Lê Mạnh Hùng (BBC)
“Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian ngắn các hội đoàn đã tích cực chung tay, góp sức ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 23/7/2021, Đại sứ quán đã nhận được số tiền là 37.260,00 EURO”.
Thông báo của Ban công tác cộng đồng, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam ở Đức có đoạn như vậy.
Cuộc gặp trao tiền diễn ra tại ĐSQ có mặt ông Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Theo quan sát của tôi, hầu hết đó là đại diện của một số hội nhóm bên Đông Đức cũ có quan hệ mật thiết với ĐSQ. Họ cầm tấm biển in số tiền quyên góp và chụp ảnh kỷ niệm.
Một người trong số đó chia sẻ: “Mình đã xong việc, tiếp theo là gì? chẳng thể biết được”. “Có giấy tờ chứng thực gì không?”. “Không, để làm gì cơ chứ?”
Vậy là từ khâu kêu gọi quyên góp, thu tiền và xử lý tiền đều do một nơi – đó là chính phủ Việt Nam với các ban ngành dưới quyền thực hiện. Có sự kiểm tra, giám sát độc lập mọi khâu xem có minh bạch không?
Theo tôi chắc là không, nếu có thì cũng lại do chính người của chính quyền đảm nhiệm mà thôi.
Thái độ của bà con về việc đóng góp rất khác nhau.
Hai doanh nhân vừa từ Việt Nam qua bức xúc: “Về nhà thấy người giàu sống xa hoa lãng phí nhiều lắm, họ đã tiêm chủng cả rồi, chi tiền để tiêm mà. Hãy thu tiền cật lực họ để mua vaccinne cứu người nghèo. Dân Việt bên này chỉ có số ít kinh doanh thành công, đa phần làm ăn vất vả, nhiều người sống bằng trợ cấp thất nghiệp, tiền xã hội mà cũng bị hô hào đóng góp.”
“Rất muốn giúp trong nước. Giá điều kiện đi lại dễ dàng, tốt nhất cử người mang tiền về giúp trực tiếp. Đóng góp qua các tổ chức nhà nước chẳng thấy vui, nhiều chuyện tiêu cực quá rồi”. Mấy người bán hàng trong các khu chợ Việt Nam ở Berlin nói vậy.
“Chẳng có năm nào không vài lần hô hào đóng góp cho quê hương. Đóng thì đóng thôi, nhưng nghĩ tới tệ tham nhũng ở Việt Nam thấy rất nản”.
Với nhiều người Việt, chuyển tiền đóng góp qua kênh Đại sứ quán lâu nay đã là chuyện bình thường, đương nhiên. Liệu có con đường nào khác?
Hãy thử xem một khi người Việt hoặc gốc Việt cần quyên góp cho phía Đức thì thế nào?
Người Việt đóng góp cứu trợ lũ lụt Đức
Vào ngày 15/7/2021, trận lũ lụt ngàn năm có một diễn ra tại vùng Tây Nam Đức khiến cả thế giới phải bàng hoàng. Phong trào trợ giúp nơi bị nạn diễn ra rầm rộ khắp cả nước.
Cộng đồng Việt sau những bối rối ban đầu đã nhận ra trách nhiệm của mình. Chiến dịch quyên góp nhanh chóng hình thành bởi một số cá nhân phát động. Chỉ tính riêng hai tổ chức lớn của người Việt ở Đông Berlin, số tiền quyên góp nay đã vượt trên 60.000 euro.
Với hầu hết người Việt ở Tây Đức cũ, việc ủng hộ đơn giản là nhấn nút chuyển khoản số tiền đóng góp vào các hội từ thiện đáng tin cậy, nhận lại một xác nhận ngắn là xong. Không ai chuyển tiền cho các cơ quan chính quyền.
Với số đông người Việt bên Đông Đức cũ, nơi có nhiều hội đoàn, tổ chức thân với Đại sứ quán VN thì không đơn giản vậy.
“Phải là người có uy tín đứng ra kêu gọi, tập trung thành một mối cho ra tấm, ra món. Nếu mình có một tổ chức, cái tầm sẽ khác”. Một thành viên cộng đồng gợi ý và được trả lời “Cứu trợ nhân đạo cần cái Tâm, không cần Tầm”.
Các danh sách đóng góp với tên tuổi và số tiền được công khai trên mạng. Những khoản đóng góp lớn được mọi người trầm trồ ngợi ca. Không ít người đang sống bằng tiền trợ cấp xã hội Đức cũng hăng hái tham gia.
Và rồi xuất hiện câu hỏi: nên chuyển tiền qua đâu để không “áo gấm đi đêm”, đạt nhiều mục đích?
Được gặp trực tiếp đại diện chính quyền hai tiểu bang Rheinland-Pfalz và Nordrhein-Westfallen có văn phòng đại diện ở Berlin, báo chí đưa tin, đăng ảnh, như vậy sẽ có tiếng vang, phản ánh được tầm vóc của khối người Việt ở Đức… là lý tưởng nhất.
Gặp các quan chức Đức đâu dễ, nhờ Đại sứ quán Việt Nam giúp hay hơn.
“Mọi hoạt động cũng nên thông qua Sứ quán cho nó chính danh, để họ cũng được thơm lây”, một nữ cán bộ hội đoàn nói vậy. Vậy là đành chờ cho tới khi có được cái hẹn với phía Đức.
Các ý kiến khác lại cho rằng nên đi qua chính quyền quận, thành phố ngay nơi các cơ sở kinh doanh chính của người Việt ở Berlin. Như vậy đạt được nhiều mục đích, được họ đánh giá cao, tốt cho nhiều việc khác nữa.
“Hãy chuyển tiền đóng góp cho các tổ chức từ thiện có uy tín của Đức. Đừng bao giờ trao tiền cho giới chính trị”
Bà Bittmann, một giáo viên âm nhạc về hưu ở vùng Ahrweiler vừa bị lũ lục tàn phá nói với tác giả bài viết này như vậy. Là người công giáo, tham gia công tác thiện nguyện từ nhiều năm, bà Bittmann hiểu biết sâu về lĩnh vực này.
“Nếu đóng góp từ thiện, người Đức thường chỉ thực hiện qua các hội từ thiện có uy tín. Thủ tướng Đức, tổng thống Đức có thể kêu gọi mọi người trong những tình huống nghiêm trọng, nhưng họ không bảo người dân nên đóng tiền vào đâu, càng không tự lập tài khoản để thu tiền. Người dân tự biết họ nên tín nhiệm ai, trao tiền cho ai”. Một nữ phóng viên Đức chia sẻ hiểu biết của chị như vậy.
Ngày 19/07/2021, Thống đốc bang Nordrhein-Westfallen Armin Laschet, ứng cử viên hàng đầu của đảng CDU có khả năng thay thế bà Angela Merkel làm thủ tướng, nóng ruột mở ngay tài khoản dưới tên một cơ quan của bang rồi kêu gọi đóng góp.
Chẳng những không thu được bao nhiêu, ông này còn hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt, “chỉ làm rối thêm tình hình”, thậm chí bị đồn thổi lấy tiền dùng cho chiến dịch vận động tranh cử của mình, mặc dù số tiền nếu có thu được thì cũng lại phải chuyển tiếp cho một hội từ thiện nào đó mà thôi.
Đó là các tổ chức phi chính phủ
“Thành lập theo điều 9 Hiến pháp Đức, chúng tôi hoạt động theo luật định, chịu sự giám sát chặt chẽ của cả xã hội, chấp hành quy chế kiểm toán nghiêm ngặt của các Sở tài chính.”, Arne Peper, một cán bộ của tổ chức nhân đạo Maltesern giải thích.
“Chúng tôi độc lập với chính quyền, hoạt động chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quốc tế, có mạng lưới nhân viên ở nhiều nơi. Ngoại trừ một số cán bộ khung làm việc hưởng lương để duy trì bộ máy, phần lớn còn lại làm thiện nguyện. Chính quyền đôi khi cũng phải ủy quyền chúng tôi triển khai các dự án trợ giúp. Nhiều nơi trên thế giới nhân viên nhà nước khó đặt chân tới, chỉ có người của chúng tôi mới tới được”.
Chính vì phi chính phủ, với bộ máy tinh giản hết mức, chi phí cho điều hành các hội chỉ chiếm khoảng 10% tổng số tiền đóng góp. Arne Peper giải thích như vậy.
Là các tổ chức phi đảng phái
Chỉ có như vậy các hội từ thiện mới huy động được sự đóng góp ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội, không bị rào cản bởi các khác biệt chính trị, tôn giáo, đảng phái, xuất xứ…
Một chính quyền muốn xua đuổi người ngoại quốc làm sao huy động được đóng góp của các sắc dân gốc nước ngoài. Một chính phủ ủng hộ độc tài, đi ngược với dân chủ thì làm sao thuyết phục được người dân yêu thích tự do đóng tiền cho mình.
Và đương nhiên, đối với một chính phủ có bề dày nổi trội về tham nhũng thì chẳng có ai dại gì mà đưa tiền, “trao trứng cho ác”.
Còn nhớ khi đại dịch bùng phát ở châu Âu, vào tháng Tư 2020 Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và toàn bộ nội các của ông đã tình nguyện bỏ ra một tháng lương để ủng hộ cuộc chiến chống Covid. Số tiền hơn 100.000 Euro đóng góp đã được chuyển cho ngay các tổ chức từ thiện chứ không phải cho một cơ quan của chính phủ ông ta. Tấm gương này đã được lãnh đạo nhiều nước khác trên thế giới noi theo. Qua đó cũng cho thấy, thu nhập của các chính trị gia hàng đầu nước Áo không phải là một “bí mật quốc gia”.
Là các tổ chức phi lợi nhuận
Theo luật định, các hội từ thiện Đức không kinh doanh, càng không có chuyện dùng tiền quyên góp gửi vào nhà băng để lấy lời. Ngoại trừ những đóng góp chung chung, dài hạn, các khoản tiền góp nóng cho một chiến dịch giúp đỡ cụ thể nào thì phải được dùng vào đúng mục đích đó, không cho các mục đích khác. Tiền giúp khắc phục lũ lụt ở Đức không thể cho dùng vào việc mua máy thở hỗ trợ Việt Nam chẳng hạn.
Chịu sự giám sát chặt chẽ của xã hội
Các hội từ thiện Đức thường xuyên chịu sự bình chọn đánh giá khắt khe của tổ chức độc lập có tên DZI (Deutsches Zentralinstitut für soziale Fragen) dựa trên nhiều tiêu chí. Tiêu chí hàng đầu là liệu họ trích ra bao nhiêu phần trăm số tiền quyên góp cho bộ máy điều hành cùng công việc quảng cáo. Sự cởi mở, minh bạch, cung cấp thông tin hoạt động đều đặn cho các cơ quan kiểm định cũng rất quan trọng. Được đánh giá tốt, có nhiều chứng chỉ tốt liên tục, đương nhiên được dân chúng tin cậy.
“Liên minh hành động cứu trợ thiên tai” (Aktionsbündnis Katastrophenhilfe) được hình thành năm 2001, gộp một số tổ chức từ thiện lớn có uy tín lâu đời của Đức lại, bao gồm cả Hội chữ thập đỏ. Bình thường các hội này hoạt động độc lập, nhưng trong những tình huống đặc biệt, tổ chức này thống nhất hành động, tránh sự chồng chéo, dẫm lên chân nhau trong một địa bàn.
Chỉ riêng bốn kênh truyền hình lớn của Đức gồm ARD, ZDF, Sat.1, RTL vừa qua đã quyên được khoảng 115 triệu Euro. Địa chỉ họ gửi gắm chính là “Aktionsbündnis Katastrophenhilfe”.
“Ở ta đâu có tổ chức từ thiện phi chính phủ nào. Việc vừa qua một số nghệ sĩ nổi tiếng phải đứng ra thu tiền, trực tiếp đi phân phát… phản ánh sự tuyệt vọng của những người hảo tâm,” một nữ nhân viên làm công tác xã hội ở Berlin buồn bã nói.
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP điều 5, mục 3 ghi rõ: “Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là: Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.
“Hiện nay tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Các Hội đoàn có nhu cầu ủng hộ trong nước bằng hiện vật như máy thở, máy tạo oxy, khẩu trang, bộ kit thử, xin vui lòng thông báo cho Ban Công tác cộng đồng ĐSQ”. Thông báo của ĐSQ Việt Nam tại Đức ghi rõ thêm.
Chuyển tiền quyên góp từ Đức về Việt Nam tuy thế xem ra chỉ có một con đường.
Con đường đó rất tiếc lại không dành cho một khối người Việt khá lớn khác.
Đó là hàng vạn Việt Kiều có thể không đồng tình điểm này điểm khác với chính phủ cùng Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, hoặc đơn giản là chỉ muốn giúp dân VN như cách góp từ thiện cho xã hội Đức.