Tin thế giới sáng thứ Ba

Pháp – Covid: Hơn 100,000 người biểu tình phản đối chính sách mới của chính phủ

Thùy Dương

image.png
Biểu tình phản đối một số chính sách phòng dịch của chính phủ, Paris, ngày 17/07/2021. AFP – BERTRAND GUAY

Hôm 17/07/2021, tại Pháp, khoảng 114.000 người đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Paris và nhiều thành phố để phản đối việc chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron ra quy định mới về tiêm chủng ngừa Covid-19 và mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế.

136 cuộc tuần hành đã diễn ra tại nhiều tỉnh thành, theo lời kêu gọi của một số nhân viên y tế phản đối việc chích ngừa Covid-19, một số người thuộc phong trào đấu tranh Áo Vàng và một vài lãnh đạo chính trị (chủ yếu thuộc phe cực hữu). Riêng tại Paris, số người tham gia biểu tình ước tính là 18.000. Nhiều người biểu tình thậm chí gọi các biện pháp mới của chính quyền Macron là chính sách “độc tài về y tế”.

Reuters cho biết, theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến Viện Ipsos/Sopra Steria công bố hôm thứ Sáu 16/07, 69% số người được hỏi ủng hộ quy định bắt buộc nhân viên y tế tiêm ngừa virus corona và 62% ủng hộ việc áp dụng chứng nhận Covid-19 tại nơi công cộng. Tuy nhiên, cũng có đến 40% phản đối và thiên về phản đối việc áp dụng giấy chứng nhận Covid, tỉ lệ là 31% đối với quy định buộc nhân viên y tế tiêm ngừa. Một số người cho rằng các biện pháp mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tối hôm thứ Hai 12/07 là “xâm phạm tự do cá nhân”.

Kỷ lục về số người được tiêm thường nhật
Trả lời phỏng vấn báo Le Parisien ngày 17/07, phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal nhấn mạnh người dân Pháp không có lựa chọn nào khác : hoặc tiêm phòng đại trà, hoặc sẽ xảy ra “cơn sóng thần” virus corona. Trên thực tế, số ca nhiễm mới thường nhật vẫn không ngừng tăng mạnh trong những ngày qua. Chiều tối hôm qua, cơ quan y tế Pháp ghi nhận gần 11.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và 16 ca tử vong.

Trong khi đó, thủ tướng Pháp Jean Castex kêu gọi người dân đoàn kết để thoát khỏi đại dịch. Phát biểu nhân chuyến thăm Anglet (vùng Pyrénées-Atlantiques), thủ tướng Pháp hôm qua thông báo Pháp ghi nhận số người được tiêm ngừa Covid-19 cao kỷ lục : 880.000 người chỉ trong một ngày. Từ sau bài phát biểu của tổng thống, đã có hơn 3 triệu người đăng ký tiêm chủng (dân số Pháp là khoảng 67 triệu người).

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng tổng thống Macron vẫn được 300 dân biểu địa phương cả hai cánh tả và hữu, đặc biệt là các thị trưởng, hoan nghênh. Trên diễn đàn của Journal du Dimanche, họ gọi những quyết định về y tế và kinh tế mà tổng thống Pháp đưa ra trong những ngày qua là “một sự dũng cảm”.

Riêng về việc các trung tâm thương mại bắt buộc phải tổ chức kiểm tra chứng nhận y tế kể từ đầu tháng 08, cũng trên trang mạng của tuần báo Journal du Dimanche, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire thông báo biện pháp này chỉ liên quan đến những trung tâm thương mại lớn có diện tích trên 20.000m2. 

Covid-19: Số ca nhiễm mới tăng vọt tại Pháp

Thanh Phương

image.png
Số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp tăng mạnh. Dân chúng gần như muốn quên đi khẩu trang và đại dịch. Ảnh minh họa chụp tại một nhà hàng ở Versailles, ngoại ô Paris hôm 15/07/2021. AP – Michel Euler

Số ca nhiễm Covid mới mỗi ngày tại Pháp đã tăng vọt, theo các số liệu được công bố hôm 18/07/2021, vào lúc chính phủ Pháp báo động về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

Pháp có thêm 12.532 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong vòng 24 tiếng đồng hồ, mức cao nhất đối với một ngày Chủ nhật tính từ giữa tháng 5. Trả lời phỏng vấn trên tờ nhật báo Le Parisien phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal đã lên tiếng báo động là tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp hiện đã vượt trở lại qua ngưỡng báo động, tức là 50 trên 100.000 ngàn dân, tăng đến 80% chỉ trong một tuần. Đại đa số các ca nhiễm mới là do biến thể Delta, lây lan rất mạnh.

Trước mắt, áp lực lên các bệnh viện ở Pháp vẫn còn nhẹ, với số bệnh nhân phải nhập viện hôm qua chỉ tăng thêm 14 người, lên thành 6.936 người. Số bệnh nhân nặng trong các phòng hồi sức chỉ tăng thêm 1 người, lên thành 891 người.

Theo hãng tin AFP, các nhà dịch tễ học hy vọng là cho dù số ca nhiễm tăng trở lại, đợi dịch Covid mới sẽ không gây nhiều áp lực lên hệ thống bệnh viện như những đợt trước, nhờ những tiến bộ về tiêm chủng. Theo Tổng cục Y tế, hôm qua, Pháp đã vượt qua ngưỡng 45% tổng dân số được chích ngừa hoàn toàn, tức là khoảng hơn 30 triệu 300 ngàn người. Số người được tiêm ít nhất một liều là khoảng hơn 37 triệu 500 ngàn người (55,7% tổng dân số).

Chuẩn bị trình Quốc Hội dự luật chống Covid-19

Hôm nay, Hội đồng Bộ trưởng (chính phủ) Pháp thông qua dự luật về các biện pháp mới chống Covid-19, trong đó có việc bắt buộc nhân viên y tế chích ngừa và việc mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế. Mục tiêu chính là đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng để tránh ban hành trở lại các biện pháp phong tỏa hoặc giới nghiêm nhằm kềm chế một đợt dịch mới tại Pháp.

Dự luật sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc Hội trong tuần này để thông qua trước cuối tuần. Theo hãng tin AFP, các nghị sĩ rất có thể sẽ nhanh chóng đạt đồng thuận về dự luật chống Covid, nhưng họ sẽ cố đạt được một sự cân bằng tốt nhất giữa một bên là việc bảo vệ sức khỏe cho người dân và bên kia là việc hạn chế các quyền tự do cá nhân. Đa số dân Pháp ủng hộ các biện pháp trong dự luật, nhưng một thiểu số chống đối và đã xuống đường biểu tình hôm 17/07/2021.

Covid-19: Châu Âu tăng cường các biện pháp để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới

Trọng Nghĩa

image.png
Cảnh sát kiểm tra chứng nhận y tế của một tài xế xe tải chở hàng từ Pháp vào Anh, qua cảng Dover, ngày 01/01/2021 JUSTIN TALLIS AFP

Để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta, nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại khắp nơi, nhiều nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp hạn chế đang có hiệu lực, và tăng cường thêm nhiều biện pháp mới.

Ngay từ 0 giờ sáng nay, 18/07/2021, Pháp đã cho áp dụng quy định trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 dưới 24 tiếng đồng hồ đối với du khách chưa được tiêm chủng đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Síp, Hy Lạp và Hà Lan. Cho đến nay, xét nghiệm âm tính 72 giờ trước lúc nhập cảnh đã được Pháp chấp nhận, ngoại trừ những người đến từ Vương Quốc Anh phải trình xét nghiệm dưới 48 giờ.

Do việc số ca nhiễm tăng nhanh dưới tác động của biến thể Delta, Pháp cũng đã mở rộng danh sách các quốc gia “đỏ” sang nhiều nước mới, bao gồm Tunisia, Mozambique, Cuba và Indonesia.

Tại Hy Lạp, đảo du lịch Mykonos nổi tiếng với những dạ tiệc thâu đêm suốt sáng, đã ban hành lệnh giới nghiêm và quyết định cấm khiêu vũ kể từ một giờ sáng. Vùng Catalunya ở Tây Ban Nha, rất được du khách ưa chuộng cũng đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm tương tự.

Với biến thể Delta và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế cho mùa hè, các chính phủ lo ngại một đợt bùng phát mới. Cơ quan dịch bệnh châu Âu dự đoán số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại trong những tuần lễ tới, với số ca nhiễm mới gấp khoảng 5 lần vào ngày 1 tháng 8.

Tuy nhiên, số ca nhập viện và tử vong sẽ tăng chậm hơn, đặc biệt là nhờ chiến dịch tiêm chủng. Trong lãnh vực này, theo trang mạng thống kê Our World in Data, vào hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu đã vượt qua Mỹ về tỷ lệ người dân được tiêm chủng. Trên mạng Twitter, quốc vụ khanh Pháp đặc trách Châu Âu Clément Beaune vui mừng loan báo rằng đã có đến 55,5% dân Liên Hiệp Châu Âu đã được tiêm chủng ít nhất một mũi so với 55,4% tại Hoa Kỳ.

Anh Quốc siết chặt điều kiện nhập cảnh đối với những người đến từ Pháp

Một ví dụ cụ thể là chính phủ Anh dự kiến tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa làn sóng dịch bệnh, với việc siết chặt các điều kiện nhập cảnh đối với người đến từ Pháp, ngay cả với người đã được tiêm chủng. Khi đặt chân lên nước Anh, bất kỳ ai đến từ Pháp sẽ phải cách ly trong 10 ngày, bất kể đã tiêm phòng hay chưa. Theo thông tín viên RFI Marie Boëda tại Luân Đôn, đây là một quyết định đáng ngạc nhiên từ phía chính quyền Boris Johnson.

Việc đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không bất cứ người nào thoát khỏi chế độ cách ly phòng dịch, nhất là khi người đó đến từ Pháp, kể cả khi người đó là công dân Anh Quốc. Sự lây lan của biến thể Beta tại Pháp đã khiến chính quyền Anh lo ngại. Hiện nay, các trường hợp nghiêm trọng khá hiếm ở Anh nhờ tỷ lệ được chích ngừa rất cao ở Anh, với 68% người lớn đã được tiêm đủ hai liều. Nhưng biến thể Beta đến từ Nam Phi được cho là có khả năng kháng vac-xin cao hơn.

Tuy vậy, quyết định của Luân Đôn vẫn gây ngạc nhiên, bởi vì sự hiện diện của biến thể Beta quả đang gia tăng ở Pháp, nhưng tận trên đảo hải ngoại Réunion.

Phản ứng của Paris rất nhanh chóng. Pháp yêu cầu một xét nghiệm âm tính được thực hiện 24 giờ trước khi nhập cảnh đối với những người không được tiêm chủng.

Đối với Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế, chính phủ “đang phá hủy ngành công nghiệp du lịch của chính mình cùng với hàng nghìn công việc đang phụ thuộc vào lãnh vực này”.

Trong khi đó, tại Anh Quốc, biến thể Delta vẫn tiếp tục phát triển. Vào hôm qua, hơn 54.000 ca nhiễm mới đã được thống kê. Bộ trưởng Y Tế Anh, người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính, thậm chí còn dự kiến sẽ có đến 100.000 ca mỗi ngày trong mùa hè này.”

Mỹ – Covid-19 : Dịch bệnh lại tăng, chính quyền nhiều tiểu bang buộc đeo khẩu trang trở lại

Minh Anh

image.png
Dịch bệnh bùng phát trở lại, dân Mỹ lại phải đeo khẩu trang. REUTERS – MARIO ANZUONI

Tại Mỹ, số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây tăng trở lại. Trong khi đó, chiến dịch tiêm ngừa vẫn tiếp tục chựng lại, do người dân ở nhiều nơi vẫn không muốn hay do dự trước việc tiêm ngừa. Chính quyền nhiều bang tỏ ra lo ngại và cho áp đặt trở lại các biện pháp an toàn dịch tễ.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki giải thích:

« Đối với tổng y sĩ Hoa Kỳ, tình hình trở nên đáng quan ngại. Được mời phát biểu trên truyền hình hôm Chủ Nhật, 18/07/2021, bác sĩ Vivek Murthy bày tỏ lo lắng về hiện tượng số ca nhiễm mới lại tăng vọt từ hai tuần nay. Ông nói : “Tôi lo ngại những gì đang đợi chúng ta mùa thu này nếu chúng ta không đảo chiều được xu hướng.”

Ông đặc biệt chú ý đến những bang ở miền nam, do đại bộ phận người dân ở đây vẫn phản đối hay do dự trước việc phải tiêm ngừa. Tình trạng này gây chia rẽ trong nước giữa những người đã tiêm và không tiêm ngừa.

Bác sĩ Murthy khẳng định, những trường hợp được phát hiện trong những tuần qua chủ yếu là do nhiễm biến thể Delta và đặc biệt là đối với những bệnh nhân không tiêm chủng.

Xu hướng tăng trở lại thúc bách giới chức một số địa phương tái lập các biện pháp hạn chế. Tại Los Angeles chẳng hạn, người dân một lần nữa được kêu gọi nên đeo khẩu trang ở không gian kín, kể cả những người đã được chích ngừa.

Biện pháp này đã bị một số người chỉ trích, cho rằng việc áp đặt trở lại các hạn chế này rất có thể sẽ làm nản chí hơn nữa những người còn do dự khi nghĩ rằng đi chích ngừa chẳng được ích gì.

Tuần này, bà giám đốc Trung tâm dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh đã khẳng định rằng nước Mỹ giờ đang phải đối phó với điều mà bà gọi là dịch bệnh của những người không chích ngừa ».

Thái Lan : Biểu tình đông đảo đòi thủ tướng từ chức vì quản lý dịch bệnh kém

Minh Anh

image.png
Biểu tình rầm rộ tại Bangkok ngày 18/07/2021 đòi chính quyền quân sự Thái Lan từ chức. REUTERS – SOE ZEYA TUN

Chủ Nhật, ngày 18/07/2021, hàng ngàn người dân Thái Lan đã xuống đường biểu tình đòi thủ tướng Prayut Chan O Cha phải từ chức vì cách xử lý dịch bệnh kém. Cuộc biểu tình cũng diễn ra đúng dịp kỷ niệm một năm phong trào ủng hộ dân chủ Thái Lan.

Những người biểu tình tố cáo chính phủ trì trệ trong việc cung cấp vac-xin, trong khi đất nước đang phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh Covid-19 tệ hại nhất từ đầu mùa dịch khiến các bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.

AFP cho biết, cảnh sát Thái Lan đã dùng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình.

Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng có 403. 000 ca nhiễm bệnh và 3.341 người chết vì Covid-19. Hôm Chủ Nhật, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục hơn 11 ngàn người trong vòng 24 giờ, một ngày sau số ca tử vong kỷ lục 141 người.

Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carol Isoux tường thuật :

« Bất chấp các hạn chế, phòng ngừa dịch tễ, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường, và cũng như năm rồi, để đòi thủ tướng từ chức và cải cách nền quân chủ. Lập luận của họ rất đơn giản: Để xử lý một cuộc khủng hoảng dịch tễ có quy mô lớn mà Thái Lan đang trải qua như hiện nay, thì cần một chính phủ có năng lực kỹ thuật và một Hiến Pháp bảo đảm sự minh bạch. Nhưng hai tiêu chí này hiện đã không được đáp ứng bởi vì chính phủ bao gồm các cựu tướng lĩnh và Hiến Pháp chỉ bảo vệ trước tiên các lợi ích của quân đội và Hoàng gia.

Một chiếc máy chém giả, biểu tượng rất được ưa chuộng của phong trào cộng hòa Thái Lan vốn thường kín tiếng, đã bị thiêu rụi ngay giữa dòng người biểu tình. Các cuộc đụng độ kéo dài đến tận 9 giờ tối, giờ giới nghiêm được áp đặt tại thủ đô Thái Lan. Những người biểu tình đã ném các loại gạch đá, đồ vật về phía cảnh sát. Lực lượng này đáp trả lại bằng đạn cao su, vòi rồng và hơi cay.

Phong trào ủng hộ dân chủ Thái Lan từng lên đến cao trào hồi năm 2020, với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn, để rồi phải chấm dứt do các biện pháp hạn chế dịch tễ và các nhà lãnh đạo của phong trào liên tục bị bắt giữ. »

Covid-19 : Hà Nội thắt chặt các biện pháp phòng dịch

Thanh Phương

image.png
Thắt chặt các biện pháp chống dịch Covid-19, sinh hoạt tại thủ đô Hà Nội bị xáo trộn. Ảnh chụp tại một cửa hàng mua bán ở thủ đô Việt Nam hôm 18/02/2021. REUTERS – THANH HUE


Hôm 18/07/2021, chính quyền thủ đô Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà kể từ hôm nay, đồng thời ra lệnh tạm dừng các dịch vụ « không thiết yếu », do trong những ngày qua đã xuất hiện các ổ dịch Covid-19 mới.

Kể từ tháng 5 đến nay, Hà Nội chỉ mới có thêm 500 ca nhiễm, so với tổng số hơn 50.000 trên cả nước, nhưng từ ngày 13/07/2021, chính quyền thành phố đã ban hành các biện pháp hạn chế như đóng cửa các nhà hàng, các tiệm hớt tóc, gội đầu…

Một trong những biện pháp hạn chế mới, có hiệu lực kể từ hôm nay, đó là những người đến từ Sài Gòn và các địa phương khác đến Hà Nội sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày. Các chốt kiểm soát đã được dựng lên trên các trục lộ chính dẫn đến Sài Gòn. Người dân được yêu cầu hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại.

Kể từ hôm nay, các cuộc tụ tập trên 5 người ở những nơi công cộng (ngoài công sở) tại thủ đô đều bị cấm. Ngoài ra, chính quyền yêu cầu người dân thành phố ở tại nhà, chỉ ra ngoài « trong trường hợp thật sự cần thiết », chẳng hạn như để mua lương thực, thuốc men, hoặc đi làm tại những công ty được phép tiếp tục mở cửa.  

Số ca nhiễm mới tại Việt Nam hiện vẫn tăng đều đặn. Hôm qua, đã có thêm gần 6.000 ca nhiễm được ghi nhận, tăng gấp 4 lần so với tổng số 1.456 ca nhiễm của năm 2020, trong đó đã có đến gần 4.700 tại Sài Gòn. Thành phố với tổng cộng 13 triệu dân này hiện vẫn là tâm chấn của đợt dịch mới,

Ngoài 3 tỉnh thành là Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai đang áp dụng biện pháp « giãn cách xã hội » theo chỉ thị 16, hôm thứ bảy 17/07/2021, chính quyền Việt Nam cũng đã ra quyết định mở rộng phạm vi áp dụng chỉ thị này ra thêm 16 tỉnh thành phía nam trong thời hạn 14 ngày để chống dịch Covid-19.

Theo báo chí trong nước,  Cục Hàng Không Việt Nam cũng vừa yêu cầu các hãng hàng không trong nước dừng tất cả các chuyến bay đi, đến các sân bay thuộc các tỉnh thành phía nam áp dụng giãn cách xã hội kể từ hôm nay.

Nhiều cơ quan đại diện nước ngoài tại Afghanistan kêu gọi Taliban ngưng các cuộc tấn công

Thùy Dương

image.png
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu qua video hội nghị, trong lễ khai mạc cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, tại Doha, Qata, ngày 12/09/2020. AFP – KARIM JAAFAR

Khoảng 15 cơ quan ngoại giao quốc tế ở Afghanistan hôm nay 19/07/2021, trong một thông cáo, kêu gọi Taliban ngưng các cuộc tấn công vì hành động này đi ngược lại tuyên bố ủng hộ việc giải quyết xung đột qua thương lượng.

Thông cáo có chữ ký của các cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, NATO cũng như đại sứ quán các nước Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Canada, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hàn Quốc… tại Afghanistan. Thông cáo yêu cầu Taliban khẩn cấp chấm dứt các cuộc tấn công quân sự đang tiến hành, bởi các hoạt động quân sự đó khiến nhiều người dân vô tội thiệt mạng, gây tổn thất cho cơ sở hạ tầng quan trọng.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Kabul và Taliban trong 2 tháng qua có những cuộc đàm phán tại Doha, Qatar, nhưng không đạt được nhiều thành công.

Reuters nhắc lại, Hibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban, hôm qua đã đưa ra một tuyên bố riêng, cho biết « ủng hộ mạnh mẽ » một giải pháp chính trị, ngay cả khi quân Taliban đang trên đà tiến mạnh và thu được nhiều thắng lợi quân sự.

Phụ nữ lại bị kiểm soát

Về tình hình tại chỗ, thông tín viên đài RFI Sona Ghezali cho biết khi kiểm soát được một địa phương nào đó, quân Taliban ngay lập tức áp đặt các lệnh hạn chế đối với phụ nữ, chẳng hạn họ phải mặc những chiếc váy choàng dài kiểu Hồi giáo, trùm khăn che kín mặt, đeo găng tay, không được phép đi làm, ngoại trừ giáo viên, khi rời khỏi nhà phải có một người đàn ông trong gia đình đi kèm… Taliban không cho phép mọi người dùng điện thoại smartphone. Ai muốn nghe nhạc thì phải để âm lượng rất nhỏ và chỉ được nghe nhạc tôn giáo.

Related posts