Virus corona đục khoét ngân sách của Thế Vận Hội Tokyo

Thanh Hà

image.png
Thế Vận Hội Tokyo trong mùa dịch: ngân sách tăng vọt. Kazuhiro NOGI AFP/Archives

Đại hội thể thao chưa tàn Olympic Tokyo đã đoạt huy chương vàng “Thế Vận Hội tốn kém nhất”. Các phí tổn dự trù ban đầu chưa đầy 8 tỷ đô la, nay được báo trước “tối thiểu sẽ phải nhân lên gấp đôi”. Thâm hụt ngân sách của ban tổ chức và nước chủ nhà cũng sẽ là một “kỷ lục” trước viễn cảnh phải hoàn trả lại toàn bộ tiền vé cho khán giả và Nhật Bản không dám đón bất kỳ một du khách nước ngoài nào đến dự sự kiện thể thao trọng đại này.

Sau 2.872 ngày đợi chờ kể từ khi Nhật Bản chính thức được chọn tổ chức Thế Vận Hội 2020, Olympic Tokyo mới khai mạc. Tám năm trước, công luận Nhật phấn khởi được tổ chức lễ hội thể thao lớn nhất thế giới và xem Thế Vận Hội Tokyo là một sự tái sinh sau thảm họa sóng thần và tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Nhưng chỉ một con siêu vi nhỏ đã dập tắt sự hào hứng đó. Trong hai tuần lễ, Tokyo là nơi mà các phóng viên bị theo dõi chặt chẽ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Lo ngại Covid-19 tái phát, Tokyo và vùng phụ cận đặt trong tình trạng khẩn cấp y tế. 80 % người Nhật cho rằng “nên hủy Olympic Tokyo thì hơn”. Sau lễ khai mạc, điểm tín nhiệm của thủ tướng Nhật, Yoshihide Suga rơi mất 9 điểm.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Đối với nước chủ nhà Thế Vận Hội 2020 là một cuộc chạy vượt rào. Lần đầu tiên trong thời bình, Thế Vận Hội mùa hè phải hoãn lại đến một năm ; đe dọa ngôi làng Olympic trở thành ổ dịch vẫn rập rình. Tokyo vào thời điểm này lẽ ra là điểm hẹn của những người yêu thể thao trên thế giới, nhưng Covid-19 đã buộc nước chủ nhà thông báo đóng cửa với toàn bộ 600.000 du khách nước ngoài. Thế rồi ngay cả khán giả Nhật Bản cũng bị cấm cửa các sân vận động, cấm lui tới các bể bơi, những phòng thi đấu để cổ vũ “gà nhà”.

Ủy ban Thế Vận Tokyo đang kỳ vọng virus corona không gây trở ngại cho 339 cuộc tranh tài, không len lỏi vào một vài trong số 42 địa điểm thi đấu.

Ai cũng biết, không thể có lễ hội thể thao này nếu không có khán giả, và nếu vắng các nhà tài trợ. Olympic chưa khai mạc, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã biết trước là sẽ phải hoàn lại tiền vé cho khán giản. Khoản thất thu ước tính lên tới 3 tỷ đô la. Nhà báo Anne Verdaguer phụ trách phần tin kinh tế của đài RFI tiếng Pháp giải thích rõ hơn :

“ Cần nói rõ ở đây chúng ta chỉ nói đến khoản liên quan đến các các nhà tài trợ và chưa đề cập đến những tác động kinh tế đối với thủ đô Tokyo. Việc khán giả không được vào xem các cuộc thi đấu có nghĩa là ban tổ chức không thu được tiền vé và cũng không mong bán được nhiều đồ lưu niệm chung quanh sự kiện Olympic Tokyo. Trung bình mỗi khán giả vào xem các cuộc thi đấu thường mua sắm thêm từ 50 đến 100 euro đủ mọi mặt hàng như là mũ, áo thun, túi xách với logo Thế Vận Hội Tokyo…

Thêm một khó khăn nữa là không có khán giả, các nhà tài trợ không biết được rằng chiến dịch quảng cáo có hiệu quả hay không và hiệu quả tới mức độ nào. Một hãng bỏ ra rất nhiều tiền để quảng cáo có thể hy vọng có thêm được bao nhiêu khách hàng ? Sẽ có bao nhiêu người trung thành với một nhãn hiệu ? Hiện tại, khoảng 60 tập đoàn tài trợ cho sự kiện thể thao trọng đại này và thêm vào đó là khoảng chừng 12 công ty đa quốc gia.

Michel Tapiro, sáng lập viên Trường Quản Lý Thể Thao nêu lên một ẩn số khác liên quan đến hình ảnh của các tập đoàn lớn, đó là một sân vận động khổng lồ không có khán giả báo trước một mùa thi đấu nhàm chán. Olympic lại diễn ra vào thời điểm mà Nhật Bản phải đối mặt với một đợt dịch mới, cho nên không mấy ai nghĩ đến chuyện giải trí. Sau cùng thành phố Tokyo cũng đang hồi hộp không biết rằng sau mùa Thế Vận Hội, hóa đơn phải thanh toán sẽ lên tới bao nhiêu tiền. Thành phố bị thua lỗ tới mức nào. Đừng quên rằng Tokyo có trọng lượng kinh tế tương đương với 19 % GDP của cả nước”.  

 Gáo nước lạnh cho các nhà tài trợ
68 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tài trợ đến 3 tỷ đô la sự kiện Olympic Tokyo. Đây cũng là một mức tham gia tài chính cao chưa từng thấy. Vậy mà lãnh đạo các tập đoàn này lần lượt thoái lui khi được mời dự lễ khai mạc trên khán đài danh dự. Lại cũng không thấy xuất hiện trên các sân cỏ, tại các địa điểm thi đấu logo của Toyota hay Panasonic, của hãng bia Asahi hay của tập đoàn thực phẩm Ajinomoto, của ông vua mì ăn liền Nissin  …

Thật ra tất cả những tên tuổi lớn này của nền công nghiệp Nhật Bản đã chuẩn bị để tham gia Thế Vận Hội Tokyo từ lâu. Họ đã chuẩn bị từ những chiến dịch quảng cáo để phát trên đài truyền hình, những áp phích quảng cáo trong hệ thống xe điện métro, những sự kiện thể thao, văn hóa để quảng cáo sản phẩm trên đường phố, những buổi chiêu đãi ngay trong ngôi làng Olympic, tổ chức xổ số tombola với phần thưởng là vé mời vào xem các cuộc tranh tài … Thế nhưng virus corona khiến những nỗ lực đó đã như dã tràng xe cát. Giờ đây không một công ty lớn nào dám phô trương hình ảnh, hay gắn liền tên tuổi của mình với Olympic Tokyo khi mà đại đa số dân Nhật “chống đối” việc tổ chức sự kiện thể thao này.  Seth Kirby, một chuyên gia về các chiến dịch quảng cáo trong thế giới thể thao đại học Waseda nói đến một “hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử cận đại”. Hãng xe Toyota chẳng hạn dự trù Thế Vận Hội kỳ này sẽ biến đường phố Tokyo thành một “tủ kính quảng cáo” ngoài mong đợi để quảng bá với đại chúng về công nghệ hiện đại nhất, về những phát minh mới, những kiểu xe mới. Thế nhưng tất cả đã phải hủy vào giờ chót. Toyota không muốn trông thấy logo của mình xuất hiện tại các sân vận động khổng lồ chung quanh là những hàng ghế trống khán giả.

Nhưng cũng có những doanh nghiệp biết xoay xở, “tương kế, tựu kế” : do khủng hoảng y tế, hàng quán phải bị đóng cửa, hãng bia Asahi tuy không tiếp cận được với khán giả tại các sân vận động hay ngôi làng Thế Vận, tập đoàn này dồn nỗ lực cho ngân sách quảng cáo trên đài truyền hình. Một tính toán khôn ngoan bởi đây là kênh duy nhất đưa khán giả Nhật và quốc tế đến gần với Olympic Tokyo. Nhà cung cấp mạng NTT thì chọn mở rộng các dịch vụ để phục vụ tốt hơn các phái đoàn đến tranh tài trên xứ Nhật. Về phía các nhà tài trợ quốc tế như hãng nước ngọt của Mỹ Coca-Cola hay tạp đoàn Samsung của Hàn Quốc thì cũng khai thác tối đa hình ảnh của mình qua các chiến dịch quảng cáo trên tivi với toàn thế giới.

Dù vậy Thế Vận Hội lần này để lại nhiều vị đắng trên các nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Các hãng hàng không quốc gia ANA hay JAL mất hẳn lượng khách nước ngoài đến tham quan xứ Hoa Anh Đào vào dịp này. Khách sạn, nhà hàng, những dịch vụ giải trí, cửa hàng bán hàng lưu niệm buồn tênh.

May mắn thay cho ban tổ chức là các nhà tài trợ dù có thất vọng nhưng đã không hủy hợp đồng để được quyền tham gia Olympic Tokyo.

Virus và lỗ hổng trong ngân sách của ban tổ chức

Năm 2013 chính phủ Nhật thuyết phục Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế rằng Olympic Tokyo sẽ là một mùa thể thao “lành mạnh”, không quá tốn kém nhờ đã có sẵn nhiều cơ sở hạ tầng, Nhật Bản sẽ không để tiền bạc nhận chìm những giá trị Olympic. Thế Vận Hội 2020 sẽ là tủ kính của “công nghệ sạch” của những “phát minh mới”. Ngân sách ban đầu được ấn định ở mức 7,8 tỷ đô la. Tám năm sau, Olympic Tokyo đang trở thành Thế Vận Hội tốn kém nhất từ trước tới nay. Hơn cả mức chi tiêu đến chóng mặt của Bắc Kinh năm 2008 hay Luân Đôn năm năm 2012. Trước mắt các phí tổn dự trù lên tới gần 16 tỷ đô la. Một loạt các chi phí ngoài mong đợi để bảo đảm vệ sinh và an toàn cho các phái đoàn trong mùa đại dịch, và việc đã phải hoãn Thế Vận Hội Tokyo mất một năm giải thích phần lớn khoản phụ trội này. Bên cạnh những lo ngại về y tế, công luận Nhật cho rằng, viễn cảnh thua lỗ cũng là một lý do chính đáng để hủy Olympic Tokyo. Nhà báo Anne Vergaguer không quá bi quan như vậy :

“Chính một thành viên ủy ban Thế Vận Hội Tokyo cho rằng Nhật Bản đã bỏ lỡ cơ hội để tuyên bố hủy Olympic năm nay. Nhiều tiếng nói khác ngay cả trong hàng ngũ chính phủ cũng tán đồng quan điểm này. Về phía công luận hơn 80 % những người được hỏi chủ trương nên hủy sự kiện thể thao này là hơn. Nhật Bản đã chi ra hơn 15 tỷ euro cho Thế Vận Hội năm nay và đây là số tiền chưa từng thấy trong lịch sử Olympic. Về câu hỏi vắng bóng khán giả có ảnh hưởng gì đến kinh tế Nhật hay không, câu trả lời gần như là không, bởi vì giới tài chính đã dự trù kịch bản này xảy ra.  

Dù vậy, một vài nhà tài trợ Nhật Bản đã trông thấy cổ phiếu của họ bị mất giá do chính phủ quyết định đóng cửa các địa điểm thi đấu với công chúng. Riêng ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán bar… thì bị thiệt hại nhiều vì không có du khách. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể ngay cả trong trường hợp Nhật Bản có thể đón đến 600.000 du khách quốc tế, thì số này cũng chỉ tiêu xài một khoản tiền độ chừng 730 triệu euro trong thời gian tham quan Tokyo mà thôi. Số tiền nói trên tương đương với 0,02 % GDP của Nhật. Nói cách khác, kinh tế Nhật Bản không bị chao đảo vì vắng khách ngoại quốc đến xem Thế Vận Hội Tokyo”.    

Kinh tế gia Takahide Kiuchi ngân hàng Nomura cũng cho rằng tác động kinh tế của đại hội thể thao Olympic khá giới hạn so với tổng thể GDP của toàn nước Nhật. Ngay cả trong trường hợp Thế Vận Hội kỳ này bị hủy bỏ thì “khoản thất thu cũng không thấm vào đâu so với những tổn thất mà các đợt phong tỏa và tình trạng khẩn cấp y tế để lại”.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cũng “công bằng” với virus corona khi nhắc lại rằng, trong lịch sử Thế Vận Hội, từ năm 1960 tới nay ngân sách chưa bao giờ được “cân bằng” và cũng chưa một ai tôn trọng được ngân sách dự phóng ban đầu. Tuy vậy cũng chưa một mùa Olympic nào ngân sách lại bị nhân lên gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Ba năm trước Thế Vận Hội Paris 2024, chắc chắn là Pháp cũng đang lo lắng. Paris dự trù một ngân sách dưới 8 tỷ đô la cho Olympic 2024 và kỳ vọng thu về 11 tỷ nhờ sự kiện thể thao này. Nhưng đó là chưa kể đến những bất ngờ vào giờ chót, vào sự thận trọng của các nhà tài trợ, vào tình hình y tế, xã hội … Cầm chắc nước chủ nhà cũng sẽ bị thua lỗ nhưng liệu rằng Paris có may mắn hơn Tokyo tránh để ngân sách chi tiêu tăng lên gấp đôi hay không ?

Related posts