Đức đảo ngược chính sách lâu năm, sẽ gửi vũ khí chống tăng và hỏa tiễn cho Ukraine

Allen Zhong

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến để tổ chức một cuộc họp báo chung tại Kyiv hôm 14/02/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images) Tây Dương

Hôm thứ Bảy (26/02), Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo, Đức sẽ cung cấp vũ khí chống tăng và hỏa tiễn đất đối không cho Ukraine.

Ông viết trong một bài đăng trên Twitter, “Cuộc tấn công của Nga đánh dấu một bước ngoặt. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm hết sức mình để giúp Ukraine tự vệ trước đội quân xâm lược của ông Putin. Đó là lý do tại sao chúng tôi cung cấp 1,000 vũ khí chống tăng và 500 hỏa tiễn Stinger cho các bằng hữu của chúng tôi ở Ukraine.”

Đây là một sự đảo ngược lớn trong chính sách lâu năm của Berlin về việc cấm xuất cảng vũ khí tới các khu vực chiến sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh sự thay đổi lập trường của Đức: “Hãy tiếp tục làm thế, Thủ tướng Olaf Scholz! Liên minh chống chiến tranh hành động!”

Hôm thứ Bảy, Berlin đã ủy quyền cho các đối tác NATO là Hà Lan và Estonia chuyển giao vũ khí do Đức sản xuất cho Ukraine.

Lô vũ khí bao gồm 400 khẩu RPG của Hà Lan và các loại pháo cũ của Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR, nước Đức thời bị Liên Xô chiếm đóng) từ Estonia.

Đức có chính sách lâu năm là không xuất cảng vũ khí tới các vùng chiến sự, một phần bắt nguồn từ lịch sử đẫm máu của thế kỷ 20 và dẫn đến kết quả là chủ nghĩa hòa bình. Các quốc gia muốn chuyển giao vũ khí xuất cảng của Đức cần phải được Berlin chấp thuận trước.

Ông Scholz đã nhiều lần nhắc đến chính sách này trong những tuần gần đây khi từ chối giao vũ khí cho Ukraine.

Quân đội Ukraine trên xe tăng đi về tiền tuyến chống lại quân đội Nga ở vùng Lugansk của Ukraine hôm 25/02/2022. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bước sang ngày thứ ba, giao tranh đã nổ ra ở ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine, nơi được coi là mục tiêu hàng đầu của quân đội Nga.

Các quan chức Mỹ và Anh cho biết quân đội Nga cách trung tâm thành phố khoảng 18 dặm, tương đương khoảng 30 km.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết tốc độ tiến công đã bị chậm lại “có thể là do những khó khăn nghiêm trọng về hậu cần và sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.”

Tuy nhiên, một quan chức Ngũ Giác Đài cảnh báo tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.

“Nơi đó là một chiến trường và tình thế trên chiến trường rất biến động và chúng có thể thay đổi rất, rất nhanh,” quan chức này cho biết.

Khói bốc lên từ một xe tăng Nga bị quân đội Ukraine phá hủy bên đường ở vùng Lugansk hôm 26/02/2022. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận hỗ trợ quân sự thêm 350 triệu USD từ các kho của Ngũ Giác Đài, bao gồm vũ khí chống giáp, vũ khí hạng nhẹ, nhiều loại đạn, áo chống đạn, và các thiết bị liên quan. Tòa Bạch Ốc cũng được cho là đã yêu cầu Quốc hội cung cấp thêm 6.4 tỷ USD ngân quỹ để hỗ trợ Ukraine.

Anh đang gửi viện trợ phòng thủ quân sự cho Ukraine và cho biết nước này đã huấn luyện 22,000 binh sĩ Ukraine.

Hơn 100,000 quân Nga đã tiến vào Ukraine, ông Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

Ông từ chối rời Kyiv, bác bỏ một lời đề nghị di tản của Hoa Kỳ và kêu gọi người dân Ukraine chiến đấu.

Ông Zelensky nói trong một đoạn video đăng lên mạng xã hội, “Chúng tôi sẽ không hạ vũ khí. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước mình. Vũ khí của chúng tôi là sức mạnh của chúng tôi. Đây [Ukraine] là lãnh thổ của chúng tôi, là đất nước của chúng tôi, là con em của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều đó.”

Một lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ những người tị nạn từ Ukraine khi họ đến Ba Lan tại cửa khẩu Korczowa, Ba Lan, hôm 26/02/2022. (Ảnh: Czarek Sokolowski/AP Photo)

Bộ Quốc phòng Ukraine kêu gọi người dân làm bất cứ điều gì có thể để làm chậm bước tiến của quân Nga, bao gồm việc loại bỏ các biển báo có số và tên tuyến đường, thành phố, và làng mạc trong khu vực của họ.

“Hãy làm mọi thứ có thể để loại bỏ quân chiếm đóng của Nga khỏi Ukraine càng sớm càng tốt,” bộ này viết trong một bài đăng trên Twitter.

Ông Allen Zhong là một nhà văn và phóng viên lâu năm của The Epoch Times. Ông gia nhập Epoch Media Group vào năm 2012. Ông chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch

Related posts