Mạn Vũ
Ngày 8/8 là bế mạc Olympic Tokyo sau hơn hơn nửa tháng tranh tài. Những ai yêu thích thể thao thường sẽ hướng về đoàn thể thao Mỹ, còn những ai quan tâm đến bình luận thời sự sẽ quan tâm nhiều đến đoàn… Trung Quốc.
Nếu Mỹ đối đãi với các vận động viên như những người chính thường, thì Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại coi những vận động viên này như ‘cỗ máy đoạt giải’ mà không đoái hoài đến văn hoá hoặc là công cụ tuyên truyền.
Trần Thanh Thần là sản phẩm điển hình của chế độ ĐCSTQ. Cô giống ĐCSTQ ít nhất ở hai điểm.
Thứ nhất là tố chất thấp, hay nhục mạ đối thủ. Cô Trần không ngừng hét to từ chửi thề với tên viết tắt là ‘WC’ (Ngoạ tào – 臥槽, đọc gần giống WǒCào, có nghĩa là WTF) bằng Pinyin (bính âm). Điều này giống những màn biểu diễn ‘chiến lang’ của ĐCSTQ. Bạn đánh không lại người ta, bạn không thể chuyển bại thành thắng, thì bạn nhục mạ người ta có ý nghĩa gì đâu.
Điểm giống thứ hai là ‘lấp liếm sai lầm’. Sau khi trận đấu với đội tuyển Hàn Quốc kết thúc, Trần Thanh Thần đã thanh minh hành vi của mình trên Weibo nói rằng cô “chỉ đang cổ vũ cho bản thân để tăng thêm động lực chiến thắng”. Còn về từ ngữ chửi thề thì cô giải thích rằng “đã phát âm không tốt khiến mọi người hiểu lầm”. Điều này khá vô nghĩa, bởi vì nếu cô phát âm không tốt thì tại sao mọi người… đều nghe thấy từ đó. Tôi không biết bố mẹ cô ấy sẽ nghĩ gì…
Nhưng một người như Trần Thanh Thần nếu có được sức mạnh (đắc thế), cô ấy sẽ hung hăng bắt nạt, lăng mạ những người yếu thế hơn mình một cách chẳng kiêng dè gì.
Tôi cảm thấy sự việc này đã tiết lộ một mặt nào đó của ĐCSTQ là ‘không biết xấu hổ’, ‘sói chiến’, ‘che giấu sai lầm’ v.v.
Còn một vận động viên Olympic khác là Toàn Hồng Thuyền, cô gái ấy lại tiết lộ một mặt khác của Trung Quốc.
Sau đó phóng viên hỏi: “Tính cách của bạn là gì?”. Mọi người biết cô ấy trả lời như thế nào không? Cô ấy nói: “Tính cách, tính cách là… ai vậy?”. Cô ấy không biết tính cách là gì. Sau đó phóng viên mới hỏi lại: “Cá tính của bạn là gì?”, Toàn Hồng Thuyền vẫn không hiểu, cô chỉ cười xoà rồi thôi.
Bạn sẽ cảm thấy cô ấy rất chất phác, nhưng tôi cảm thấy cô ấy đáng thương. Ngay cả ‘tính cách’ cô ấy cũng không biết. Huấn luyện viên và toàn bộ thể chế quốc gia đã coi cô như ‘cỗ máy đoạt giải’, dường như cô gái nhỏ không có bất kỳ giao tiếp nào giữa người với người.
Toàn Hồng Thuyền nói thêm, cô muốn kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ. Cô ấy không nói những lời ‘mỹ miều’ như ‘đem lại vinh quang cho đất nước’, hoàn toàn không nói những câu ‘đúng đắn chính trị’ nào cả. Cô chỉ suy nghĩ rất đơn giản là được HCV là có tiền để chữa bệnh cho mẹ.
Vì sao phải trị bệnh cho mẹ, trong khi cô gái nhỏ chỉ mới… 14 tuổi – cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’? Lúc này chúng ta mới thấy những người ở tầng thấp trong xã hội Trung Quốc, cuộc sống của họ thật sự vô cùng thống khổ, không có tiền khám bệnh, không có tiền đi học.
Đoạn phỏng vấn sau đó, Toàn Hồng Thuyền đã nói một cách tiếc nuối rằng “chưa từng đến công viên giải trí hoặc là… đi sở thú”. Đối với cô ấy điều này thật đáng thương. Bao nhiêu năm tháng ở trong ‘lò đào tạo nhân tài thể thao’ đã lấy đi tuổi thơ của cô.
Tiếp đó cô nói rằng sau kỳ Thế vận hội này cô muốn chơi trò bắt búp bê, muốn ăn rất nhiều món ngon, đặc biệt là món mỳ cay. Mong muốn của cô ấy rất chất phác cũng rất khiêm tốn.
Từ tình huống hiện tại mà xét, mẹ của cô bị tai nạn xe hơi trên đường đi làm vài năm trước. Bà bị gãy vài xương sườn và không thể hồi phục trong thời gian dài. Vấn đề này rất rắc rối, bởi vì nếu gãy xương mà không trị ngay thì để bị thương tật nơi đó. Sau khi mẹ cô bị bệnh, còn ‘Hệ thống y tế hợp tác nông thôn mới’ được thí điểm từ năm 2004 lại không giúp nhiều gì cho gia đình Toàn Hồng Thuyền.
Bạn sẽ thấy gia đình cô rất nghèo. Tôi đoán nhiều vận động viên ở Trung Quốc xuất thân từ gia đình nghèo, bởi những gia đình có chút tiền họ sẽ không để con cái họ phải trải qua quá trình huấn luyện tàn nhẫn như vậy.
Câu chuyện của Toàn Hồng Thuyền còn cho ta thấy một điều phũ phàng ở Trung Quốc, đó là: ‘tình người nóng lạnh, thế thái nhạt nhoà’.
Nhà của cô nằm ở nông thôn trực thuộc thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Sau khi Toàn Hồng Thuyền đạt được HCV Olympic, có 3 công ty ở thành phố Trạm Giang ngay lập tức thông báo cho gia đình cô rằng, họ muốn tặng gia đình cô một ngôi nhà, một cửa hàng và 200 ngàn NDT tiền mặt (khoảng 700 triệu đồng). Sở Y tế thành phố Trạm Giang và đại diện của bệnh viện trực thuộc Đại học Y dược Quảng Đông đến nhà cô nói rằng, họ sẽ cung cấp cho ông nội và mẹ cô ‘bảo vệ y tế toàn diện’.
Tiếp đó họ biết rằng Toàn Hồng Thuyền chưa từng đến công viên giải trí vì nhà nghèo, nhiều nơi bèn lập tức tặng vé cho cả gia đình, thẻ thường niên, thẻ VIP… mời cả nhà cô cùng chơi, muốn chơi bao nhiêu thì chơi, không hạn chế số lần. Toàn Hồng Thuyền nói muốn ăn mỳ cay là có ngay chục thùng mỳ cay gửi đến nhà cô ấy.
Bà của cô thì tiếp từng cuộc điện thoại của lãnh đạo, sau đó quan chức đến nhà, lát xi măng con đường vào nhà rồi chúc mừng gia đình cô.
Tôi muốn nói với Toàn Hồng Thuyền và gia đình của cô rằng: không cần cảm ơn bất kỳ ai vì đã mang lại lợi ích cho nhà cô, bởi vì họ đang coi cô như đạo cụ, họ phải trả số tiền công đó.
Ví như họ tặng cô nhà, họ sẽ quảng cáo rằng ‘ai muốn làm hàng xóm với nhà vô địch Olympic này’. Giá nhà khu đó sẽ tăng ngay lập tức, nên họ sẽ thu lại tiền.
Họ đưa cô mỳ cay, vé VIP từ công viên giải trí hoặc là thứ nào đó, tất cả đều là tiếp thị và nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Cô vốn dĩ là một cô gái nghèo không ai đoái hoài đến, vì đoạt được quán quân Olympic nên lập tức cô trở thành công cụ quảng cáo, bởi vì hiện tại cô đang có lượng truy cập lớn.
Không chỉ các công ty, những người nổi tiếng trên mạng cũng nhân cơ hội đó mà kiếm thêm ‘lưu lượng truy cập’. Họ có thể đến nhà cô chụp ảnh hoặc livestream để kiếm thêm. Họ không quan tâm gia đình cô có cảm thấy phiền hay không, họ lái xe đến làm kẹt đường, trèo tường để có những ‘thước phim’ sinh động. Khi gia đình cô thấy phiền rồi đóng cửa, họ quay lại còn lăng mạ…
Rồi họ hàng xa đột nhiên xuất hiện ở nhà cô và muốn chụp ảnh với các thành viên trong gia đình, sau đó khoe lên mạng xã hội. Có lần mẹ của Toàn Hồng Thuyền vừa khóc nức nở vừa nói trong buổi phát sóng trực tiếp: “Tôi đã lấy chồng nhiều năm, giờ tôi mới biết trong nhà có nhiều người thân như vậy…”.
Tôi thấy rằng tố chất của người Trung Quốc thật quá thấp. Họ còn dùng người trong gia đình để tăng thêm lưu lượng truy cập cho mình.
Về bố của Toàn Hồng Thuyền, tôi thấy rằng ông là một người có nghĩa khí. Cha cô đã tổ chức một bữa tiệc đơn giản nhưng ấm cúng tại nhà. Có công ty gửi 200 nghìn NDT tiền mặt (khoảng 700 triệu đồng) cho gia đình nhưng cha cô lịch sự từ chối. Bên kia nài nỉ nhưng ông chỉ nhận hoa và nói rằng: “Tôi không thể làm mất danh dự của con gái mình, bởi vì nó phải dựa vào chính sức lực để làm việc chăm chỉ”. Vì quan điểm thẳng thắn của ông nên mới có thể nuôi dưỡng một cô con gái như vậy.
Tôi nghĩ Toàn Hồng Thuyền là một cô gái thật thà chất phác, nhưng tôi khá lo lắng rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng cô làm công cụ trong quan hệ công chúng, dạy cho cô ca ngợi đảng và chính phủ. Tôi hy vọng cô ấy giữ được sự trong sáng thuần phác này, sau đó có được một nền tảng giáo dục tốt và có thế giới quan chính xác, bởi vì làm một người tốt sẽ có ý nghĩa hơn việc nhận được nhiều tài phú.
*Theo bài phân tích của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên Chính luận thiên hạ ngày 9/8. Mạn Vũ biên dịch.