Trục lợi từ thiện

Dương Quốc Chính

12-8-2021

Hôm nay thấy thủ tướng ‘chém’ trên TV có câu: “Các đồng chí phải biến nguy thành cơ”. Thế là nhiều anh em cũng triệt để quán triệt, đặc biệt là anh em làm từ thiện mùa dịch. Có mấy thủ đoạn như sau:

Bài như nhóm nhà 82 là dạng cực tinh vi, có lớp lang và sự chuẩn bị kế hoạch từ gần một năm nay. Đại khái là dựng lên một nhóm nick ảo, làm thành một nhóm từ thiện hẳn hoi, toàn là những anh chị, cháu đạo đức sáng ngời, thần đồng, anh em nhà bác sỹ xả thân vì người bệnh. Thậm chí BS mà còn tình nguyện làm lái xe cứu thương chở xác bệnh nhân về quê. Bố bác sỹ xịn nào theo nổi, cùng lắm cũng chỉ chăm sóc bệnh nhân đến khi họ qua đời thôi chứ, ai mà chăm đến tận đám ma!

Team này xây dựng hình ảnh người tốt việc tốt, con ngoan trò giỏi, nghị lực phi thường, vượt qua bệnh tật của chính mình… đại khái toàn là những vị thánh giáng trần để câu view các mẹ bỉm sữa. Câu được hòm hòm thì team thánh nhân bắt đầu cài cắm chuyện bán hàng online, bán cả tiểu thuyết 3 xu online, rồi vận động gây quỹ từ thiện online. Các mẹ thấy team kia toàn người tốt, ai nỡ mặc cả giá với cả tin tưởng ngay để chuyển tiền từ thiện.//baotiengdan.com&dtd=44

Tất nhiên để kích động tâm lý bầy đàn thì họ sẽ lên danh sách những người đã đóng tiền trong đó có chính họ, để làm chim mồi. Thế là các mẹ ngại gì mà không xuống tiền chứ. Người ta tốt như thế, thiện tâm thế, ai nỡ lừa mình chứ?

Bài này mà có đứa ngồi viết content tốt, nghĩ ra được các câu chuyện lâm li bi đát với gương người tốt việc tốt đều đều, rồi tung hứng nhau là kiếm tiền ổn định nhé. Vừa rồi thằng Khoa nó tai nạn thôi, không thì còn kiếm tốt và lâu dài.

Bài này có cái hay là sau này câu chuyện vỡ lở thì mấy đứa share bài bằng nick thật sẽ khóc lóc em bị bọn nick ảo kia nó lừa, do em tin vào người tốt, việc tốt, em cũng là nạn nhân thôi, mong cộng đồng tha lỗi cho em.

Đóng 5 ‘củ’ ăn thua mẹ gì, vì cát sê cho việc share bài phải dăm chục ‘củ’ trở lên hoặc cưa luôn tỷ lệ tiền từ thiện chứ. Bài này mới và tinh vi, nhưng cũng cần IQ cao chút và phải có trình sáng tác thiểu thuyết ‘ngôn lù’ mới làm được. Đại khái các mẹ xem phim Hàn xẻng hay chuyện ngôn tình mà dễ khóc thì rất dễ bị chăn tiền trong tình huống này. Vụ kia là bỏn có trình sáng tác ‘ngôn lù’ nhưng IQ hơi thấp nên lộ hàng. Nhân tiện mẹ nào muốn theo nghề có thể thuê mình duyệt kịch bản, đảm bảo tính logic và chặt chẽ.

Bài thứ hai thì phổ thông hơn nhiều, hay gặp hơn, là bỏ qua bước lập nhóm các thiên thần áo trắng ảo kia mà các KOLs làm tất ăn cả. Kiểu này thì các KOLs sẽ kiếm các mảnh đời éo le ngang trái, bất hạnh, tốt nhất là có thêm nghị lực vượt khó vươn lên để viết tút. Qua bàn phím của anh chị em thì những mảnh đời này cũng không khác truyện ngôn lù lắm, có thể thêm mắm muối chút là có thể post bài được.

Các mẹ vào đọc thì cũng khóc lóc như cha chết, lụt mẹ giường chiếu, rồi khẽ khàng hỏi anh KOL: “Anh ơi cho em xin số tài khoản, em chuyển ít tiền cho các cháu, cho anh/chị ấy, mong anh/chị ấy sớm qua khỏi cơn hoạn nạn. Trời ơi, sao mà có người khổ thế.”

Anh KOL ban đầu cũng chả nhận ngay đâu, sẽ từ chối khéo, rồi anh cũng sẽ đưa TÀI KHOẢN CÁ NHÂN HOẶC NGƯỜI QUEN ra cho các mẹ chuyển tiền. Anh cũng chỉ nhận hộ, rồi chuyển giúp cho người ta thôi nhé. Câu chuyện càng thương tâm thì tiền càng về ào ào. Sau vài ngày chốt sổ anh thông báo đại khái đã nhận x triệu và đã chuyển cho nạn nhân, có thể khuyến mại thêm mấy cái ảnh đi trao quà.

Nhưng bố ai mà biết anh nhận thực bao nhiêu và chuyển đi bao nhiêu? Làm từ thiện ai nỡ bắt người chuyển tiền hộ phải công khai thu chi phỏng ạ? Người ta nhận chuyển hộ là tốt lắm rồi. KOL là người tử tế, thiện tâm, ai nỡ lừa mấy trăm bạc của mình!

Chơi lớn hơn thì dùng bài hai trong 1, 2 nhóm kia kết hợp với nhau, thì thịt gà phải hàng vạn con!

Bài ba là các ngôi sao showbiz kêu gọi từ thiện. Ngôi sao thì bản chất cũng là một dạng KOL, nhưng có thể ngu chút, được cái xinh đẹp, hát hay kéo lại, văn chương không được hay lắm, thậm chí hay chửi bậy hoặc sai chính tả, miễn có lượng follow cao là làm KOL được rồi.

Ngôi sao vì ngu nên không đủ trình bịa ra các câu chuyện ngôn tình như bọn KOL xịn hay nhà văn nhà báo kia nên thường dựa vào những chuyện có thật để kêu gọi từ thiện. Ví dụ như chuyện bão lụt, thiên tai, dịch bệnh… Vì anh chị em này có hàng triệu followers nên cơ hội chăn gà lớn hơn rất nhiều. Người ta là ngôi sao, xinh đẹp, giàu có, thiện tâm, là thần tượng của triệu người, ai nỡ lừa mấy trăm ngàn của mình. Thế là tiền cũng về rẹt rẹt, ngày vài tỉ là muỗi, tuỳ mức độ thiên tai.

Đội này thường có đội ngũ manager quản tiền ra vào và ủ mưu cho sao nên có thể vẫn có cân đối thu chi như thật. Nhưng mà tương đối thôi. Quyết toán mấy trăm tỷ bằng tờ A4 là được. Càng chi tiết càng dễ lộ hàng, nên mình làm thế thôi. Không tin thì đừng chuyển tiền, bọn đa nghi toàn bọn kiệt sỉ cứ chõ mõm vào soi mói, có chuyển tiền đếch đâu mà bi bô!

Nói chung các nhóm từ thiện chỉ cần thịt tầm 30% tiền từ thiện là coi như không thịt, sẽ cân đối dễ dàng thu chi. Giống anh em chủ đầu tư chia tiền dự án thôi. Nếu tham quá ăn 50% trở lên là dễ lộ hàng. Còn tinh vi như nhà 82 thì có khi ăn luôn 100% vì nó bịa ra nạn nhân. Nhưng ăn kiểu ấy thì không chăn được vạn người như KOL hay sao, vì sẽ lộ ngay.

Trong dịch bệnh hay thiên tai sẽ xuất hiện nhiều mảnh đời bất hạnh, thì sẽ càng nhiều nhóm từ thiện được lập ra để biến nguy thành cơ!

Còn nhóm cuối không phải là nhóm kêu gọi từ thiện cho người khác mà là cho chính mình. Là dạng xin tiền online, cũng phải bịa ra sự khó khăn để xin. Dạng này cũng không phải là ít nhưng cũng dễ thẩm định và vì không có uy tín cá nhân nên không xin được mấy. Tất nhiên nếu văn hay bịa được chuyện hay thì cũng kiếm khá tốt, nhưng không thể bền vững như mấy nhóm trên. Vì chẳng nhẽ cả đời đi xin như thế sao được?

Để tránh bị chăn thì các mẹ phải làm gì?

Nói chung là dễ rơi nước mắt, sống cảm tính, lại sẵn tiền, thì rất khó thoát bẫy của 3 nhóm trên. Nếu thực sự không muốn bị chăn (có nhiều người vẫn sẵn sàng để bị chăn, để thoả mãn cái tôi thiện tâm!) thì các mẹ nên tỉnh táo chút để ngẫm nghĩ suy xét về câu chuyện ngôn lù. Nếu xác định là chuyện thật thì nên tìm cách chuyển tiền hàng trực tiếp cho nạn nhân thay vì các cá nhân, tổ chức trung gian. Bởi vì rất ít khi người ta minh bạch thu chi cho các mẹ (có luật nào bắt đâu).

Nếu có điều kiện, nên tự tìm cách thẩm định sự việc, con người cần nhận từ thiện bằng các kênh khác nhau ở ngoài đời thật. Chỉ quan tâm đến các câu chuyện có tính minh bạch rõ ràng như có địa chỉ, số điện thoại, ảnh, phim… về người cần giúp. Nên tự mình kiểm tra trước khi xuống tiền. Nhiều khi người thật, việc thật mà bị phóng đại lên để kiếm tiền. Cuối cùng là nên chọn các tổ chức, cá nhân có uy tín để chuyển tiền. Nhưng thế nào là có uy tín cũng rất khó kiểm chứng. Trong thời buổi Lý Thông đang thịnh này thì tốt nhất là tự mình xác minh và tự mình làm từ thiện với các nhóm nhỏ để dễ kiểm soát.

Với các mẹ thích ‘ngôn lù’ thì tốt nhất đừng để họ dùng internet banking!

Related posts