Phụng Minh
Cả Taliban và chính phủ cũ của Afghanistan đều đã tiếp tay các nỗ lực trấn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh nhằm bịt miệng những người Duy Ngô Nhĩ. Đây là thông tin được tiết lộ trong một báo cáo chung của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ (UHRP) và Hiệp hội Oxus về các vấn đề Trung Á trong tháng này, trang Breitbart cho hay.
Giám đốc điều hành Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ Omer Kanat cho biết: “Theo lệnh của chính quyền Trung Quốc, Islamabad và Kabul đã tham gia vào việc sách nhiễu, giam giữ và trục xuất những người Duy Ngô Nhĩ dễ bị tổn thương. Một số người Duy Ngô Nhĩ bị nhắm mục tiêu đã bị tra tấn và hành quyết ở Trung Quốc, trong khi những người khác phải chứng kiến sự tan vỡ của gia đình và bị giám sát chặt chẽ. Sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc có thể mua được mọi đồng phạm dùng bạo lực chống lại người Duy Ngô Nhĩ”.
Báo cáo của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được công bố trong tháng này, ghi lại nỗ lực của các quốc gia láng giềng nhằm bắt giữ và trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với sự trấn áp.
Trong một số trường hợp, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các Hiệp ước ngoại giao và dẫn độ để lôi kéo các quốc gia khác bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Báo cáo cũng liệt kê các hoạt động giám sát kỹ thuật số, chia cắt các gia đình tại các trạm kiểm soát biên giới, tài trợ cho các hoạt động cải tạo người Duy Ngô Nhĩ, đe dọa những người thân vẫn còn ở trong nước và nhiều phương pháp khác.
Các nhóm nhân quyền đã công bố báo cáo trước khi Taliban tuyên bố lật đổ thành công chính phủ Afghanistan vào Chủ nhật.
Báo cáo của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ và Hiệp hội Oxus nhấn mạnh rằng cả tổ chức khủng bố Taliban đã hỗ trợ Bắc Kinh trong nỗ lực bịt miệng người Duy Ngô Nhĩ. Năm 1998, thủ lĩnh Taliban Mullah Omar được cho là đã bảo đảm với Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Lu Shulin rằng nhóm của ông ta không quan tâm đến việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nhưng Afghanistan nhanh chóng chuyển từ thờ ơ sang đồng lõa, vào năm 2000, chính quyền Afghanistan đã bàn giao 13 người Duy Ngô Nhĩ đã xin tị nạn chính trị đến Trung Quốc.
Dưới thời chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị gắn nhãn là “người di cư Trung Quốc” trên thị thực và giấy tờ tùy thân của họ. Những chỉ định như vậy vẫn còn trên một số giấy tờ tùy thân ngay cả sau khi họ nhập tịch là người Afghanistan và nó mang tới nhiều vấn đề khi họ cố gắng rời khỏi đất nước.
Việc Taliban tiếp quản có nghĩa là cơ sở dữ liệu về người Duy Ngô Nhĩ trong nước có thể sẽ lọt vào tay nhóm khủng bố và có khả năng là lọt vào tay Bắc Kinh, vốn đang vun đắp quan hệ ngoại giao với Taliban. Nếu Taliban cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập vào cơ sở dữ liệu biểu mẫu và tài liệu về “người di cư Trung Quốc”, Bắc Kinh có thể làm việc với các chính phủ láng giềng để từ chối cấp thị thực cho những người Duy Ngô Nhĩ muốn đào thoát khỏi đất nước.
Trong năm qua, Taliban vẫn giữ im lặng rõ ràng về việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Các nhà lãnh đạo Taliban cũng đã đồng ý với Bắc Kinh rằng sẽ không giúp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.