Huy Lâm
Đối với người đi làm, công việc lái xe vào mỗi buổi sáng được cho là một thử thách lớn trong ngày. Đặc biệt nếu chẳng may tối hôm trước vì bận bịu phải ngủ trễ sáng thức dậy khật khừ thì đoạn đường lái xe tới sở làm chắc là còn tê tái gấp bội.
Theo kết quả nghiên cứu của kinh tế gia Daniel Kahneman, giải Nobel 2002, xếp hạng lái xe đi làm là phần đau khổ nhất trong ngày. Một nghiên cứu của Thuỵ Sĩ cho rằng việc lái xe đi làm trên quãng đường xa là nguyên do “làm suy giảm một cách có hệ thống mức hạnh phúc chủ quan” của một người.
Và đùng một cái, trận đại dịch xảy ra, và đối với nhiều người đi làm, cái công việc lâu nay thường bị cho là mất thì giờ bỗng biến mất. Ngoài những nhân viên thuộc thành phần thiết yếu vẫn phải đi làm bình thường, còn hầu hết những người làm việc văn phòng khác không còn phải tới sở mỗi ngày nữa trong suốt hơn một năm qua. Có một số người nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ phải trở lại làm việc ở sở nữa, trong khi một số khác thì nay nhận được thông báo của công ty là chuẩn bị trở lại sở sau khi tình hình đại dịch bớt nghiêm trọng.
Tuy nhiên có điều lạ này là có khá nhiều người mặc dù được thoát khỏi cảnh lái xe đi làm mỗi buổi sáng lại vừa trải qua kinh nghiệm có cảm giác như bị rơi vào một khoảng trống mà họ không biết gọi là gì. Trong khoảng trống đó, mọi trật tự trong cuộc sốngdường như bị đảo lộn. Một ngày đối với họ không có khởi đầu và kết thúc, lúc nào trong ngày cũng giống nhau. Khái niệm về thời gian, giờ giấc cũng không còn nữa. Và nhiều công ty – thậm chí đó là những công ty đã cung cấp những dụng cụ kỹ thuật cần thiết để nhân viên làm việc từ xa – cũng nhận ra tình trạng đáng lo ngại trong số những nhân viên của họ. Một phúc trình của công ty Microsoft báo động hồi cuối năm ngoái rằng “không lái xe đi làm có thể gây hại và không giúp gì đối với năng suất làm việc từ xa của nhân viên.” Các cuộc trò chuyện sau giờ làm việc đã tăng 69% trong số những người dùng hệ thống nhắn tin của công ty, và nhân viên cảm thấy mệt mỏi hơn và bớt nhiệt tình trong công việc hơn.
Thời trước đại dịch, chúng ta vẫn có lối suy nghĩ hạn hẹp rằng lái xe đi làm mỗi buổi sáng chỉ làm được có mỗi một việc: đưa chúng ta từ nhà đến sở vào buổi sáng và từ sở trở về nhà vào buổi tối. Nhưng rõ ràng, việc lái xe đi làm đóng một vai trò quan trọng hơn thế, cái vai trò mà chúng ta ít để ý tới và do đó đã coi thường nó. Vậy vai trò đó là gì?
Năm 1994, nhà vật lý học người Ý tên là Cesare Marchetti nhận thấy là trong suốt chiều dài lịch sử, con người chứng tỏ sẵn sàng chấp nhận bỏ ra 60 phút mỗi ngày để di chuyển. Điều này giải thích vì sao những thành phố cổ như Rome chẳng hạn không bao giờ rộng quá ba dặm đường kính. Sự xuất hiện của xe lửa chạy hơi nước, xe điện, xe điện ngầm và xe hơi đã mở rộng khoảng cách đó. Nhưng thời gian di chuyển thì vẫn y nguyên. Trung bình người Mỹ lái xe đi làm mỗi một chiều là 27 phút.
Lái xe đi làm 60 phút mỗi ngày thường được hiểu như là một hình phạt mà con người phải chịu đựng chứ không phải thứ người ta mong muốn trong cuộc sống. Nhưng nếu như ta lấy một thí dụ về những người giàu nhất của bất cứ thời đại nào – đây là những người thuộc thành phần có đầy đủ khả năng để chọn cuộc sống theo cách họ thích – và tính ra thời gian di chuyển giữa căn nhà và nơi làm việc của họ, chúng ta tìm thấy được điều gì? J.P. Morgan: khoảng 25 phút một chiều bằng xe ngựa. John D. Rockefeller: khoảng 30 phút một chiều bằng xe điện.
Trong một bài nghiên cứu năm 2001, hai nhà nghiên cứu thuộc đại học UC Davis đã thử tìm xem thời gian lái xe đi làm khoảng bao lâu là lý tưởng. Cuối cùng họ lấy con số 16 phút. Cũng xin được nói rõ thêm, đây là khoảng thời gian rút ngắn khá nhiều so với thời gian lái xe thực sự của những người tham gia trong cuộc nghiên cứu (trung bình là nửa giờ). Nhưng nó cũng không là con số zero. Trên thực tế, một số ít người lại muốn được lái xe lâu hơn. Được hỏi tại sao, thì họ đưa ngay nhiều lý do như – ngồi trong xe họ có cảm giác làm chủ chính mình, có thời gian để lên kế hoạch, giảm bớt áp lực, gọi điện thoại, nghe đọc sách từ máy. Các nhà nghiên cứu viết rằng, rõ ràng là việc lái xe đi làm có chút gì đó gọi là hữu dụng.
Năm 1968, trên tạp chí New York, tác giả Gail Sheehy có viết về đề tài cuộc sống kép của người đi làm bằng xe lửa mỗi ngày, mô tả chi tiết từng đặc tính cụ thể khi ở trên xe lúc 5 giờ 25, 6 giờ 02 và 9 giờ 57 ra khỏi ga Grand Central. Sheehy đưa ra nhận xét rằng quả thật là có hai cuộc sống khác biệt với chiếc xe lửa là cây cầu nối: vai trò của cuộc sống ở nhà và vai trò của cuộc sống ở sở. Hai vai trò này không thể trộn lẫn được và chỉ có thể thay đổi cho nhau. Và do đó việc lái xe đi làm mỗi buổi sáng thực sự là một cách tương đối hiệu quả để tạo điều kiện cho sự thay đổi về thể chất và tâm lý giữa hai vai trò.
Hãy thử nhìn kỹ hơn chút nữa về đoạn đường từ nhà đến sở làm. Mặc dù lái xe là công việc điều khiển cho chiếc xe lăn bánh an toàn trên đường phố nhưng đồng thời nó cũng khởi động một tiến trình thay đổi tâm lý mà trong đó cảm xúc và thái độ của cuộc sống gia đình tạm ngưng hoạt động và được thay thế bằng những suy nghĩ và dự tính cho công việc trong ngày ở sở. Tiến trình này cần thời gian và đoạn đường lái xe là khoảng thời gian cần thiết cho sự thay đổi, và nếu như nó không xảy ra, vai trò này có thể làm hư vai trò kia. Ở nhà mà hành động như một ông giám đốc ở sở làm chắc chắn sẽ bị vợ con xa lánh, và ngược lại; ngược lại, ở sở mà có thái độ như một người chủ gia đình thì chỉ làm cho đồng nghiệp nhìn mình như một quái vật.
Nhóm nghiên cứu của đại học Harvard nhận thấy rằng những người có nhận thức rõ hai vai trò này và trong lúc lái xe đi làm mỗi buổi sáng có thói quen suy nghĩ về những dự tính cho một ngày làm việc – có mức độ hài lòng với cả hai cuộc sống ở sở làm và ở nhà cao hơn so với những người không có được nhận thức đó. Thiếu mất nhận thức nói trên chỉ khiến cho cuộc sống ở mỗi nơi càng thêm căng thẳng.
Phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể giúp người ta tập được thói quen nhận thức và biết thay đổi tâm lý sao cho thích hợp với hoàn cảnh. Trong một cuộc thử nghiệm năm 2017, một nhóm nghiên cứu tại công ty Microsoft đã cho cài đặt một chương trình nhu liệu có tên là SwitchBot trong điện thoại của một số nhân viên tham gia. Trước lúc bắt đầu và kết thúc của mỗi ngày làm việc, thiết bị này sẽ đặt ra một số câu hỏi đơn giản. Buổi sáng thì giúp trang bị cho người tham gia tâm lý sẵn sàng làm việc, trong khi cuối ngày thì nhắc nhở người ta hãy rũ bỏ những gì liên quan tới công việc trước khi lái xe về nhà, với những câu hỏi như “Bạn cảm thấy sao về ngày làm việc của mình? Bạn có bất cứ điều gì muốn chia sẻ không?” Theo nhóm nghiên cứu, làm sống lại một ngày làm việc cũng có nghĩa giúp người ta tự giải toả.
Nếu người đi làm không biết tách biệt giữa cuộc sống ở nhà và cuộc sống ở sở, có nhiều khả năng người đó sẽ bị rơi vào tình trạng kiệt sức dễ dàng. Đến một lúc nào đó, cuộc sống nói chung sẽ thành một đầm lầy từ từ nhấn chìm họ.
Vậy thì lái xe đi làm mỗi buổi sáng có thể là một công việc không có gì là thích thú nhưng lại rất cần thiết. Nay ta biết được sự cần thiết đó thì hãy nên có một thái độ tử tế đối với nó chứ đừng tiếp tục oán trách than phiền nó như trước nữa. Có được vậy thì con đường đi làm tuy có dài một chút nhưng sẽ bớt ngán ngẩm hơn. Đám đông chung quanh nếu có ai lái ẩu một chút thì ta cũng dễ dàng xí xoá cho và bớt cảm thấy bực mình như trước nữa.
Được lái xe đi làm cũng có nghĩa là ta vẫn còn công ăn việc làm và vẫn còn được giao tiếp với người này người kia mỗi ngày. Với những ai phải làm việc ở nhà trong suốt hơn một năm qua hãy thử nhớ lại xem, chắc hẳn cũng có nhiều lúc đang làm việc một mình ở nhà bỗng nhớ mùi cà phê buổi sáng ở sở, nhớ tiếng ồn ào nói chuyện và nhớ những khuôn mặt đồng nghiệp, cả những người đáng yêu lẫn đáng ghét. Tất cả những điều đó tưởng hết sức bình thường nhưng lại là những thứ quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người.
Huy Lâm