Sông Gâm, Vũng Gù

 Nguyễn Dư

Cầu treo trên sông Gâm 

Nước ta chằng chịt sông, ngòi, suối, khe, kinh, rạch… Tra tìm tên gọi khá rắc rối. Chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Đôi khi chồng chéo, khập khiễng.
Mời các bạn đi thăm sông Gâm ngoài Bắc và Rạch Vũng Gù trong Nam.***Sông Gâm
Sách Đại Nam dư địa chí ước biên (1908) của Cao Xuân Dục viết vắn tắt về mấy con sông của tỉnh Tuyên Quang:
– Sông Lô bắt nguồn từ phủ Quan Hoá của Vân Nam, qua phía đông tỉnh thành, nước chảy xiết như bắn rồi đổ xuống Sơn Tây, đã khắc hình trên vạc Anh, là sông lớn trong điển thờ. Cùng hợp lưu với sông Lô, có sông Gâm bắt nguồn từ Quảng Tây, sông Chảy bắt nguồn từ Thuỷ Vĩ, Hưng Hoá. Đến như Á Tuyền có biển nhắc nhở, Tứ Khê đi vào ca dao, đều có nước rất độc (…).
Tứ khê là 4 dòng sông nước rất độc của Tuyên Quang. Ngạn ngữ “Nhất Miện, nhì , ba Dầu, bốn Gâm” (1).
Cao Xuân Dục viết ngắn gọn như vậy vì “Mục diên cách các địa phương Bắc kỳ, trải qua thương nghị (với Pháp) chưa quyết, từ năm Đồng Khánh (1885) về sau không rõ, tạm tra sách vở trước năm Tự Đức thứ 36 (1883) ghi lại, đợi đính chính sau. Đến như 6 tỉnh Nam kỳ đã thuộc nhượng địa, nên không ghi”.
Hoàn cảnh lịch sử của nước ta thời Pháp thuộc đã gây khó khăn cho Cao Xuân Dục. Ông quyết định “bỏ” miền Nam, viết qua loa, thậm chí đôi khi phải dựa vào ca dao, ngạn ngữ của dân gian để viết về miền Bắc. Nhờ vậy người đọc Đại Nam dư địa chí ước biên mới biết Tứ khê của tỉnh Tuyên Quang qua câu ngạn ngữ “Nhất Miện, nhì , ba Dầu, bốn Gâm“.
Cao Xuân Dục nhắn bảo ai muốn tìm hiểu Tứ khê của Tuyên Quang thì nên tìm đọc ca dao, ngạn ngữ.
Cùng năm sách Đại Nam dư địa chí ước biên được khắc in (1908), Ngô Giáp Đậu ngoài Bắc cũng soạn xong sách Đại Nam quốc tuý (2). Sách này sưu tầm được nhiều ca dao, ngạn ngữ của dân gian.
(Ngô Giáp Đậu sinh năm 1853, người làng Tả Thanh Oai. Theo Ngô gia thếphả, ông là giòng giõi Ngô Thời Sĩ, tác giả sách Việt sử tiêu án. Ông đậu cử nhân năm 1891, làm quan đến đốc học.
Tác phẩm của ông có: Trung học Việt sử toát yếuMạnh học trung cao đẳng giáo khoa thư (chữ Nôm), Hiện kim Bắc kỳ địa dưĐại Nam quốc tuý (chữ Nôm) v.v.) (3).
Ngô Giáp Đậu là một nhà khoa bảng, làm quan đốc học, viết sách sử, địa, văn chương. Ông biên soạn sách bằng chữ Hán, chữ Nôm.

Sách Đại Nam quốc tuý của Ngô Giáp Đậu có bài ca dao (số 26) nói đến Tứ khê của tỉnh Tuyên Quang:
Thứ nhất sông Miện chảy ra
Thứ hai ngòi Mỡ, thứ ba ngòi Dầu
Sông Ngâm chưa kể vào đâu
Còn anh sông Đáy trọc đầu mà lo
Sông Miện (từ điển Đào Duy Anh đọc là Miến) xuất phát từ Thiểm Tây chảy sang nước ta.

Câu 595 của sách Đại Nam quốc tuý là:
Sông Đà, sông , sông Thao
Ba ngọn sông ấy đổ vào sông Ngâm
Sông Ngâm được ca dao nói đến hai lần. Tên sông Ngâm được viết bằng bộ Thuỷ + chữ Ngâm (ngâm vịnh). Ngâm = bộ Khẩu + chữ Kim (hiện nay).
Sau Ngô Giáp Đậu, nhiều tác giả khác cũng sưu tầm ca dao nói đến sông ngòi của Tuyên Quang. Nhưng tên sông chép không giống nhau. Chẳng hạn như:
Sách Tục ngữ phong dao (1928) của Nguyễn Văn Ngọc chép:
Thứ nhất sông Nến chảy ra
Thứ hai ngòi Mỡ, thứ ba ngòi Dầu
Sông Gâm chẳng thấm vào đâu
Còn anh sông Đáy chọc (trọc) đầu mà ra (4).
Sách Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (5) chỉ sưu tầm được hai câu:
Thứ nhất sông Nến chảy ra
Thứ hai ngòi Mỡ, thứ ba ngòi Dầu
Bài ca còn thiếu, chưa kể hết tên Tứ khê.
Địa dư chí Đất Việt nước Nam của Hồ Đắc Duy, phần viết về tỉnh Hà Giang, kể tên mấy con sông:
Sông Yên Long hợp lưu sông Chảy
Cùng sông Gầm nước dẫy hai bên
Giòng sông , nước vào thêm
Đổ vào Bạch Hạc nước êm lững lờ (6).
Sách 6 Truyện – Thơ Nôm đầu thế kỷ XX  lại chép thêm hai tên mới:
Sông Ba sông  sông Thao
Ba ngọn sông ấy đổ vào sông Cam
(sông Cam là thượng lưu của sông Lô) (7)
Chữ Ba, bản chữ Nôm viết (bộ Thổ + chữ Ba), đúng ra phải đọc là Bờ. (Chữ Ba = bộ Thuỷ + chữ Ba). Câu thơ đọc đúng là: Sông Bờ sông  sông Thao.
(Em nay buôn chỉ, bán tơ, Buôn ngọn sông Bờ, bán ngọn sông Thao).
Sông, ngòi của Tuyên Quang và Hưng Hoá được Lê Quý Đôn ghi chép tỉ mỉ trong sách Kiến văn tiểu lục. Hưng Hoá có “sông Gâm (còn có tên là sông Kim Sa) từ Bảo Lạc, Bạch Thông chảy đến đây tụ lại, rồi chảy vào trấn sở Tuyên Quang” (8).
Sách Đi thăm đất nước của Hoàng Đạo Thuý giới thiệu tỉnh Tuyên Quang có sông Gâm đổ vào sông Lô, có cầu ngòi Ngâm (9).
Sách Hoang-Tham, pirate, viết về cuộc đời Hoàng Hoa Thám, của Paul Chack có tấm bản đồ vùng Tuyên Quang do chính tác giả vẽ, có sông Gam. Cần nói thêm là Paul Chack khởi sự viết sách này năm 1909-1910 tại Hà Nội, nhưng tới tháng 9/1933 mới viết xong tại Paris (10).
Tập bản đồ hành chính Việt Nam (2003), tỉnh Tuyên Quang, cũng có sông Gâm.
Nói tóm lại, chỉ có Ngô Giáp Đậu và Hoàng Đạo Thuý chép sông Ngâm, ngòi Ngâm. Các tác giả khác chép sông Gâm, sông Gầm, hay sông Cam. Trong số tất cả các tên, chỉ có tên Gâm xứng đáng được ngồi “một mình một chiếu”, đáng được đem ra bàn.
– Nhờ thành tích gì vậy?
– Từ điển tiếng ViệtTừ điển Hán Việt không có từ Gâm! Tiếng Việt chỉ có Gấm, Gầm, Gẫm, Gậm. Chữ Hán chỉ có vần Gi, không có vần Ga, Gă, Gâ.
Vô lí! Chẳng lẽ không ai thấy “cái gai” to tướng như vậy?
Nếu vậy thì phải tìm cho ra gốc gác của tên Gâm!
Đường còn dài. Hạ hồi phân giải. Trong khi chờ đợi, mời các bạn đi thăm rạch Vũng  trong Nam. Nghe đồn Gâm là bà con với nhau đó!

***

Vũng Gù

Đào Văn Hội giới thiệu tỉnh Tân An ngày xưa, cho biết:
Năm 1868, tỉnh lỵ Tân An của ngày nay còn được gọi là Vũng Gù. Địa phận Tân An gồm cả hai con sông to: Vàm Cỏ Đông (Waico oriental) xưa gọi là sông Thuận An, tục danh là sông Bến Lức, và Vàm Cỏ Tây (Waico occidental) xưa là sông Hưng Hoà, tục danh là Vũng Gù.
Sông Bảo Định Hà nối liền Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang tại tỉnh lỵ Mỹ Tho. Thời xưa, sông này là hai khúc rạch nhỏ, nhờ Vân Trường Hầu là Nguyễn Cửu Vân nối liền cả hai làm một thông thương từ Vũng Gù qua sông Mỹ Tho (…).
Bến Vũng Gù
Nơi bến này, khi xưa người Miên hay đem bò uống nước cho nên người Nam còn gọi sông Vàm Cỏ Tây là Vũng Gù hay “Bâng Cồ”, có lẽ là tiếng Miên đọc trại, nghĩa là “bến bò uống nước” (11).
Theo Vương Hồng Sển thì tên “Vũng Gù do tên Thổ “Kompong ku”, khi âm Vũng Gù (giọng Nam), khi khác nữa lại âm “Vũng Ngù” cũng viết theo Tây là Run Ngu (có lẽ do người Miền Ngoài, cho nên vần “V” biến ra vần “R” làm vậy (…)” (12).
Vũng Gù của miền Nam bị người miền Bắc và Tây gọi là Vũng Ngù. “Lời buộc tội” hơi nghiêm khắc này cần phải xét lại.
Sách viết về cuộc “đánh chiếm năm 1861 thành Mỹ Tho” của Pallu de la Barrière, xuất bản năm 1888, có nói tới Rạch Run Ngu.
Trong bản sách lược do thuỷ sư đề đốc Charner hoạch định mật và giao cho hải quân trung tá Bourdais thi hành, có đoạn (Vương Hồng Sển dịch):
“Sông Cửu Long (Cambodge) được dò xét thám hiểm từng phút từng giờ qua các cơ quan thuỷ binh, công binh, pháo thủ và bộ tham mưu.
Có hai đường thuỷ từ sông Vàm Cỏ Tây (Vaico occidental) đưa đường qua Mỹ Tho. Một thuỷ lộ chạy thẳng là arroyo de la Poste, gọi theo Việt là Rạch Run Ngu. Thuỷ lộ thứ hai là arroyo commercial, chảy vòng tròn, trổ ra sông Cửu Long (…)” (13).
Đề đốc Charner xác định rằng cho tới năm 1861, người Việt (được hiểu là người miền Nam) vẫn dùng tên Rạch Vũng Ngù. Điều này cũng có nghĩa là tên Vũng Gù chỉ có sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, nghĩa là sau năm 1861.
Một tài liệu quan trọng và đáng tin khác là Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Sách viết bằng chữ Hán, được Nguyễn Tạo dịch sang tiếng Việt, Gabriel Aubaret dịch sang tiếng Pháp.
Bản Nguyễn Tạo, chương viết về Trấn Phiên An, có đoạn:
“Trấn Phiên An, phía nam giáp tỉnh Định Tường, trên từ đạo Quang Hoá, Quan Phong vòng lên phía tây thác Phiến, Rạch Cỏ và sông Bát Chiên rồi chuyển xuống đông đến Vũng Gù, Tra Giang rồi ra cửa biển Xoi Rạp, lấy bờ phía Bắc con sông làm địa giới trấn Phiên An” (14).
Bản Aubaret ghi tên các sông rạch là Vam-diưa, Rach-co, Tuyen-oai, Bat-kien, Hưng-hoa-giang, vulgairement appeléVung-ngu (tục gọi là Vung Ngu) (15).
Aubaret dịch sát nguyên bản “sông Hưng Hoà, tục gọi là Vũng Ngù“. Đào Văn Hội cũng viết “sông Hưng Hoà, tục danh là Vũng Gù“. Nguyễn Tạo “dịch tắt”, chỉ có Vũng Gù.
Trịnh Hoài Đức (1725-1825) viết tên Vũng Ngù. Đời sau viết Vũng Gù. Tại sao lại thay đổi như vậy?
Xin lỗi được mang chuyện riêng ra để tìm cách… trả lời vòng vo.
Ngày xửa ngày xưa bên Pháp, có một sinh viên Việt Nam phải đi làm giấy tờ. Bà thư kí hỏi tên là gì? Tên tôi là Nguyễn. Viết ra sao? Viết là N.G.U.Y.E.N.. Bà nhanh nhảu viết N´GUYEN. Tên tôi không có dấu phết (apostrophe). Ông có chắc không? Tôi biết viết tên tôi! Bà xin lỗi, xoá cái dấu phết.
Một hôm lật từ điển Larousse ra xem mới biết rằng tiếng Pháp không có từ bắt đầu bằng Ng. Tiếng Pháp không có âm tương đương với Ng của tiếng Việt.
Ngay từ ngày mới chiếm Nam Kì, thực dân Pháp đã nghĩ ngay đến việc dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp.
Gabriel Aubaret được giao việc biên soạn sách Văn phạm An Nam (Grammaire annamite) cho người Pháp dùng. Aubaret vốn là Thiếu tá hải quân, từng làm lãnh sự Pháp tại Bangkok, là người dịch bộ Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức sang tiếng Pháp.
Sách Văn phạm An Nam bắt đầu bằng mục phân tích các vần và cách phát âm của tiếng Việt.
Chữ N có 3 trường hợp phải chú ý:
– N đứng cuối từ như gân, én, bốn thì phát âm (theo cách ghi âm của người Pháp) như gânn, énn, bốnn.
– Nh đứng đầu từ thì phát âm như nienhà, nhảy, nhớ phát âm là nià, niảï, niớ
– Ng đứng đầu từ như ngà, ngó, ngơ, ngục thì phát âm như n´ga, n´go, n´gơ, n´guc (16).
Bây giờ mới hiểu vì sao những tên ngoại quốc bắt đầu bằng Ng thường bị người Pháp viết và đọc tách thành hai phần. Nguyễn viết thành N´guyen, phát âm thành hai âm N-guyen. Nhiều khi N bị bỏ rơi. Nguyễn nói “gọn” thành… Guyen.
Xin thông cảm bà thư kí năm xưa.
Aubaret gián tiếp cho thấy một điều là những từ bắt đầu bằng Ng của tiếng Việt đã gây khó khăn cho người Pháp trong lúc viết và phát âm.
Thực tế thì Nguyễn có thể bị tùng xẻo thành GuyenNgô bị nướng thành Go. Con Ngỗng thành cái Gong. Ngược lại, người Pháp không bao giờ thêm chữ N vào đằng trước một từ bắt đầu bằng chữ G để tạo thành vần Ng, vốn không có trong tiếng Pháp. Con  chẳng bao giờ phải sợ bị hoá kiếp thành con (Thiên) Nga.
Nói tóm lại, có thể khẳng định rằng Vũng Ngù của Trịnh Hoài Đức đã bị Tây hay những người Việt “sính Tây” đời sau, nhào nặn thành Vũng Gù. Vương Hồng Sển đã bắt nhầm thủ phạm “giả mạo thương hiệu”, khi nói rằng Vũng Gù của miền Nam bị người miền Bắc và Tây gọi là Vũng Ngù. Nguyễn Tạo, Đào Văn Hội và các tác giả khác quen dùng tên Vũng Gù, cái tên mới có từ ngày Pháp chiếm Nam Kì.

***

Thăm viếng Vũng Gù xong, mời các bạn trở lại sông Gâm của Tuyên Quang.
Xin nhắc lại rằng từ Gâm không có trong tiếng Việt, chữ Hán.
Gâm không phải ta, không phải Tàu, chỉ còn một lối thoát là… Tây lai. Dựa vào bảng phân tích cách phát âm tiếng Việt của Aubaret có thể suy đoán rằng từ Ngâm (sách của Ngô Giáp Đậu, Hoàng Đạo Thuý) ban đầu đượcngười Pháp viết là N´gam. “N phết” xa lạ, chướng mắt, nên sớm bị bỏ rơi. Sông Ngâm trở thành song Gam trong bản đồ, sách Pháp. Ta bắt chước viết là sông Gâm.

***

Trong Nam, Vũng Ngù bị uốn thành Vũng Gù từ ngày bị Pháp cai trị, ngoài Bắc sông Ngâm bị nắn thành sông Gâm từ ngày bị Pháp bảo hộ.
 và Gâm là kết quả của giao lưu văn hoá “Pháp Việt đề huề“. Cả hai đều là Tây lai. Có họ hàng với nhau.
Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục được khắc in năm 1908, thời Tây. Chữ Gâm được Cao Xuân Dục viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ? Hay Gâm là chữ của người dịch?Nguyễn DưLyon, 7/2021(1)- Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, bản dịch của Hoàng Văn Lâu,
Văn Học, 2003, tr. 489.

(2)- Ngô Giáp Đậu, Đại Nam quốc tuý, bản chép tay của Quán Ven Đường.
(Cám ơn chủ quán Huỳnh Chiếu Đẳng cho phép mọi người sử dụng kho sách).

(3)- Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, KHXH, 1971, tr. 489.

(4)- Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ Phong dao, tập dưới, Mặc Lâm, 1967, tr. 205.

(5)- Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam, in lần thứ tám,
KHXH, 1978, tr. 185.

(6)- Hồ Đắc Duy, Địa dư chí Đất Việt nước Nam, Chim Việt Cành Nam, 2015.

(7)- 6 Truyện – Thơ Nôm đầu thế kỷ XX, Vũ Văn Kính hiệu đính,
Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2006, tr. 101.

(8)- Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm,
KHXH, 1977, tr. 300.

(9)- Hoàng Đạo Thuý, Đi thăm đất nước, Văn Hoá, 1978, tr. 250, 254.

(10)- Paul Chack, Hoang-Tham, pirate, Les Éditeurs de France, 1933, tr. 5.

(11)- Đào Văn Hội, Tân An ngày xưa,
Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá xuất bản, 1972, không đánh số trang.

(12) (13)- Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, phần II, Văn Hoá, 1997, tr. 79, 82.

(14)- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch của Nguyễn Tạo,
tập Trung, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá xuất bản, 1972, tr. 29.

(15)- Gabriel Aubaret, Histoire et description de la Basse Cochinchine,
(bản dịch Gia Định thung chi), Imprimerie Impériale, 1863, tr. 142.

(16)- Gabriel Aubaret, Grammaire annamite, Imprimerie Impériale, 1867, tr. 9. 

Related posts