Phụng Minh
Kể từ sau thảm họa Trịnh Châu, người ta có thể nhìn thấy những người mặc đồ đen ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trên đường phố…..
Vào ngày 24/7, Bollinger, một phóng viên của “Deutsche Welle”, đang phỏng vấn trên đường phố Trịnh Châu thì bị bao vây bởi hơn một chục “công dân Trịnh Châu”. “Các công dân” đặt câu hỏi liệu phóng viên truyền thông Đức này là phóng viên CNN hay BBC, và lo lắng rằng anh ta sẽ thực hiện các báo cáo có chọn lọc và làm mất uy tín của Trung Quốc một cách ác ý. Trong các video lan truyền trên Internet và từ các phương tiện truyền thông, một số người đàn ông mặc áo phông đen vây quanh phóng viên Bollinger.
Sau khi phóng viên “Đài tiếng nói nước Đức” bị bao vây trên đường phố Trịnh Châu, Thạch Phi Khách, một người nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông, thành viên ban biên tập hiện tại của chuyên mục “Hồ sơ xã hội” của Phòng đánh giá tin tức CCTV và cựu phó tổng biên tập – Tổng giám đốc của Sina.com, nói trên phương tiện truyền thông rằng: Nguy hiểm hơn cả lũ lụt là việc phỏng vấn trên đường phố Trịnh Châu sau cơn lũ.
Phóng viên truyền thông Đức phỏng vấn trên đường phố Trịnh Châu là một người bạn tôi gặp ở Berlin 12 năm trước. Tên tiếng Trung của anh ấy là Mã Thiên Tư. Người bạn này học tiếng Trung tại Đại học Thượng Hải và quen thuộc với cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Hơn mười năm, anh sống ở Trung Quốc và làm việc cho nhiều hãng truyền thông Đức. Anh ấy là kiểu người nước ngoài rất thích Trung Quốc và tin tức về Trung Quốc. Anh ấy thuê một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh, nhưng không có gia đình. Anh ấy cũng không muốn tìm người trợ lý mà cứ một mình ghi hình, một mình chỉnh sửa một cách nghiêm túc. Mấy năm nay anh chăm chỉ làm nhiều tin tức về giao lưu văn hóa Trung – Đức. Tôi thực lòng hy vọng rằng anh ấy được an toàn và người dân Trịnh Châu đối xử tử tế với anh ấy. Anh ấy thực sự không phải là một tai họa.
Vào ngày 27/7, đó là “giỗ 7 ngày đầu tiên” của những nạn nhân không may của thảm họa lũ lụt ở ga tàu điện ngầm Trịnh Châu. Bắt đầu từ sáng, người dân đã đến ga đường Sa Khẩu của tuyến tàu điện ngầm Trịnh Châu số 5 để tặng hoa, cúi đầu trong im lặng và thương tiếc.
Nhưng ngay sau đó, hàng rào màu vàng xuất hiện ở nơi tập trung hoa ở lối ra B1 của nhà ga, sau khi người dân phản đối trên mạng xã hội, những hàng rào đó đã được dỡ bỏ một phần.
Vào ban đêm, đám đông tụ tập dần giải tán, nhưng có người phát hiện vài người đàn ông mặc áo phông đen vẫn đang tuần tra xung quanh, thỉnh thoảng sử dụng điện thoại di động để gọi điện hoặc quay phim.
Vào ngày 28/7, một thanh niên tự xưng đến từ Tây An đã bị nhiều người đàn ông không rõ danh tính mặc áo phông đen chặn lại và bắt giữ khi đang ghi hình bằng máy bay không người lái gần ga đường Sa Khẩu phía lối vào ga tàu điện ngầm Trịnh Châu.
Có thể thấy trong đoạn video, nam thanh niên bị 4 người đàn ông mặc đồ đen đẩy ngã xuống đất, một người có động tác vặn cánh tay rất chuyên nghiệp, nam thanh niên ngã xuống đất hét lên “Cứu với”.
Hành vi của người đàn ông mặc đồ đen đã khơi dậy sự bất mãn mạnh mẽ của những người xem. Trong video, người đàn ông mặc đồ rắng giận dữ hỏi: “Tại sao tôi không được quay ở đây?” “Tại sao tôi không thể nói cho công chúng biết sự thật?”.
Một người khác mặc áo vàng cũng hét vào mặt những người áo đen: “Ai trong các người muốn đánh nhau, đánh đi”.
Học giả nổi tiếng Ngải Hiểu Minh đã kêu gọi sự chú ý của dư luận đến người quay hình bằng máy bay không người lái này. Cô nói: “Đối xử với những công dân bình thường theo cách giống như với kẻ thù địch. Điều này không chỉ là thái quá mà còn tạo ra tác hại mới. Yêu cầu thả người thanh niên này và để anh ta đi. Cánh tay anh ấy có phải đã bị gẫy không? Những người bắt anh ấy như vậy là không đúng”.
Theo tin đồn từ Internet, phóng viên Trần Xung của Nhật báo Đô thị phương Nam và phóng viên Trần Lượng của trang Caixin đã bị cảnh sát bắt vì quay cảnh công dân Trịnh Châu dâng hoa cho nạn nhân tại ga đường Sa Khẩu. Hai phóng viên đã được thả ngay sau khi bị thẩm vấn.
Theo các nhân chứng tại hiện trường, những người đưa 2 phóng viên đi cũng mặc áo phông đen.
Kể từ sau thảm họa Trịnh Châu, người ta có thể nhìn thấy những người mặc đồ đen ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trên đường phố. Họ có thể được nhìn thấy ở hầu hết mọi ngóc ngách của thành phố khổng lồ này, hoặc đôi khi còn tự tạo ra tổ chức tuần tra, lập biên bản hoặc trực tiếp bắt người và nhanh chóng đưa họ đi khỏi hiện trường. Hầu hết thời gian, họ hòa mình vào đám đông, không tham gia cứu hộ cũng như không nhiệt tình quyên góp. Họ là những cảnh sát mặc thường phục. Trông họ không khác gì những người qua đường, và chỉ khi họ tiến tới hoặc có hành động, người ta mới có thể đoán được sơ bộ danh tính của họ.
Những người đàn ông mặc áo đen này, không phải chỉ có mặt ở Trịnh Châu, và cũng không phải chỉ bây giờ mới có.