Du lịch Việt Nam điêu đứng vì Covid-19

Tôi mới nhận tin xấu: Resort năm sao ở Hội An, đối tác chiến lược của công ty tôi, đang bị ngân hàng bắt nợ và có nguy cơ phá sản.

Gần nửa tỷ đồng tiền phòng tôi đã trả cho resort để giữ chỗ cho kế hoạch bán tour cao điểm hè năm nay có nguy cơ bị mất. Nhân viên kinh doanh và đặt phòng thường xuyên làm việc với chúng tôi đã bị cho nghỉ việc. Số điện thoại của giám đốc cũng như e-mails của họ không có hồi âm.

Chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa khi liên tiếp nhận tin xấu từ đầu tháng Năm. Từ lo ngại sẽ bị ảnh hưởng giai đoạn đầu hè, đến lo sợ sẽ không có doanh thu cả dịp hè cao điểm, và đến giờ là nỗi lo mất trắng tiền vốn đã bỏ ra. Hàng tỷ đồng vốn đặt cọc cho các hãng hàng không, resort, du thuyền để chuẩn bị “hàng” cho mùa du lịch cao điểm chưa biết bao giờ mới thu hồi được.

Sắp tới kỳ trả lương cho nhân viên, phí thuê văn phòng và trăm loại chi phí khác mà công ty gần như không có doanh thu. Chẳng nhẽ một CEO hơn 20 năm làm du lịch như tôi cũng phải chấp nhận đóng cửa doanh nghiệp của mình như 95% doanh nghiệp cùng ngành bởi hiệu ứng domino Covid?

Trước mắt tôi là một bức tranh thật ảm đạm. Đã giữa hè 2021, nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, nhà xe, hàng không, điểm du lịch tại Việt Nam vẫn phải ngủ đông cùng những cơn ác mộng. Cơn bão mang tên Covid lần thứ tư có lẽ là cú knock-out khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, nhiều nhà hàng, khách sạn, du thuyền, nhà xe, các cơ sở dịch vụ vốn đã điêu đứng, giờ chết hẳn. Công ty đồng nghiệp của tôi, khoảng 60% nhân sự bị mất việc hoặc cắt giảm ngày công.

Năm tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 98% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 48% so với cùng kỳ năm trước. Năm ngoái, khách quốc tế chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm gần 80% so với 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34%. Tổng doanh thu ngành thu du lịch giảm gần 59% – tương đương mất đi 19 tỷ USD.

Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu một năm rưỡi qua lao đao bởi Covid-19 giờ đã dần mở cửa lại nhờ vaccine. Tôi thấy các sân vận động châu Âu đầy ắp khán giả xem Euro 2021 mà phát thèm. Hộ chiếu vaccine đã được một số nước châu Âu như Hy Lạp, Đan Mạch, Pháp triển khai. Các nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản hay New Zealand bắt đầu thử nghiệm.

Tại Thái Lan, nơi du lịch đóng góp 1/5 GDP, những điểm đến nổi danh như đảo Phuket giờ hoang tàn như hòn đảo ma. Chính vì vậy, Thái Lan đã sớm chuẩn bị kế hoạch tái mở cửa du lịch. Đầu năm nay, họ tuyên bố từ 1/7/2021 sẽ đón khách từ một số thị trường Tây Âu và Bắc Âu với điểm đến thí điểm là Phuket.

Theo mô hình “Phuket Sandbox“, du khách mang hộ chiếu vaccine và có xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi đến đảo sẽ không phải cách ly. Họ phải ở lại Phuket ít nhất 14 ngày trước khi tiếp tục hành trình tới các nơi khác ở Thái. Nếu ý tưởng thành công, nước này sẽ tiếp tục mở cửa đón khách quốc tế đến Chiang Mai, Pattaya, Krabi, Koh Samui và Phang Nga.

Để phòng tránh nguy cơ du khách lây virus sang dân địa phương, Thái Lan đã ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ dân trên đảo Phuket, đặc biệt là người trong ngành du lịch và dịch vụ trực tiếp tiếp xúc với du khách. Trên 70% dân số hòn đảo đã được tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.

Singapore cũng đã mở cửa đón khách quốc tế với ba mức ưu tiên. Trước đợt dịch thứ tư tại Việt Nam, Singapore xếp khách từ Việt Nam vào nhóm ưu tiên cao nhất.

Bộ Chính trị ngày 12/6 đã yêu cầu nghiên cứu cho thí điểm hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc. Đây là tiền đề quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp các bộ ngành khác như Y tế, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công an cùng bàn thảo để đưa ra kế hoạch tái mở cửa đón khách ngoại, song vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa giúp du lịch Việt Nam có nguồn thu và không bị tụt hậu so với láng giềng.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: những khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, bãi biển nào sẽ được đón khách quốc tế? Phú Quốc sẽ song song mở cửa đón khách quốc tế và Việt Nam? Khách quốc tế sẽ được tự do di chuyển trên toàn đảo hay chỉ một khu vực hạn chế? Việt Nam ưu tiên thí điểm đón khách từ thị trường nào? Các quy trình để phê duyệt, tiếp nhận và phục vụ khách ra sao?

Chúng ta có thể tham khảo cách làm của Thái Lan. Các khách sạn muốn đón khách quốc tế phải đáp ứng tiêu chuẩn tạm dịch “Quản lý sức khỏe và an toàn”. Người dân Thái Lan muốn du lịch Phuket phải có chứng nhận tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, khách quốc tế và nội địa vào Phuket buộc phải mua gói bảo hiểm Covid-19.

Việt Nam và Thái Lan là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp đón dòng du khách đến Đông Nam Á. Phuket và Phú Quốc cũng là hai hòn đảo đại diện trên đường đua, đều nổi tiếng thế giới với nhiều resort và bãi biển đẹp.

Trước khi Phú Quốc tái mở cửa đón khách quốc tế, tôi mong chính quyền khẩn trương tiêm vaccine cho ít nhất 70% người dân trên đảo để đạt miễn dịch cộng đồng, trong đó 100% nhân viên ngành du lịch nên tiêm vaccine.

Dựa trên kết quả sau khi mở cửa Phú Quốc, Việt Nam có thể “mời” khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến những nơi khác.

Trong lúc chuẩn bị phương án đón khách ngoại, tôi đề xuất Việt Nam thử nghiệm hộ chiếu vaccine trong nội địa. Một chương trình kích cầu du lịch nội địa, miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly cho người đã tiêm vaccine từ các vùng “an toàn” còn giúp hạn chế việc các tỉnh, thành tự phát ngăn sông cấm chợ lẫn nhau, giúp kích thích kinh tế. Thử nghiệm hộ chiếu vaccine nội địa cũng dễ thực hiện và điều chỉnh hơn nhiều trước khi Việt Nam chính thức đón khách Tây.

Tôi mong toàn bộ nhân sự ngành du lịch, đặc biệt ở các vị trí tiếp xúc khách hàng thường xuyên, sẽ được vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Doanh nghiệp du lịch tuỳ khả năng có thể tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine để được ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên của mình.

Vaccine cho nhân sự du lịch sẽ không chỉ là con cá mà còn là cần câu có thể cứu sống hàng triệu doanh nghiệp đang hấp hối, trong đó biết đâu có cả đối tác ở Hội An của tôi.

Nguyễn Tiến Đạt

Related posts