Du Uyên
“Có vẻ như giáo án mấy trường cảnh sát, an ninh ở Việt Nam nghèo nàn quá, chỉ có phạt phạt phạt!”
- Một video ở Long An, ghi lại cảnh một nữ sinh đưa mèo trong tình trạng nguy kịch đi khám thú y bị cán bộ ở chốt kiểm dịch chặn lại, xài xể bằng nhiều lời khó nghe: “Con mèo yếu lắm rồi hả?”, “Giờ con mèo có quan trọng bằng dịch bệnh bây giờ không?”, “Khóc vì con mèo luôn hả?”… Mặc cho hai bạn nhỏ vừa khóc nức nở vừa luống cuống giải thích do quá vội nên không mang theo giấy tờ, năn nỉ: “Chú cho con chở con mèo đi khám thú y đi chú, nó yếu lắm rồi chú ơi. Thú y ở ngay đây thôi!”. Vị cán bộ này vẫn gí camera vào mặt cô bé nói những lời khó nghe rất lâu, sau đó mới “lùa” hai bạn trẻ vào trong để xử phạt rồi… đuổi họ về. Con mèo trong câu chuyện đã chết. Sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, D.M. – nữ sinh trong clip cũng đã lên tiếng:
“Em là người trong video ạ. Chú quay em không xin phép và không nói lời nào mà còn đăng như vậy và bây giờ bé mèo của em không qua khỏi ạ. Chú phạt con cũng chịu chứ con chưa nói gì cả, mà chuyện lại không đáng để chú quay lại và đăng lên như vậy ạ. Chú đăng hình ảnh con như vậy là đang xúc phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác rồi ạ. Con mong chú thấy bài con”.
Và vị “cán bộ” trên đã trả lời sự bất bình của cô bé lẫn đa số người dân bằng kiểu “xin lỗi được chưa”, trích “thư xin lỗi” của vị cán bộ này:
“- Bạn gì đó là chủ con mèo đó ơi! Nếu thật sự bạn quý con mèo của bạn hơn tính mạng của bạn, tính mạng của mọi người thân trong gia đình bạn… thì tôi cũng xin chân thành xin lỗi bạn! Tôi xin chân thành xin lỗi tất cả mọi người trên Cộng đồng mạng!”
“Nhà tôi không buôn bán rau củ hay thực phẩm gì, số rau củ được bày trước nhà là do trong lúc đi đường hoặc ngồi ở nhà thấy những người có ít rau củ đi qua, chúng tôi mua ủng hộ. Mặt khác, thấy hàng xóm cũng khó mua rau củ những ngày này hoặc phải mua với giá cao nên nhà anh chia sẻ với hàng xóm.”
“Mẹ tôi cao chỉ khoảng 1m4, nặng hơn 40kg.”
Anh nói, sau đó cán bộ trả mẹ anh về nhưng không trả lại số rau củ đã tịch thu. Chiều 14-7, trả lời phỏng vấn từ báo trong nước, ông Lê Hữu Hảo – Chủ tịch Uỷ ban phường Tam Bình, thành phố Thủ Ðức cho hay là gia đình này có thể bị phạt tới 15 triệu VNÐ – “tùy thiện chí của gia đình” – ông Hảo nói.
- Ở một diễn biến khác, nhiều người đi ra cây ATM để rút tiền mặt cũng bị xử phạt hành chính vì những người “thi hành công vụ” cho đây là lý do không chính đáng, có những người chỉ còn một số ít tiền cuối cùng trong tài khoản, vẫn bị buộc nộp phạt hết nên đã quỳ lạy van xin người “canh chốt”.
Ví dụ điển hình là Anh Vũ Minh Nhật (22 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) đi từ nhà (phường 3, quận Bình Thạnh) đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) – cách nhau 600 mét – để rút tiền đi mua thực phẩm.. Thì bị phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng. Anh Nhật nói sau khi bị lập biên bản, anh phải đi bộ tới ATM rút 2 triệu (trong thẻ chỉ còn hơn 2 triệu) đóng phạt tại chốt rồi đi về mà không nhận được biên lai phạt.
Khi vụ việc khiến dư luận bất bình, bà Nguyễn Huỳnh Hải Ðăng – chủ tịch phường 7 (quận Phú Nhuận) còn đặt lại câu hỏi cho công dân đó là: Vì sao người đàn ông này không vào siêu thị để mua và quẹt thẻ mà lại đi rút tiền mặt. Hơn nữa, gần nhà người đàn ông này cũng có một cửa hàng, sao không mua tại đó? – Trong khi tính tiền bằng thẻ hiện chưa phổ biến ở Việt Nam đến mức thông dụng, nhiều siêu thị ở Việt Nam không tính tiền bằng thẻ. Ngoài mua đồ trong siêu thị, người dân còn nhiều nhu cầu riêng.
Giải thích thêm việc chưa đưa biên lai phạt, bà Nguyễn Huỳnh Hải Ðăng cho biết có hẹn anh Nhật ra phường lấy nhưng anh Nhật chưa lấy và phường vẫn còn giữ. – Liệu sự việc không bị đưa lên mạng xã hội và báo chí thì cái biên lai đó có hiện diện hay không?
Mới đây, mạng xã hội có một video quay cảnh cô gái đi mua bao cao su, bị “cán bộ” chặn lại vì cho là “bao cao su không phải là hàng thiết yếu”. Tuy là diễn, nhưng câu chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra, câu hỏi cho những người đang “thi hành công vụ” là: “Bao cao su có phải là mặt hàng thiết yếu không?” Nếu không cho dân dùng bao cao su thì “bể kế hoạch”, ai sẽ nuôi?
Ngoài cho thấy sự thiếu tình cảm và vô lý trong lúc “thi hành công vụ” của các cán bộ thì các câu chuyện về việc người dân bị phạt bởi vi phạm “chỉ thị 16” hầu hết đều liên quan đến đi mua thực phẩm, công việc – trừ câu chuyện về mèo ở trên và một số ít người bị phạt vì đi tập thể dục trong những ngày đầu.
Bạn tôi – hiện ở Tân Gia Ba – đã bất bình khi nghe người nhà ở Sài Gòn than mua đồ ăn khó khăn quá, vì siêu thị trong khu họ ở quá ít, xếp hàng từ 5 giờ sáng đến 8 giờ mới tới lượt mua, mỗi người chỉ được “quơ đại” 10 phút. Nhưng đa số xếp hàng xong vẫn không mua được đồ ăn, vì những người đi trước đã mua hết. Bạn tôi nói một nước nhập gần như 100% thực phẩm như Tân Gia Ba mà khi lockdown, ngoài siêu thị bán không thiếu thứ gì, giá cả vẫn như cũ. Tại sao nước nông nghiệp như Việt Nam mà rau trứng không có? Nó trải qua 2 đợt lock down và partially lock down, nhà có con nhỏ mà vẫn không sợ thiếu gì, chỉ lo cho người nhà ở Việt Nam. Tuy không thấy nói lo cho tôi, nhưng nó nói đúng những gì tôi và nhiều người Việt thắc mắc.
Một người tự do như tôi và gia đình người bạn tôi – nơi ở không bị phong tỏa – mà mua đồ ăn còn khó khăn và quá đắt đỏ, thì những người ở các khu cách ly, khu phố bị phong tỏa họ sẽ sống thế nào? Nhất là những người nghèo khó, mất việc làm. Khi đến tận bây giờ, nguồn cứu trợ duy nhất đều từ những người dân với nhau. Ngoài những khó khăn trong vận chuyển thì ở một số nơi, sự phân chia hàng cứu trợ (của người dân) được nhiều vị cán bộ tại địa bàn làm rất… cảm tính (y như cách phân định chính đáng hay không chính đáng của những người canh chốt phạt). Mà không giao cho họ làm thì không thể cứu trợ những nơi đó.Xem thêm: Lễ Độc Lập & Tổng Thống James Monroe
Facebooker Thuy Dung Hoang viết: “Có một vấn đề vô cùng tiêu cực đang xảy ra trong các khu phong toả nhận cứu trợ. Chị giúp việc mình ở phía đường 25A Tân Quy, Q.7 mới báo là các chị tổ trưởng đứng ra nhận đồ của mạnh thường quân, xong rồi ưu tiên phân phát trước cho mấy gia đình giàu, có điều kiện mà mấy chị quen biết, còn dân nhà trọ và các hộ sâu bên trong cả tuần rồi họ không còn gì để ăn. Bà con đang bất bình dậy sóng nhưng họ chừng mực chưa gây bạo động.”
Facebooker Trần Ðức Thịnh cũng bình luận: “Bên chung cư em ở cũng không có cứu trợ gì của phường xã quận huyện. Tổ trưởng gọi lên ủy ban thì ủy ban nói không có mạnh thường quân cho thì ủy ban không cứu được vì hết nguồn. Thành ra chung cư tự cứu nhau. Nhiều người vẫn có quan niệm ở chung cư không có đói nghèo nên không ưu tiên. Trong khi có nhiều người thất nghiệp rất kẹt.”
…
Gần đây, có một “tuyên ngôn” mới: “Không thể tử tế, hãy tử vong.” – Nghe có vẻ hơi nặng nề nhưng với nhiều người, nhiều tổ chức, tôi thấy rất thích hợp dành cho họ. Ðôi khi, tử vong cũng chính là tương lai của những chế độ không tử tế đó chứ, cứ nhìn kết cục của các nhà nước độc tài là biết. Còn ở Việt Nam, tôi đang nói ai “Không thể tử tế, hãy tử vong.”?
Ví dụ như những “ông thần” canh chốt lạm quyền ức hiếp con nít, bóc lột những đồng tiền cuối cùng của người dân. Ví như “chị tổ trưởng đứng ra nhận đồ của mạnh thường quân, xong rồi ưu tiên phân phát trước cho mấy gia đình giàu, có điều kiện mà mấy chị quen biết…”, ví như những người thi hành luật ngu ngốc, làm nông dân khóc vì không bán được hàng, làm người có tiền nhưng chẳng có hàng để mua, ví như những người tống các em bé nhỏ xíu đi vào khu cách ly tập trung một mình, không người thân bên cạnh… Ví như bên cạnh những người bất bình trước cách hành xử của chính quyền và viễn cảnh thực tế trước mắt. Có những người có chút tiền bạc dành cho người không đủ điều kiện kinh tế những lời mỉa mai: nhịn mười mấy bữa không chết đói, ăn mì mười mấy bữa không bị lòi trĩ, ăn mày đòi xôi gấc – bày đặt chê vaccine Trung Quốc, chê nhà nước thì đi qua Mỹ sống…
Khi đọc những dòng chữ đó, tôi có cảm giác họ như một đám người mặc áo mưa, che dù đứng trên bờ, nói với đám đồng bào đang lặn ngụp bì bõm giữa luồng nước: Tôi cũng sống chung với lũ đây, có làm sao đâu?
“Không thể tử tế, hãy tử vong.” Cá nhân cũng vậy, tổ chức cũng vậy… trái đất chật lắm rồi, người ơi!