Chín năm tù cho “tội” yêu nước!

Lâm Bình Duy Nhiên

15-12-2021

Có lẽ chẳng còn ai còn thầm hy vọng gì nữa về cái gọi là pháp luật tại nước CHXHCNVN. Hy vọng gì đối với những bản án vô nhân đạo, đậm chất tàn bạo của một chính quyền đối với những tiếng nói yêu nước, của những đòi hỏi, khát vọng, suy cho cùng, trong một xã hội tiến bộ, là những hành động bình thường, được ghi nhận trong Hiến pháp?

Bản án dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang như một vở bi hài kịch mà người dân Việt Nam đang phải chịu đựng, bắt buộc xem. Đó không chỉ là bản án dành riêng cho một cá nhân, Phạm Đoan Trang, mà đó còn là một bản án dành cho cả một dân tộc, trong cái trại giam khổng lồ, nơi mọi sự tranh đấu đều bị khủng bố và uy hiếp một cách trơ trẽn.

Cái điểm đến của chế độ là xây dựng một xã hội vô cảm, nơi mà người ta chỉ biết nghĩ đến chính mình, chính gia đình, hay tập đoàn của mình. Hãy làm giàu, bất chấp mọi giá trị đạo đức. Hãy hưởng thụ, hãy đua đòi. Những chuyện còn lại đã có “ Đảng và nhà nước” lo.

Nhân quyền, dân chủ, tự do báo chí, tín ngưỡng,… Tất cả chỉ là thuốc phiện của thế giới tư bản bốc lột!

Hơn 90 triệu dân nhưng chỉ một số nhỏ, cực kỳ nhỏ, lội ngược dòng cản, bất chấp hiểm nguy, đối đầu với nhà cầm quyền, đã nói lên thảm trạng về tư duy của người Việt ngày nay.

Nhà nước Việt Nam có chủ đích tạo nên một xã hội với những công dân hèn nhát trước vận mệnh cấp bách của dân tộc. Nhưng cũng chính những công dân ấy lại sẵn sàng hùng hổ, phô trương chủ nghĩa dân tuý cực đoan cho những thứ phù phiếm, tẻ nhạt, nhưng lại vô cùng quan trọng dưới con mắt của chính quyền.

Chúng ta hèn nhát và cái gia tài để lại cho các thế hệ sau chính là một Việt Nam bệnh hoạn, tàn bạo.

Chúng ta câm miệng hôm nay là đồng loã và thoả hiệp với những tội ác của một chế độ độc tài toàn trị. Chính sự im lặng đáng sợ, đáng trách ấy đã duy trì sự tồn tại của một chế độ đáng bị lên án, nguyền rủa và đào thải trong lịch sử dân tộc.

Ngày Phạm Đoan Trang bị tuyên án 9 năm tù, có lẽ chẳng mấy ai buồn tình tìm hiểu. Có lẽ họ đang bị cái giải bóng đá ao làng cuốn hút. “Chính trị là điều không tốt”, có người tại Sài Gòn nói như thế với người viết!

Và họ càng không tỏ ra lo lắng cho chính số phận của họ, của gia đình họ qua những gì vẫn đang và sẽ xảy ra trong xã hội trên bình diện chính trị…

Người viết chợt nhận ra rằng hôm nay (14/12/2021), nhà hoạt động nhân quyền, blogger người Belarus, ông Sergueï Tikhanovski cũng bị tuyên án 18 năm tù. Một bản án tàn khốc, như những gì Phạm Đoan Trang đã bị Hà Nội đối xử.

Tikhanovski và vợ, bà Svetlana Tikhanovskaïa, lãnh đạo đối lập là mục tiêu cho sự trả thù của nhà độc tài Loukachenko.

Phạm Đoan Trang hay Sergueï Tikhanovski, những tiếng nói của lương tâm luôn là “kẻ thù” đáng sợ nhất của mọi chế độ độc tài toàn trị.

Nhưng đâu đó, người dân Belarus vẫn còn nhiều hy vọng vào những thay đổi và lột xác cho chính tương lai của họ. Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng trăm ngàn người trong thời gian qua chứng tỏ đó là một dân tộc trưởng thành, được đúc kết qua hành trình lịch sử bằng những khái niệm về dân chủ. Họ dám đương đầu với một bộ máy an ninh, khủng bố bất chấp mọi nguy hiểm.

Tiếc thay, đó lại là yếu tố không có trong xã hội Việt Nam. Cái tư duy hèn nhát, vô cảm khi chỉ biết trông chờ vào người khác, đã khiến cho mọi khát vọng dân chủ trở nên không tưởng và phi thực tế.

Tự do là phải tranh đấu, phải giành giựt, thậm chí hy sinh. Tự do không phải là món quà được Đấng Bề Trên ban tặng. Nhân loại đã phải trải qua những thời khắc đen tối để đào thải những rác rưởi từ phát xít, phân biệt chủng tộc đến chủ nghĩa cộng sản để xây dựng nên những xã hội nhân bản và dân chủ.

Những sự hy sinh, như Phạm Đoan Trang, dẫu bên lề của sự vô cảm của cộng đồng, vẫn thiết thực và quan trọng trong quá trình làm thay đổi nhận thức của cả một xã hội.

Bởi vì Freedom Isn’t Free!

Related posts