Thùy Dương
Liên Hiệp Châu Âu gần đây đã thông qua chương trình khung mới về nghiên cứu và sáng chế có tên gọi “Chân trời châu Âu”, với kế hoạch tài trợ cho chương trình hành động chiến lược sơ khởi “Nâng cấp kiến thức độc lập về Trung Quốc đương đại ở châu Âu”.
Mục tiêu là hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội giải mã Trung Quốc, cho phép các bên trao đổi và hợp tác một cách an toàn trong các vấn đề thương mại, giúp châu Âu tránh trở thành nạn nhân của các chiến lược, truyền thống hoặc chính sách thương mại của Trung Quốc, vốn ít được biết đến và khiến Liên Âu lúng túng.
Trung Quốc đã thay đổi và không còn là “quốc gia đang phát triển” như đôi khi được mô tả trong quá khứ. Ngoài tầm quan trọng trong giao thương với châu Âu, Bắc Kinh còn là một tác nhân mà các mối quan hệ đã được tăng cường trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển hoặc công nghệ. Đối với Liên Âu, Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế, vừa là nước cạnh tranh, vừa là đối thủ hoặc giải pháp thay thế về hệ thống và phương cách quản lý.
Đây là những nhận định của nhà nghiên cứu Stéphane Aymard (Đại học La Rochelle, Pháp) trong bài viết “Mối quan hệ kinh tế mới giữa Liên Âu và Trung Quốc” đăng ngày 04/07/2021 trên trang mạng nghiên cứu The Conversation.
Vậy đâu là những mục tiêu của quan hệ đối tác Âu – Trung ?
Mục tiêu đầu tiên của Liên Âu là đoàn kết trước “gã khổng lồ” Trung Quốc. Hồi tháng 03/2019, Ủy Ban Châu Âu đã công bố một kế hoạch chiến lược đối với Trung Quốc với hành động cụ thể, ví dụ như bảo vệ các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, hòa bình và an ninh ; cam kết giảm phát thải khí CO2 ; hòa hợp với Trung Quốc để bảo đảm hòa bình và an ninh ở các khu vực hoặc quốc gia mà Bắc Kinh có ảnh hưởng như Iran, vùng Sừng châu Phi, Bắc Triều Tiên ; đạt được sự “có đi có lại” trong thương mại, tránh chủ nghĩa bảo hộ hoặc sự hỗ trợ quá mức cho các ngành công nghiệp nước mình ; liên quan đến đầu thầu các dự án dùng ngân sách công thì không chỉ tính đến tiêu chí giá cả mà còn phải tính đến môi trường làm việc ; tăng cường an ninh về các công nghệ mới để tránh tin tặc và gián điệp.
Mục đích của kế hoạch nói trên là áp dụng một phương thức tiếp cận Trung Quốc ít “ngây thơ” hơn ; thực dụng và thực tế hơn ; không nhượng bộ trước các hành động leo thang căng thẳng hoặc chiến tranh thương mại. Rất khó đạt sự cân bằng đó, nhưng đúng là ở mỗi điểm nói trên đều có thể thấy rất nhiều ví dụ về sự thất bại của châu Âu. Nhìn tổng thể, Trung Quốc đã chiếm được nhiều thị trường bằng cách áp dụng các nguyên tắc hoạt động cho phép Bắc Kinh “cạnh tranh không lành mạnh”. Vì thế, để duy trì trao đổi với Bắc Kinh, Liên Âu phải áp dụng một chiến lược tấn công nhiều hơn.
Thế những bài học trong quá khứ đối với châu Âu là gì ?
Các mối quan hệ bang giao đầu tiên giữa châu Âu và Trung Quốc được thiết lập vào năm 1975. Kế hoạch đối tác chiến lược đầu tiên được thông qua vào năm 2003. Tiếp sau đó là nhiều kế hoạch khác, kế hoạch gần đây nhất được thông qua vào năm 2003 : “Chương trình nghị sự 2020 về chiến lược hợp tác giữa Liên Âu và Trung Quốc”.
Kế hoạch này, nay đã có các mục tiêu mới, trước đây mang nặng tính chính trị và ít kinh tế. Trong chương trình cũ, các lĩnh vực được xử lý liên quan đến hòa bình, an ninh, thông tin, đô thị hóa, khí hậu, tiến bộ xã hội, văn hóa, giáo dục … Tất nhiên, các lĩnh vực quan trọng như vận tải, hàng không, năng lượng, nông nghiệp, khoa học và phát minh, sáng chế nói chung cũng được thảo luận, nhưng thường ngắn gọn, chỉ nêu là hai bên sẽ hợp tác và phát triển “các sáng kiến chung” (các phòng thí nghiệm chung, trao đổi dữ liệu …)
Rốt cuộc, dường như sau một vài năm, những điều đó đã được thực hiện nhưng có lợi cho Trung Quốc. Ví dụ về sự phát triển ngành chế tạo hàng không và công nghệ sinh học ở Trung Quốc cho thấy các nước phương Tây “mất nhiều hơn được”, cả về thị phần và việc chuyển giao công nghệ.
Chẳng hạn, vào đầu những năm 2000, Pháp đã bán hàng trăm máy bay Airbus A320 theo hợp đồng được ký kết trong các chuyến thăm chính thức, đổi lại Airbus phải chấp nhận các máy bay được chế tạo và lắp ráp tại Trung Quốc với việc chuyển giao công nghệ. Giờ đây, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc có thể sản xuất máy bay C919 mới, loại máy bay sẽ cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320. C919 có thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay trong năm nay và gần 1.000 đơn đặt hàng đã được thực hiện.
Mối quan hệ Âu – Trung hiện giờ ra sao ? Đâu là những phương tiện đôi bên có được ?
Cho dù đã có những kế hoạch chiến lược nói trên, các mối quan hệ kinh tế vẫn phụ thuộc vào các sự kiện mang tính thời sự.
Ngay cả khi kế hoạch mới nhất đề cập đến tình hình ở Tân Cương (vùng tự trị của người Duy Ngô Nhĩ), một vài phát biểu trong một cuộc họp báo vẫn có thể khiến quan hệ xấu đi. Mới đây, các lệnh trừng phạt của châu Âu liên quan đến số phận của người Duy Ngô Nhĩ đã khiến Trung Quốc nổi giận và đưa ra các biện pháp trừng phạt đáp trả có thể vượt phạm vi ngoại giao và dẫn đến việc xem xét lại các thỏa thuận thương mại, nhất là “Thỏa thuận toàn diện về đầu tư”. Thế nhưng, những tiến bộ này trong quan hệ song phương lại rất quan trọng trên phương diện kinh tế. Ví dụ, các công ty Đức (Volkswagen, Siemens, BMW) hoặc Pháp (đặc biệt là giới ngân hàng) trông chờ rất nhiều vào thỏa thuận này.
Mặt khác, Trung Quốc rất kiên quyết thực hiện “Sáng kiến Một vành đai một con đường” có đi qua các nước Đông Âu. Ngoài ra, quan hệ với Liên Âu thường được gọi là quan hệ “17 + 1”, hàm ý gộp các nước Đông Âu như là một đối tác, qua đó cho phép Trung Quốc đàm phán trực tiếp với những quốc gia này.
Các bất đồng khác về 5G và Hoa Vi hoặc nguồn gốc Covid-19 cũng phá vỡ các mối quan hệ Âu – Trung. Các doanh nghiệp châu Âu Nokia và Ericsson có thể cung cấp cho Liên Âu cơ sở hạ tầng mạng 5G, nhưng Hoa Vi lại có lợi thế tốt hơn về giá cả/chất lượng. Nhưng ngoài những vấn đề kinh tế này, các lựa chọn chính trị cũng được tính đến, đặc biệt là về các điều kiện an ninh, chẳng hạn như về bảo vệ dữ liệu, nguy cơ gián điệp. Theo ngôn ngữ ngoại giao, Liên Âu không phản đối bất kỳ công ty nào nhưng tránh lệ thuộc vào các nhà cung cấp vốn có thể gây nhiều rủi ro … Còn Trung Quốc coi đó là chủ nghĩa bảo hộ trá hình.
Nhưng dẫu sao thì các trao đổi thương mại của châu Âu vẫn rất quan trọng : Liên Âu là cường quốc thương mại lớn thứ hai và là nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới. Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ chiếm tổng cộng 46% thương mại hàng hóa thế giới trong năm 2019. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Liêu Âu với phần còn lại của thế giới chiếm khoảng 15% thương mại toàn cầu. Riêng về hàng hóa, theo Cơ quan Thống kê Châu Âu, châu Âu xuất khẩu nhiều nhất sang Hoa Kỳ (406 tỷ euro) sau đó là Trung Quốc (210 tỷ euro). Còn về nhập khẩu, châu Âu nhập nhiều nhất từ Trung Quốc (394 tỷ euro), sau đó là Mỹ (267 tỷ euro).
Về thương mại, Ủy Ban Châu Âu đàm phán các hiệp định mậu dịch tự do với phần còn lại của thế giới, nhưng các quốc gia thành viên có tiếng nói của họ, thông qua Hội Đồng Châu Âu (tham vấn) và Nghị Viện Châu Âu (có quyền phủ quyết). Mục tiêu chính thức của Liên Âu được nêu rõ trong điều 206 của Hiệp ước về phương thức hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu : “Liên hiệp đóng góp, vì lợi ích chung, vào sự phát triển hài hòa của thương mại thế giới, loại bỏ dần các hạn chế về thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như cắt giảm hàng rào thuế quan và các rào cản khác”.
Do đó, chính sách kinh tế với Trung Quốc cũng như với các khu vực địa lý khác (Canada, Nhật Bản …) là đàm phán phát triển giao thương chứ không phải là chủ trương chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, Liên Âu đã tự trang bị các công cụ chống lại các phương thức hoạt động gian lận, thông qua một đạo luật cạnh tranh rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng đưa vấn đề tôn trọng Thỏa thuận khí hậu Paris và các tiêu chuẩn của châu Âu, chẳng hạn về môi trường vào trong chiến lược thương mại được thông qua vào tháng 02/2021. Không nhắm vào Trung Quốc một cách rõ ràng, nhưng những quy tắc nói trên là một phương tiện để châu Âu định hướng chính sách kinh tế.
Các quy tắc này đi kèm với những công cụ bảo vệ thương mại đã được nói đến ở trên. Chống bán phá giá là một ví dụ điển hình. Trung Quốc thường bị chỉ trích bán phá giá để thống lĩnh thị trường. Do đó, mục tiêu của giới làm luật của châu Âu hiện nay là khẩn trương ra quyết định trước khi quá muộn vì thị trường và thị phần đang có những thay đổi nhanh chóng.
Nói tóm lại, Liên Âu dự định thể hiện sức mạnh trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Để đạt được điều này, ngoài các cuộc thảo luận song phương, Liên Âu cố gắng đóng một vai trò là động lực thúc đẩy trong khuôn khổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) bằng cách trao cho Ủy Ban Châu Âu vai trò đại diện cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Âu với một lá phiếu duy nhất khi đàm phán các hiệp ước thương mại, thay vì xếp hàng theo sau Hoa Kỳ hoặc “mạnh ai nấy làm”.