Tin Thế giới trưa thứ Bảy: Thiếu tá không quân Afghanistan bị Taliban ám sát; 58% người Mỹ tin rằng truyền thông là kẻ thù của người dân

Vũ Dương

Thiếu tá không quân Afghanistan bị Taliban ám sát khi Mỹ rút quân

Reuters – Thiếu tá không quân Afghanistan, Dastagir Zamaray, được cho là đã bị ám sát bởi một tay súng Taliban tại một văn phòng môi giới bất động sản ở thủ đô Kabul.

Báo cáo cho biết vì lo ngại bị tấn công bởi các tay súng Taliban, thiếu tá Dastagir Zamaray đã quyết định bán nhà vào đầu năm nay để chuyển đến một nơi an toàn hơn ở thủ đô Kabul. Tuy nhiên, khi đến văn phòng môi giới nhà đất, phi công 41 tuổi bất ngờ bị tập kích bởi một tay súng. 

Gia đình ông Zamaray cho biết thiếu tá Zamaray với tay rút súng nhưng không kịp. Ông bị tay súng lạ mặt hạ gục bên cạnh cậu con trai 14 tuổi của mình. Cậu bé được tha song gần như không nói được nữa sau sự kiện này.

Ít nhất 7 phi công Afghanistan, bao gồm cả ông Zamaray, đã bị ám sát ngoài căn cứ trong những tháng gần đây, theo hai quan chức cấp cao của chính phủ Afghanistan.

Các quan chức Mỹ và Afghanistan tin rằng hàng loạt vụ ám sát có chủ đích này là nỗ lực của Taliban nhằm phá hủy một trong những tài sản quân sự quý giá nhất của Afghanistan: đội phi công quân sự do Mỹ và NATO đào tạo.

Taliban, vốn không có không quân, được cho là đang tìm cách triệt tiêu lực lượng của Afghanistan. Đợt tiến quân của các chiến binh Taliban đã diễn ra trong nhiều tuần song được đẩy mạnh sau khi Mỹ rút quân khỏi căn cứ chính ở Afghanistan, làm dấy lên mối lo rằng thủ đô Kabul có thể thất thủ.

Trước đó, toàn bộ quân Mỹ và NATO hôm 02/07 đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất ở Afghanistan được đặt dưới sự quản lý của quân đội Hoa Kỳ. Phe Taliban nói “vui mừng” về việc các lực lượng nước ngoài rời khỏi căn cứ Bagram, vốn là cột trụ trong các chiến dịch của quân Mỹ trong suốt cuộc chiến bắt đầu từ năm 2001 tại Afghanistan.

Tổng thống Biden thúc giục ông Putin chống lại các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền

Reuters – Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu đã thúc ép Tổng thống Nga Vladimir Putin hành động chống lại các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) từ Nga.

Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo rằng: “Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cần thiết của Nga để có hành động phá vỡ các nhóm tấn công bằng mã độc tống tiền hoạt động ở Nga và nhấn mạnh rằng ông  cam kết tiếp tục can dự vào mối đe dọa rộng lớn hơn do tấn công bằng mã độc tống tiền gây ra”.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết, ông Biden nói với TT Putin rằng, ngay cả khi chính phủ Nga không đứng sau nhóm tội phạm, thì ông Putin  vẫn phải có trách nhiệm.

Tấn công bằng mã độc tống tiền – một loại phần mềm độc hại mà các tin tặc sử dụng để giữ dữ liệu làm con tin và đổi lấy tiền thanh toán – đã trở thành một tai họa ngày càng nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tội phạm mạng đã sử dụng nó để làm tê liệt hàng nghìn tổ chức của Mỹ, gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng.

Khảo sát: 58% người Mỹ tin rằng truyền thông là kẻ thù của người dân

Newsmax – Theo một cuộc thăm dò mới của Rasmussen Reports, 58% người Mỹ cho rằng các phương tiện truyền thông là kẻ thù của người dân, trong khi 36% không đồng ý. Cuộc thăm dò được tiến hành vào ngày 7-8 tháng 7, khảo sát 1.000 cử tri.

Kết quả cụ thể là: 76% đảng viên Cộng hòa đồng ý với cụm từ “kẻ thù của nhân dân” trong việc mô tả các phương tiện truyền thông, 37% đảng viên Dân chủ đồng ý với cụm từ này.

83% cử tri tin rằng “tin giả” là một vấn đề nghiêm trọng trên các phương tiện truyền thông, so với 14% không đồng ý. Chỉ có 37% nói rằng họ tin tưởng vào tin tức chính trị mà họ nhận được, so với 43% không tin tưởng. 54% tin rằng hầu hết các phóng viên đưa tin có lợi cho Tổng thống Biden.

Rasmussen lưu ý rằng cựu Tổng thống Donald Trump từng đăng tweet rằng: “Tin tức giả thực sự là KẺ THÙ CỦA NGƯỜI DÂN”.

Singapore là quốc gia đầu tiên ngừng đếm số ca COVID-19 và sẽ coi nó ‘như bệnh cúm’

The BL – Kể từ khi bắt đầu đại dịch, đất nước với dân số 5,7 triệu người, có hơn 62.600 trường hợp mắc virus corona và chỉ ghi nhận 36 trường hợp tử vong do COVID-19, khiến các quan chức quyết định rằng họ ngừng đếm số ca nhiễm mỗi ngày để khôi phục cuộc sống hàng ngày; và sẽ điều trị vi-rút “giống như bệnh cúm”.

Các Bộ trưởng thuộc nhóm đối phó với COVID-19 cho biết: “Tin xấu là COVID-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể sống bình thường khi nó ở giữa chúng ta”.

“Thay vì theo dõi số lượng nhiễm COVID-19 mỗi ngày, chúng tôi sẽ tập trung vào kết quả”, các bộ trưởng thương mại, tài chính và y tế đã viết trong một báo cáo chung trên Straits Times.

Các quan chức Singapore hy vọng sẽ tiêm phòng cho ít nhất 2/3 dân số vào đầu tháng này.

Trong thông báo của các bộ trưởng cũng cho biết: “Chúng ta không thể diệt trừ nó, nhưng chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn nhiều, như cúm, tay chân miệng hoặc thủy đậu, và tiếp tục cuộc sống của chúng ta”.

Cháy nhà máy ở Bangladesh, 52 người chết, nhiều người có thể bị mắc kẹt

Ngọc Mai

Người phụ nữ đau đớn vì có người thân gặp nạn trong vụ cháy (ảnh: Youtube/Al Jazeera English).

Ít nhất 52 người bị thiệt mạng trong một vụ cháy lớn tại một nhà máy sản xuất nước trái cây ở Bangladesh, 20 người bị thương và nhiều người khác có thể bị mắc kẹt, AP News cho hay.

Trao đổi với các hãng tin hôm 9/7, các quan chức cứu hoả cho biết ngọn lửa bắt đầu vào tối 8/7,  tại nhà máy Hashem Foods Ltd, sáu tầng ở Narayanganj, ngay bên ngoài Dhaka. Cảnh sát ban đầu đưa ra con số 3 người chết, nhưng sau đó phát hiện ra nhiều thi thể vào chiều 9/7 sau khi đám cháy được dập tắt.

Mustain Billah, quản lý của quận Narayanganj, nói với Reuters qua điện thoại từ hiện trường rằng: “Ba người chết vì nhảy khỏi tòa nhà để thoát thân và 49 thi thể cháy đen đã được tìm thấy cho đến nay”.

Quan chức này cho biết lửa, “vẫn đang cháy trên tầng cao nhất. Các nhân viên cứu hỏa đang vật lộn để kiểm soát hoả hoạn, vì hóa chất và vật liệu dễ cháy được lưu trữ bên trong tòa nhà”.

Debashish Bardhan, Phó giám đốc cơ quan cứu hỏa quốc gia, cho biết: “Chúng tôi đã cứu được 25 người sau khi đặt thang lên sân thượng. Chúng tôi có thể cứu được nhiều hơn nếu những người khác có thể leo lên được sân thượng”.

Nhiều công nhân bị thương khi cố gắng nhảy khỏi tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà để thoát thân, theo lời ông Shah Alam, một quan chức khác của dịch vụ cứu hỏa quận, cho biết.

Hiện thông tin về việc có bao nhiêu người trong nhà máy và bao nhiêu người mất tích hiện chưa được nhà chức trách cung cấp, trong bối cảnh người thân của những người mất tích đang biểu tình xung quanh khu vực nhà máy.

Quận Narayanganj nằm ở miền trung Bangladesh với rất nhiều nhà máy sản xuất mọi thứ, từ sợi đay cho đến dệt vải.

Thảm họa gây ra do các tiêu chuẩn an toàn và phòng hỏa hoạn kém ở các tòa nhà rất phổ biến ở Bangladesh, phần lớn trong lĩnh vực dệt may, ngành sử dụng hàng triệu nhân công và đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế của nước này.

Các quan chức trong ngành hứa hẹn sẽ có những tiêu chuẩn an toàn tốt hơn sau vụ sập tòa nhà của xưởng may Rana Plaza vào năm 2012 ở Dhaka khiến hơn 1.000 công nhân thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Nhưng tình trạng ở nhiều nhà máy trong và ngoài ngành dệt may vẫn không cải thiện, dẫn đến những vụ tai nạn xảy ra hàng năm.

Related posts