Tin thế giới sáng thứ Tư

Covid-19: Khủng hoảng dịch tễ tiêu tốn của Pháp hơn 240 tỷ euro

Minh Anh

Bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Pháp Bruno Le Maire họp báo tại Bercy, trụ sở của bộ, Paris, Pháp, ngày 30/08/2021. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 30/08/2021 cho biết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Pháp đã chi ra tổng cộng hơn 240 tỷ euro để chống chọi với khủng hoảng.

Cụ thể, nước Pháp đã dành 80 tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và 160 tỷ cho các khoản vay do Nhà nước bảo đảm (PGE). Trước tình hình kinh tế khởi sắc trở lại, bộ trưởng Kinh Tế Pháp thông báo chấm dứt chương trình hỗ trợ bằng « bất cứ giá nào », vốn đã chiếm đến 9,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chuyển sang mô hình hỗ trợ theo « từng mục » cho các doanh nghiệp.

Theo AFP, sau cuộc họp với lãnh đạo các nghiệp đoàn của các ngành thương mại, du lịch và tổ chức các sự kiện, vốn dĩ bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, ông Bruno Le Maire cho biết sẽ triển hạn thêm một tháng Quỹ Liên đới cho đến cuối tháng 09/2021, nhưng với những điều kiện mới nhằm tránh trường hợp « lạm dụng » sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trang mạng La Depeche cho biết Pháp chưa phải là quốc gia hào phóng nhất. Mức chi tiêu của Pháp chỉ ở mức trung bình so với các nước quốc gia châu Âu láng giềng. Cụ thể, Ý – quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của trận đại dịch – đã phải chi ra hơn 405,6 tỷ euro, trong đó có gần 183 tỷ dành cho các biện pháp khẩn cấp, và gần 223 tỷ euro cho kế hoạch phụ hồi kinh tế. Mức chi này tương ứng với 22,7% GDP của Ý.

Về phần Tây Ban Nha, nước này đã tiêu tốn hơn 172,1 tỷ euro kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chiếm đến 13,8% GDP. Với mức chi hơn 240 tỷ, Pháp chỉ nhỉnh hơn Đức, với ngân sách dành cho đại dịch chiếm 8,3% của GDP.

Bắc Kinh đòi các tàu phải khai báo khi đi qua “lãnh hải” Trung Quốc

Thụy My

Trung Quốc đòi độc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Ảnh minh họa. AFP

Cuối tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố kể từ ngày 01/09/2021, tức là chỉ vài ngày sau khi thông báo, các tàu nước ngoài đi qua vùng biển được coi là « lãnh hải » của Trung Quốc phải khai báo các thông tin chi tiết.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải cung cấp các thông tin khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc. Ngoài ra, « các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc » cũng phải tuân thủ quy định này.

Những tàu này phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu nguy hiểm và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.

Trang The Interpreter của Lowy Institute có trụ sở tại Úc cho biết, việc dung hòa giữa vấn đề an toàn và tự do hàng hải đã được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo công ước này, các quốc gia ven biển không được ngăn trở tàu ngoại quốc đi qua vô hại trong lãnh hải của mình, trừ trường hợp đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các hoạt động vũ trang.

Vấn đề ở đây là khái niệm « lãnh hải » của Bắc Kinh. Theo điều 2 Luật Biển và vùng tiếp giáp của Trung Quốc ngày 25/02/1992, « vùng lãnh hải » là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, mà lãnh thổ đó được cho là bao gồm cả Đài Loan và các nhóm đảo khác như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa). Có nghĩa là nằm trong « đường lưỡi bò » mà Bắc Kinh tự vẽ, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông.

Một điểm nhập nhằng khác là chiến hạm các nước nhất là của Mỹ có thể bị diễn giải là « tàu gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc ».

Hiện chưa biết Trung Quốc tìm cách áp đặt quy định mới như thế nào, và cộng đồng quốc tế phản ứng ra sao. Nhưng nếu không bảo đảm quyền đi qua vô hại vốn được Hoa Kỳ rất coi trọng, Bắc Kinh có thể gây thêm căng thẳng tại Biển Đông.

Phát hiện mới về chủ quyền Hoàng Sa
Riêng về yêu sách chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, nhà nghiên cứu Bill Hayton của Anh hôm 26/08 đã công bố một phát hiện mới. Đó là bản dịch sang tiếng Anh một lá thư từ năm 1899 của Tổng lý Nha môn, tức bộ Ngoại Giao của triều đình Mãn Thanh, xác nhận Hoàng Sa nằm ở vùng khơi xa, có nghĩa là không thuộc về Trung Quốc.

Tư liệu mới này bổ sung cho nghiên cứu trước đây của bà Monique Chemillier-Gendreau trích từ văn khố Pháp, nêu vài trường hợp từ thế kỷ 19. Hai chiếc tàu Bellona của Đức và Imegi Maru của Nhật chở nguyên liệu đồng được các hãng Anh bảo hiểm, đi qua Hoàng Sa năm 1895-1896 bị ngư dân Trung Quốc cướp. Trả lời bộ Ngoại Giao Anh, các viên chức Hải Nam bác bỏ mọi liên can, nói rằng Hoàng Sa là hoang đảo không thuộc chủ quyền Trung Quốc.


Covid-19 : Các nhà khoa học Nam Phi theo dõi một biến thể lạ

Thụy My

Một trạm tiêm chủng ở Soweto, Nam Phi, ngày 20/08/2021. AP – Denis Farrell

Tại Nam Phi, các nhà khoa học đang quan sát một biến thể mới của virus corona có tỉ lệ đột biến bất thường và đang tăng lên trong những tháng vừa qua. AFP dẫn thông báo của Viện quốc gia Nam Phi về các bệnh truyền nhiễm (NICD) hôm 30/08/2021 cho biết như trên.

Biến thể này được biết dưới tên C.1.2., do Chương trình tìm kiếm, sáng tạo và giải mã của Kwazulu Natal (KRISP) cảnh báo vào tuần trước, trong một nghiên cứu chưa được công bố.

Trong khi đa số trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Nam Phi hiện do biến thể Delta gây ra, C.1.2. khiến các nhà khoa học chú ý vì virus này có tỉ lệ đột biến cao gần gấp đôi so với các biến thể khác.

Cho đến nay, C.1.2. được phát hiện ở tất cả các tỉnh của Nam Phi và những nơi khác trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc, Maurice, New Zealand và Anh. Tuy nhiên, C.1.2 không phổ biến đến mức có thể được coi là « biến thể đáng ngại » như biến thể Delta (xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ) và biến thể Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi), cả hai đều có tỉ lệ lây nhiễm rất cao.

Các nhà khoa học của NICD nói là hiện chưa đủ dữ liệu để biết được C.1.2. phản ứng như thế nào trước kháng thể, nhưng tin rằng các loại vac-xin đang có tại Nam Phi tiếp tục bảo vệ được người đã tiêm chủng, tránh chuyển sang thể nặng và tử vong.

Nam Phi là nước bị Covid hoành hành nhiều nhất tại châu Phi, với 2,7 triệu ca dương tính và 81.830 người chết vì virus corona. Biến thể Beta là thủ phạm gây ra đợt dịch thứ hai từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2021, và nay Nam Phi phải đối mặt với đợt dịch thứ ba chủ yếu do biến thể Delta.


Bão Ida gây thiệt hại nặng cho Louisiana, 16 năm sau Katrina

Thụy My

Một ngôi nhà ở New Orleans, Louisiana, Mỹ, bị bão Ida đánh sập, ngày 30/08/2021. © REUTERS – MICHAEL DEMOCKER

Tại Hoa Kỳ, thành phố New Orleans, bang Louisiana, hôm 31/08/2021 vẫn chìm trong bóng tối và tình trạng này có thể kéo dài. Đó là một trong những hậu quả của cơn bão Ida, hiện đã làm 2 người thiệt mạng : một người đàn ông 60 tuổi bị cây đổ làm sập nhà và một người khác chết đuối khi cố lái xe qua vùng lụt.

Mười sáu năm sau trận bão Katrina, chính quyền đã chuẩn bị tốt hơn và dân chúng được sơ tán hàng loạt, tuy nhiên thiệt hại vẫn nặng nề. Từ Houston, thông tín viên RFI tại khu vực, Thomas Harms cho biết thêm chi tiết :

« Louisiana mất cả một ngày để thống kê những vết thương, trước khi băng bó lại. Hàng trăm gốc cây bị bật rễ, những mái nhà bị sụp đổ hoặc bị thổi bay đi, những chiếc xe hơi bị nước cuốn trôi…

Mạng điện thoại di động và lưới điện cũng không hoạt động tại khu vực New Orleans. Đa số đường cáp không được chôn dưới đất mà giăng qua các cột điện, trong khi nhiều cột đã bị đổ. Theo thống đốc Louisiana, ông John Bel Edwards, có thể phải chờ đợi nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, mới có điện trở lại.

Nói chuyện với tổng thống Joe Biden qua điện thoại, thống đốc Edwards cho biết : ‘‘Thiệt hại thật khủng khiếp, và cần phải có thời gian để khắc phục. Ông đã nói đến việc điện bị cúp, điều đó rất quan trọng đối với chúng tôi. Tôi cho rằng có gần hai triệu người hiện đang bị mất điện’’.

Tình hình càng trầm trọng hơn khi tại các bang miền nam nước Mỹ, mùa hè rất nóng bức, nhiệt độ thường vượt quá 35°C. Có ít nhất ba bệnh viện phải sơ tán vì thiếu điện.

Các đội cứu hộ phải hoạt động suốt cả ngày. Vệ binh quốc gia đã cứu được gần 200 người gặp nguy hiểm, phải leo lên nóc nhà hoặc gác xép để tránh lụt. Nước lũ vẫn tràn ngập, đặc biệt ở phía nam New Orleans, Laplace và Lafitte ».

Liên hoan điện ảnh Venise công chiếu hơn 70 phim

Tuấn Thảo

Tượng sư tử vàng, biểu tượng của thành phố Venise, nơi diễn ra LHP Venise lần thứ 78 tại Venice Lido, Ý, từ ngày 01 đến 11/09/2021. © AP – Joel C Ryan

Liên Hoan Phim Quốc tế Venise lần thứ 78 sẽ khai mạc vào ngày 01/09/2021 dưới sự chủ trì của đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng Bong Joon-Ho. Trong vòng hơn 10 ngày, liên hoan Venise, còn được gọi là Mostra, sẽ giới thiệu 72 bộ phim từ 59 quốc gia trên thế giới, trong đó có 21 phim tranh giải Sư tử vàng, 19 phim chiếu trong hạng mục Toàn cảnh Orizzonti và khoảng 30 tác phẩm còn lại được giới thiệu trong các chương trình song song.

Có thể nói là năm nay, Liên hoan phim Venise tìm lại vầng hào quang sáng chói sau hơn một năm đại dịch. Vào năm ngoái, Venise, với uy tín liên hoan phim quốc tế lâu đời nhất, đã duy trì một phiên bản thu gọn bất chấp dịch Covid-19. Rốt cuộc, giải Sư tử vàng đã được trao tặng cho tác phẩm điện ảnh Mỹ “Nomadland” (Kẻ du mục), thế nhưng cả đoàn làm phim gồm nữ đạo diễn Chloé Zhao (Triệu Đình) và nữ diễn viên chính Frances McDormand đều đã không có mặt để nhận giải từ tay ban giám khảo. Năm nay, cho dù các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì, nhưng bầu không khí có vẻ nhẹ nhàng, dễ thở hơn.

Mười ngày chiếu phim do khoảng 60 nước hợp tác sản xuất
Kể từ ngày mai cho đến 11/09/2021, nhiều ngôi sao màn bạc trong các kiểu áo dạ hội lộng lẫy hào nhoáng sẽ xuất hiện trên thảm đỏ theo lời mời của ban tổ chức, từ thần tượng điện ảnh Kristen Stewart đến Venise để giới thiệu bộ phim của Anh quốc ‘‘Spencer’‘ kể lại cuộc đời của Lady Diana do đạo diễn người Chile Pablo Larraín thực hiện, cho đến các tên tuổi được chờ đợi như Kirsten Dunst, Benedict Cumberbatch hay Penelope Cruz ,có mặt trong đêm khai mạc bên cạnh đạo diễn lừng danh Pedro Almodovar để giới thiệu tác phẩm ”Madres Paralelas”.

Chủ tịch ban giám khảo Venise năm nay là đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-Ho từng đoạt Cành cọ vàng tại Cannes năm 2019 và giải Oscar 2020 dành cho tác phẩm điện ảnh hay nhất ”Parasite” (Ký sinh trùng). Cùng với các thành viên khác trong ban giám khảo, ông sẽ xem và bình chọn Sư tử vàng trong số 21 bộ phim tranh giải, trong đó có phim Anh, Đức, Bỉ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Israel, Ba Lan, Nga, Estonia, Hoa Kỳ, Mêhicô hay Argentina… Châu Á năm nay chỉ có một đại diện duy nhất đi tranh giải là đạo diễn người Philippines Erik Matti với bộ phim ”On The Job : The Missing 8”.

Ý, nước chủ nhà, có mặt trong chương trình tranh giải chính thức năm 2021 với 4 bộ phim khác nhau, trong đó đáng chủ ý nhất vẫn là tác phẩm ”È Stata La Mano di Dio” (Trong bàn tay của Thượng Đế) của đạo diễn kỳ cựu  Paolo Sorrentino hay là tác phẩm ”America Latina’‘ (Châu Mỹ La Tinh) của hai anh em đạo diễn trẻ tuổi Damiano & Fabio D’innocenzo …

Các tác phẩm quan trọng đi tranh giải Sư tử vàng

Về phía Pháp, có 3 bộ phim được chiếu trong chương trình tranh giải : ”Un Autre Monde” (Một thế giới khác) của Stéphane Bruzé với Vincent Lindon trong vai chính, bộ phim ”L’événement” (Biến cố) của nữ đạo diễn người Pháp gốc Liban Audrey Diwan và nhất là tác phẩm ”Illusions Perdues” (Ảo tưởng biến tan) với Vincent Lacoste và Gérard Depardieu trong vai chính, do dạo diễn Xavier Giannoli phóng tác từ tác phẩm văn học cùng tên trong bộ tiểu thuyết ”Tấn trò đời” (La Comédie Humaine) của văn hào Pháp Balzac.

Về phía tập đoàn Netflix, nền tảng trực tuyến này luôn luôn tìm kiếm sự công nhận của giới chuyên ngành điện ảnh, hy vọng củng cố uy tín của mình về mặt sáng tạo và qua đó hợp tác sản xuất các bộ phim có đủ tiêu chuẩn để đưa đi tranh giải tại các liên hoan quốc tế.

Năm nay, Netflix tham gia Venise với hai tác phẩm tranh giải Sư tử vàng, ngoài tác phẩm “Trong bàn tay của Thượng đế’‘ của Paolo Sorrentino, còn có bộ phim ”The Power of the Dog” với Kirsten Dunst và Benedict Cumberbatch trong vai chính. Phim này được rất nhiều người chờ đợi do tác phẩm đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của nữ đạo diễn người New Zealand Jane Campion, từng đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes vào năm 1993, với bộ phim ‘‘The Piano” (Bài học dương cầm).

Trong suốt 18 tháng qua, Netflix đã trỗi dậy mạnh mẽ so với các hãng phim truyền thống, nhờ cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến trong mùa dịch. Tuy nhiên, Netflix vẫn chưa có cơ hội dấn thân vào các sân chơi điện ảnh quốc tế : liên hoan Cannes vẫn không chịu cho phim của Netflix dự thi, do đa số phim Netflix không được phát hành cho các màn ảnh lớn hay tại các rạp phim. Trong khi đó, liên hoan Venise lại hé mở cánh cửa cho Nettflix, dựa vào các dự án hợp tác với nền tảng này để tạo ra nét khác biệt của mình so với hai liên hoan điện ảnh quốc tế kia là Berlin và Cannes.

Với bề dày lịch sử hiếm thấy, Venise là liên hoan lâu đời nhất trong làng điện ảnh quốc tế, từng tiếp đón hàng loạt tên tuổi huyền thoại của làng nghệ thuật thứ 7 như Luchino Visconti, Akira Kurosawa, Martin Scorsese, Orson Welles, Ingrid Bergman, Ava Gardner, Claudia Cardinale hay Marlon Brando…

Kể từ năm 2011 trở đi, nhà phê bình điện ảnh người Ý Alberto Barbera được bổ nhiệm làm chủ tịch Liên hoan Venise. Trong vòng một thập niên liền, từ năm 2011 đến năm 2021, ông đã cố gắng không ngừng biến Venise thành một tủ kính trưng bày hấp dẫn.

Venise lên ngôi dưới thời Alberto Barbera
Nếu như liên hoan Berlin được biết đến nhờ các tác phẩm ”dấn thân” chính trị, còn Cannes nổi tiếng nhờ các tác phẩm gây tranh cãi do giàu tính thử nghiệm (điển hình là tác phẩm mới ”Titane” của nữ đạo diễn Julia Ducournau đoạt Cành cọ vàng năm 2021), thì ngược lại, dưới thời của ông Alberto Barbera, liên hoan Venise lên ngôi nhờ biết kết hợp hài hòa nhiều xu hướng điện ảnh khác nhau, kể cả phim thương mại mang tính đại chúng hay phim nặng tính nghệ thuật, kén chọn khán giả, do đôi khi khó hiểu.

Tại Venise năm nay, bộ phim với kinh phí cao được giới phê bình lẫn công chúng chờ đón là tác phẩrm khoa học viễn tưởng ”Dune” (Hành tinh cát) do đạo diễn Canada Denis Villeneuve phóng tác theo bộ trường thiên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Mỹ Frank Herbert. Ngoài ra còn có ”The Last Duel” (Trận đấu cuối cùng) của đạo diễn Ridley Scott, với sự đối đầu trên tột đỉnh của hai ngôi sao màn bạc người Mỹ Matt Damon và Ben Affleck.

Nhờ vào nỗ lực của chủ tịch Alberto Barbera mà Venise được mệnh danh là liên hoan ”tiền Oscar”, do có khá nhiều tác phẩm được vinh danh vào tháng 9 hàng năm tại Venise, để rồi khoảng 5 tháng sau, đoạt những giải thưởng cao quý nhất nhân kỳ trao giải thưởng điện ảnh Oscar của Mỹ. Đó từng là trường hợp của bộ phim ”Joker” của đạo diễn Todd Phillips với Joaquin Phoenix trong vai chính, phim được Venise trao giải Sư tử vàng vào mùa thu năm 2019.

Một năm sau đó, đến phiên Nomadland của nữ đạo diễn Chloé Zhao (Triệu Đình) được xướng tên trên bảng vàng liên hoan Venise 2020. Cả hai tác phẩm này sau đó đã được giới chuyên ngành ở Hoa Kỳ bình chọn làm tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong năm.

Trong trường hợp ban giám khảo liên hoan Venise năm nay quyết định trao giải cho một bộ phim mà ngôn ngữ chính không phải là tiếng Anh, cũng có khá nhiều khả năng phim được đưa đi đề cử nhân kỳ các giải thưởng quốc tế trong hạng mục phim nước ngoài. Kể từ ngày mai 01/09, Venise chính thức triển khai cuộc ”săn lùng’‘ Sư tử vàng. 

Related posts