Linh hồn tượng đá: Khi đế chế xuất nhượng linh hồn

Nguyễn Hữu Liêm

Một triều đại chính trị bắt đầu bằng lý tưởng và chấm dứt bởi tượng đài – đó phải chăng là sấm ngôn linh thiêng cho quy luật lịch sử.

Sự tồn hữu của tượng đá luôn cần có một linh hồn mà nó hiện thân. Dĩ nhiên đền đài tưởng niệm tự nó không có linh hồn – vì nó chỉ thuần là vật thể sỏi đá. Trái lại, linh hồn của nó là một hình thái hoán chuyển của cảm thức từ kẻ xây dựng và quán sát. Nó không phải là một hình thức vay mượn cảm quan hay đến từ sự áp đặt từ bên ngoài. Hồn của đền tượng được kiến lập bởi cái Ta thời đại khi ý thức về chính ta đã bị ngoại thể hóa – một năng động xuất nhượng (divestitute/Entauferung) linh hồn tập thể vào cõi thể thái vật chất vô hồn, vô cảm.

Trong cuốn “Hiện tượng luận Tinh thần,” khi bàn về giai thời chuyển hóa tâm thức nhân loại qua lịch sử tôn giáo Tây Âu ở thời đại đế quốc La Mã hai ngàn năm trước, Hegel viết,

Lòng tin vào những quy luật vĩnh hằng ở thần linh đã tan mất cùng lúc những sấm ngôn về đạo làm người trong thế gian nay đều câm bặt. Những pho tượng nay chỉ là những xác chết vô hồn, khi thánh nhạc chỉ là âm thanh thiếu đức tin. Trên bàn thờ cúng nay không còn thức ăn, đồ uống cho tinh thần, và những lễ hội không còn khả năng khơi dậy năng lực hòa nhập giữa cá nhân và thần linh nữa.” (Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn, có chỉnh sửa).

Đó là lúc, theo Hegel, khi bước tiến hóa của đời sống tinh thần nhân loại đang trải qua thời quán tôn giáo, khi tâm hồn cá nhân đang mang hai năng động đầy mâu thuẫn – nhưng lại hỗ tương khi nhìn vào thế cuộc. Đó là niềm bất hạnh, thất vọng, trộn lẫn với nỗi cay đắng bi hài tự trong tâm khảm. Đây là lúc mà linh hồn tập thể của đế chế không còn sự sống. Nó đã xuất nhượng chiều sâu lịch sử mà nó kiến lập ra bên ngoài – và trả lại vai trò chủ nhân linh hồn như là kẻ vô tâm. Đây là lúc ý chí lịch sử của đế chế tự thoát ly chính nó để đi vào thời quán thuần ước vọng – và trở thành thi sĩ cuồng say hay là tên vô lại thiếu ý thức.

Khi chủ thể triều đại tự đánh mất linh hồn cao thượng, ngấm ngầm nuôi dưỡng niềm bất hạnh đầy mỉa mai – cho người và cho cả riêng ta – trong cảm nhận vô vọng cùng tận thì lúc mà sự trống rỗng nội tâm đã xách hành lý xuất hành xuống bình diện vật chất, sỏi đá. Nội dung hãnh tiến về quá khứ nay đã từ bỏ chủ thể kiến tạo để trở nên những tượng đài vô hồn – và được đón nhận bởi nhân gian bằng cái nhìn tiêu cực, thuần phủ định.

Và đó là chuyện đang xảy ra ở Việt Nam với phong trào xây tượng đài tôn vinh giá trị lịch sử hiện đại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ hai góc nhìn thực tế nhân gian

Phản ứng phủ định từ phía trí thức thành thị cho đến giờ này chỉ bao gồm những lên án cho động cơ thuần dục vọng, tham lam, hay là cao hơn là chỉ trích về giá trị thẩm mỹ. Nhưng từ chiều sâu – xin phép nói như thế – thì vấn đề không nằm trên bề mặt hiện tượng tiền bạc, thối nát, hay thiếu trình độ nghệ thuật.

Ta hãy nhìn sâu hơn. Nói theo Hegel thì tượng đài không chỉ là hiện thân của lòng tham, vô cảm, hay ích kỷ. Nó cũng không thuần là niềm hãnh tiến vô vọng về quá khứ. Mà từ bản sắc, đây là một năng lực chuyển hóa tâm thức khi giá trị nội tại của triều đại đang bước xuống nấc thang tinh thần để ngoại thân hóa chính mình thành bia đá tưởng niệm trong hoài vọng bằng những biểu tượng anh hùng vì quá khứ, cho quá khứ – khi niềm hạnh phúc và an lạc cho hiện tại đã không còn.

Tuy nhiên – theo thiển ý của tôi – giới trí thức đang đồng loạt ồn ào lên án chuyện tượng đài hãy bình tâm và lắng nghe, tìm hiểu những gì thầm lặng của nhân dân trong hiện tượng thần linh hóa anh hùng lịch sử – nhằm thấu hiểu và cảm thông cho hiện tượng tượng đài hiện nay.

Câu chuyện Đại Nam, Phật Thích Ca và Chúa Jesus

Nếu ai có lần vào khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương, thì sẽ thấy hiện tượng thần linh hóa anh hùng lịch sử như thế nào. Trên bàn thờ hoành tráng của một ngôi chùa rất lớn ở đó, có “Tam ngôi nhất thể”: Trên hết là Phật Thích Ca, xuống tiếp là Vua Hùng Vương, và dưới cùng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đẳng cấp linh thiêng của ba vị cứu thế cho dân tộc. Theo tôi biết, trật tự Tam ngôi này đã được thờ phượng nhiều nơi, nhất là ở miền Bắc. Nếu ta vội vàng phê phán trình độ vị chủ nhân thiết lập nên trật tự thờ phụng này thì ta đã phủ nhận lòng tin – mà tôi nghĩ là thành thật – của chủ thể kiến lập. Ta có thể chê họ là mê tín, dị đoan. Vâng, có lẽ như thế. Nhưng lịch sử nhân loại có phải chăng là sự chuyển động của những giai thời và nấc thang mê tín, dị đoan khác nhau.

Hay là các bạn hãy đi vào các làng đạo Công giáo ở vùng quê miền Trung Việt – để thấy trên bàn thờ nhà của tín đồ Công giáo, họ thờ chân dung Hồ Chí Minh ngay bên dưới tượng Chúa Jesus. Họ bị áp lực từ chính quyền chăng. Có thể. Nhưng rất nhiều trường hợp mà tôi đã từng trao đổi thì, lương hay giáo, Hồ Chí Minh nay đã là thần đế, và chân dung của ông thể hiện một niềm tin thành thật và đơn sơ trong tình ái quốc – như họ đang thờ ngài Trần Hưng Đạo, hay Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đối với giới quần chúng này – mà con số rất đông – thì tượng đài cho các anh hùng lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một điều không thể chấp nhận. Đối với họ, vấn đề là ở thời điểm và ngân sách. Trong khi dịch bệnh hoành hành, khi chính phủ kêu gọi đóng góp cho quỹ vắc-xin chống dịch, thì lúc dầu sôi lửa bỏng, thiếu hụt nguồn lực quốc gia, mà bỏ ngân sách nhà nước, tức là tiền của dân, vào chuyện không khẩn thiết, hoàn toàn mang tính biểu tượng, là cả một điều hoàn toàn thiếu nhạy cảm, vô tâm, phản chính trị.

Hãy nhìn kỹ. Cho những người như chủ nhân của Đại Nam, hay những dân quê nghèo ở xứ Quảng, thì họ chỉ là những cá thể bên lề lịch sử. Họ được coi là chủ nhân đất nước, nhưng hồn cá nhân của họ đã bị tước đoạt, hay được ký gởi vào linh hồn tập thể trong Ý chí Đảng Ta.

Đối với giới bình dân, vùng quê, vùng sâu, thì câu chuyện này đơn giản hơn. Một tượng đài nơi làng quê, từ cái nhìn của giới học thức thì không phải là cái gì đẹp nhất – nhưng nó đáp ứng được trình độ thẩm mỹ của dân làng. Chắc là nó phải đẹp hơn, và hoành tráng hơn, các lăng mộ, hay nhà cấp bốn trong khu xóm. Nó cũng là nơi có sân xi măng bằng phẳng, không bùn lầy, có bóng im cho trẻ con đùa chơi trong buổi chiều nắng gắt, nơi có bậc thang cho bác nhà nông ngồi nghỉ chân sau công việc đồng áng – và thỉnh thoảng, vào ngày rằm hay lễ lạc, họ đem con gà, đầu heo ra đó cúng vái thần linh, các chư vị tử vì nước, khẩn mời họ về thưởng thức món ăn dân dã và lắng nghe lời nguyện cầu bình dân đơn sơ.

Tượng đài như sấm ngôn suy thoái chính thể

Một đồng tiền kim loại dù mỏng bao nhiêu cũng phải có hai mặt. Một bên là cái nhìn về chuyện xây dựng tượng đài theo những phê phán và lên án của giới trí thức thành thị – vốn rất chí lý và công bằng. Không ai phủ nhận những điều họ nêu lên, mà trái lại phải ghi công. Nhưng mặt kia là cái nhìn hay cảm nhận từ một nấc thang và trình độ tiến hóa tâm thức của quần chúng bình dân số đông. Đừng quên rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm chủ và chỉ đạo, cũng như đang sống với, tồn tại bởi, số đông bình dân này. Đảng muốn hành hoạt theo nấc thang tiến hóa đó – dĩ nhiên, ở từng trường hợp, họ thêm vào gia vị chấm mút theo phần ngân sách và hợp đồng xây dựng.

Từ cái nhìn như vậy, ta có thể – và nên – bước ra khỏi giới hạn của hai mặt đồng tiền đó nhằm có cái nhìn sâu sắc hơn vào hiện tượng này. Và không triết gia nào nói lên được hiện tượng chính quyền và tượng đài ở nước ta – qua luận giải về hiện tượng tinh thần – như Hegel.

Có lẽ đây là lúc mà những môn đồ của Marx và Lenin nên đọc lại Hegel để thấy ra rằng có phải chăng linh hồn Đảng Ta đang bước vào thời quán khủng hoảng lớn. Nó không phải chỉ là vấn đề ưu tiên ngân sách hay giá trị thẩm mỹ, cũng không phải là sự thiếu nhạy cảm chính trị, hay là sự thần linh hóa bình dân cho những anh hùng của Đảng.

Mà hơn thế nữa. Những tượng đài đang được xây dựng đang là những biểu trưng và hiện thân của một tập thể chính trị đang đánh mất linh hồn vào cõi vật chất. Khi cả một triều đại công quyền nuôi dưỡng vô số cán bộ quan chức theo chân Ngọc Trinh bước xuống vũng thấp để cạp đất mà ăn thì liêm sỉ và tự trọng chỉ còn là xa xỉ phẩm. Ta phải hỏi, bao nhiêu tượng đài có thể cứu vớt linh hồn họ – hay chỉ làm cho Đảng ta càng trống rỗng tinh thần hơn.

Và rất có thể rằng lời sấm triết học chính trị ở đầu bài này đang trở nên hiện thực: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu bằng Tinh thần Hồ Chí Minh và đang được kết thúc bởi các tượng đài vinh danh Bác.

Related posts