Olympic Tokyo 2020 : Thế Vận Hội chạy đua với Covid-19

Anh Vũ

image.png
Một đường phố ở Tokyon Nhật Bản, ngày 18/07/2021. AP – Charlie Riedel


Còn chưa đầy một tuần nữa đến ngày 23/07/2021 Thế Vận Hội mùa hè Tokyo chính thức thức khai mạc. Kỳ Thế Vận Hội này diễn ra trong hoàn cảnh chưa từng có trong lịch sử phong trào Olympic. Thủ đô Nhật Bản không thể có chút không khí ngày hội thể thao khi tiếp tục được đặt trong tình trạng khẩn cấp y tế. Tiêu chí bảo đảm an toàn dịch tễ được đặt lên hàng đầu đang là một sức ép lớn cho ban tổ chức, chính phủ Nhật cũng như Ủy Ban Olympic quốc tế (CIO).

Olympic Tokyo 2020 chính thức được khai mạc ngày 23/7 kết thúc ngày 8/8. Tiếp sau đó từ 25/05 đến 05/09 sẽ diễn ra Paralympic dành cho các vận động viên khuyết tật. Sự kiện diễn ra ở 10 tỉnh, thành trên đất nước Nhật Bản, trong đó phần lớn các cuộc thi đấu diễn ra ở Tokyo. Dự kiến nước chủ nhà Nhật Bản sẽ đón khoảng 18 nghìn vận động viên, huấn luyện viên và lãnh đạo các đoàn thể thao đại diện cho 206 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự Olympic Tokyo 2020.

Duy nhất chỉ có Bắc Triều Tiên thông báo không tham gia Olympic Tokyo do lo ngại về dịch Covid-19. Đây sẽ là lần đầu tiên nước này vắng mặt tại đấu trường Olympic kể từ năm 1988. Bên cạnh đó, thể thao Nga do phải chịu án phạt của Tòa án Trọng tài thể thao, được phép cử vận động viên nhưng dưới hình thức các đội vận động viên trung lập không mang quốc kỳ tên nước Nga.

Tại buổi lễ khai mạc vào ngày 23/7 tới sẽ chỉ có các quan chức của Thế Vận Hội, cùng với đại diện của mỗi quốc gia và các tổ chức thể thao. Số lượng người dự lễ ước tính ban đầu là khoảng 10 người, nhưng thực tế chắc chắn sẽ ít hơn. Làng Olympic đã được mở cửa và đón các đoàn vận động viên.

Nhật Bản đã có 7 năm chuẩn bị cho sự kiện lớn này, nhưng chỉ hơn một năm qua trận đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Không còn niềm tự hào dân tộc, không khí hào hứng của lễ hội, chỉ còn lại nỗi lo âu về sức khỏe cho đến sát ngày phải khai cuộc.

Sau khi phải hoãn lại một năm vì đại dịch Covid-19, nước chủ nhà cùng CIO quyết tâm duy trì sự kiện đến cùng cho dù tình hình dịch bệnh lại bùng lên phức tạp. Tokyo và nhiều vùng trong cả nước phải kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế cho đến tận sau kỳ Olympic. Nỗi lo sợ dịch bệnh đã lấn át tâm trạng hào hứng của người dân Nhật đón chờ ngày hội thể thao lớn nhất của hành tinh.

Tokyo 2020, cuộc đua marathon y tế

Để duy trì được sự kiện thể thao này, chính phủ từ tháng 5 đã lần lượt ban hành các biện pháp, ban đầu là cấm khán giả đến từ nước ngoài, rồi đến khán giả trong nước cũng bị cấm vào sân đấu theo dõi cổ vũ.  Một loạt các biện pháp phòng dịch khắt khe nhất cũng được áp dụng cho những người tham dự sự kiện, khiến cho Olympic Tokyo trở thành kỳ Thế Vận Hội có nhiều quy định nhất trong lịch sử. Bao trùm công tác chuẩn bị Olympic Tokyo là các biện pháp vệ sinh, y tế phòng dịch.

Mọi thành viên các đoàn thể thao đến Nhật đều phải tiêm phòng Covid-19 đủ 2 liều, và họ vẫn liên tục được xét nghiệm, trong trường hợp nhiễm virus sẽ bị cách ly ngay. Sinh hoạt, di chuyển, tập luyện của các vận động viên cũng bị giám sát và hạn chế tối đa. Nếu vi phạm các quy định phòng dịch thì các vận động viên cũng như các thành viên của đoàn sẽ bị buộc rời khỏi Olympic ngay.

Tất cả những biện pháp như vậy chứng tỏ những nỗ lực cao nhất vì một kỳ Olympic an toàn sức khỏe cho người dân nước chủ nhà cũng như các khách tham dự sự kiện đến từ khắp thế giới, nhưng đồng thời cũng biến Olympic Tokyo thành một kỳ Thế Vận Hội buồn tẻ, lo âu nhất trong lịch sử.

Related posts