Tin thế giới sáng thứ Tư

Phi hành đoàn của tỷ phú Jeff Bezos bay vào vũ trụ

Hỏa tiễn đẩy New Shepard đưa phi thuyền Blue Origin cùng đoàn phi hành gia của tỷ phú Jeff Bezos bay vào vũ trụ từ Texas, Hoa Kỳ ngày 20/07/2021. AP – Tony Gutierrez

Sau tỷ phú Richard Branson trên tàu Virgin Galactic, vào lúc  13 giờ, giờ GMT, từ Texas, Hoa Kỳ, một tỷ phú khác bay vào không gian. Trên phi thuyền Blue Origin được phóng lên bằng tên lửa đẩy New Shepard, Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cùng 3 phi hành gia khá đặc biệt thực hiện chuyến bay 11 phút vào không gian. Chuyến bay ngắn mở ra chặng đường dài cho ngành du lịch vũ trụ đang ra đời.

Vụ Pegasus: Nhiều phản ứng phẫn nộ và khiếu nại trên thế giới

Thùy Dương

image.png
Khoảng 15 000 người Mexico, bao gồm những nhà báo đã bị thiết bị Pegasus theo dõi hằng ngày. AFP – ALFREDO ESTRELLA


Vụ tai tiếng dọ thám bằng phần mềm Pegasus do NSO Group của Do Thái cung cấp mà tổ chức Forbidden Stories có trụ sở tại Pháp và nhiều cơ quan truyền thông đối tác tiết lộ vào hôm 18/07/2021 đã gây nhiều phản ứng phẫn nộ trên thế giới.

AFP cho biết nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, các cơ quan truyền thông, Liên Hiệp Châu Âu cũng như chính phủ nhiều nước hôm qua đã tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ về vụ dọ thám nhắm vào điện thoại di động của hơn 50.000 người tại hơn 20 quốc gia. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen, hôm qua coi đó là những hành vi « không thể chấp nhận được ». Còn cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet, kêu gọi phải có những quy định tốt hơn về công nghệ giám sát và chuyển giao những công nghệ này, những khuôn khổ pháp lý bảo đảm tôn trong nhân quyền.

Tầm mức nghiêm trọng của vụ việc đã khiến một số cơ quan truyền thông tại Pháp  kêu gọi chính quyền tiến hành điều tra, một số khác, trong đó có báo Le Canard enchaîné và trang tin độc lập Mediapart khiếu nại sau khi có thông tin nhiều nhà báo của họ bị dọ thám tại Maroc.

France 24 cho biết trong danh sách các nhà báo bị dọ thám mà Forbidden Stories và Amnesty International tiết lộ, có nhiều người tại Maroc, Ả Rập Xê Út và Mêhicô. Nhưng chính phủ Maroc, hôm qua 19/07, trong một thông báo, đã thẳng thừng bác bỏ thông tin nói trên và gọi đó là những « điều dối trá ». Tại Hungary, chính quyền của thủ tướng Victor Orban cũng phủ nhận việc dùng Pegasus để dọ thám các nhà báo. Dưới thời Orban, trong thời gian qua, tự do báo chí tại Hung ngày càng suy giảm.

Ấn Độ: Hơn 1.000 ngàn người thuộc mọi thành phần xã hội dân sự bị dọ thám

Nhìn sang châu Á, chính phủ Ấn Độ có thể cũng đã sử dụng rộng rãi phần mềm gián điệp Pegasus để dọ thám hơn 1.000 ngàn nhà báo, nhà tranh đấu nhân quyền, luật sư, doanh nhân… thuộc mọi thành phần xã hội dân sự. Theo danh sách mà tổ chức Pháp Forbidden Stories và các cơ quan truyền thông đối tác tiết lộ, có 40 nhà báo Ấn Độ, đa số đang xử lý các chủ đề nhạy cảm có liên quan đến chính phủ Ấn Độ.

Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi trao đổi với một nhà báo Ấn Độ và gửi về bài tường trình :

« Swati Chaturvedi là một phóng viên điều tra từ khoảng 20 năm nay, vì thế bà đã tiết lộ rất nhiều thông tin khiến chính phủ hiện tại khó xử. Đặc biệt, mới đây bà đã viết một cuốn sách có tên « I am a troll », mô tả chi tiết cách đảng BJP cầm quyền quấy rối trên mạng internet những người thuộc phe đối lập. Cũng chính trong suốt hai năm điều tra của bà, từ năm 2018 đến năm 2019, phần mềm Pegasus dường như đã được cài đặt trên điện thoại của nhà báo này để dọ thám bà.

Nhà báo Swati Chaturvedi nói : « Do công việc của tôi, tôi đã quen với việc bị giám sát. Nhưng hoạt động gián điệp này xâm phạm quá nhiều : họ đã tiếp cận được vào micro và caméra trên điện thoại của tôi, đây là một sự xâm phạm khủng khiếp nhắm vào đời sống riêng tư của tôi. Và đó là điều rất nguy hại, bởi vì khi truy cập vào hộp thư điện tử của tôi, họ có thể cài vào nhiều yếu tố để cáo buộc tôi là khủng bố ».

Kịch bản đó đã xảy ra : 8 nhà tranh đấu, luật sư và học giả Ấn Độ mới đây đã bị bắt vì mưu đồ khủng bố, căn cứ vào các tài liệu được tìm thấy trong máy tính của họ. Những tài liệu này có thể do tin tặc cài vào. Chính phủ Ấn Độ khẳng định không chỉ đạo bất kỳ hoạt động gián điệp bất hợp pháp nào, nhưng cũng chưa bao giờ phủ nhận là đã mua phần mềm Pegasus. »

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ sắp thăm Việt Nam

Thụy My

image.png
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) trong một cuộc họp tại Bộ Quốc Phòng, Arlinton, Virginia, Hoa Kỳ, ngày 30/06/2021. AP – Manuel Balce Ceneta

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin trong chuyến công du Đông Nam Á sẽ thăm Việt Nam, Philippines và Singapore trong tháng này, theo đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm nay 20/07/2021. Reuters dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc, nhấn mạnh đến ASEAN trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội thông báo chuyến đi của bộ trưởng Austin sẽ bắt đầu từ ngày 23/07, nói rằng « chuyến công du này nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ tại khu vực, và lợi ích chung khi buộc tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN ».

Từ Washington, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng John Kirby tuyên bố, chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc « chứng tỏ chính quyền Biden coi Đông Nam Á và ASEAN như một phần thiết yếu của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

Hoa Kỳ tìm cách tăng cường vai trò của Mỹ tại một khu vực mà Trung Quốc đang thống trị nhờ là đối tác thương mại quan trọng nhất, nhưng lại gây lo sợ vì các hành động hung hăng trên Biển Đông. Ông Austin muốn duy trì mối quan hệ đối tác quân sự đã kéo dài nhiều thập niên qua với Philippines, nhưng bị chao đảo dưới thời tổng thống thân Bắc Kinh Rodrigo Duterte – sắp kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.

Philippines xua đuổi tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông

Về phía Philippines, hãng tin Bloomberg hôm nay 20/07/2021 cho biết lực lượng tuần duyên nước này đã xua đuổi được một chiến hạm Trung Quốc tại Đá Đồng Thạnh (Marie Louise Bank) thuộc Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) quần đảo Trường Sa. Chiếc tàu này ban đầu gởi tín hiệu tự xưng là « Chiến hạm 189 của hải quân Trung Quốc », yêu cầu tuần duyên Philippines phải giữ khoảng cách, nhưng rốt cuộc đã rời khỏi khu vực. Được chất vấn trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng không biết gì về vụ này.

Hàng không mẫu hạm Anh sẽ tập trận với Nhật Bản

Cũng liên quan đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, hãng Kyodo dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh sẽ đến Nhật vào tháng Chín và tập trận với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Theo hãng tin Nhật, hoạt động này nằm trong nỗ lực đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thông cáo chung của ông Koshi và đồng nhiệm Anh Ben Wallace được đưa ra sau cuộc gặp của hai vị bộ trưởng tại Tokyo. Phía Nhật hoan nghênh đóng góp của Anh vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, còn bộ trưởng Quốc Phòng Anh nói rằng nhiệm vụ của hai quốc gia cùng chí hướng là « bảo vệ những quốc gia không có khả năng tự vệ trước những kẻ thù đe dọa họ ».

Cũng theo Kyodo, các chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Hà Lan sẽ tháp tùng hàng không mẫu hạm Anh. Trang web chính phủ Anh nói thêm, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng với hàng không mẫu hạm Mỹ và các chiến hạm Pháp, Úc, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc trước đó sẽ tập trận ở Biển Philippines vào tháng Tám.

Covid : Việt Nam vượt 60,000 ca nhiễm, Nga và Mỹ chuyển giao công nghệ vac-xin

Thụy My

image.png
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Việt Nam trong ngày đầu tiên bị phong tỏa, 09/07/2021. AFP – HUU KHOA

Đến sáng ngày 20/07/2021 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc đã vượt quá 60.000 người. Reuters dẫn nguồn từ chính quyền Việt Nam nói rằng đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ vac-xin chống Covid với Nga và Hoa Kỳ, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trong số 62.820 ca dương tính tại Việt Nam, số người bị nhiễm trong đợt dịch thứ tư (kể từ ngày 27/04 đến nay) chiếm đến 59.165 ca. Theo Bộ Y Tế, riêng trong hôm nay đã có 4.795 ca dương tính mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm 3.322 ca. Một số thiết bị cần thiết như máy thở, máy lọc máu…đã được chuyển cho thành phố lớn nhất nước đang bị phong tỏa để chống dịch (mà Việt Nam gọi là « giãn cách theo Chỉ thị 16 »).

Việt Nam mong muốn gia tăng năng lực vac-xin, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng Năm tuyên bố đang xem xét việc giao cho Việt Nam sản xuất vac-xin chống Covid theo công nghệ mới ARN thông tin để trở thành trung tâm cung ứng ở Đông Nam Á. Theo Reuters, bộ Y Tế Việt Nam cũng đang thương lượng với Nga để sản xuất vac-xin Spoutnik V. Thông cáo của bộ Y Tế nói rằng Việt Nam sẽ nhận được thêm 20 triệu liều vac-xin ARN thông tin của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số lên 51 triệu liều.

Cho đến nay, Việt Nam đã thỏa thuận mua 105 triệu liều vac-xin và đang đàm phán với các nhà sản xuất khác để có được 70 triệu liều nữa, hy vọng sẽ được giao trong năm 2021 và đầu 2022. Sau thành công về chống dịch trong thời gian đầu, giờ đây Việt Nam phải đối mặt đợt dịch tồi tệ nhất với số lượng người nhiễm mới hàng ngày đạt mức kỷ lục, tạo áp lực phải tăng cường tiêm chủng.

Việt Nam đã nhận được 10,6 triệu liều vac-xin, trong đó Hoa Kỳ viện trợ 5 triệu liều Moderna thông qua cơ chế Covax, Nhật tặng 3 triệu liều AstraZeneca và Úc 1,5 triệu liều AstraZeneca. Trung Quốc cũng giao 500.000 liều Sinopharm nhưng kèm theo điều kiện chỉ dành cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam và những người phải qua lại biên giới.

Việt Nam đã sử dụng 4,3 triệu liều vac-xin chống Covid, nhưng chỉ mới có 310.000 người trên tổng số 98 triệu dân được tiêm đủ hai liều. Dư luận cho rằng cần phải ưu tiên phân bổ cho thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang bị đại dịch hoành hành nhiều nhất. Tính đến tối 19/07, Việt Nam đã có 334 người tử vong vì Covid trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 190 trường hợp (theo số liệu chưa đầy đủ).

Làn sóng Covid thứ 4: Pháp mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế và tiêm chủng

Thùy Dương

image.png
Biểu tình chống chủ trương mở rộng áp dụng chứng nhận y tế tại Paris, Pháp ngày 17/07/2021. AP – Michel Euler

Để đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal tối hôm qua 19/07/2021 thông báo chính quyền sẽ mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế và bắt buộc nhân viên chăm sóc y tế tiêm ngừa virus corona.

Sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng để thông qua dự luật bao gồm các biện pháp chống dịch mới theo hướng mà tổng thống Emmanuel Macron đề ra ngày 12/07/2021, phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal khẳng định nước Pháp đang đối mặt với làn sóng dịch thứ tư, với 80% số ca nhiễm mới là do biến thể Delta. Ông Attal nhấn mạnh chính quyền phải triển khai tất cả các biện pháp, không để làn sóng dịch tàn phá nặng nề nước Pháp.

Theo AFP, kể từ ngày thứ Tư 21/07, chứng nhận Covid-19 sẽ được áp dụng đối với các hoạt động giải trí có trên 50 người tham gia, cũng như đối với các quán bán đồ giải khát, nhà hàng và « một số trung tâm thương mại » kể từ đầu tháng 08. Thế nhưng, tính từ ngày 30/08 thì các cơ sở này mới phải triển khai công tác kiểm tra chứng nhận y tế.

Liên quan đến tiêm chủng, lực lượng chăm sóc y tế và nhân viên làm việc trong ngành y tế hoặc y tế – xã hội, cứu hộ và dịch vụ xe cứu thương, cũng như nhân viên chăm sóc người cao tuổi hoặc ốm yếu tại gia đều phải hoàn thành hai mũi tiêm muộn nhất là vào ngày 15/09/2021.

Về quy định cách ly 10 ngày những người dương tính với Covid-19, những ai vi phạm sẽ bị phạt 1.000 euro. Phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal cho biết, theo khuyến nghị của Tham Chính Viện, dự luật mà Hội đồng Bộ trưởng thông qua quy định lực lượng an ninh không tiến hành giám sát kiểm tra trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 08 giờ sáng hôm sau.

Related posts