Hội đàm Thiên Tân là bản sao của Hội đàm Alaska, chỉ có 2 điểm khác biệt là lần này phía Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ điểm yếu chí mạng đồng thời giới thiệu gương mặt ‘chiến lang’ mới – Tạ Phong.
Ngày 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Wendy Sherman đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị ở Thiên Tân, Trung Quốc.
Hội đàm Thiên Tân gần như lặp lại cuộc đàm phán ở Alaska ngày 18/3. Trước hội đàm Alaska, ngày 2/2, Dương Khiết Trì đã lập một danh sách với nội dung là: hy vọng chính phủ mới của Hoa Kỳ có thể:
- Xoá bỏ những phiền phức đối với sinh viên Trung Quốc học tập ở nước này.
- Không được hạn chế truyền thông Trung Quốc ở Hoa Kỳ như Tân Hoa Xã, CCTV…
- Không được đóng cửa Viện Khổng Tử.
- Không được trấn áp các công ty Trung Quốc.
- Ngừng can thiệp vào vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương v.v. các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
- Không được chính trị hoá các vấn đề kinh tế, thương mại (ĐCSTQ muốn giảm thuế quan).
- Không được lạm dụng khái niệm an toàn quốc gia (muốn Huawei mua được chip công nghệ cao).
Danh sách của Dương Khiết Trì khi đó và danh sách trong cuộc Hội đàm Thiên Tân lần này rất giống nhau. Nhưng lần này ĐCSTQ đã bổ sung 2 nội dung mới, hơn nữa còn đặt ở vị trí hàng đầu. Cho nên 2 nội dung mới này phải vô cùng quan trọng. Nhưng nó lại để lộ ‘tử huyệt’ của ĐCSTQ.
Điểm yếu chí mạng của ĐCSTQ
Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong nói 2 nội dung mới này là:
1. Phía Trung Quốc kêu gọi phía Hoa Kỳ dỡ bỏ vô điều kiện các hạn chế về thị thực đối với thành viên ĐCSTQ và gia đình của họ (chính sách chế định vào tháng 9 năm ngoái 2020 dưới thời chính quyền Trump).
2. Gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với người lãnh đạo, quan chức, bộ ngành chính phủ của Trung Quốc.
Phần phía sau thì không khác nhiều so với danh sách của Dương Khiết Trì. Lần này Tạ Phong thêm 2 nội dung mới và đặt ở vị trí thứ nhất và thứ hai.
Thứ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ đã vô tình tiết lộ ‘chính sách hạn chế thị thực đối với đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ’ từ thời chính quyền Trump, đến nay chính quyền Biden vẫn đang thực hiện. Điều này cho thấy, nếu thành viên của ĐCSTQ đến Mỹ, họ vẫn phải bị Hoa Kỳ hạn chế.
Mọi người có cảm thấy lạ không? Vấn đề ‘các đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ đến Mỹ’… đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong ngoại giao của ĐCSTQ đối với Mỹ.
Điều này làm các ‘tiểu phấn hồng’ rất đau đầu. Chẳng phải các quan chức ĐCSTQ phải chống lại ‘kẻ thù của chúng ta’ là nước Mỹ sao? Vậy các quan chức đến Mỹ để làm gì? Hưởng thụ cuộc sống ở trên đất kẻ thù ư? Hơn nữa họ không chỉ đi một mình, mà còn đưa những người thân trong gia đình đến đó nữa.
Điều này vô tình tiết lộ: Rất nhiều tài sản của quan chức ĐCSTQ đã được chuyển đến Hoa Kỳ. Các ‘bà hai, bà ba, bà thứ n’ của các quan chức ĐCSTQ sống ở Mỹ. Con cái của họ thậm chí có thẻ xanh, là công dân của Hoa Kỳ. Vậy nên, nếu hạn chế các quan chức ĐCSTQ đến Hoa Kỳ, sẽ tương đương với việc hạn chế sử dụng tài sản và ‘đoàn tụ’ của họ.
Xu hướng của quan chức ĐCSTQ: ‘chống Mỹ là công việc, qua Mỹ là cuộc sống’
‘Chống Mỹ là công việc, qua Mỹ là cuộc sống’, đây là lời của Tư Mã Nam (một quan chức ĐCSTQ).Ông ấy cho rằng chống Mỹ ở Trung Quốc sẽ kiếm được tiền, sau đó đến Mỹ để hưởng thụ cuộc sống tự do dân chủ.
Cách nhìn ‘chống Mỹ là công việc, qua Mỹ là cuộc sống’ của Tư Mã Nam không chỉ là quan điểm của của riêng ông ấy, mà nó đã trở thành vấn đề được quan tâm nhất, trở thành ‘chính sách đối ngoại’ đảng viên ĐCSTQ.
Các đảng viên ĐCSTQ luôn ‘sẵn sàng’ đến Hoa Kỳ. Họ nghĩ ‘Người Mỹ các bạn đừng hạn chế thị thực của chúng tôi. Chúng tôi muốn đến Hoa Kỳ. Chúng tôi đã mang tiền và người thân đến Hoa Kỳ rồi…’.
Những người như quốc sư ĐCSTQ là Kim Xán Vinh, hay Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu là Hồ Tích Tiến… họ lăng mạ Hoa Kỳ nhưng cũng đồng ý rằng ‘chống Mỹ là công việc, qua Mỹ là cuộc sống’. Họ lấy danh ‘chống Mỹ’ để thu hút những người hâm mộ như tiểu phấn hồng, lừa họ quyên góp tiền bạc. Nhưng họ chỉ lừa những người bị tẩy não, chứ người bình thường họ không lừa được.
Tôi mở kênh vào ngày 13/4/2019. Hai tháng sau, vào ngày 3/6/2019, khi đó tôi đã đưa ra 4 sách lược mà Hoa Kỳ trấn áp ĐCSTQ, một trong số đó là trừng phạt ‘cá nhân quan chức ĐCSTQ’ – hạt nhân vững chắc chống đỡ tổ chức này. Lúc đó tôi đang nói về việc sử dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu, chế tài quan chức ĐCSTQ, đóng băng tài sản và thị thực của họ.
Nhìn vào danh sách của Tạ Phong, điều đầu tiên là dỡ bỏ trừng phạt cá nhân, từ đó thấy được hình thức chế tài này thực sự là vũ khí lợi hại của Hoa Kỳ. Phía ĐCSTQ đặt nó ở ngay vị trí đầu tiên, cho nên khi người Mỹ nhìn vào họ biết ngay đây là điều ĐCSTQ sợ nhất. Phía Mỹ sẽ không nhượng bộ, bởi vì ĐCSTQ liệt kê ưu tiên càng cao thì khả năng Hoa Kỳ nhượng bộ sẽ càng ít.
Gương mặt ‘chiến lang’ mới – Tạ Phong
Tạ Phong nhậm chức Thứ trưởng Ngoại giao vào tháng 2 năm nay. Đoạn lời của Tạ Phong nói với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ là Wendy Sherman giống như sao chép bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu.
Những đoạn lời ông nói mang đầy chất ‘chiến lang’ như:
“Quan hệ Trung – Mỹ đang đi vào bế tắc và gặp khó khăn nghiêm trọng, lý do là một số người ở Hoa Kỳ coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng”.
“Một số học giả và chuyên gia đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã so sánh ĐCSTQ như Nhật Bản trong Thế chiến hai và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Họ muốn châm ngòi ý thức quốc gia bằng cách coi Trung Quốc như kẻ thù trong tưởng tượng, để chuyển hướng sự bất mãn của người dân Mỹ đối với chính trị, kinh tế, xã hội đổ dồn về Trung Quốc”.
“Hoa Kỳ đã áp đặt quy tắc riêng của mình lên quy tắc quốc tế. Sau đó đàn áp các quốc gia khác…”.
Còn một câu rất nặng mà Tạ Phong nói là: “Các bạn đã làm hết thảy những điều xấu, còn muốn chiếm trọn những điều tốt đẹp?”.
Những lời lẽ đầy hoang tưởng và hiếu chiến của Tạ Phong đối với bà Sherman không khác gì màn khẩu chiến đầy ‘mùi thuốc súng’ của Dương Khiết Trì đối với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Tạ Phong là Thứ trưởng thấp nhất trong Bộ Ngoại giao (nhân vật thứ năm) nhưng lại có khẩu khí như vậy, cho nên không còn nghi ngờ gì nữa, đây là ‘chiến lang’ mới của ĐCSTQ.
*Thông tin bên lề:
Từ năm 2017 đến năm 2021 là thời kỳ ‘phản tống Trung’ (chống Luật dẫn độ) khốc liệt nhất ở Hồng Kông. Tạ Phong khi ấy giữ chức vụ Uỷ viên đặc biệt trong Văn phòng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ ở Hồng Kông.
Tháng 11/2019, Tạ Phong triệu tập Tổng lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông là Hanscom Smith để phản đối Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông.
Tháng 8/2020, Luật An ninh quốc gia ở Hồng Kông được thông qua, Tạ Phong đã ‘ca ngợi’ đạo luật này là ‘cửa phòng trộm’ và ‘đê chắn sóng’ của Hồng Kông.
Theo bài phân tích của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên Chính luận thiên hạ ngày 27/7 – Mạn Vũ biên dịch.