Trọng Nghĩa
Hai vụ đánh bom tự sát bên ngoài sân bay Kabul vào hôm 26/08/2021 đã khiến ít nhất 60 người Afghanistan và 13 lính Mỹ thiệt mạng ngoài con số cả trăm người bị thương. Sau đó ít lâu, một nhóm mang tên Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan (IS-K hay ISIS-K) hoạt động mạnh tại Afghanistan, đã tự nhận là tác giả vụ tấn công.
Theo hãng tin Mỹ AP, IS-K là một nhóm Hồi Giáo gồm hàng trăm tay súng, được biết đến từ cách nay 6 năm, thuộc thành phần còn cực đoan hơn cả Taliban. Hình thành tại miền đông Afghanistan, nhóm này đã nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố lớn, là thủ phạm nhiều vụ tấn công cực kỳ đẫm máu, bất chấp nhiều năm trời bị liên quân do Mỹ lãnh đạo tìm diệt.
Ngay sau vụ tấn công ngay giữa đám đông, khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương tại Kabul vào hôm qua, các nhà quan sát đã tìm hiểu trở lại xem nhóm IS-K, tức là Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan là gì, và bao gồm những phần tử nào.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan là gì?
Theo AP, nhóm IS-K này là chi nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (tiếng Ả Rập gọi là Daech, tiếng Anh là ISIS hay IS), đã từng hoành hành tại Syria và Irak vào mùa hè năm 2014, chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, và lập ra một đế chế Hồi Giáo. Các chính quyền địa phương và lực lượng quốc tế phải mất 5 năm chiến đấu liên tục mới phá được “đế chế Hồi Giáo” đó.
Chi nhánh Afghanistan của Nhà Nước Hồi Giáo đã nổi lên vài tháng sau khi Daech xuất hiện, lấy tên từ tỉnh Khorasan, một khu vực bao gồm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Iran và Trung Á thời Trung Cổ.
Được gọi theo tên tắt tiếng Anh là IS-K, thoạt đầu nhóm này chỉ có vài trăm chiến binh Taliban người Pakistan, đã chạy qua Afghanistan lánh nạn tại vùng biên giới với Pakistan sau các chiến dịch tấn công của Quân Đội Pakistan.
Sau đó, nhóm này đã kết nạp thêm nhiều phần tử cực đoan khác, cùng chí hướng, trong đó có cả những chiến binh Taliban người Afghanistan bất mãn với những hành động mà họ cho là quá ôn hòa của phong trào Taliban nói chung.
Trong bối cảnh Taliban đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phần tử Taliban bất mãn đầu quân vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan hơn, giúp IS-K gia tăng quân số. Hầu hết những phần tử bất mãn này dều cho rằng giới lãnh đạo Taliban sai lầm khi đàm phán với Mỹ vào lúc mà phong trào này đang trên đà chiến thắng về mặt quân sự.
Ngoài ra IS-K còn thu hút được một số lớn chiến binh đến từ Phong Trào Hồi Giáo Uzbekistan, một nước láng giềng, từ tỉnh Hồi Giáo Sunni duy nhất của Iran và các thành viên của Đảng Hồi Giáo Turkistan trong đó có người Duy Ngô Nhĩ từ miền Tân Cương Trung Quốc.
Kẻ thù không đội trời chung của Taliban
Nhìn chung, các chiến binh IS-K đều bị hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thu hút, cũng như lời hứa về một vương quốc Hồi Giáo để thống nhất thế giới Hồi Giáo, một mục tiêu mà lực lượng Taliban không hề tán thành.
Trong khi Taliban giới hạn cuộc đấu tranh của phong trào trong nội bộ Afghanistan, nhóm Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan và Pakistan đã hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mở thánh chiến trên toàn thế giới, chống lại những người không theo đạo Hồi.
Theo thống kê của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, IS-K là tác giả hàng chục cuộc tấn công vào thường dân ở Afghanistan và Pakistan, trong đó có cả người Hồi Giáo hệ phái Shiite thiểu số. Nhóm này cũng đã có hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Afghanistan, Pakistan và Mỹ kể từ tháng 1 năm 2017.
Cho đến lúc này, IS-K vẫn chưa có cuộc tấn công nào ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tuy nhiên chính phủ Mỹ cho rằng IS-K là một mối đe dọa trường kỳ đối với các lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh ở khu vực Nam và Trung Á.
Trên hiện trường, IS-K đã trở thành kẻ thù của Taliban. Trong thời gian qua, lực lượng Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, có phối hợp chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan. Chiến binh Taliban đôi khi đã kết hợp với cả quân đội Mỹ lẫn quân đội chính phủ Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đánh bật nhóm Nhà Nước Hồi Giáo Khorosan ra khỏi các vùng phía đông bắc Afghanistan.
Một quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ xin ẩn danh từng tiết lộ với hãng tin Mỹ AP là sở dĩ chính quyền Trump tìm kiếm thỏa thuận rút quân năm 2020 với Taliban, đó một phần là vì hy vọng sẽ hợp lực với Taliban để triệt hạ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, bị coi là mối đe dọa thực sự ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Nguy cơ trước mắt đến từ ISK là gì?
Theo các chuyên gia phân tích, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ngày càng trở thành một mối đe dọa to lớn đối với Hoa Kỳ, nhất là khi Mỹ không còn lực lượng tại chỗ để theo dõi và tiêu diệt đối thủ ngay khi phát hiện.
Trong một báo cáo của Trung Tâm Chống Khủng Bố thuộc trường võ bị Mỹ West Point, hai nhà nghiên cứu Amira Jadoon và Andrew Mines đã lưu ý rằng, ngay cả khi Hoa Kỳ có quân đội, máy bay và máy bay không người lái vũ trang đóng trên mặt đất ở Afghanistan để theo dõi và tấn công Nhà Nước Hồi Giáo, các chiến binh của nhóm này vẫn có thể tiếp tục hoành hành dù đã có hàng nghìn người thương vong.
Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đang tước đi năng lực tấn công trên bộ của Hoa Kỳ ở nước này, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu khả năng theo dõi Nhà Nước Hồi Giáo, cũng như các kế hoạch tấn công của tổ chức này.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden cho rằng nhóm IS-K chỉ là một trong nhiều mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối phó trên toàn cầu, và nhấn mạnh rằng Washington hoàn toàn có thể giám sát tổ chức này bằng những phương tiện tình báo và quân sự đặt tại các quốc gia vùng Vịnh, trên tàu sân bay hoặc các địa điểm khác xa hơn.
Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của Hoa Kỳ sau khi rút quân ra khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ hiện diện là, dưới sự cai trị của Taliban, nước này một lần nữa trở thành lại trở thành thỏi nam châm thu hút các phần tử cực đoan từ khắp nơi trên thế giới, về đấy lập cứ địa để từ đó tung ra những cuộc tấn công vào phương Tây.
Afghanistan: Daech nhận trách nhiệm vụ tấn công tự sát ở Kabul
Thu Hằng
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đứng ra nhận trách nhiệm hai vụ tấn công tự sát và xả súng gần sân bay Kabul, Afghanistan, chiều tối 26/08/2021. Số nạn nhân loạt khủng bố tiếp tục tăng, với 85 người chết và hơn 160 người bị thương, theo thống kê tạm thời ngày 27/08. Đây cũng là loạt tấn công đẫm máu nhất vào quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan từ năm 2011, vì có đến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Nhóm Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan (IS-K), một chi nhánh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khẳng định một trong số chiến binh của lực lượng khủng bố này đã đến sát gần « quân nhân Mỹ khoảng 5 mét » trước khi kích hoạt đai thuốc nổ. Ngoài 13 quân nhân Mỹ tử vong còn có 18 người khác bị thương, theo thông báo của Lầu Năm Góc. Phía quân Taliban cũng có ít nhất 28 người thiệt mạng và 52 người bị thương.
Một cựu quan chức Afghanistan cho AFP biết « trong số các nạn nhân còn có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Đa số người dân choáng váng, hoảng sợ ». Một số đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nhiều thi thể nằm trong một kênh nước. Xe cấp cứu liên tục chở người bị thương đến các bệnh viện ở thủ đô, thậm chí, một số người bị thương được chở bằng xe cút-kít công trường.
Đặc phái viên RFI Vincent Souriau thuật lại tình hình ở Kabul :
« Tối hôm qua (26/08) sau hai vụ tấn công khủng bố, có thể cảm thấy áp lực rất lớn đang đè nặng, đặc biệt là đối với phe Taliban, vì trên nguyên tắc, Taliban là lực lượng duy trì an ninh ở Kabul, họ nắm giữ các trạm gác được cho là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố.
Họ rất căng thẳng và bị bồi thêm một vụ nổ khác trong đêm. Chúng tôi nghe thấy rõ tiếng nổ đó dù ở cách xa sân bay vài kilomét. Sau đó, người phát ngôn của Taliban đã nhanh chóng trấn an trên mạng xã hội rằng: « Không có gì phải lo sợ ». Vẫn theo nhân vật này, vụ nổ mới là do quân đội Mỹ phá hủy một phần thiết bị trước khi rút đi.
Hoa Kỳ nói là có kế hoạch, được thiết kế để tiến hành lúc nguy kịch. Nhưng trên thực tế, có một điểm yếu lớn ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này là phải hộ tống được hàng trăm người từ trung tâm thành phố đến sân bay. Cho đến nay, họ vẫn sử dụng xe buýt để chở. Nhưng những chiếc xe này rất dễ bị tấn công, vì khi dừng lại ở cửa vào sân bay, những xe này phải xếp hàng chờ kiểm tra an ninh, để quân nhân Mỹ rà dưới gầm từng xe. Việc này cần thời gian và chính trong lúc này, những kẻ thánh chiến tận dụng để tấn công.
Tôi chưa quay lại sân bay từ tối hôm qua (26/08), nhưng tôi cho rằng lực lượng Mỹ thắt chặt hơn biện pháp kiểm tra an ninh ».
Di tản: Mỹ tiếp tục, nhiều nước phương Tây ngừng
Từ ngày 15/08, khi Taliban chiếm được Kabul, các nước phương Tây đã di tản hơn 100.000 người khỏi Afghanistan. Ba nước Anh và Tây Ban Nha thông báo chấm dứt hoạt động sơ tán ngày 27/08.
Trước đó, Pháp cũng cho biết chấm dứt các chuyến bay đưa người di tản khỏi Afghanistan vào tối 27/08, nhưng không loại trừ khả năng kéo dài chiến dịch di tản đến sau thời điểm này, theo lời Quốc vụ khanh đặc trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune sáng nay. Đức cũng thông báo đã đưa hết quân nhân và nhân viên ngoại giao của nước này khỏi Afghanistan vào ngày 26/08. Còn Úc đã hồi hương những quân nhân cuối cùng chỉ một ngày trước khi xảy ra loạt tấn công khủng bố sân bay Kabul.
Afghanistan: Phương Tây và Taliban có thể phối hợp chống IS?
Thu Hằng
Những lời báo động của Mỹ và nhiều nước châu Âu về nguy cơ khủng bố ở sân bay Kabul đã thành hiện thực. Tối 26/08/2021, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan IS-K đã nhắm vào đám đông hàng nghìn người chờ được di tản để gieo rắc kinh hoàng. Lực lượng Taliban cũng lên án loạt tấn công này.
Trả lời đài RFI, nhà nghiên cứu Pháp Adam Baczko, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI), trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris, cho rằng có lẽ phương Tây và lực lượng Taliban sẽ hợp tác để chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đặc biệt sau khi Mỹ và phương Tây rút hết quân khỏi Afghanistan :
« Giữa các nước phương Tây và lực lượng Taliban có chung bận tâm chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từng dụ dỗ nhiều chiến binh của Taliban đào ngũ. Taliban rất lo lắng về sự xuất hiện của quân khủng bố ở Afghanistan, tương tự như các nước phương Tây.
Chúng ta từng thấy có nhiều lần hợp tác kỳ lạ trên thực tế giữa quân đội của chế độ trước đây, quân Taliban và lực lượng Hoa Kỳ để oanh kích tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Qua đó có thể thấy là trong trường hợp mà hai bên phần nào có chung lợi ích, thì không phải là không thể có những kiểu hợp tác giữa quân Taliban và lực lượng tình báo phương Tây.
Với thời gian, các nước phương Tây cần và họ có một số vũ khí để gây sức ép với Taliban, trong khi lực lượng này cũng cần đến sự trợ giúp của quốc tế và muốn được công nhận. Ngược lại, Taliban tuy có năng lực trên thực địa nhưng cũng ở thế yếu, yếu hơn là chúng ta hình dung khi họ lên nắm quyền. Tôi không đi vào chi tiết, nhưng họ sẽ phải gánh rất nhiều trách nhiệm, phải đáp ứng nhu cầu và trông đợi của người dân. Vì vậy, hiện họ đang ở thế yếu mà phương Tây có thể khai thác ».