Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Canada sẵn sàng đón 20,000 người tị nạn Afghanistan

Trọng Thành

image.png
Người dân chạy Taliban từ các tỉnh phía bắc Afghanistan đổ về Kabul ngày 13/08/2021. AP – Rahmat Gul


Chính phủ Canada hôm 13/08/2021, cho biết có thể tiếp nhận 20 nghìn người tị nạn từ Afghanistan trong khuôn khổ một chương trình nhập cư mới, do « khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp tại khu vực ».

Bộ trưởng Nhập Cư và Tị Nạn Marco Mendicino cho biết « tình hình tại Afghanistan rất thương tâm, Canada sẽ không nhắm mắt làm ngơ ». Các đối tượng chính của chương trình nhập cư lớn này là « những người đặc biệt dễ bị tổn thương », như các phụ nữ lãnh đạo, những người bảo vệ nhân quyền, các thành phần thiểu số tôn giáo bị truy bức, phóng viên hay các thành viên cộng đồng người đồng tính, chuyển giới (LGBT).

Mỹ tìm kiếm các nước tiếp nhận người tị nạn
Hàng nghìn người Afghanistan làm việc cho Hoa Kỳ hay các lực lượng nước ngoài có nguy cơ bị Taliban trả thù một khi phong trào Hồi giáo cực đoan này chiếm được thủ đô Kaboul. Theo Reuters, hôm qua 13/08/2021, chính quyền Mỹ đã tiến hành đàm phán bí mật với nhiều nước nhằm tìm nơi tiếp nhận tạm thời cho những người tị nạn Afghanistan.

Bốn giới chức Hoa Kỳ thông tin với Reuters về vấn đề này. Đàm phán được tiến hành với một số nước như Kosovo, Albani. Hôm thứ Năm, 12/08, chính quyền Mỹ thông báo sẽ đưa 1.000 người Afghanistan đến Qatar theo diện visa đặc biệt SIV. Cho đến nay, gần 1.200 người Afghanistan đã được đưa sang Mỹ, số lượng người được ra đi theo chương trình « Các đồng minh tị nạn » sẽ lên đến 3.500 người.

Không khí sợ hãi bao trùm tại Kaboul

Nhiều người lo sợ quân Taliban tiến quá nhanh sẽ khiến Hoa Kỳ không kịp xử lý yêu cầu visa cho các ứng viên SIV.  Hôm qua, 13/08, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutterres tố cáo sự tàn ác của quân Taliban.

Trả lời họp báo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bày tỏ : « tôi vô cùng lo ngại sau khi có được các thông tin đầu tiên về việc quân Taliban áp đặt các giới hạn hà khắc về nhân quyền tại các vùng mà họ kiểm soát ». Khoảng 214.000 người đã phải di tản trước đà tiến không gì kiềm chế nổi của Taliban.

Thông tín viên Sonia Ghezali từ Kaboul cho biết không khí lo sợ bao trùm :

« Không khí nặng nề, dân chúng hoảng sợ. Hàng nghìn gia đình chạy trốn bạo lực tại nguyên quán, họ tìm đến Kaboul để tị nạn trong tình trạng hết sức bấp bênh. Cuộc sống của họ ở đây đang ngày càng trở nên mong manh. Những người tị nạn lo ngại chiến sự đang tiến dần về thủ đô. Quân Taliban đã ở cửa ngõ Kaboul.

Sân bay chật cứng, các chuyến bay đầy ắp. Đó là những người có hộ chiếu nước ngoài hoặc thị thực xuất cảnh. Rất nhiều người cố tìm được phương tiện để ra đi. Một bộ phận lớn dân cư đang vô cùng sợ hãi khi không biết là Taliban sẽ đối xử với họ thế nào.

Họ là các nhân viên chính quyền, lực lượng an ninh Afghanistan, nhà báo, các nhà tranh đấu của xã hội dân sự, các cựu phiên dịch viên hoặc cựu nhân viên của các lực lượng nước ngoài. Chính quyền Mỹ đã hứa không bỏ rơi họ. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã đợi sứ quán Mỹ trả lời yêu cầu trợ giúp, từ nhiều tuần nay.

Hàng chục cựu phiên dịch viên và người giúp việc cho quân đội Pháp, bị từ chối visa, đang hết sức lo lắng. Họ đang khẩn nài ngoại trưởng Pháp và bộ Quốc Phòng Pháp cứu giúp ».

Afghanistan: Taliban tiến gần Kabul, phương Tây cấp tốc di tản

Thanh Phương

image.png
Quân Taliban tuần tra kiểm soát thành phố Ghazni, không xa tây nam thủ đô Kabul, ngày 13/08/2021. AP – Gulabuddin Amiri

Lực lượng taliban hôm 13/08/2021, đang tiến gần đến thủ đô Kabul, nơi mà các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ đang cấp tốc di tản các công dân và các nhà ngoại giao của họ.

Do đà tiến của quân Taliban quá nhanh, Washington đã phải cắt giảm hơn nửa số nhân viên ngoại giao tại thủ đô Kabul và quyết định trước cuối tuần này sẽ triển khai tổng cộng 3.000 quân đến sân bay Kabul để bảo đảm an toàn cho việc di tản các công dân và nhà ngoại giao Mỹ.

Toán lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên của lực lượng 3.000 quân này hôm nay đã đến thủ đô Kabul, một trong số hiếm hoi các thành phố còn nằm trong tay quân chính phủ. Hoa Kỳ cho biết họ sẳn sàng di tản bằng đường hàng không « hàng ngàn người mỗi ngày ».

Tuy Lầu Năm Góc khẳng định là thủ đô Afghanistan « chưa bị đe dọa ngay », nhưng theo hãng tin AFP, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra lệnh cho nhân viên tiêu hủy toàn bộ các tài liệu nhạy cảm và các biểu tượng của nước Mỹ mà phe Taliban có thể sẽ sử dụng « vào các mục đích tuyên truyền ».

Việc thông báo kế hoạch di tản các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Kabul khiến mọi người nhớ đến sự thất thủ của Sài Gòn năm 1975 và khiến tổng thống Joe Biden càng bị phe đối lập chỉ trích về chiến lược của ông ở Afghanistan.

Hôm thứ Năm vừa qua, lãnh đạo khối nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện Mỹ Mitch McConnell đã tuyên bố : « Afghanistan đang tiến nhanh đến một thảm họa to lớn, có thể được dự báo trước và lẽ ra có thể tránh được ».

Ngoài Hoa Kỳ, Luân Đôn cũng đã thông báo triển khai trở lại Afghanistan 300 quân để giúp di tản các công dân Anh. Nhiều nước khác, trong đó có Hà Lan, Phần Lan, Ý, Tây Ban Nha, Đức, cũng đã quyết định cắt giảm xuống mức tối thiểu số nhân viên ngoại giao ở Afghanistan. Những nước như Na Uy, Đan Mạch thì tạm thời đóng cửa tòa đại sứ.

Sau Kandahar, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, phiến quân Hồi Giáo cực đoan hôm qua đã chiếm được Pul-e-Alam, thủ phủ của tỉnh Logar, chỉ cách Kabul 50 km về phía nam. Như vậy là chỉ trong vòng 8 ngày, quân taliban đã chiếm được phân nửa số thủ phủ của các tỉnh ở Afghanistan.

Ngỏ lời với quốc dân hôm nay, tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định đang có các cuộc « tham khảo ý kiến » để nhanh chóng tìm một giải pháp chính trị bảo đảm hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đồng thời ông kêu gọi tái huy động mọi lực lượng vũ trang.

NATO triệu tập họp khẩn chuẩn bị kế hoạch sơ tán
Chiều ngày 13/08, các nước thành viên NATO đã họp khẩn cấp để chuẩn bị kế hoạch phản ứng thích hợp với tình hình tại chỗ.

Thông tín viên Jérémy Audouard tại Bruxelles cho biết thêm chi tiết :

Trong thông cáo phát đi sau cuộc họp, các thành viên NATO không giấu được lo lắng. Họ cho biết « vô cùng quan ngại về tình hình bạo lực tăng cao », nhất là vì các cuộc tấn công của Taliban nhắm vào thường dân.

Tổng thư ký NATO đã tổ chức cuộc họp này sau khi Washington và Luân Đôn vừa phối hợp triển khai quân để bảo vệ kiều dân của mình.

Liên Minh Bắc ĐạiTây Dương đang soạn thảo kế hoạch để sơ tán các nhà ngoại giao của mình. Tại Kabul, vẫn còn đại diện dân sự cùng các nhân viên của NATO. 9 nước trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn có đại sứ quán tại đó.

Theo một nguồn tin ngoại giao được AFP trích dẫn, Thổ Nhĩ Kỳ lo việc giám sát sân bay. Na Uy sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ bệnh viện trung tâm thủ đô Kabul.

Tuy nhiên, chưa có một quyết định quan trọng nào được đưa ra, cuộc họp vẫn dừng lại ở những trao đổi đơn giản, được đánh giá là mang tính chất «  thực tế ».  

Pháp – Covid: Biểu tình chống “giấy thông hành y tế” tại hơn 200 thành phố

Trọng Thành

image.png
Người biểu tình chống giấy thông hành y tế, Paris ngày 14/08/2021. AP – Adrienne Surprenant

Thứ Bảy lần thứ năm thứ năm liên tiếp, nhiều người Pháp lại xuống đường biểu tình phản đối « giấy thông hành y tế », chứng nhận đã tiêm chủng.

AFP dẫn một nguồn tin cảnh sát cho hay, chính quyền dự tính sẽ có khoảng 250.000 người biểu tình trên toàn quốc ngày hôm nay, 14/08/2021, nhều hơn chút ít so với hồi tuần trước, 237.000 người, theo số liệu của cảnh sát.

Tại Paris, sự hiện diện của lực lượng cực hữu khiến các nhóm biểu tình không hợp nhất được thành một. Có tổng cộng ba đoàn tuần hành riêng rẽ chống giấy thông hành y tế. Ngoài Paris, biểu tình đông đảo nhất là tại các thành phố phía nam, như Toulon, Montpellier, Nice, Marseille hay Perpignan, được coi là căn cứ địa của phong trào phản kháng.

Những người biểu tình lên án chính quyền tước đoạt tự do, chống lại « nền độc tài y tế ». Các cuộc tuần hành tập hợp đông đảo người tham gia thuộc nhiều xu hướng, không chỉ là phong trào chống vac-xin hay chủ trương « thuyết âm mưu ». Trong hàng ngũ người biểu tình có nhiều gia đình, nhân viên y tế hay lính cứu hỏa. Có nhiều người lần đầu tiên tham gia biểu tình, không thuộc đảng phái nào.

Kể từ thứ Hai, 09/08, việc bắt buộc phải có giấy thông hành y tế chứng nhận đã tiêm chủng, âm tính với virus hay đã mắc bệnh và điều trị khỏi, đã được chính thức mở rộng sang nhiều địa điểm công cộng trong nhà, như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, giao thông đường dài, bảo tàng hay bệnh viện.

Áp dụng quy định giấy thông hành y tế là một biện pháp quan trọng của chính quyền Macron, nhằm giảm mức độ lây lan dịch bệnh, tránh cho nước Pháp một đợt phong tỏa mới.

Covid-19: Nhân viên liên bang ở Canada bắt buộc phải chích ngừa

Thanh Phương

image.png
Một góc phố ở Toronto ngày 18/07/2021. Canada đã gần đạt con số 70% dân được tiêm chủng đầy đủ. AP – Kamran Jebreili

Hôm 13/08/2021, chính phủ Canada thông báo sẽ thực hiện việc chích ngừa bắt buộc đối với tất cả nhân viên liên bang cũng như nhân viên của các cơ quan có liên quan kể từ đầu tháng 9. Biện pháp này có liên quan đến hơn 1 triệu người trên toàn quốc, vào lúc thủ tướng Canada ngày mai sẽ công bố lịch trình bầu cử.

Thông tín viên Pascale Guericolas tường trình từ Canada:

“Liệu việc chích ngừa có phải là một vũ khí cho cuộc bầu cử? Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh đảng Tự do đang cầm quyền sẽ bắt đầu cuộc tranh cử trong hai ngày tới.

Về mặt chính thức, chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm đủ hai liều vacxin cho tất cả các nhân viên liên bang nhằm phòng chống biến thể Delta đang lây lan ngày càng nhiều tại nước này. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, các chiến lược gia chính trị đều biết rằng việc bắt buộc chích ngừa sẽ gây chia rẽ đất  nước.

Đã có các nghị sĩ đảng bảo thủ, đối thủ chính của đảng Tự do cầm quyền, cho rằng việc tiêm chủng là sự lựa chọn của mỗi cá nhân.

Các tỉnh miền Tây Canada, nơi đảng bảo thủ nắm quyền, đang phản đối mọi ý định áp áp dụng chứng nhận y tế hay chích ngừa bắt buộc. Cuộc tranh cãi dữ dội có thể sớm bùng lên giữa những người ủng hộ những biện pháp cưỡng chế nghiêm ngặt, được đảng Tự do hậu thuẫn, với những người chủ trương bảo vệ các quyền tự do cá nhân.

Cho tới nay, Canada chưa bị phân hóa như vậy trên mặt trận y tế. Việc chính phủ  bắt buộc chích ngừa có thể sẽ làm thay đổi tình hình.”

“Kỷ lục” đáng buồn: Tháng nóng nhất trong Lịch sử

Trọng Thành

image.png
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa. © Fabrice Coffrini / AFP

Một cơ quan khoa học Hoa Kỳ cho biết tháng Bảy năm nay là tháng nóng chưa từng được ghi nhận trên Trái đất. « Kỷ lục » đáng buồn này cho thấy rõ khí hậu Trái đất đang biến đổi nhanh chóng, chủ yếu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nóng kỷ lục đi liền với thiên tai ngày càng dữ dội. Liệu con người có kịp thời hành động ?

Theo giám đốc Cơ quan Quốc gia về Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), ông Rick Spinrad, tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm, nhiệt độ tháng 7 năm nay cao hơn nhiệt độ của mọi tháng 7, và trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Tháng 7 năm nay vượt 0,01°C so với tháng 7 năm 2016, là năm nóng kỷ lục (cùng với hai năm sau đó 2019 và 2020).

Kỷ lục tháng nóng nhất được Cơ quan NOAA đưa ra chỉ ít ngày sau khi GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, công bố bản báo cáo gây sốc cho thấy khí hậu biến đổi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể là chỉ trong 9 năm nữa, vào 2030, nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp, sớm hơn 10 năm. Mà với nhiệt độ vượt quá mức này, nhân loại có nguy cơ phải gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão, lũ, hạn hán… với quy mô « chưa từng thấy ».

Thiên – nhân tai dồn dập

Đúng vào thời điểm NOAA trao « kỷ lục » đáng buồn nói trên cho tháng Bảy năm 2021, trên khắp hành tinh, từ Á sang Âu, từ châu Mỹ đến châu Phi, dân cư nhiều khu vực rộng lớn trên Trái đất đang đối mặt với các thiên tai dữ dội : cháy rừng ở miền tây nước Mỹ, miền nam châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, tại Algeri ở Bắc Phi, lũ lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Trung Quốc, rừng cháy lớn tại Siberi, nạn đói ở Madagascar…

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng dồn dập và dữ dội hơn kia xảy ra vào lúc nhiệt độ Trái đất « mới » chỉ tăng 1,1°C so với thời tiền công nghiệp. Nếu nhiệt độ tăng quá 1,5°C thì sao ? Và từ đây đến đó chỉ còn ít năm !

Nhân loại bên bờ vực
Nhân loại, hay ít nhất một bộ phận lớn của nhân loại, đang bên bờ vực.

Mọi chú ý của giới quan tâm giờ đây đều hướng về thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Anh Quốc, sẽ họp lại trong gần ba tháng tới. Chính tại thượng đỉnh này, lãnh đạo các nước phải thống nhất được với nhau để thông qua các cam kết nhằm bảo đảm lộ trình cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do năng lượng hóa thạch, để giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, như mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015.

Tổng số các cam kết cắt giảm khí thải của 75 quốc gia (trên 195 nước), được công bố hồi tháng 2/2021, tương ứng với 1% khí thải cắt giảm vào 2030 so với 2010. Mà, phải cắt giảm đến 45% mới có thể giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, theo GIEC.

Năm 2015, cộng đồng quốc tế với các nỗ lực từ nhiều phía rút cuộc đã ký kết được Hiệp định Khí hậu, đặt được mục tiêu 1,5°C vào văn bản chung cuộc. Trong thượng đỉnh được coi là có ý nghĩa lần này, liệu cộng đồng có bỏ lỡ cơ hội ? 

Cuba dần xa khỏi chủ nghĩa xã hội ?

image.png

Tại đất nước cộng sản khác là Cuba, The Economist coi việc chính quyền La Habana cho thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ. « Một bước ngắn để dần dà rời khỏi chủ nghĩa xã hội »,

Ngày 06/08, Hội đồng Nhà nước Cuba thông qua một dự luật rất được chờ đợi, một tháng sau khi hàng ngàn người dân rầm rộ xuống đường đòi tự do. Khoảng 380 người biểu tình vẫn còn bị giam giữ chờ ngày ra tòa. Loan báo này có thể phần nào nhằm đánh lạc hướng vụ đàn áp. Tại đảo quốc có tỉ lệ nhiễm Covid thứ tư thế giới, người dân khó thể quên được dù không có xăng cho xe gắn máy, xe cứu thương, lò hỏa táng nhưng vẫn có đầy đủ cho những chiếc xe buýt và xe tải chất đầy lực lượng đặc nhiệm đến trấn áp biểu tình.Tại đất nước cộng sản khác là Cuba, The Economist coi việc chính quyền La Habana cho thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ. « Một bước ngắn để dần dà rời khỏi chủ nghĩa xã hội »,

Tuy vậy, cải cách này theo chiều hướng tốt vì tư nhân nay có thể lập ra công ty vừa và nhỏ và được tuyển dụng nhân viên, thay vì tư doanh kiểu gia đình. Một nhà tư vấn tỏ ra hào hứng với hy vọng nảy sinh được sức sống mới bên cạnh lãnh vực quốc doanh kém hiệu quả, tuy nhiên thủ tục lập doanh nghiệp vẫn rắc rối, vì « Cuba vẫn là Cuba ».

Courrier International dịch lại bài viết trên The Atlantic của một giáo sư người Cuba 38 tuổi nay định cư tại Mỹ, cho biết ông « nhìn thấy chế độ suy sụp từ bên trong ». Sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba rơi vào khủng hoảng, gần 35.000 người dân tìm cách vượt biển trong đó có những người không bao giờ đến nơi. Ngày nay một thế hệ mới lớn lên không có cái bóng bao trùm của Fidel Castro, những bài diễn văn xã hội chủ nghĩa không còn thuyết phục được họ. Những người cầm quyền phải biết mở cửa cho tự do hóa trước khi quá trễ, với nguy cơ Nhà nước sụp đổ và nội chiến.

Hình sự hóa nạn ấu dâm, một bước tiến lớn ở Vatican

Minh Anh

image.png
Tòa Thánh Vatican những năm gần đây phải đối mặt nhiều vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo sĩ. AP – Gregorio Borgia

Ngày 01/06/2021, tòa thánh Vatican công bố một bản tu chính mới của Bộ Giáo Luật của Giáo Hội. Đặc biệt, phiên bản mới năm nay thiết lập những công cụ pháp lý cụ thể để bài trừ nạn ấu dâm trong hàng tu sĩ.

Đây chính là một trong những chương trình cải cách của tòa thánh Vatican, từng có nguy cơ bị rơi vào quên lãng do những cải cách này đã được đưa ra cách nay rất lâu. Hơn nữa, đây còn là một sự sửa đổi sâu rộng về giáo luật, luật nội bộ của Giáo Hội, kết thúc một công trình do Đức Bê-nê-đíc-tô XVI khởi xướng từ năm 2007.

Nạn ấu dâm, cuộc chiến chống tham nhũng, áp dụng hình phạt, thời hạn xét xử… Với Tông Hiến, mang tên Pascite gregem Dei (Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa), giáo hoàng còn vượt xa qua cả việc trau chuốt lại quyển thứ Sáu của Bộ Giáo Luật dự trù cả một hệ thống chế tài của luật nội bộ ngay trong bộ giáo luật năm 1983.

Điểm nhấn nổi trội nhất của lần chỉnh sửa này chính là việc hình thành một đạo luật cụ thể về nạn lạm dụng tình dục từ các linh mục nhắm vào trẻ vị thành niên hay những người trong tình trạng yếu đuối.

Từ vài năm gần đây, giáo hội đã có những bước tiến rất lớn đối với các nạn nhân, chẳng hạn như trong các dòng tu, các giáo phận, người đứng đầu khi nghe những lời tố cáo về những trường hợp như vậy phải cộng tác với bên tư pháp của địa phương để điều tra. Khi tòa án tuyên bố có tội, thì ngoài những bồi thường về vật chất tinh thần – vật chất không chỉ là một phần nhỏ, nhưng tinh thần thì còn nặng nề kéo dài suốt cả một cuộc đời của nạn nhân. Giờ thì  còn có những ủy ban, người ta lật lại các hồ sơ từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, có những vụ trong các dòng tu giờ không còn nữa, nhiều thành viên đã lớn tuổi, nhưng cũng có những người còn sống, hoặc những người đã từng trải qua muốn kể lại những câu chuyện, thì có những ủy ban để lắng nghe, rồi tùy từng trường hợp mà có những giải pháp cụ thể.

Related posts