Rồi sẽ có ngày đơm hoa kết trái – Trâm Anh

Buổi sáng ngủ dậy, ánh sáng mặt trời đã le lói qua màn cửa. Kéo hẳn tấm màn Roman lên để ánh sáng lùa hẳn vào phòng, khí lạnh còn sót lại của đêm đông dường như tan biến hẳn. “Đã thấy xuân về với gió đông”, trời đang ấm dần lên, cây lá đâm chồi non xanh mướt, những búp hoa mạnh mẽ hứa hẹn sẽ nở ra những bông hoa tươi đẹp.

Ở góc vườn, những đóa Trà hoa nữ vẫn đỏ tươi dù đã cuối mùa. Nhẹ nhàng, những cánh mộc lan tỏa ngát như sen cũng lung linh được hai, ba tuần rồi đó. Những cánh trắng hồng mảnh mai của hoa quince tươi vui trong nắng bên hàng rào gợi nhớ những ngày xuân của Việt Nam thủa nào. Trên giàn, tử đằng và nhài đang ra nhiều búp, thấp thoáng cũng có vài đóa hoa nhài trắng vừa lung linh hé nở. Hoa lá trong vườn như theo tháng ngày, đến hẹn lại lên.

Năm nay, vườn nhà lại thêm sắc với ba chậu hoa đào được tặng từ năm ngoái để trí tưởng tượng phong phú đưa cô bay tới đảo đào hoa của Hoàng Dung trong Thần điêu đại hiệp. Mỗi sáng, cô lại ra sân ghé mắt xem những nụ đào đã nở đến đâu và thích thú khi phát hiện ba cây đào có màu khác nhau, màu hồng phấn, màu hồng xác pháo và đặc biệt hơn, có hai màu trắng hồng trên cùng một hoa.

Nhưng hôm nay, ngoài những hoa lá dễ thương quen thuộc trong vườn, ở khoảnh đất ven đường trước nhà, đã nở rộ những bông hoa be bé vừa trông giống hoa đào, vừa giống hoa táo, mỏng manh thật đẹp.

Cô không biết cây này tên gì. Lúc nhận về làm “con nuôi”, cây đang trụi lá. Người cho cây không thích trồng với lý do lá của cây màu nâu chứ không phải màu xanh, nhưng “bỏ thì thương, vương thì tội”, thế là nhắn tin trong group trồng cây xem có ai muốn đem về trồng không. Lúc ấy tự nhiên lại thấy thương thương, chẳng lẽ vì màu lá mà em ấy có nguy cơ bị “trảm”, thế là hai vợ chồng nhận em ấy về làm “con nuôi”. Mấy tháng trước, cô tỉa tém tóc tai em ấy thật gọn gàng, trông hình dáng cũng đặng lắm. Sáng nay, các bông hoa mảnh mai xinh xinh thi nhau đua nở, lung linh từ xa như những vì sao trên nền lá nâu thẫm. Được nuôi dưỡng, em đã không thành những nhánh củi khô, mà đã tích tụ nhựa sống để giờ đây khoe sắc cùng với muôn loài.

Nhân câu chuyện “con nuôi” của cây, cô bỗng liên tưởng đến một chuyện “con nuôi” của người. Câu chuyện của cô bé vận động viên bơi lội mất cả đôi chân.

Haven Shepherd, sinh ra ở Việt Nam với cái tên Đỗ thị Phương, bị mất hai chân khi bố mẹ cô tự sát bằng chất kích nổ vì nghĩ chuyện ngoại tình của họ sẽ không được xã hội chấp nhận. Haven mất cha mẹ và mất đôi chân. Vì quá nghèo, ông bà không thể nuôi cháu nên đưa cô vào trại trẻ mồ côi. 20 tháng tuổi, Haven được gia đình Shepherd, một gia đình có 6 đứa con, từ Missouri nhận làm con nuôi. Ông bà Shelly và Rob Shepherd biết đến Hayven qua tổ chức Touch a life dành cho trẻ vô gia cư. Mặc dầu ông Rob rất đắn đo về việc nhận con nuôi, nhưng khi thấy cô lần đầu tiên, ông có cảm tình với cô bé ngay lập tức và cảm thấy không phải ông bà chọn cô làm con nuôi, mà chính cô có cơ duyên về làm con của ông bà. Kể từ đó cô học cách sử dụng đôi chân giả và gắn bó với môn bơi lội từ năm 10 tuổi. Không lâu sau, cô trở thành vận động viên bơi lội trong đội tuyển Paralympic Games của Mỹ.

Mơ ước được trở thành vận đông viên thay vì học piano đã trở thành hiện thực, không những thế, cô còn tham gia làm người mẫu và thường xuyên đến bệnh viện để giúp đỡ cho người khuyết tật, động viên họ nên chấp nhận khuyết điểm của mình, bỏ qua những tự ti để sống một cuộc đời bình thường. Ban đầu Hayven chơi bóng rổ, nhưng bơi lội mới là môn thể thao cô ưa thích. Cô cảm thấy mình được tự do, không bị bó buộc khi tháo đôi chân giả ra để hòa mình vẫy vùng cùng dòng nước.

Mùa hè năm 2018, Haven bay sang Italy cùng đội tuyển Paralympic Mỹ, mang về 2 tấm Huy chương vàng đồng đội.

Và lúc này, Paralympic Tokyo 2020 đang xảy ra, hãy theo dõi để xem Hayven đang cùng đồng đội của mình sẽ đem thành tích gì cho đội tuyển Mỹ.

Cuộc đời của Hayven với những cố gắng và thành tích vượt bậc đáng ngưỡng mộ, nếu không có tấm lòng nhân ái của ba mẹ nuôi đưa tay ra đón nhận, không biết cô có môi trường để phát triển như hiện nay?

Từ cây cỏ, đến con người, nếu không nhìn những khiếm khuyết như là một cản trở, mà giang rộng vòng tay đón nhận  chăm sóc với tình yêu thương, chắc chắn sẽ mang lại cơ hội phát triển, và từ đó sẽ có ngày đơm hoa kết trái, ngào ngạt hương thơm .

Trâm Anh

29/8/20

Related posts