Trung Quốc: Dân chết vì lũ, tuyên truyền vẫn lạc quan ‘thắng rồi!’

Mạn Vũ

Khi thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam đang chịu cảnh lũ lụt ‘ngàn năm có một’, khổ không kể xiết, ấy vậy mà đội ’50 xu – tiểu phấn hồng’ lại liên tục lặp lại: “Lượng mưa ở Trịnh Châu lớn hơn ở Đức, nhưng số người chết ở Trịnh Châu ít hơn ở Đức. Cho nên chúng ta lại chiến thắng rồi”.

Một lối tư duy kỳ lạ…

Kỳ lạ ở chỗ nào? Trong chương trình Viễn kiến khoái bình (Nhìn xa bình nhanh), Học giả Đường Tĩnh Viễn với góc nhìn nhân văn và độc đáo đã chỉ ra rằng:

“Chúng ta chưa nói về số người tử vong ở Trịnh Châu lớn bao nhiêu, ngay cả khi số ấy ít hơn Đức, đây có thể là lý do để chúc mừng và ca tụng hay sao? Hạnh phúc của một số người lại dựa trên tỷ lệ số người chết sao? 

Thiên tai nhân hoạ lấy đi tính mệnh, đối với ai cũng đều là thảm kịch. Dù ở Trịnh Châu chỉ có một người chết, thì đều nên phải thương tiếc và suy ngẫm. Sinh mệnh là đáng quý. Nó không thể dùng số lượng nhiều hay ít để làm tiêu chuẩn đo lường. Không thể nói: nơi bạn chết nhiều người là đáng quý, nơi chết ít thì ‘không tính là gì cả’. 

Chỉ có những chuyên gia mang đặc sắc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới nói ra những lời như “so với 1,4 tỷ dân thì chết mấy nghìn người do dịch bệnh có đáng là bao”, đây là một lối tư duy kỳ lạ. 

Nhiều người đã bị ĐCSTQ tẩy não rồi dần dần mất đi nhân tính, sau đó lại ‘trợ Trụ vi ngược’ để xóa bỏ nhân tính của người khác. Đây mới là tai hoạ và nhân hoạ nguy hiểm nhất của toàn bộ xã hội”.

Một câu hỏi quan trọng đặt ra là: Rốt cuộc hồng thuỷ ở Trịnh Châu là thiên tai hay nhân hoạ (hoạ do con người tiếp tay)? 

Những thảm hoạ lớn phát sinh thường là một dạng tác động tương hỗ giữa thiên tai và nhân hoạ. Chúng ta rất khó phân chia tỷ lệ 7/3 hay 8/2 để đưa ra nhận định. Nhưng từ những thông tin mà Đường tiên sinh thu thập được, chúng ta sẽ có một cái nhìn độc lập và khách quan.

Dưới đây là những thông tin mà Đường tiên sinh thu thập được.

ĐCSTQ đã chiếm phần lớn thời lượng phát sóng để đưa ‘thông tin tích cực’

“Hồng thuỷ ở Trịnh Châu từ rạng sáng đến đêm ngày 20/7, chúng ta thấy các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã báo cáo rất nhiều về… trận lũ lụt ở Đức – châu Âu. 

Đài truyền hình Hà Nam khi ấy vẫn đang phát sóng bộ phim truyền hình chống Nhật, vậy nên công chúng khó mà xem được thông tin về tình hình thiên tai ở Trịnh Châu. Còn loại tin tức về thiên tai cập nhật theo thời gian thực (realtime) lại càng không có. 

Điều này đưa đến một kết quả trực tiếp chính là phần lớn kênh lấy tin của dân chúng Trịnh Châu đã bị ĐCSTQ chiếm dụng để truyền bá cái gọi là thông tin tích cực. 

Do đó dẫn đến người dân thiếu cảnh giác khi đối diện với tai hoạ treo trên đầu, rơi vào trạng thái vô tri và tê liệt trước nguy hiểm. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người gặp tai nạn, họ đều ở trong một tình huống không có sự chuẩn bị, vậy nên không biết làm thế nào để đối phó. 

Ngoài ra các ‘tiểu phấn hồng’, ‘đội quân 50 xu’ lại phối hợp với ĐCSTQ tung tin giả rằng, hành khách trên tàu điện ngầm đã được cứu, nên đã cản trở nghiêm trọng thông báo cầu cứu từ hành khách. Điều này tương đương với việc làm trầm trọng thêm thảm hoạ. Đây là một bộ phận của ‘nhân hoạ’ (hoạ do con người tiếp tay)”.

Xả lũ mà không cảnh báo

“Trịnh Châu là vùng tương đối bằng phẳng, nhưng mọi người thấy nước chảy rất nhanh và xiết, ngay cả ô-tô cũng bị cuốn như phao. Mưa bình thường không thể tạo được độ dốc ở vùng đồng bằng như vậy. 

Trên Weibo chính thức của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Trịnh Châu đã có bài đăng lúc 1h sáng ngày 21/7 nói rằng, họ “đã mở cửa xả lũ hồ chứa nước Thường Trang lúc 10h30… sáng ngày 20/7”. Từ 10h30 sáng ngày 20 đến 1h sáng ngày 21 là khoảng hơn… 14 tiếng. 

Xả lũ phải thông báo cho người dân hạ lưu sơ tán, đằng này họ ‘tiền trảm hậu tấu’, xả xong 14 tiếng mới thông báo”.

Thảm hoạ ở tuyến tàu điện ngầm số 5

“Vào lúc 18h10 ngày 20/7, tàu điện ngầm được lệnh ngừng hoạt động. Điều này mang đến những nghi vấn như sau: 

+ Mưa bắt đầu từ ngày 18/7. Cảnh báo nguy hiểm đã được đưa ra trong thời gian dài. Tại sao bộ phận quản lý không sớm tạm dừng ga tàu điện ngầm này?

+ 3h chiều ngày 20/7, trung tâm thành phố Trịnh Châu bị ngập nặng. Xe bus, xe con không đi chuyển được. Trịnh Châu có hệ thống giám sát người dân thuộc hạng nghiêm ngặt nhất thế giới, họ chắc chắn phải thấy được cảnh này. Trong tình huống thông thường, họ phải cảnh giác mới đúng. 

+ Cách đó 500km, vào lúc 3h chiều ngày 20/7, chuyến tàu trạm bắc ga Tây An đến trạm đông ga Trịnh Châu đã tạm dừng. Nhưng phía Trịnh Châu lại không cho dừng hoạt động.

+ Đến 5h chiều ngày 20/7, có một trận mưa lớn 200mm (mưa trung bình năm ở Trịnh Châu là 640mm, 200mm là gần 1/3 mưa trong 1 năm ở đây). Nhưng tàu điện ngầm của Trịnh Châu vẫn hoạt động. 

Kết nối 4 dữ kiện này lại, cộng thêm việc xả lũ lúc 10h30 ngày 20/7 mà không thông báo người dân sơ tán, chúng ta thấy bên quản lý ga tàu điện ngầm Trịnh Châu đã không làm gì mãi cho đến 18h10 ngày 20/7.

Đến lúc này, phía Ban Tuyên giáo Thành uỷ Trịnh Châu mới nói rằng 500 người đã sơ tán, có 12 người chết và 5 người bị thương…”.

***

Thảm hoạ ở Trịnh Châu là thiên tai hay ‘nhân hoạ’, mọi người có lẽ đã có câu trả lời cho riêng mình.

Related posts