Ngọc Mai
Hãng thông tấn Reuters cho hay, trong một cáo trạng dài của Mỹ được đưa ra vào ngày 19/7 cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu có một chi tiết gây tò mò, đó là trong số các chính phủ bị tin tặc Trung Quốc nhắm tới có Campuchia, một trong những đồng minh châu Á trung thành nhất của Bắc Kinh.
Theo hai nguồn thạo tin, mục tiêu của vụ tấn công là Bộ Ngoại giao Campuchia, cụ thể là các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và Campuchia về việc sử dụng sông Mekong, một chiến trường mới cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Theo cáo trạng, trong số các mục tiêu của tin tặc là “Bộ A của Chính phủ Campuchia”. Tin tặc đã “đánh cắp dữ liệu liên quan đến các cuộc thảo luận giữa chính phủ Trung Quốc và Campuchia về việc sử dụng sông Mekong” vào tháng 1 năm 2018.
Hai nguồn thạo tin cho biết, Bộ A được nhắc tới chính là Bộ Ngoại giao Campuchia.
Sông Mekong dài 4.350 km, được gọi là Lan Thương ở Trung Quốc, chảy từ Trung Quốc dọc theo biên giới Myanmar, Lào và Thái Lan qua Campuchia và Việt Nam, nơi nó đã hỗ trợ các cộng đồng nông dân và đánh cá trong nhiều thiên niên kỷ.
Giống như Biển Đông, sông Mekong đã trở thành mặt trận trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, với việc Bắc Kinh vượt qua Washington cả về chi tiêu và ảnh hưởng đối với các nước hạ nguồn nhờ quyền kiểm soát vùng nước của sông.
Theo cáo trạng, tin tặc Trung Quốc lấy được dữ liệu từ Bộ Campuchia vào cùng ngày Campuchia đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hợp tác Lan Thương-Mekong, với sự tham gia của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam tại Phnom Penh vào ngày 10 tháng 1 năm 2018. .
Bản cáo trạng cho biết, dữ liệu mà các tin tặc thu được liên quan đến các cuộc thảo luận đó mà không giải thích chi tiết.
Cùng ngày, các tin tặc đã giấu và truyền “bí mật thương mại và dữ liệu thủy âm độc quyền” trong các hình ảnh kỹ thuật số về một con gấu túi và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo cáo trạng, tài liệu đã được gửi đến một tài khoản trực tuyến do tin tặc kiểm soát.
Không rõ liệu dữ liệu thủy âm có phải là của khu vực sông Mekong hay không.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với những người đồng cấp Đông Nam Á rằng Mỹ ủng hộ một “khu vực Mekong tự do và rộng mở” trong khuôn khổ Đối tác Mekong-Mỹ do Washington hậu thuẫn.