Sài Gòn dừng cấp giấy nhận diện phương tiện
VnExpress – Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dừng cấp giấy nhận diện cho xe chở hàng, công nhân, chuyên gia, để các đơn vị đăng ký tự động qua phần mềm của Tổng cục đường bộ.
Cụ thể, các đơn vị, chủ xe vận tải hàng hóa thực hiện việc đăng ký, sử dụng giấy nhận diện có mã QR Code đều tại địa chỉ vantai.drvn.gov.vn theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Việc đăng ký để nhận giấy nhận diện này được thực hiện tự động. Các sở giao thông vận tải không phê duyệt như trước đây.
Từ nay, Sở Giao thông vận tải dừng tiếp, cấp giấy nhận diện có mã QR Code cho xe vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua các đơn vị đầu mối.
Ngoài ra, các xe vận chuyển công nhân, chuyên gia thì căn cứ hướng dẫn của Công an TP để khai triển thực hiện (xe chở nhân viên cơ quan, doanh nghiệp không được cấp mã QR phải có một người ngồi trên xe có giấy đi đường theo quy định. Người ngồi trên xe phải có giấy tờ chứng minh cùng cơ quan, công ty, doanh nghiệp…). Người lái xe và người đi cùng trên xe phải khai báo y tế trước khi tham gia giao thông.
Để người dân sống ‘vất vưởng trên cầu’ trong lúc dịch bệnh, giới chức Thái Bình lên tiếng
Ngày 29/8, mạng xã hội chia sẻ hàng loạt hình ảnh, video người dân mắc kẹt trên cầu Triều Dương thuộc quốc lộ 39A (nối huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên với huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) do không thể qua cầu vào tỉnh Thái Bình.
Nguyên do được cho là những người này về từ các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên tỉnh Thái Bình không cho vào.
Theo những hình ảnh được đăng tải, có cả người lớn, trẻ em, họ đang sống với cảnh chen chúc, màn trời chiếu đất, giữa dịch COVID-19, có người căng những tấm bạt tạm bợ để che mưa nắng.
Khi những hình ảnh được đăng tải, nhiều người không tin đây là sự thật, có người chất vấn và chỉ trích tại sao chính quyền địa phương không sắp xếp cho họ đi cách ly mà để họ sống như vậy.
Sau khi dư luận phản ánh, chiều 30/8, trả lời phóng viên báo VTC, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà (Thái Bình) xác nhận sự việc nêu trên.
Theo ông Dương, từ 29/8, tại khu vực cầu Triều Dương, nhiều người dân trở về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Ông Dương cho biết huyện thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Thái Bình “ai ở đâu ở yên đó”. Do vậy, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Thái Bình tại cầu Triều Dương không cho những người từ vùng dịch vào tỉnh.
Theo chỉ đạo của tỉnh, trong ngày 30/8, Chốt kiểm soát đang điều tra lịch trình di chuyển, xem xét cụ thể các trường hợp ưu tiên như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật để báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh.
Ông Dương nói rằng nếu được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thái Bình chấp thuận thì người của huyện nào sẽ được tiếp nhận về huyện đó để cách ly tập trung theo quy định. Những người khác được lực lượng chức năng tuyên truyền vận đồng trở lại nơi xuất phát để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Lâm Đồng: 2 người cao tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin
Trithucvn – Tối 30/8, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Thuận đã ký văn bản số 1720 cung cấp thông tin về 2 trường hợp người cao tuổi ở huyện Đức Trọng tử vong sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 Moderna.
Theo văn bản 1720, trường hợp tử vong thứ nhất là ông N.A. (78 tuổi, ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng), được tiêm vắc-xin mũi 1 vào ngày 6/8, đến ngày 28/8 được tiêm mũi 2, cùng loại vắc-xin Moderna, số lô 067d21a.
Trước tiêm, ông A có tiền sử bị ung thư phổi, suy tim độ 3, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy kiệt.
Khoảng 3h ngày 30/8, ông A. tử vong tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng với chẩn đoán viêm phổi, choáng tim, ung thư phổi, suy tim độ 3, thiếu máu cơ tim cục bộ.
Trường hợp tử vong thứ hai là bà N.T.L. (73 tuổi, ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), được tiêm vắc-xin mũi 1 vào ngày 6/8, đến ngày 28/8 được tiêm mũi 2, cùng loại vắc-xin Moderna, số lô 067d21a.
Trước tiêm, bà L. có tiền sử tăng huyết áp độ 3, đái tháo đường type II. 5h ngày 30/8, người nhà thông báo cho ngành y tế bà L. tử vong tại nhà.
Về nguyên nhân tử vong, trong ngày 30/8, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế biết: “Hai ca bệnh trên đều tử vong sau 36h tiêm vắc-xin, không có biểu hiện mẩn ngứa, nổi mề đay, khó thở, sốc phản vệ, ăn uống, sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện phản ứng sau tiêm vắc-xin trong 24h đầu”.
“Nguyên nhân hai bệnh nhân tử vong nghi do các bệnh lý nền”, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Lâm Đồng kết luận.
Sài Gòn chia Bình Dương 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm
Tienphong – Tối 30/8, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đã thống nhất chủ trương triển khai tiêm vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất nhằm đạt được chủ trương miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh số ca mắc liên tục ghi nhận 4 con số mỗi ngày qua.
Vừa qua, Sài Gòn là địa phương được ưu tiên phân bổ vắc-xin. Tổng số mũi vaccine TP HCM đã triển khai tính đến ngày 28.8 là 5.806.990 liều. Hiện TP.HCM đang sử dụng vắc-xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Sinopharm. Nhiều người dân thành phố thời gian qua cho biết họ không muốn tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc nên số vaccine này còn dư khá nhiều.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết thêm, Sài Gòn chia sẻ 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm .
Dự kiến, vào đầu tháng 9 Sở Y tế Bình Dương sẽ tiếp nhận và bắt đầu triển khai tiêm cho người dân loại vắc-xin của Trung Quốc.
Cục Hàng không yêu cầu các hãng ‘dừng bán vé đường bay nội địa’
VnExpress – Chiều 30/8, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa cho tới khi có thông báo mới; hoàn trả tiền vé đã bán sau ngày 21/7 tới nay.