Canada: Nạn đồng hóa, diệt chủng văn hóa và nỗi đau của nhiều thế hệ thổ dân

Thùy Dương

image.png
Đài tưởng niệm các nạn nhân ở nơi từng là trường nội trú Kamloops dành cho con em các gia đình thổ dân, ngày 29/05/2021, tại British Columbia, Canada. REUTERS – DENNIS OWEN

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, công luận Canada ba lần bị chấn động sau các vụ phát hiện hàng ngàn bộ hài cốt và ngôi mộ, đa phần là của trẻ em, gần những nơi trước đây từng là các trường nội trú cho trẻ em bản địa.

Ba vụ phát hiện ở miền tây và viễn tây Canada chỉ trong vòng hơn 4 tuần một lần nữa làm dấy lên những ký ức đau thương về nạn đồng hóa thổ dân một thời ở Canada, với nhiều ngàn trẻ em, kể cả những em bé mới 3-4 tuổi, bị tách khỏi gia đình, bị đối xử tàn tệ cả về thể xác và tinh thần, mất tích và thiệt mạng.

Vào ngày 28/05, một cộng đồng thổ dân ở miền viễn tây Canada cho biết mới tìm ra 215 bộ hài cốt trẻ em được chôn lấp tại nơi từng là khuôn viên một trường nội trú cho trẻ em là thổ dân ở tỉnh British-Columbia trong giai đoạn 1890 – 1963. Sau đó, chính phủ Canada đã cho đào bới các khu vực quanh nhiều nơi từng là trường nội trú dành cho con em thổ dân.

Theo tiết lộ ngày 24/06/2021 của cộng đồng thổ dân ở miền tây Canada, nhờ radar địa chất, họ đã phát hiện được hơn 750 ngôi mộ vô danh ở Marieval, tỉnh Saskatchewan, gần nơi trước kia là trường nội trú cho học sinh thổ dân trong khuôn khổ chương trình đồng hóa các sắc dân bản địa. Theo AFP, một cuộc điều tra đã được mở ra. Cho dù không phải là mộ tập thể, nhưng cũng có thể có những mộ chứa vài bộ hài cốt, đa phần là của trẻ em.

Và gần đây nhất, vào ngày 30/06, ngay trước ngày Quốc Khánh Canada, cũng tại tỉnh British-Columbia, cộng đồng người bản địa tại Lower Kootenay phát hiện được 128 ngôi mộ gần nơi trước đây đặt trường nội trú Saint Eugene ở Cranbrook.  

Phát biểu trên đài CBC, đại diện một Liên hiệp thổ dân ở tỉnh Saskatchewan tố cáo Canada đã lập « những trại tập trung » và tìm cách « hủy diệt thổ dân ». Nhưng trước hết, thổ dân tại Canada là những nhóm người nào ? Trả lời phỏng vấn trên đài RFI tiếng Pháp, ngày 25/06/2021, giáo sư địa lý Béatrice Collignon, đại học Bordeaux Montaigne, nhà nghiên cứu từng có nhiều bài viết về nạn đồng hóa các sắc dân thổ địa tại Canada, giải thích :

« Chúng ta đang nói đến những người dân sống ở vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Canada trước khi người châu Âu theo bước các nhà thám hiểm đầu tiên, những người đi biển đầu tiên đến vùng đất này hồi thế kỷ 15-16. Khi người châu Âu đến vùng đất nay là Canada, ở đó đã có những người dân sinh sống từ trước đấy. Những người này nay được gọi là “autochtones” (thổ dân).

“Autochtones” cũng là một cách nói để chỉ những người dân, trước tiên là thổ dân châu Mỹ, nhưng từ này cũng dùng để chỉ những người đến từ các vùng đất khác mà lịch sử của họ được đánh dấu bằng việc trở thành cộng đồng người thiểu số ngay tại vùng đất mà xưa kia là lãnh thổ của riêng họ và họ cũng là nạn nhân bị truất quyền sở hữu đất đai, bị tước cả quyền khai thác đất đai và các nguồn tài nguyên trong lòng đất, hệ quả từ các chính sách phân biệt đối xử xã hội, kỳ thị chủng tộc. Thổ dân cũng là nạn nhân của những mưu toan và chính sách đồng hóa thường là đầy khổ đau và với nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần ».

Giáo dục hay hủy diệt ?
Một ủy ban điều tra của Canada kết luận chính quyền nước này đã tiến hành « một cuộc diệt chủng văn hóa thực sự » từ giữa thế kỷ XIX, đặc biệt là từ những năm 1880 đến năm 1996. Năm 1996 là năm đánh dấu hoàn tất việc đóng cửa các trường nội trú cho trẻ em thổ dân. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó, theo nhiều ước tính, có tổng cộng khoảng 4.000 em đã mất mạng tại 139 trường nội trú rải rác trong cả nước. Đài Radio Canada ngày 04/06 thậm chí còn cho biết Ủy ban nói trên nhận định con số trẻ em thổ dân thiệt mạng trên thực tế rất có thể cao gấp 5-10 lần con số 4.000. Giáo sư địa lý Béatrice Collignon giải thích :

« Quả thực ở Canada, kể từ cuối thế kỷ 19 một chính sách đồng hóa những người được gọi là thổ dân da đỏ đã được triển khai, nhằm làm cho họ sống theo những giá trị và lối sinh hoạt xã hội theo kiểu mà người Âu mang vào Canada. Và để làm được điều đó, chính quyền liên bang đã mang những đứa trẻ khỏi gia đình các em, đưa các em vào các trường nội trú để giáo dục các em theo những quy tắc và cách thức của người Âu châu. Các em bị ép buộc đến những trường nội trú đó với ý muốn rõ ràng là hủy hoại các mối liên hệ và sự trao truyền trong gia đình các em ».  

Ở khắp nơi trong cả nước, chính quyền liên bang đã « giằng » 150.000 em nhỏ thuộc các sắc dân thổ địa khỏi vòng tay cha mẹ các em, đưa những em nhỏ này vào các trường nội trú, để giáo dục các em thành những người mà họ gọi là « người da trắng tử tế ». Nhưng rốt cuộc, nhiều em bị đối xử tàn tệ về thể xác và tinh thần, suy dinh dưỡng, lâm bệnh, bị bạo hành, thậm chí bị cưỡng hiếp … Le Figaro trích dẫn cụ bà Florence Sparvier, 80 tuổi, từng là nạn nhân của trường nội trú ở Marieval hồi tưởng với hãng tin Canada : « Họ làm cho chúng tôi tin rằng chúng tôi không có tâm hồn (…) Vào thời đó, nếu các vị phụ huynh không muốn con cái bị đưa vào các trường nội trú, một trong hai bậc cha mẹ sẽ phải ngồi tù ».  

Theo những nghiên cứu của giáo sư Béatrice Collignon thì quả đúng là chính phủ Canada đã có các biện pháp cưỡng chế khắc nghiệt. Nếu các bậc phụ huynh từ chối gửi con vào trường nội trú, họ sẽ bị tước quyền làm cha mẹ. Ngay cả khi biết con cái phải chịu đựng trong các trường nội trú, họ cũng không có cách nào giải cứu con ngay cả khi chỉ sống cách đó chưa đầy 1 km. Một điều đáng nói khác, theo nhà nghiên cứu Béatrice Collignon, những người được giao quản lý các trường nội trú không phải ai cũng có kỹ năng giáo dục, nhưng họ được toàn quyền đối xử với các em như họ muốn mà không cần thông qua ý kiến cha mẹ các em.

Còn bản thân con em các gia đình thổ dân thì không được tôn trọng, thường xuyên bị trừng phạt bởi người ta nghĩ trong văn hóa thổ dân, trong tâm hồn các em có sự nổi loạn, các em bị mắng mỏ với những lời lẽ nặng nề rằng các em chẳng là gì hết, các em chẳng có nghĩa lý gì cả. Đó là với thế hệ thứ nhất. Các em này, khi trưởng thành, có con cái, dù biết rõ những gì đang chờ đợi con cái, nhưng lại không thể làm gì để tránh cho con em phải chịu đựng những gì họ đã trải qua trong trường nội trú. Một thế kỷ như vậy đã trôi qua, chứng kiến nỗi đau mà nhiều thế hệ thổ dân phải hứng chịu!

Bóng tối lịch sử
Sau ba vụ việc gần đây nhất, thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi nạn đồng hóa thổ dân trước kia là sự bất công, kỳ thị, phân biệt đối xử, những sai lầm khủng khiếp của đất nước trong quá khứ, những bài học cần rút ra cho hiện tại và tương lai. Thủ tướng Trudeau không lại trừ khả năng cho khởi tố các tội hình sự và đề nghị Giáo hoàng Phanxicô trực tiếp đến Canada để xin lỗi cộng đồng thổ dân. Nhưng tại sao Giáo hội Công giáo lại có liên quan đến chuyện này ? Vẫn trong chương trình Khách mời quốc tế của RFI ban tiếng Pháp, nhà nghiên cứu Béatrice Collignon giải thích :

« Có các trường nội trú của nhà thờ công giáo và cũng có cả các trường nội trú của giáo phái Anh, nhưng chủ yếu vẫn là các trường nội trú của nhà thờ công giáo, bởi vì ở Canada chính quyền đã giao nhiệm vụ giáo dục này cho các tổ chức tôn giáo. Không giống như hệ thống của Pháp, ở Canada không có sự phân tách giữa tôn giáo và Nhà nước.

Đối với chúng ta, điều này có vẻ đáng ngạc nhiên, rất đáng ngạc nhiên, nhưng trong logic của người Canada thì điều đó chẳng có gì đặc biệt cả. Vậy là các tổ chức tôn giáo chị trách nhiệm bảo đảm việc giáo dục trẻ em thổ dân nhằm “diệt trừ” văn hóa thổ dân của các em, để áp đặt một văn hóa khác đối với con em thổ dân. Và sự diệt trừ văn hóa đó diễn ra với đủ mọi phương cách chủ yếu nhằm cắt đứt mối liên hệ gia đình của các em ».

Việc xóa bỏ các trường nội trú dành cho trẻ em thổ dân đã được hoàn thành vào năm 1996. Thế nhưng sau đó thì sao? Chính quyền Canada trong những năm qua đã có những hành động cụ thể gì đối với các cộng đồng thổ dân từng bị đồng hóa ? Giáo sư Béatrice Collignon cho biết :

« Một ủy ban mà người ta gọi là ủy ban Sự thật và Hòa giải trong giai đoạn 2008 – 2015 đã đưa ra những giải thích rất sâu. Đó là một ủy ban cấp liên bang chuyên trách về lịch sử các trường nội trú cho trẻ em thổ dân. Sau những giải thích của Ủy ban này, trên thực tế không hề có lời xin lỗi nào được đưa ra nhưng có những sự bù đắp về tài chính cho các gia đình đã phải chịu đựng những cách đối xử nói trên qua nhiều thế hệ. Vẫn còn thiếu những lời xin lỗi và ủy ban Sự thật và Hòa giải rất khó được cộng đồng người Canada chiếm đa số lắng nghe. Phải cần đến những phát hiện bi thương như vừa qua để toàn xã hội Canada tự vấn mình ».

01/07 là ngày Quốc Khánh Canada, nhưng Quốc Khánh Canada năm 2021, hơn bao giờ hết, bị « bóng tối lịch sử » phủ kín, nhiều nơi treo cờ rủ, nhiều cuộc tuần hành thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng thổ dân Canada được tổ chức. Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi nhậm chức đã đặt vấn đề hòa giải là một trong những mối ưu tiên trong nhiệm kỳ, nhưng sau hàng hoạt những phát hiện gây chấn động, chính ông cũng phải nói rằng con đường hòa giải vẫn còn dài …

Related posts