn giúp bạn, nhưng cái nào giúp bạn, cái nào không giúp bạn lại là quyết định của tôi’. Với câu nước đôi như vậy, Putin vẫn chưa quyết định đứng cùng ông Tập”.

Thêm vào đó, sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ, NBC đã phỏng vấn Tổng thống Nga Putin. Phóng viên hỏi: “Nếu Trung – Mỹ phát sinh xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan, Nga sẽ phản ứng như thế nào?”. Ý nghĩa rõ hơn của câu này là: Nếu Mỹ hỗ trợ Đài Loan, còn ĐCSTQ không có vũ khí hiện đại, liệu Nga có xuất binh hay bán vũ khí hiện đại cho ĐCSTQ hay không. Putin trả lời: “Sẽ không xảy ra chuyện ấy (xung đột Trung – Mỹ) nên không cần thảo luận”. Ý Putin là ‘tôi không trả lời câu hỏi này’.

Nhưng từ câu trả lời của Putin, chúng ta thấy rằng Putin căn bản không đứng cùng chiến tuyến với ĐCSTQ. Dù ĐCSTQ và Nga đều là nước có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, nhưng để hai nước thiết lập mối quan hệ khăng khít thì chẳng khác gì ‘đồng sàng dị mộng’. 

ĐCSTQ đã trả một chi phí đắt cho mối quan hệ Trung – Nga

Để có được mối quan hệ với Nga, cái giá của ĐCSTQ phải trả cao hơn nhiều so với phía Mỹ – Âu.

ĐCSTQ phải mất chi phí thương mại, thậm chí phải ‘nghiến răng’ cắt đi một phần lãnh thổ… Cộng tất cả những chi phí này lại, ĐCSTQ mới duy trì mối quan hệ yên ổn với Nga: thân thiện bên ngoài nhưng thực dụng ở bên trong. 

Nhưng phía Mỹ – Âu lại rất đơn giản, họ chỉ cần gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Nga thì họ đã đạt được mục tiêu ở trên (hữu hảo bên ngoài, thực dụng bên trong). 

Vậy nên trong cạnh tranh vị trí địa chiến lược quan trọng từ Nga, giữa ĐCSTQ và Mỹ – Âu thì ai đạt được vị trí có lợi/bất lợi, chúng ta có thể thấy rõ ràng. 

Related posts