Nghiên cứu: Hiệu quả của vắc-xin COVID-19 giảm dần sau 6 tháng

Lý Minh

Theo SCMP, một nghiên cứu do Pfizer-BioNTech tài trợ cho thấy hiệu quả của vắc-xin COVID-19 đã giảm 13 điểm phần trăm trong vòng sáu tháng sau liều tiêm thứ hai. 

Hơn 46.000 người ở Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Nam Phi và Đức đã được theo dõi trong nghiên cứu này. Khoảng 2.300 người tham gia ở độ tuổi từ 12 đến 15, số còn lại từ 16 tuổi trở lên, tuổi trung bình là 51.

Các tác giả của nghiên cứu (hầu hết là các nhân viên của Pfizer hoặc BioNTech) viết “Hiệu quả [của vắc-xin] đạt đỉnh 96,2% trong khoảng thời gian từ bảy ngày đến hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai, và giảm dần xuống 83,7% bốn tháng sau khi tiêm liều thứ hai cho đến khi cắt dữ liệu. [Mức] giảm trung bình 6% mỗi hai tháng”. 

Một số nhà sản xuất vắc-xin đang xem xét liệu có cần bổ sung thêm mũi tiêm tăng cường cho những người đã được tiêm phòng hay không. Israel đã bắt đầu thực hiện các mũi tiêm nhắc lại để chống biến thể Delta và các biến thể mới khác của virus corona.

Một nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng của Đại học Oxford đã phát hiện, mức độ bảo vệ của vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca sẽ sẽ suy yếu trong vòng ba tháng.

Nghiên cứu này phát hiện rằng, 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2, hiệu quả của vắc-xin Pfizer là 85 % và của vắc-xin AstraZeneca là 68%. Sau 90 ngày, hiệu quả này giảm xuống còn 75% với vắc-xin Pfizer và 61% với vắc-xin AstraZeneca.

Tuy nhiên, Sarah Walker, giáo sư thống kê y khoa và điều tra viên chính của nghiên cứu cho biết: “Cả hai loại vắc-xin này, với liều lượng hai mũi tiêm, vẫn rất hiệu quả trong việc chống lại [biến thể] Delta”. 

Các phát hiện của Đại học Oxford phù hợp với phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Nghiên cứu được đưa ra khi chính phủ Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 trong bối cảnh các ca bệnh thuộc biến thể Delta gia tăng. 

Trong khi đó, các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Chile đã bắt đầu tiêm nhắc lại vắc-xin Pfizer và AstraZeneca cho những người đã được tiêm vắc-xin Trung Quốc, vì lo ngại về hiệu quả của các vắc-xin như Sinovac, Sinopharm. 

Nghiên cứu của Pfizer-BioNTech không khuyến nghị tiêm nhắc lại nhưng lưu ý rằng các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để cung cấp thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả liều thứ ba vắc-xin. Nghiên cứu cũng không đề cập đến khả năng bảo vệ của các vắc-xin trong việc chống lại biến thể Delta. 

Trong khi đó, Benjamin Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho biết nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng vắc-xin Pfizer-BioNTech duy trì hiệu quả trong ít nhất sáu tháng và có thể lâu hơn.

Related posts