Hồi nhỏ, ngày ấy cũng đã xa lắm rồi, tôi thích ‘nói tiếng Pháp’ lắm. Dù chưa bao giờ được học tiếng Pháp, nhưng khi nghe người lớn xổ mấy câu tiếng Pháp, thì tâm hồn tôi như phiêu bạt vào cơn mê ngôn ngữ. “The sibilant sounds” của tiếng Pháp, nghe ‘xì xì xà xà’, rất là sang và lãng mạn, nhẹ nhàng êm đềm như lời tỏ tình rót mật vào giọng nói của người yêu.
Câu nói cliché mà tôi thường nghe người ta nói với nhau, vừa thân thiện, vừa thực tế khoan thai trong giao tế là ‘C’est la vie’. Tôi bắt đầu mê tiếng Pháp với câu nói này dù không biết có ý nghĩa gì, mà sao nhiều người thích chia sẻ với nhau câu này. Sau này, lớn lên, chung đụng với đời, tôi mới thấm thía ý nghĩa đầy an ủi cho tâm hồn của câu nói.
Nói vậy chứ tôi cũng không thấy thoải mái lắm với ý niệm ‘trách móc và đổ thừa cho đời’ khi thốt ra ‘C’est la vie’. Tương tự như vậy, hồi còn sinh viên, tôi rất mê những câu hát than thân trách phận trong nhạc buồn đời của Việt Nam, nhưng bây giờ tôi bắt đầu cảm thấy nao nao và hơi bất ổn với cảm nhận bi quan trách “đời là bể khổ”, như lời nhắn nhủ của TCS: “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời. Trẻ thơ ơi! Trẻ thơ ơi! Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người.” (Gọi Tên Bốn Mùa).
Hôm tôi vào nhập bệnh viện St Vincent, trong phòng chờ đợi, tôi tình cờ ngồi cạnh một người con gái sắp đến ngày sinh con. Cô ta rất thân thiện, ăn nói dịu dàng và lạc quan vì sắp được làm mẹ, trong nét mặt yêu đời yêu người của cô ta, tôi không tìm được cái ý nghĩa ‘buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người.’
Vâng, ‘C’est la vie’ vì đời còn dễ thương mà, như phản phất trong lời ca ngọt ngào của bạn hiền ca sĩ Thanh Lan: La vie c’est une histoire d’amour.
Note: Photos credit Hải Âu and Tony Trịnh.