Tin thế giới sáng thứ Sáu

“Chứng nhận y tế châu Âu” chính thức có hiệu lực

Thùy Dương

image.png
Chứng nhận y tế châu Âu, công cụ cho phép khởi động lại ngành du lịch. AFP – OLIVIER MORIN

« Chứng nhận y tế châu Âu » chính thức có hiệu lực từ hôm nay 01/07/2021 tại Liên Hiệp Châu Âu. Đây là biện pháp của Bruxelles để giúp người dân Liên Âu di chuyển thuận lợi hơn, đồng thời để tái thúc đẩy ngành du lịch của Liên Hiệp Châu Âu trong mùa hè này, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh.

Theo AFP chứng nhận y tế châu Âu có tên gọi chính thức là « Chứng nhận kỹ thuật số Covid châu Âu », được cấp miễn phí cho những người đáp ứng đủ yêu cầu và được công nhận tại 27 nước thành viên Liên Âu, cũng như Thụy Sĩ, Liechtenstein, Ireland và Na Uy.

Chứng chỉ của Liên Âu được cấp cho người hoặc đã được tiêm ngừa Covid-19, hoặc có xét nghiệm âm tính với virus corona, hoặc có khả năng miễn dịch do từng bị lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, Bruxelles để ngỏ cho từng quốc gia khả năng chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên, cho dù Bruxelles khuyến nghị các nước thành viên nên chấp nhận cả hai loại xét nghiệm nói trên.

Pháp: Du khách nước ngoài phải tự trả phí xét nghiệm tầm soát
Riêng tại Pháp, hôm qua phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal khẳng định từ ngày 07/07/2021, du khách nước ngoài khi làm xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại Pháp sẽ phải trả phí : 49 euro cho một lần xét nghiệm PCR và 29 euro cho một lần xét nghiệm kháng nguyên. Theo phát ngôn viên chính phủ Attal, đây là một biện pháp « có đi, có lại » bởi người Pháp khi đi du lịch ở nước ngoài thì đa phần các nước đều áp dụng quy định bắt khách Pháp trả phí xét nghiệm.

Liên quan tới chiến dịch tiêm chủng trong nước, cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal cthông báo từ nay tới tháng 09 chính phủ có thể sẽ quy định bắt buộc các nhân viên chăm sóc y tế tiêm ngừa Covid-19. Thông báo này được đưa ra sau khi thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ cho khởi động « trong những ngày tới » một cuộc tham vấn với các hiệp hội dân biểu địa phương và chủ tịch các đảng phái ở Nghị Viện về khả năng bắt buộc tiêm phòng đối với nhân viên chăm sóc y tế.

Tất cả những biện pháp nói trên đều nhằm ngăn chặn nguy cơ làn sóng dịch mới bùng nổ tại Pháp sau mùa hè, trong bối cảnh từ hôm qua Pháp dỡ bỏ biện pháp hạn chế cuối cùng ; các rạp phim, nhà hàng, cửa hàng không cần hạn chế số lượng khách được tiếp đón cùng lúc. Giáo sư Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng khoa học, cơ quan tư vấn cho chính phủ Pháp về chiến dịch ngừa Covid-19, nhận định làn sóng dịch tấn công Pháp sau kỳ nghỉ hè là điều « không thể trách khỏi », nhưng có thể dịch sẽ không nặng bằng những đợt trước đây.

Thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu

Thụy My

image.png
Trụ sở của Ủy Ban Châu Âu tại Bruxxelles, Bỉ : Lần đầu tiên 27 thành viên Liên Âu đồng thuận về một quỹ chung phát triển quốc phòng. AFP – ARIS OIKONOMOU

Ủy Ban Châu Âu hôm 30/06/2021 chính thức thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu với ngân sách gần 8 tỉ euro từ 2021 đến 2027 để tài trợ cho các dự án hợp tác giữa các công ty quốc phòng, tăng cường tính độc lập cho châu Âu trong lãnh vực này. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) dành một phần ngân sách chung cho kỹ nghệ quốc phòng.

Cụ thể, Quỹ Quốc phòng được phân bổ 7,95 tỉ euro trong 8 năm, trong tổng ngân sách 1.074 tỉ euro của Liên hiệp. Số tiền này là kết quả của những tranh cãi gay gắt vì nhiều nước ngần ngại không muốn tài trợ.

Đối với ủy viên phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton, Quỹ Quốc phòng châu Âu là đóng góp quan trọng cho việc tự chủ, EU cần phải dần dà trở thành một nhân tố an ninh ở tầm quốc tế.

Quỹ này sẽ tài trợ cho các dự án hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên có sáng tạo công nghệ, từ các tập đoàn lớn đến các công ty nhỏ và khởi nghiệp (start-up). Sự tham gia của các công ty ngoài châu Âu cũng được chấp nhận với những điều kiện nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh và lợi ích của châu Âu.

Bước đầu, quỹ dành 1,2 tỉ euro trong đó có 700 triệu euro cho việc phát triển các chiến đấu cơ tương lai, chiến hạm dùng kỹ thuật số hoặc hệ thống chống hỏa tiễn ; khoảng 100 triệu euro cho các công nghệ thiết yếu như trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây (cloud) cho quân sự… Ngoài ra Ủy Ban Châu Âu cũng dành 100 triệu euro cho Eurodrone, thiết bị bay không người lái do Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha phối hợp sản xuất.

Thủ tướng dân túy của Slovenia giữ chức chủ tịch luân phiên EU

Hôm nay 01/07 ông Janez Jansa, thủ tướng Slovenia bắt đầu làm nhiệm vụ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Nhân vật được mệnh danh là « Thống chế Twitto » hay « Mini Trump » gây bối rối cho giới ngoại giao ở Bruxelles, với những tuyên bố thô bạo và thói quen dùng Twitter liên tục để tranh cãi.

Cách đây 15 năm ông Jansa đã từng giữ chức vụ này và có thái độ đúng mực, nhưng nay ông lại đi theo hướng ông Viktor Orban của Hungary, chống lại nhiều chính sách của châu Âu.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Janez Jansa là nhà lãnh đạo đầu tiên gởi điện chúc mừng ông Donald Trump tái đắc cử trong lúc cuộc kiểm phiếu vẫn chưa hoàn tất, và cho đến nay ông cũng là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới chưa hề chúc mừng Joe Biden.


100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc: Tập Cận Bình hứa tăng cường quân sự, thống nhất Đài Loan

Thụy My

image.png
Chủ tịch Tập Cận Bình từ khán đài trên quảng trường Thiên An Môn hát quốc ca nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ảnh ngày 01/07/2021. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm nay 01/07/2021, chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi đà tiến « không thể đảo ngược » của Trung Quốc, tiếp tục phát triển quân sự, hứa hẹn « thống nhất » Đài Loan, đồng thời đe dọa đập tan những thế lực nào muốn khuất phục Trung Quốc.

Nêu ra sự kiện hàng trăm triệu người đã ra khỏi cảnh nghèo khổ cùng cực sau vài thập niên, Tập Cận Bình nhấn mạnh « sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc đã bước vào một tiến trình lịch sử không thể đảo ngược ». Theo AFP, đây là dấu hiệu gởi đến Washington vốn thường xuyên nói rằng Trung Quốc là đối thủ về chính trị và kinh tế.

Ông Tập hứa hẹn tiếp tục tăng cường quân sự, « thống nhất » với Đài Loan, ổn định xã hội tại Hồng Kông đồng thời bảo vệ an ninh và chủ quyền Trung Quốc.

Reuters dẫn tuyên bố của Tập Cận Bình : « Giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử không thể nào lay chuyển được của đảng Cộng Sản, và là khát vọng của nhân dân Trung Quốc ». Ông kêu gọi « đồng bào » hai bên bờ eo biển cùng tham gia tiến trình « thống nhất hòa bình », đập tan các âm mưu đòi Đài Loan độc lập.

Theo ông Tập, cường quốc nước ngoài nào sách nhiễu, đàn áp hay muốn khuất phục Trung Quốc sẽ phải đổ máu trước « Vạn lý Trường thành bằng sắt do hơn 1,4 tỉ người Trung Quốc hợp thành ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài phóng sự về buổi lễ hoành tráng tại Thiên An Môn :

« Đám đông reo hò khi nhìn lên bầu trời. Khoảng 30 chiếc trực thăng vừa xuất hiện phía trên quảng trường Thiên An Môn, tạo thành con số 100 để đánh dấu dịp đảng được 100 tuổi. Những khách mời không được quyền mang theo điện thoại di động, nên họ nhờ các nhà báo chụp giùm tấm ảnh cùng với chiếc vé vào cửa để kỷ niệm.

« Không có một Trung Hoa mới nếu không có đảng Cộng Sản Trung Quốc », sinh viên các trường đại học thủ đô hát. Không có diễn binh, thay vào đó là những bộ áo đầm mang màu sắc tươi sáng. Chế độ muốn cho thấy một hình ảnh trẻ trung và tân tiến của đảng.

Bên cạnh đó là tinh thần tiến công kiên quyết. Nếu ai đó vẫn còn chưa chịu hiểu, thì đây, 100 phát đạn đại bác được bắn đi từ những khẩu pháo dựa vào tường Đại sảnh đường Nhân Dân. Người ta nghe thấy tiếng những thiết bị bay không người lái.

Từ phía trên khán đài ở Tử Cấm Thành, ông Tập Cận Bình tuyên bố : « Người Trung Quốc không chỉ giỏi trong việc phá hủy thế giới cũ mà còn giỏi xây dựng nên thế giới mới. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa mới đóng góp được vào công cuộc phát triển Trung Quốc ». Cả quảng trường nhất loạt vỗ tay hoan nghênh chủ tịch nước.

Một sinh viên trường đại học Bắc Kinh là đảng viên cho biết : « Chúng tôi hết sức tự hào, hôm nay là một ngày quan trọng ».

Bầu trời bỗng trở nên xám xịt. Vừa mặc áo mưa vào là các tình nguyện viên đã yêu cầu cởi ra, cũng như khi đội lên chiếc nón kết lúc trời nắng, một tiếng đồng hồ trước đó. À ra vậy, ngay cả trang phục của những người tham dự cũng là một phần của màn diễn đã được tính toán từng ly từng tí cho các camera của truyền hình quốc gia Trung Quốc.

Dịp kỷ niệm diễn ra vào lúc đảng đã kết nạp thêm 2.430.000 đảng viên mới trong năm 2020, và khoe khoang thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid. Trước khi bước lên xe buýt, một nhà báo Tân Hoa Xã hỏi chúng tôi có những cuộc biểu tình lớn như vậy tại châu Âu hay không. Trả lời : ‘Có, nhưng chủ yếu để phản đối chính phủ’ ».

Theo ông Lôi Cường (Wu Qiang), giáo sư đại học Thanh Hoa đã từ chức sau khi ủng hộ Hồng Kông, dịp kỷ niệm này còn là cách để ăn mừng việc Trung Quốc thoát khỏi số phận của các đảng cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ, đã tan rã sau chiến tranh lạnh. Đảng tìm cách gắn liền sự sống còn của mình với quốc gia, dân tộc, nhằm tạo tính chính danh.

Không có gì ngạc nhiên khi vài chục triệu người chết đói và bị thanh trừng thời Mao không hề được nhắc đến.


Thế giới tiếp tục có ấn tượng xấu về Trung Quốc

Thụy My

image.png
Hình ảnh Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn nhân kỷ niệm 100 năm ngày đảng Cộng Sản TQ được thành lập. AP – Ng Han Guan

Trong khi ông Tập Cận Bình khẳng định « sự phục hưng vĩ đại », cuộc thăm dò dư luận của trung tâm Pew có trụ sở tại Washington công bố hôm 30/06/2021 cho thấy người dân Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc : vi phạm nhân quyền, hành xử vô trách nhiệm.

Về vấn đề tôn trọng quyền tự do cá nhân, ý kiến tiêu cực đối với Bắc Kinh cao ở mức kỷ lục tại bảy quốc gia Ý, Hàn Quốc, Hy Lạp, Canada, Úc, Anh và Hà Lan.

Tại Nhật Bản, ấn tượng xấu về Trung Quốc tăng lên 88%, gần đạt mức kỷ lục 93% hồi cao điểm tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông. Ở Hàn Quốc, cứ 10 người thì có đến 9 người nói rằng Bắc Kinh  không hề tôn trọng tự do cá nhân của công dân Trung Quốc (năm 2018 tỉ lệ này là 8/10).

Singapore ít phê phán Trung Quốc vi phạm nhân quyền nhất trong số các nước được khảo sát là Hoa Kỳ, Đài Loan, New Zealand, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Điển, nhưng số người chỉ trích Bắc Kinh cũng đã chiếm đến 60%.

Còn tại Mỹ, tâm lý chống Trung Quốc tiếp tục tăng lên, số người có cái nhìn tiêu cực về Bắc Kinh lên đến 76%, tăng gần 30% so với năm 2017, thời chính quyền Donald Trump. Đặc biệt có 3% người Mỹ khi được hỏi nghĩ gì về Trung Quốc đã nêu ra ngay « Tân Cương », « Duy Ngô Nhĩ ». Theo một nhà nghiên cứu của Pew, tỉ lệ này có vẻ không nhiều, nhưng là một thay đổi lớn đối với những người Mỹ bình thường, vì trong những khảo sát các năm trước, họ không hề nói đến Tây Tạng hay Đạt Lai Lạt Ma.

Nhìn chung, kết quả thăm dò mới nhất của Pew được South China Morning Post dẫn lại cho thấy, các quan chức Trung Quốc đang đối mặt với tình thế khó khăn, khi muốn thực hiện nhiệm vụ ông Tập giao cho là mở rộng bạn bè, tạo tiếng thơm cho Trung Quốc. « Ngoại giao chiến lang » hung hăng chỉ làm xấu thêm hình ảnh của Bắc Kinh. Số người cho rằng Tập Cận Bình đã hành xử đúng đắn trong các vấn đề quốc tế chỉ chiếm có 20%.

Về kinh tế, đa số những người được hỏi ủng hộ một quan hệ kinh tế chặt chẽ của nước mình với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Tại Úc, tỉ lệ này từ 43% trong năm 2019 đã tăng lên 59%, cho thấy sự rạn nứt giữa Bắc Kinh và Canberra ảnh hưởng đến công chúng Úc. Tại châu Âu, số người cho rằng nên quan hệ chặt hơn với Mỹ gấp ba lần so với số người ủng hộ Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh đã vượt Washington trở thành đối tác thương mại chính của Liên Hiệp Châu Âu năm 2020.

Cuộc khảo sát của viện thăm dò Pew được tiến hành với 19.000 người trưởng thành tại 17 nước từ tháng Hai đến tháng Năm.

Related posts