Thùy Dương
Hai mươi năm sau khi bị đẩy lui, phe Taliban giành lại được quyền kiểm soát Afghanistan, quốc gia với dân số khoảng 38 triệu, nhưng sản xuất tới 90% thuốc phiện bán ra toàn thế giới, mang lại doanh thu khoảng 2 tỉ đô la mỗi năm và chiếm tới 1/3 GDP của Afghanistan năm 2017.
Đây cũng bị coi là một thất bại khác của Hoa Kỳ sau 20 năm can thiệp vào Afghanistan. Theo một báo cáo năm 2018 của Cơ quan Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về Afghanistan (SIGAR), từ năm 2002 đến năm 2017, Mỹ đã chi khoảng 8,6 tỉ đô la vào cuộc chiến chống ma túy ở Afghanistan : phá bỏ các cánh đồng cây anh túc, ném bom đánh phá các khu tinh chế thuốc phiện, nhưng mọi nỗ lực của Mỹ chỉ là « công cốc ».
Cơ quan Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm cho biết diện tích đất trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan đạt mức cao kỷ lục vào năm 2017 và đạt trung bình 250.000 hecta trong 4 năm qua, cao gần 4 lần so với giữa những năm 1990. Chỉ riêng trong năm 2020, diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan đã tăng 37%, nhất là ở miền nam và tây.
Lời hứa xóa bỏ thuốc phiện
Tuần báo Pháp L’Express cho biết trong cuộc họp báo đầu tiên hôm thứ Ba 17/08/2021, chỉ 2 ngày sau khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul, phát ngôn viên lực lượng Hồi giáo cực đoan, Zabihullah Mujahid, đã khẳng định là chính quyền mới sẽ không biến quốc gia đang là nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới thành « một Nhà nước ma túy » thực sự : « Chúng tôi bảo đảm với đồng bào và cộng đồng quốc tế là sẽ không sản xuất ma túy (…) Từ nay trở đi, không ai được dính líu (đến buôn bán heroin), không ai có thể dính líu đến việc buôn lậu ma túy ».
Thế nhưng, các nhà phân tích coi những phát biểu bài ma túy, cũng như những lời hứa tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí, chỉ là một phần trong nỗ lực của phe Taliban thể hiện thái độ ôn hòa hơn nhằm nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thực tế là trong 20 năm qua, đa phần vùng trồng cây thuốc phiện đều nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Vẫn theo L’Epxress, các cuộc điều tra cho thấy nông dân ở các vùng do Taliban kiểm soát thường bị các lãnh chúa và chiến binh địa phương gây áp lực buộc họ trồng anh túc.
Điều trớ trêu trong lịch sử
Nhìn lại lịch sử, trong bài viết « Afghanistan : kiểm soát thị trường ma túy, một chiến thắng khác của phe Taliban » đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation, giáo sư Jonathan Goodhand, chuyên về Xung đột và Phát triển, thuộc Trường nghiên cứu về Phương Đông và Châu Phi (SOAS), University of London, nhắc lại là « nền kinh tế ma túy » bắt đầu phát triển mạnh ở quốc gia này kể từ năm 1990.
Từ năm 1996, dưới thời Taliban kiểm soát đất nước, diện tích trồng anh túc ở Afghanistan vẫn tăng. Đến năm 2000, diện tích này lên đến 82.000 hecta, 4-5 triệu người (trong tổng dân số 25 triệu) khi đó làm việc trong lĩnh vực trồng cây và điều chế thuốc phiện. Đến tháng 07/2000, giáo sĩ Omar, thủ lĩnh phe Taliban, quyết định cấm sản xuất thuốc phiện. Việc trồng anh túc gần như bị xóa sổ. Đến năm 2001, chỉ vài tháng trước khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan, diện tích trồng anh túc chỉ còn khoảng 8 hecta.
Điều trớ trêu là việc quân Mỹ đến Afghanistan đồng nghĩa với việc lệnh cấm thuốc phiện mà giáo sĩ Omar đưa ra trở nên vô giá trị. Rất nhanh chóng, hoa anh túc lại nở rộ trên các cánh đồng ở Afghanistan, nhất là ở những vùng nông thôn do Taliban kiểm soát, hoạt động sản xuất buôn bán thuốc phiện mang lại một nguồn thu cho lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Thuốc phiện : nguồn thu nhập chính của Taliban ?
La Croix ngày 12/08/2021 trích dẫn David Mansfield, kinh tế gia chuyên nghiên cứu về sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan, từng là thành viên tổ chức độc lập nghiên cứu và đánh giá về Afghanistan AREU, cho rằng đánh giá tỷ trọng thu nhập từ buôn lậu thuốc phiện trong tổng tài sản của Tabilan là rất phức tạp, cần phải phân tích theo từng vùng. Chẳng hạn ở tỉnh Nimroz, một trong những vùng trồng anh túc chính ở Afghanistan, buôn bán thuốc phiện và các chế phẩm từ anh túc chỉ chiếm 9% thu nhập của Taliban trong vùng.
Ngược lại, 80% thu nhập đến từ các khoản thuế hợp pháp đánh trên các tài sản hợp pháp như thuế Hồi Giáo ở mức 2,5% tài sản các hộ gia đình, thuế đất, thuế sản xuất nông nghiệp … Thế nhưng, nguồn thu lớn nhất cho Taliban đến từ việc đánh thuế hải quan. Theo Cơ quan Mỹ về phát triển quốc tế USAID, việc kiểm soát được các cửa khẩu mang lại cho Taliban 3,4 tỉ đô la thu nhập mỗi năm. Chỉ riêng cửa khẩu Zarandji ở biên giới với Iran, rơi vào tay Taliban hôm 07/08, có thể mang lại cho phe này gần 100 triệu đô la bổ sung.
Khó khăn tài chính đang chờ đợi Taliban
Vấn đề hiện nay của Taliban là mặc dù đã kiểm soát được gần như toàn bộ đất nước, nhiều lãnh đạo phe Taliban hôm thứ Bảy 21/08 đã gặp gỡ nhau ở Kabul để bàn bạc về khuôn khổ chính phủ mới, Taliban cũng cam kết cải thiện nền kinh tế bị coi là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới, nhưng tài chính vẫn là một thách thức lớn đặt ra cho phe Hồi giáo cực đoan, bởi hiện nay Taliban mới chỉ tiếp cận được 0,1-0,2% trong nguồn dự trữ ngoại tệ khoảng 9-10 tỉ đô la của Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở nước ngoài, chủ yếu nằm trong các tài khoản ở Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Ngoài ra, Afghanistan là nước lệ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ của quốc tế. Hồi năm 2020, nguồn viện trợ quốc tế lên đến gần 19,9 tỉ đô la, chiếm đến 42,9% GDP của Afghanistan. Theo Vanda Felbab-Brown, chuyên gia về Afghanistan của Viện Brookings, được AFP trích dẫn, tài trợ quốc tế cho Afghanistan trên thực tế cao hơn ít nhất 10 lần thu nhập của Taliban. Theo báo cáo Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 05/2020, thu nhập của Taliban ước tính chỉ khoảng từ 300 triệu đến 1,5 tỉ đô la/năm.
Phát ngôn viên lực lượng Hồi giáo cực đoan,Zabihullah Mujahid, hôm thứ 17/08 cho biết, để trở thành « một quốc gia không có ma tuý », Afghanistan sẽ « cần viện trợ quốc tế » để cung cấp cho nông dân các loại cây trồng thay thế cho cây anh túc. Nhưng điều này chắc hẳn không đơn giản như vậy. Một số nước, ngay từ thứ Hai 16/08, sau khi Taliban chiếm Kabul, đã đình chỉ tài trợ cho quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Chẳng hạn Đức, 1 trong 10 quốc gia tài trợ nhiều nhất cho Afghanistan, theo kế hoạch năm nay sẽ chuyển cho Kabul 430 triệu euro, trong đó có 250 triệu cho lĩnh vực Phát triển, đã phong tỏa khoản chi nói trên.
Trên nguyên tắc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF sẽ cấp nốt cho Afghanistan 105,6 triệu đô la trong khuôn khổ chương trình tài trợ trị giá 370 triệu đô la được thông qua hồi cuối năm 2020, nhưng IMF hôm 18/08 cũng thông báo đình chỉ viện trợ cho Afghanistan, do lo sợ tình hình nước này sẽ còn bất ổn. Ngân Hàng Thế Giới từ năm 2002 đã cấp khoảng 5,3 tỉ đô la cho các dự án phát triển của Afghanistan, thế nhưng định chế tài chính quốc tế này cũng rút nhân viên khỏi Afghanistan, nên cũng không biết là các dự án sẽ tiến triển ra sao.
Afghanistan cũng dựa nhiều vào nguồn tiền do người Afghanistan ở nước ngoài gửi về cho thân nhân trong nước. Theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới, các khoản tiền này lên tới 789 triệu đô la trong năm ngoái. Thế nhưng, Western Union hôm thứ Hai tuần trước cũng đã thông báo ngưng chuyển tiền tới nước này.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, dù tuyên bố sẵn sàng duy trì quan hệ « thân hữu » với Taliban, cũng rất khó để thay thế Tây phương viện trợ tài chính cho Afghanistan, nhất là khi Bắc Kinh rất « trọng thương », chủ yếu quan tâm đến các nước có môi trường kinh tế tốt, có thể xây dựng con đường tơ lụa mới nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc, theo ông Charles Kupchan, chuyên gia của cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations (CFR).
Khi mọi cánh cửa tài chính từ bên ngoài dường như đang khép lại với phe Taliban, có lẽ không dễ gì mà Afghanistan có thể từ bỏ cây thuốc phiện như lời hứa của phát ngôn viên Taliban, bởi dẫu thuốc phiện không phải nguồn thu nhập lớn nhất của phe Taliban, khi Taliban kiểm soát toàn bộ việc buôn bán, thuốc phiện sẽ mang lại cho họ 400 triệu đô la, theo kinh tế gia David Mansfield.
Trung Quốc : Sau thái độ hí hửng là nỗi lo
Một hệ lụy khác của cuộc khủng hoảng Afghanistan liên quan đến Trung Quốc được Le Figaro ghi nhận trong bài mang tựa đề : « Afghanistan : Trung Quốc huênh hoang trước Đài Loan, nhưng lo lắng cho Tân Cương ».
Ngay sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, Trung Quốc đã nắm ngay cơ hội để tấn công Hoa Kỳ, trước tiên là trên mặt trận tuyền thông. Phát ngôn viên Ngoại Giao của Bắc Kinh, trong một cuộc họp báo, không tiếc lời chỉ trích Washington : « Mỗi lần Hoa Kỳ nhảy vào một đất nước, dù đó là Irak, Syria hay Afghanistan, thì đều dẫn đến những rối loạn, chia cắt, gia đình tan tác, người chết và còn nhiều vết thương khác ».
Bắc Kinh đã tận dụng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan như là « công cụ tuyên truyền để củng cố lập luận cho rằng Hoa Kỳ là một thế lực bành trướng suy tàn và Trung Quốc sẵn sàng thế chỗ », theo chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Afghanistan, Andrew Small, thuộc tổ chức German Marshll Fund. Ngoài ra, Trung Quốc còn lấy sự kiện Afghanistan như là bài học để nhắc các đồng minh của Mỹ rằng Washington có thể bỏ rơi họ bất cứ lúc nào, để ám chỉ đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, mặc dù hoan hỉ như thế, nhưng Trung Quốc có không ít lo lắng về việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.
Theo chuyên gia Andrew Small, « Trung Quốc sợ rằng giờ đây Afghanistan có thể được dùng làm hậu cứ cho các nhóm khủng bố từ Tân Cương ». Bắc Kinh sợ nhất là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (Etim), một tổ chức quy tụ những người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ từng tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố tại Trung Quốc trong giai đoạn 2008-2015. Những chiến binh của phong trào này từng được huấn luyện ở Afghanistan trong những năm 1990 và đã tham gia chiến đấu ở Syria bên cạnh các nhóm quân của Front al-Nosra, một nhánh của al-Qaida.
Mặt khác, việc Taliban trở lại nắm quyền có thể làm trỗi dậy các nhóm khủng bố ở Pakistan, Tadjikistan, Kirghistan và Kazakhstan, những quốc gia đầu mối quan trọng trong dự án « Con đường tơ lụa mới » đang được Bắc Kinh đổ rất nhiều tiền đầu tư.
Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng Trung Quốc có trong tay nhiều lá bài. Từ năm 1990, Bắc Kinh đã có « quan hệ thân thiện » với Taliban. Mới đây, quan hệ này được tăng cường thêm bằng những cuộc gặp cấp cao, cùng với các thỏa thuận ngầm với Taliban. Các chuyên gia có chung nhận định « Taliban cần Trung Quốc, hy vọng được Trung Quốc ủng hộ trên trường quốc tế để tránh bị trừng phạt và nhất là để nhận được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh ». Ngoài ra, Trung Quốc còn có một ảnh hưởng lớn đối với Pakistan, hy vọng có thể nhờ Islamabad can thiệp hộ với Taliban trong việc ngăn chặn, kiểm soát các nhóm nổi dậy người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng sẽ là ảo tưởng khi chờ đợi Taliban trục xuất các nhóm như vậy ra khỏi Afghanistan, như nhận định của nhiều chuyên gia.